Archives pour la catégorie ĐỜN CA TÀI TỬ

HÀ ĐÌNH NGUYÊN : ‘Báu vật’ đờn ca tài tử

Day: February 17, 2014

HÀ ĐÌNH NGUYÊN : ‘Báu vật’ đờn ca tài tử

      2 Votes

‘Báu vật’ đờn ca tài tử

17/02/2014 03:00 

Chia sẻ

Chia sẻTôi Viết

UNESCO đã công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng để thật sự hiểu và thêm trân quý đờn ca tài tử, Thanh Niên đã gặp gỡ các chuyên gia về âm nhạc dân tộc để tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 
Đờn ca tài tử luôn sống mãi trong lòng người dân Nam bộ – Ảnh: T.L

GS – nhạc sĩ (NS) Trần Quang Hải (trưởng nam của GS-TS Trần Văn Khê, hiện đang ở Paris, Pháp) và NS Đặng Hoành Loan (Hà Nội) là những người đã có nhiều đóng góp quan trọng để hồ sơ về đờn ca tài tử được UNESCO công nhận.

Image

Nhạc sĩ ĐẶNG HOÀNH LOAN 

Image

GSTS TRẦN QUANG HẢI

“Như cơm ăn nước uống”

NS Đặng Hoành Loan phân tích 6 đặc trưng nổi bật khiến đờn ca tài tử trở thành báu vật. Thứ nhất, đờn ca tài tử là một tập tục không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân Nam bộ khoảng 100 năm nay, đối với người dân “như cơm ăn nước uống”. Thứ hai, đây thật sự là loại hình giải trí của người dân Nam bộ, so với tất cả các nghệ thuật cổ truyền VN thì đây là nghệ thuật duy nhất không phụ thuộc vào không gian văn hóa, hoặc các không gian trình diễn theo mùa vụ. “Cứ hứng lên thì chơi, gặp nhau thì chơi, thương nhau thì cũng chơi, và hội hè, ma chay cưới hỏi cũng đều chơi”.

Điểm thứ ba, đó là một lối hòa đàn trác tuyệt, mà ở đấy tính ngẫu hứng được đặt lên trên hết. Và ở trong tính ngẫu hứng ấy, thú vị ở chỗ mỗi lần đánh một bản đàn thì hầu như đó là những cuộc đối thoại bằng âm thanh. Có lẽ đây là một trong những nghệ thuật ngẫu hứng, có thể nói là duy nhất ở VN. Cho nên, người ta thường gọi là “quăng bắt”, tức là làm sao người hòa đàn cùng với mình hiểu được tâm tư tình cảm của mình, để cùng hòa nhập, tung hứng.

Điểm thứ tư rất quan trọng là, đờn ca tài tử đã xác định được cách hoàn thiện “nhạc ngữ” của âm nhạc cổ truyền VN. Trước đó chỉ có ca trù là xác định được, nhưng chưa rành mạch, không rõ ràng, không khúc chiết… Có thể nói, đờn ca tài tử là nghệ thuật đã đúc kết và hoàn thiện được nhạc ngữ cổ truyền của người VN.

Đờn ca tài tử có 20 bản cổ gồm 7 bài Lễ, 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 4 bài Oán. Những người biết giỏi phải thuộc trọn vẹn 20 bài này. Tuy nhiên, theo tôi nhận xét hiện nay hầu như không có nghệ nhân nào có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó. Đó là điều cần phải cấp thiết có biện pháp lưu giữ, bằng không sẽ mai một, thất truyền GS-NS Trần Quang Hải

Điều thứ năm là đã tạo được các “ngón đờn” để thỏa mãn hàng loạt cung bậc tình cảm. Những nghệ sĩ tài tử Nam bộ đã tìm ra được các phương pháp bấm ngón đàn, tạo ra nhiều nhạc ngữ khác nhau, khi vui, khi buồn, khi oán hận… Điều trác tuyệt là ở chỗ này. Có nhiều người nói, “cái hơi” trong đờn ca tài tử đóng vai trò quan trọng. Mà hơi được tạo ra từ các “ngón bấm” (các ngón rung, ngón nhấn, ngón vuốt, rồi ngón mổ…). Đấy là ngón đờn tạo ra các hơi trên thang bậc ngũ cung.

