Archives du mot-clé người mang nghệ thuạt truyền thống việt nam ra khắp thế giơí

NGUYỄN THỊ MỸ DUNG : GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ: NGƯỜI MANG NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM (trong đó có đờn ca tài tử) RA KHẮP THẾ GIỚI

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ:

NGƯỜI MANG NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM (trong đó có đờn ca tài tử) RA KHẮP THẾ GIỚI

  1. Giáo sư Trần Văn Khê – Người chuyên tâm, tự nguyện giảng dạy, quảng bá nghệ thuật cổ truyền Việt Nam (trong đó có Đờn ca Tài Tử) trên mọi châu lục.
  2. Giáo sư Trần Văn Khê là người may mắn được sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại bốn đời có nhiều người trong giới nhạc truyền thống dân tộc và đều thích chơi Đờn ca Tài Tử.

Ông đã được nuôi dưỡng và sống trong bầu không khí của âm nhạc truyền thống, nhất là Đờn Ca Tài Tử.

  1. Giáo sư Trần Văn Khê tranh thủ mọi cơ hội để truyền bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam kể cả Đờn Ca Tài Tử.

– Năm 1959, tại Praha, Tiệp Khắc, Giáo sư Khê đã nói chuyện và tự minh họa về Nhạc Tài Tử Miền Nam. Nghe xong, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khen Ông là “nghệ nhân” về nhạc tài tử”. Năm 1960, ông được mời sang Thụy Sĩ nói chuyện âm nhạc Việt Nam tại 24 địa điểm khác nhau. Ông cũng được mời qua Anh nói về ứng tác, ứng tấu, cách “rao” mở đầu và đờn tùy hứng theo phong cách Đờn Tài Tử miền Nam Việt Nam. Cùng năm này, Giáo sư Trần Văn Khê được cử vào Ban Chấp hành của Hội đồng quốc tế âm nhạc. Từ đó, ông được mời đi dự Hội nghị quốc tế ở nhiều nơi, được mời đi thuyết trình, giảng dạy ở hơn 40 nước trên thế giới. Bất kỳ ở đâu và lúc nào, ông cũng tranh thủ mọi cơ hội để truyền bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ông khẳng định: “Âm nhạc Việt Nam cũng có một thực chất nghệ thuật, một thực chất khoa học. Nó là hoa thơm cỏ lạ của riêng mình mà các nước khác không có. Mình mang ra thế giới cho mọi người cùng thấy, cùng biết, cùng hiểu và từ đó họ tôn trọng mình. Bên cạnh đó mình góp phần làm giàu có thêm cho vườn hoa âm nhạc trăm hương nghìn sắc, muôn màu muôn vẻ của thế giới. Âm nhạc truyền thống Việt Nam rất độc đáo, nó có cá tính đẹp, có một giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhạc Việt Nam hát thì luyến láy, đờn thì nhấn nhá, đờn theo nguyên tắc “chân phương hoa lá” (nghĩa là thêm hoa lá vào những âm thanh chính của điệu thức). Khi mình đờn, bàn tay mặt mình sanh ra thanh, bàn tay trái mình tinh vi lắm, nó nhấn nhá, nuôi dưỡng thanh đó, biến thanh thành âm (mà theo cách nói dân gian thì bàn tay mặt là cái xác, bàn tay trái sanh ra cái hồn); hát thì truyền khẩu, đờn thì truyền ngón… Đó là những yếu tố đặc sắc trong âm nhạc mình làm cho người nghe thú vị!”.

Đặc biệt, trong hành trình truyền bá cái hay cái đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam thì nhạc Tài Tử luôn gắn liền với các buổi giới thiệu của GS Khê. Ông thường tự mình minh hoạ nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam thông qua các hơi – điệu khác nhau của nhạc Tài Tử trên các nhạc khí dân tộc như đờn Tranh, đờn Kìm, đờn Cò…

  1. Hãy giữ lấy “hồn cốt” của Đờn Ca Tài Tử:

Từ ngày về sống hẳn ở Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Khê luôn xuất hiện trên báo chí, truyền hình, hoạt động tích cực trong công tác điền dã, thuyết trình, giảng giải cho mọi đối tượng (già, trẻ, văn nghệ sĩ, học sinh…) về nghệ thuật truyền thống của dân tộc để thực hiện nhiều nhất ý nguyện của mình.

