HỮU THIỆN : DI CỐT GS TRẦN VĂN KHÊ AN VỊ TẠI BÌNH DƯƠNG

Di cốt GS Trần Văn Khê an vị tại Bình Dương

28/12/2015 00:20 GMT+7

TTO – Kiến trúc sư Trần Quang Minh – con trai thứ của GS Trần Văn Khê – đã chuyển hũ cốt của cố giáo sư từ nhà riêng của giáo sư tại TP.HCM tới an vị tại Linh Hoa Tuệ Đàn, thuộc Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Anh Trần Tri Hòa - con trưởng của KTS Trần Quang Minh, cháu đích tôn của GS Trần Văn Khê - thực hiện việc an vị hủ cốt của cố giáo sư tại Linh Hoa Tuệ Đàn, Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương - Ảnh: Hữu Thiện
Anh Trần Tri Hòa – con trưởng của KTS Trần Quang Minh, cháu đích tôn của GS Trần Văn Khê – thực hiện việc an vị hủ cốt của cố giáo sư tại Linh Hoa Tuệ Đàn, Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương – Ảnh: Hữu Thiện

Việc di chuyển hũ cốt diễn ra lặng lẽ trong sáng 26-12.

Đây là một quyết định được các con gái của cố GS Trần Văn Khê uỷ thác cho anh mình là KTS Trần Quang Minh thực hiện, căn cứ theo di nguyện của giáo sư về việc sau khi qua đời sẽ được hỏa táng, và hũ tro sẽ “trao cho các con cùng với Ban tang lễ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất”.

Gian tưởng niệm GS Trần Văn Khê do nhóm kiến trúc sư thân hữu của KTS Trần Quang Minh thiết kế, sau đó được Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương hoàn thành sau hai tháng thi công. Bức hoành phi ghi “Quang hưng quốc nhạc” theo ý của con trai ông - KTS Trần Quang Minh. Hai câu đối hai bên được trích từ hồi ký của GS Trần Văn Khê: “Dân ca nghiên cứu hàng trăm điệu/ Quốc nhạc trùng tu cả một đời” - Ảnh: Hữu Thiện
Gian tưởng niệm GS Trần Văn Khê do nhóm kiến trúc sư thân hữu của KTS Trần Quang Minh thiết kế, sau đó được Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương hoàn thành sau hai tháng thi công. Bức hoành phi ghi “Quang hưng quốc nhạc” theo ý của con trai ông – KTS Trần Quang Minh. Hai câu đối hai bên được trích từ hồi ký của GS Trần Văn Khê: “Dân ca nghiên cứu hàng trăm điệu/ Quốc nhạc trùng tu cả một đời” – Ảnh: Hữu Thiện

Được biết, Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng một không gian thờ phượng và tưởng niệm GS Trần Văn Khê tại một vị trí trang trọng, bao gồm cả các bộ bàn ghế tiếp khách và trang thiết bị truyền hình, âm thanh, nơi trưng bày các hiện vật, tranh ảnh… để phục vụ cho những cuộc giao lưu về giáo sư Khê và những nghiên cứu âm nhạc dân tộc của ông.

Từ nay, những người thân, bạn bè và người hâm mộ có thể tới viếng GS Trần Văn Khê tại đây.

Gian tưởng niệm GS Trần Văn Khê nằm tại gian cánh tả ở Lầu 1, Núi trung tâm, Linh Hoa Tuệ Đàn, thuộc Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương - Ảnh tư liệu
Gian tưởng niệm GS Trần Văn Khê nằm tại gian cánh tả ở Lầu 1, Núi trung tâm, Linh Hoa Tuệ Đàn, thuộc Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương – Ảnh tư liệu

Được biết, GS Cao Văn Phường – hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương – cùng một số cán bộ lãnh đạo các khoa, phòng, ban và các sinh viên thường gắn bó với GS Trần Văn Khê đã đến dâng hoa, thắp hương đón di cốt của cố GS Trần Văn Khê về an vị ở Linh Hoa Tuệ Đàn.

GS Cao Văn Phường cho biết ông và GS Trần Văn Khê trở thành anh em kết nghĩa. Từ năm 2006, giáo sư Khê tham gia Hội đồng khoa học, là cố vấn của Hội đồng khoa học ĐH Bình Dương.