Cuối cùng, đờn ca tài tử vẫn đang được người dân Nam bộ yêu mến, vẫn đang được trao truyền cho nhau, như thuở nào.

Không phân biệt giai cấp, địa vị…

Trong khi đó, GS-NS Trần Quang Hải xác định đờn ca tài tử là một loại nhạc phát xuất từ miền Trung, được hình thành từ cuối thế kỷ 19. Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, một số nhạc quan trong triều đình Huế đã lánh nạn vào miền Nam cùng với đoàn lưu dân. Họ đem nhạc lễ, ca Huế truyền dạy trong cư dân bản địa, rồi họp nhau lại đờn ca theo từng nhóm, cốt yếu chỉ để thư giãn sau những giờ lao động… Từ đó, tiếng đờn của miền Trung, hương vị của xứ Quảng đã hòa chung vào phong thái miền Nam. Và từ bản chất phóng khoáng của con người miền Nam mà các bài bản không còn là bản gốc. Người đàn cũng như người ca luôn thêm thắt, tô điểm đôi nét vào đó.

Tuy vậy, để giữ bài nhạc đúng theo cổ truyền, các nghệ sĩ tiền bối đã quy ước phải có “lòng bản” (tức là cái khung của bản đờn). “Lòng bản” này được dùng chung cho tất cả các nhạc cụ khi hòa đờn. Người đờn có thể tùy nghi thêm thắt, luyến láy trong những khoảng trống nhưng nhịp phải rơi đúng vào các cột mốc (chữ đờn). Vì thế, không lần đờn nào lặp lại giống nhau.

GS-NS Trần Quang Hải cho rằng, nếu như ca trù và ca Huế chỉ có một người hát (về đờn thì ca trù có một người đờn, còn ca Huế có bốn, năm cây đờn) thì ở đờn ca tài tử có rất nhiều người hát, người đờn cũng thay đổi khác nhau. Điều quan trọng là, người ca và người đờn luôn xem nhau ngang hàng để rồi là “tri âm, tri kỷ”. Một anh thợ hớt tóc, một anh xích lô hoặc bất cứ ai trong giới người nghèo đều có thể ngồi vào chiếu đờn, đờn chung với những bác sĩ, doanh nhân hay những ông quan lớn. Khi ngồi lại với nhau, họ không còn là những con người với các chức vụ nữa, mà họ chỉ là những bạn đờn của nhau. Ông bác sĩ có thể trở thành học trò của anh xích lô…

“Theo như tôi hiểu, đờn ca tài tử có 20 bản cổ gồm 7 bài Lễ, 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 4 bài Oán. Những người biết giỏi phải thuộc trọn vẹn 20 bài này. Tuy nhiên, theo tôi nhận xét hiện nay hầu như không có nghệ nhân nào có thể nhớ được, đờn được toàn vẹn 20 bài đó. Đó là điều cần phải cấp thiết có biện pháp lưu giữ, bằng không sẽ mai một, thất truyền”, GS-NS Trần Quang Hải lo ngại.

Phải nghe từng “chữ đờn”GS-NS Trần Quang Hải nhận xét: “Khi đem đờn ca tài tử lên sân khấu thì nghệ thuật này có một vai trò khác, một vị trí khác, không làm cho người nghe thích thú nữa. Vì đời xưa, gọi là hát salon (hát thính phòng), tức hát tài tử, tiếng đờn rất phong phú dễ dàng đi vào lòng người, bởi chỉ đờn cho một nhóm nhỏ khoảng 10 người, 20 người nghe thôi. Bây giờ lên sân khấu, có cả trăm người, ngàn người nghe. Không cần biết là người đó hát hay hay hát dở. Chỉ chờ hát xong là vỗ tay, chứ không phải xuýt xoa, tấm tắc khen như hồi đời xưa, là nghe từng “chữ đờn”, từng câu của người hát, rồi “thấm”, bật ra lời khen. Thành ra có sự đồng cảm giữa giọng hát và tiếng đờn và người nghe, khiến người nghe cũng trở thành những người sành sỏi về âm nhạc”.
Đờn ca tài tử có 20 bản cổ, gồm 6 bài Bắc: Tây Thi, Cổ bản, Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ; 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung; 4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng; 7 bài Lễ: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.