Giờ đây, mặc dầu đã ở tuổi 94, nhưng khi nói về nghệ thuật truyền thống dân tộc, Giáo sư vẫn vô cùng mẫn tiệp, rất hào hứng, say sưa và không kém phần nhiệt huyết. Ông ân cần căn dặn: “Hãy giữ lấy hồn cốt của đờn ca tài tử, tức là giữ lấy phong cách chơitính cách ngẫu hứng của đờn ca tài tử.

  1. Người xưa “chơi” đờn ca tài tử. Không ai gọi là “biểu diễn” đờn ca tài tử.

Phần đông cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian và nghiệp dư. Thực ra, “Tài tử” nghĩa là người-có-tài, (như trong câu: “Dập dìu tài tử giai nhân…”, “Tài tử giai nhân tế ngộ nan”…).

Người đờn Tài tử không dùng nhạc Tài tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn ca chơi. Dầu vậy, mà trình độ nghệ thuật của Đờn ca Tài tử không hề thấp. Muốn trở thành người Đờn Tài Tử đúng nghĩa, phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu.

Hiện nay phong cách chơi thực sự trong Đờn ca Tài tử rất ít được thấy vì đã bị phần nhiều sân khấu hóa! Vì vậy, cần phải đưa Đờn ca Tài tử về đúng với phong cách chơi vốn có của nó với tính cách ngẫu hứng giữa các Tài tử với nhau.

  1. Các nhạc khí dùng trong Đờn Tài tử đều giống như các nhạc khí dùng trong ca Huế.

Trong Nam, từ 1927-1930, có thêm hai cây đờn của phương Tây được dùng để đờn Tài tử là Mandoline và Violon. Sau có thêm hai nhạc khí khác nữa là Guitar Hạ-Uy-Di và Guitar Tây-Ban-Nha. Từ cây đờn của nước ngoài, nhạc công Viêt Nam đã biến thành cây Guitar phím lõm nói được trung thực và nhuần nhuyễn nhạc ngữ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong dàn nhạc Đờn ca Tài tử, cây đờn kìm là cây đờn giữ vị trí dẫn-dắt-các –nhạc-công, vì giai điệu của nó gần với lòng bản nhứt. Người đờn kìm lại là người giữ-song-lang (giữ nhịp) cho cả dàn nhạc.

Cây Guitar phím lõm vì có âm vực rộng, lên cao hay xuống thấp đều được nên nó làm cho dàn nhạc Đờn ca Tài tử phong phú, sôi động hơn, nhưng không vì thế mà để nó áp đảo và thay thế tất cả các nhạc khí truyền thống khác”.

 

– Nay Giáo sư đang quan tâm nhiều nhất đến vấn đề gì?

“Hơn nửa thế kỷ sống và dạy học tại Đại học Sorbonne-Pháp, được làm việc trong một môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp, khoa học và khách quan nên tôi tha thiết mong muốn:

+“Nên thay đổi cách dạy dỗ, truyền thụ về âm nhạc truyền thống Viêt Nam, trong đó có Đờn ca Tài tử: học theo phong cách Viêt Nam chớ không nên bắt chước theo lối dạy nhạc của phương Tây, vì không phù hợp với lối nhạc truyền thống của mình.

            +Đem những cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam (kể cả Đờn ca Tài tử) đã được người ngoài công nhận và thưởng thức- đến- với –công-chúng-Việt Nam đang còn cảm thấy tự-ti, mặc-cảm với âm nhạc truyền thống nước nhà, trong đó có đờn ca Tài tử.

            +Chương trình Giáo dục âm nhạc truyền thống có-chỗ-đứng-trong-xã hội Việt Nam, bằng cách là đưa âm nhạc truyền thống vào học đường; không phải để đào tạo cho các học sinh trở thành nghệ sĩ, mà quan trọng là giúp cho thế hệ trẻ có được một vốn hiểu biết căn bản về âm nhạc truyền thống Viêt Nam có những gì và âm nhạc truyền thống Việt Nam hay ở chỗ nào (kể cả đờn ca tài từ).

NGUYỄN THỊ MỸ DUNG

(Thực hiện)