GS Cao Văn Phường - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, thắp hương tại bàn thờ GS Trần Văn Khê ở Linh Hoa Tuệ Đàn - Ảnh: Hữu Thiện
GS Cao Văn Phường – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, thắp hương tại bàn thờ GS Trần Văn Khê ở Linh Hoa Tuệ Đàn – Ảnh: Hữu Thiện

“Qua nhiều năm bác Khê về giảng dạy văn hoá dân tộc, âm nhạc dân tộc tại Đại học Bình Dương, các cháu sinh viên thương bác Khê như cha như chú. Khi bác Khê mất, hàng ngàn sinh viên Đại học Bình Dương xếp hàng hai bên đường để tiễn bác Khê” – GS Cao Văn Phường kể.

« Hôm nay, bác Khê về khu vĩnh hằng của Bình Dương, như một cuộc trở về với Đại học Bình Dương. Từ nay, nhà trường sẽ càng có điều kiện tổ chức những đêm giao lưu tại đây để tưởng nhớ nhà văn hoá lớn này của Việt Nam” – GS Cao Văn Phường nói thêm.

HỮU THIỆN

 

NGUYỄN HỮU TOÀN : Từ suy nghĩ về việc bảo vệ và phát huy giá trị Chầu văn

Từ suy nghĩ về việc bảo vệ và phát huy giá trị Chầu văn

Chầu văn, còn gọi là Hát văn, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của người Việt, có xuất xứ ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức Hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Trần Hưng Đạo).

Hầu đồng là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ Phủ cũng như một số dạng thờ Mẫu khác. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng, là sự tái hiện lại hình ảnh các vị Thánh, nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo Mẫu.

Như thế, Chầu văn là một hình thức trình diễn dân gian gắn với nghi thức Hầu đồng và là một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ Hầu đồng. Liên quan đến việc ứng xử với Chầu văn, Hầu đồng lâu nay còn nhiều vấn đề khá phức tạp. Trong phạm vi một bài viết nhỏ, chúng tôi không chủ trương tập trung vào việc giới thiệu nội dung, giá trị của Chầu văn, Hầu đồng mà chỉ muốn gợi ra mấy vấn đề để cùng nhau chia sẻ, hy vọng qua đó sẽ góp phần vạch tìm hướng đi cho hoạt động bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa này trong thời gian tới.

Chầu văn là hát chầu, trong đó phần “hát” bao gồm cả việc có nhạc đệm, có cả múa; “chầu” là “hầu”, là mục đích của việc trình diễn – dâng lên Mẫu, Thánh (“Chầu” có nhiều nghĩa, nhưng ở đây “Chầu” hẳn được dùng với nghĩa đó là hát/trình diễn để chầu/hầu Mẫu/Thánh, tương tự như “hầu/chầu vua”, “áo hầu/chầu”…). Và, dù với nghĩa nào, thì Chầu văn cũng chỉ là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, không phải là một nghi lễ.

Hầu đồng/Hầu bóng/Lên đồng, như trên đã đề cập, là nghi lễ chính của thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần.

Thực tế quá trình ra đời, phát triển trong quá khứ và hiện tại, Chầu văn có thể tồn tại/trình diễn riêng biệt. Mấy chục năm qua, hát văn vẫn còn được xem là một trong những loại dân ca và thường xuyên được giới thiệu trên đài phát thanh, đài truyền hình, hoặc trên sân khấu của các cuộc thi/liên hoan nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Tuy vậy, về ngọn nguồn và bản chất, Chầu văn luôn gắn với nghi lễ Hầu đồng, là một thành tố không thể thiếu trong nghi lễ Hầu đồng. Chẳng hạn, qua khảo sát, nghiên cứu Chầu văn ở Nam Định, người ta nhận thấy: “Trên thực tế, hát văn hay hát chầu văn còn có thể tồn tại riêng biệt. Ở Nam Định, hát văn biểu hiện chủ yếu dưới hình thức hát hầu trong các giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu và hát cửa đền ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, diễn ra trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào tháng Ba và tháng Tám âm lịch. Những năm gần đây, còn có hát thi trong lễ hội Phủ Dầy” (Nguyễn Kim Dung, Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định, Website Cục Di sản văn hóa). Nói cách khác, có thể “có” Chầu văn mà không có Hầu đồng, nhưng không thể có Hầu đồng mà không có Chầu văn.