Hà Đình Nguyên

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140216/bau-vat-don-ca-tai-tu.aspx

HOÀNG HƯƠNG : Ca ra bộ thuộc đờn ca tài tử hay sân khấu cải lương ?

CA RA BỘ

Ca ra bộ thuộc đờn ca tài tử hay sân khấu cải lương ?
Đờn ca tài tử Nam Bộ, còn gọi là nhạc tài tử Nam Bộ, là một loại hình nghệ thuật vừa mang tính bác học trong hệ thống bài bản, vừa mang tính dân gian trong sinh hoạt cộng đồng, lấy sinh hoạt đờn ca làm thú vui tao nhã, tri âm, tri kỷ. Đờn ca tài tử cũng như con người Nam Bộ, phóng khoáng, hào sảng nhưng chân thành, sâu lắng và thiết tha, nói lên nỗi niềm của người dân xa xứ. Nhạc tài tử thấm đậm vào trong máu của người dân Nam Bộ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ. Từ lâu loại hình nghệ thuật này đã trở thành biểu trưng văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng đất, con người Nam Bộ.

Trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, của dòng xoáy giao lưu văn hóa và hội nhập…, nhiều môn nghệ thuật dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một, lai căng, biến dạng và nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng không ngoại lệ. Để bảo tồn và phát huy những tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo này, và để Đờn ca tài tử trở thành hoạt động có ý thức, có vị trí xứng đáng và có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa của cộng đồng, từ nhiều năm nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ (Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang…) đã mở các cuộc liên hoan nhằm quảng bá và phát hiện, bồi dưỡng các tài năng, những hạt giống nghệ thuật cho loại hình này.

Trong Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ lần 2 (tháng 5-2003), do Truyền hình Việt Nam (VTV3) tổ chức, lần đầu tiên nghệ thuật Ca ra bộ được chính thức đưa vào cuộc thi, đây là điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc, có người cho rằng đây là loại hình thuộc về sân khấu Cải lương sao lại để thi vào loại hình Đờn ca tài tử? Vậy Ca ra bộ thuộc về Đờn ca tài tử hay thuộc về sân khấu Cải lương? Ta hãy ngược dòng thời gian để điểm qua về nguồn gốc và lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật này và để xem Ca ra bộ thuộc loại hình nghệ thuật nào?

Theo các nhà nghiên cứu, thủa đầu vào đất phương Nam mở cõi, ngoài những hành trang mà những người dân mang theo để gây dựng cuộc sống mới, người ta còn mang theo phong tục, tập quán, văn hóa của xứ mình và tất nhiên không thiếu dàn nhạc Lễ (hay còn được gọi là dàn nhạc Ngũ âm) để dùng vào các việc quan trọng của một đời người như: quan, hôn, tang, tế. Biên chế dàn nhạc Lễ truyền thống ban đầu gồm hai phe, gọi là phe Văn và phe Võ. Phe Võ gồm các nhạc khí gõ và kèn, phe Văn gồm các nhạc khí dây kéo như: Cò lòn, Cò chỉ, Cò dương và đàn Gáo. Cuộc sống ngày càng ổn định và thịnh vượng, nhạc Lễ cũng vì vậy mà ngày càng phát triển.

Thời kỳ phát triển cực thịnh của dàn nhạc Lễ vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Lúc này phe Văn đã được bổ sung thêm nhiều cây đàn khác như: Tranh, Tỳ bà, Kìm, Độc huyền, Tiêu, Sáo…, và được trình diễn độc lập trong các dịp lễ lạt tại các tư gia. Để tránh cho người nghe không bị nhàm chán thì phải nghe toàn nhạc không lời do phe Văn trình diễn, người ta đã đặt thêm lời ca vào các bản đờn, và nó đã được người nghe chấp nhận và tán thưởng nồng nhiệt. Việc đặt lời ca vào các điệu nhạc đã trở thành phong trào và phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh, thành ở Nam Bộ và người ta gọi đó là “phong trào Đờn cây”.