Điều dễ nhận thấy là, trong thời gian qua và cho đến hôm nay, cả nhận thức và ứng xử của chúng ta đối với di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Hầu đồng còn chưa thống nhất.

Một mặt, nghi lễ Hầu đồng ngày càng nhận được sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng, với một số biểu hiện:

– Nghi lễ Hầu đồng chính thức được nhà nước vinh danh (đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; triển khai lập hồ sơ trình UNESCO xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…).

– Được “công khai” tổ chức ở nhiều di tích lịch sử – văn hóa, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, thu hút đông đảo công chúng tham dự (hơn 20 năm trước, đây là việc “không thể”); một số cơ quan quản lý và nghiên cứu văn hóa đã trực tiếp tổ chức nghi lễ Hầu đồng, tổ chức hội thảo khoa học và giao lưu quốc tế về nghi lễ này…

– Nghi lễ Hầu đồng ngày càng được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học vốn có của di sản.

Mặt khác, nghi lễ Hầu đồng vẫn còn bị nhìn nhận như một tệ nạn xã hội đi liền với những mê tín dị đoan, lừa đảo, trục lợi, với một số biểu hiện:

– Nhà nước vẫn coi việc tổ chức lên đồng/hầu đồng là một hoạt động “vi phạm hành chính”, tức là “hành vi cố ý hoặc vô ý của tổ chức, cá nhân vi phạm quy tắc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa – thông tin mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, nên nếu vi phạm, sẽ “bị xử phạt hành chính”.

Trong thực tiễn đời sống, không ít người vẫn bày tỏ thái độ phê phán, xem thường những người tổ chức, thực hành và tham dự nghi lễ Hầu đồng. Những người này thường gọi các ông/bà đồng, các cung văn (những người thực hành Chầu văn), những con nhang, đệ tử theo hầu,… là “bọn đồng cốt” với ý miệt thị.

Tình trạng chưa thống nhất trong việc đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của nghi lễ Hầu đồng trong đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người Việt, nhất là trong việc ứng xử với nghi lễ Hầu đồng, xuất phát từ những lý do như:

– Bản thân chính sách và ứng xử thực tiễn, từ phía nhà nước, với nghi lễ Hầu đồng cũng chưa thống nhất (vừa coi đó là hành vi vi phạm hành chính, vừa có những hình thức tôn vinh di sản văn hóa này).

– Trong thực tiễn đời sống, nếu “tính từ bàn thờ trở ra”, việc tổ chức nghi lễ Hầu đồng đã và đang có quá nhiều biến tướng theo hướng tiêu cực, làm mất đi bản chất/giá trị tốt đẹp vốn có của di sản văn hóa này. Thực trạng đó đã đến mức báo động, khiến GS. Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu khả kính, có nhiều đóng góp trong việc làm sáng tỏ giá trị của di sản và hành động thực tiễn nhằm phục hồi di sản, đã phải bộc bạch: “Tôi rất buồn phải nói rằng, 80% nghi lễ này hiện nay là biến tướng. Biến tướng nghiêm trọng. Hoàn toàn “vật chất hóa” từ đầu đến cuối. Cách đây khoảng hơn chục năm, khi nghi lễ này vẫn còn “sạch”, hầu đồng chỉ diễn ra đúng là “tùy tâm biện lễ”, không hoành tráng, đồ sộ từ lễ vật, vàng mã đến tiền phát lộc (vì trong nghi lễ hầu đồng có phần phát lộc)… Quần áo để hầu cũng đơn giản, không cầu kỳ, đắt tiền như hiện nay, cốt sao đủ một bộ khăn, áo, mũ… đúng màu sắc cho mỗi giá hầu… Nhưng hiện nay thì cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là “bạc lẻ” gọi là tượng trưng mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải nhiều… Tất cả chỉ vì họ nghĩ rằng “tốt lễ dễ kêu”. Đặc biệt là tầng lớp thương mại, còn làm biến tướng nghi lễ này khi không quan tâm tới Mẫu Địa mà chỉ quan tâm tới Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải vì quan niệm đây là những vị thần tài mang đến “tiền rừng bạc bể”. Quan niệm về hầu đồng còn bị họ biến tướng đến mức: “Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan”… (GS. Ngô Đức Thịnh, Sự biến tướng trong “Ngôi nhà Mẫu”, Báo Năng lượng mới, số 205, ngày 19-3-2013).

Vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị Chầu văn, bước đầu chúng tôi chỉ có thể tạm đưa ra mấy đề xuất sau đây với các cấp quản lý, các nhà khoa học, các cộng đồng là chủ thể di sản văn hóa này:

Một là, cần thống nhất nhận thức rằng, về bản chất, Chầu văn là một thành tố của nghi lễ Hầu đồng; tuy có thể tồn tại độc lập, nhưng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này một cách bền vững, Chầu văn luôn cần được gắn kết với nghi lễ Hầu đồng và cần được thực thi việc bảo vệ và phát huy giá trị trong tổng thể việc bảo vệ và phát huy giá trị nghi lễ Hầu đồng. Liên quan đến vấn đề này, trước hết cần gọi đúng tên của sự vật, hiện tượng: Nghi lễ Hầu đồng; cũng có thể gọi theo truyền thống, là Hầu đồng; nhưng không là nghi lễ Chầu văn.

Hai là, cần kịp thời tham mưu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung phần nội dung của các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa có liên quan đến Lên đồng (Hầu đồng) theo hướng: chỉ xử lý những hành vi “lợi dụng việc tổ chức lên đồng để trục lợi” (và làm hại người khác, gây mất an ninh, trật tự xã hội).

Ba là, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn và xử lý những tổ chức, cá nhân thực hành biến tướng nghi lễ Hầu đồng, làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa này.

Bốn là, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và truyền thông để công chúng hiểu đúng chân giá trị của di sản văn hóa nghi lễ Hầu đồng, từ đó chung sức và đóng góp thực sự hiệu quả vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt này.

Cuối cùng, vì nhận thức và ứng xử với nghi lễ Hầu đồng đã và đang là câu chuyện phức tạp, còn nhiều “nhạy cảm”, nên hành trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ Hầu đồng cần phải được thực sự bắt đầu từ chính mỗi người trong chúng ta, trước hết là những cán bộ quản lý văn hóa, nhà khoa học, đặc biệt là việc “làm gương” của các cán bộ, công chức, cùng nhận thức và thực hành nghiêm túc, đúng đắn của những ông/bà đồng, con nhang, đệ tử của nghi lễ/tín ngưỡng này./.

NGUYỄN HỮU TOÀN

(Trích từ tài liệu của Hội thảo khoa học « Bảo tồn và phát huy Di sản văn hoá hát văn tỉnh Bắc Giang »)

http://www.tapchisongthuong.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1855:tu-suy-nghi-ve-viec-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-chau-van&catid=114:nghien-cuu-trao-doi&Itemid=511

Cà phê chủ nhật: Nhóm Giao thời thổi gió mới vào nhạc dân tộc

Cà phê chủ nhật: Nhóm Giao thời thổi gió mới vào nhạc dân tộc

06/12/2015 07:00 GMT+7

TTO – Giữa thời kì các nhóm nhạc không còn thịnh như trước, nhóm Giao thời vẫn duy trì hoạt động và luôn mong mỏi mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ hôm nay.

Nhóm Giao thời 
Nhóm Giao thời

Gặp các cô gái trẻ trung và tài năng của nhóm Giao Thời vào sáng sớm chủ nhật, sau khi nhóm vừa có phần trình diễn mở màn đầy ấn tượng cho Lễ trao giải và bế mạc Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 19, diễn ra tại nhà hát Hòa Bình vào tối hôm trước, tuy nhiên Giao thời vẫn rất rạng rỡ và nhiều cảm xúc khi chia sẻ về con đường âm nhạc của mình.

Gồm bốn thành viên, với Hoài Phương (gương mặt kì cựu, từng là thành viên của nhóm Mặt Trời Đỏ), cùng Thu Thảo, Ngọc Trâm và Phương Thùy, nhóm vẫn trung thành với mô hình nhóm nữ vừa hát vừa biểu diễn nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu, tì bà…

Tuy nhiên điều mới lạ của Giao Thời chính là bên cạnh dòng dân gian đương đại sở trường thì hiện tại nhóm lựa chọn khá nhiều ca khúc mới, trẻ trung nhưng được phối khí lại bằng nhạc cụ dân tộc, vừa vẫn giữ được tinh thần của nhóm, vừa tiếp cận dễ dàng hơn đến các bạn khán giả trẻ.

Bên cạnh đó, trong các phần biểu diễn của mình, Giao thời còn biểu diễn vũ đạo cùng vũ đoàn để phần trình diễn của mình sinh động và hấp dẫn hơn.

Trưởng nhóm Hoài Phương chia sẻ với Cà phê chủ nhật: « Được hát và chơi nhạc cụ dân tộc là đam mê của cả nhóm, tuy nhiên Phương cứ luôn trăn trở là làm sao để những bài hát của mình đến được gần hơn với khán giả trẻ bây giờ.

Mình phải trẻ hơn, làm sao để thổi hồn vào những bài hát mới bây giờ bằng sự kết hợp giữa chất nhạc hiện đại EDM và những sáo trúc, tỳ bà, T’rưng… mà các bạn trẻ nghe thấy thích thú và muốn tìm hiểu nó. Khi đi giao lưu với nhiều sinh viên, đáng buồn là nhiều người chẳng còn mặn mà với nhạc dân tộc, thậm chí còn không phân biệt được đàn bầu và đàn cò… »

Ba thành viên còn lại cũng chung niềm trăn trở đó. Chính vì vậy mà họ gặp nhau trong sự chia sẻ và đồng điệu, cùng quyết tâm mang hình ảnh của mình đến gần hơn với công chúng, giúp họ không quay lưng dần với âm nhạc truyền thống dân tộc.

Ngọc Trâm, thành viên của nhóm nói: « Em không muốn dòng nhạc và những nhạc cụ này một lúc nào đó sẽ vào viện bảo tàng và người ta cứ nghĩ về nó là liên tưởng tới việc bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc, em mong sao âm nhạc này vẫn phát triển và được người trẻ đón nhận, như chính em đã yêu nó ».

Trong chương trình, bên cạnh việc giới thiệu các bài hát cũ nhưng được phối mới lại như Nửa vầng trăng, Yêu cây đèn cù, Giao Thời còn mang đến cho khán giả những ca khúc hoàn toàn mới như Giấu nỗi đau, Bước gió truyền kỳ với phần hòa âm công phu và giọng hát trau chuốt. Đây cũng là những bài hát được nhóm lựa chọn để ra mắt khán giả trong Album Vol.1 sắp sửa phát hành của nhóm với chủ đề Giấu nỗi đau.

Tiếp đó sẽ những MV và album Tết với những bài hát về mùa xuân thật ý nghĩa. Giao Thời mong muốn hình ảnh của mình sẽ ngày càng được khán giả đón nhận hơn, cũng như tình yêu dành cho nhạc dân tộc sẽ đến gần hơn và sâu hơn trong lòng công chúng ngày nay.

Hoài Phương cũng bật mí, trong liên khúc đầu chương trình, ngoài phần trình diễn của Giao Thời còn có sự góp giọng của các chàng trai trong nhóm Thời Đại. Đây cũng là nhóm nam mới toanh do chính Hoài Phương làm « chủ xị » với 5 thành viên trẻ trung, năng động vừa hát vừa nhảy, phần nhạc cụ chơi trên sân khấu sẽ là sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và những nhạc cụ hiện đại như guitar điện, trống, violon….

Cà phê chủ nhật thân mời quý thính giả cùng trò chuyện với bốn cô gái dễ thương trong nhóm Giao Thời ở chương trình tuần này và lắng nghe những chia sẻ rất chân tình của họ. Cùng với đó là những bài hát thật hay, những phần giao lưu vui nhộn và phần biểu diễn sáo trúc ngay tại phòng thu của Cà phê chủ nhật.

>> Cà phê chủ nhật