Đặc biệt, vào khoảng 2 thập niên cuối thế kỷ XIX, theo làn sóng di dân, nhiều nhạc công, nhạc quan trong các dàn nhạc Cung đình Huế đã vào đất phương Nam sinh sống bằng nghề truyền bá ca nhạc Huế. Với bản chất phóng khoáng, nồng hậu, yêu ca nhạc, cư dân Nam Bộ, những người say mê đờn cây của “Phong trào đờn cây”, đã nhanh chóng tiếp thu ca nhạc Huế và không ngừng sáng tạo, phát triển để từ đó hình thành một loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng biệt của mình và xa hơn nữa là đặt nền móng cho nghệ thuật sân khấu Cải lương phát triển – đó chính là nhạc Tài tử. Nhiều nhóm đờn ca tài tử được hình thành, lấy âm nhạc, ca hát làm thú vui tao nhã, tri âm, tri kỷ, họ tự mệnh danh là “tài tử” có lẽ để phân biệt với các nhạc công chuyên nghiệp của nhạc Lễ.

Để hình thành loại hình nghệ thuật đặc sắc này, ngoài sự đóng góp quan trọng của các nhạc sư người Huế và sự sáng tạo của các tay đờn của phong trào đờn cây thì phải kể đến công lao không nhỏ trong việc truyền bá âm nhạc Cung đình Huế của các sĩ tử Nam Bộ khi ra ứng thí tại Kinh kỳ đã học được đem về như các ông: Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường…

Với lòng say mê và đầy sáng tạo, bằng nhiều thủ pháp phát triển mà từ vốn liếng ít ỏi vài chục bài ca, bản đờn của nhạc Lễ, nhạc Cung đình Huế, kết hợp thêm với một số làn điệu dân ca Nam Bộ, các nghệ nhân Tài tử đã phát triển và mở rộng hệ thống bài bản. Đến nay đã có trên 100 bài bản lớn, nhỏ nằm trong các hệ thống hơi Bắc, hơi Nhạc (còn gọi là hơi Lễ hay hơi Hạ) hơi Nam, hơi Oán mà tiêu biểu là 20 bài bản Tổ gồm 6 bản hơi Bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản vắn, Xuân tình chấn, Tây thi vắn; 7 bản hơi Nhạc (còn được gọi là 7 bản Cò, hay 7 bản Lễ): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc; 3 bản hơi Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (tên gốc là Đảo ngũ cung); 4 bản hơi Oán: Tứ đại oán, Giang nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng, Phụng hoàng.

Dàn nhạc tài tử thời phát triển cao điểm thường có 4 cây (Tứ tuyệt) là: đàn Kìm, đàn Cò, đàn Tranh, đàn Độc huyền và một bộ Song loan. Dần dần trong quá trình phát triển, các nghệ nhân đã đưa thêm một số nhạc cụ khác nữa như: Tiêu, Sáo, Tỳ bà…, và sau này do ảnh hưởng của dàn nhạc Cải lương, các nhạc cụ như: Sến, Ghi ta phím lõm, Violon… cũng được đưa vào sử dụng. Đờn ca tài tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, rất nhiều ban, nhóm được thành lập ở các tỉnh, thành với những nghệ nhân tài danh vang bóng.

Vậy Ca ra bộ được hình thành vào lúc nào và ở đâu?

Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì khoảng vào năm 1910, ban nhạc tài tử của ông Tống Văn Triều (Tư Triều) người Cái Thia tỉnh Mỹ Tho, sau khi đi trình diễn ở hội chợ bên Pháp về nói rằng họ được trình diễn trên sân khấu có đông đảo người đến xem. Đây là một hình thức trình diễn cực kỳ mới mẻ đối với các ban nhạc tài tử, bởi vì từ khi hình thành và phát triển, Đờn ca tài tử luôn chỉ chơi tại tư gia trong các dịp lễ lạt và các nhóm bạn tri âm, tri kỷ, không bao giờ trình diễn trên sân khấu hay trước công chúng. ý tưởng đưa đờn ca tài tử lên sân khấu có lẽ phát sinh từ đây và ông thầy Hộ chủ rạp chiếu bóng Casino ở chợ Mỹ Tho, là người thực hiện đầu tiên.

Để cho rạp chiếu bóng của mình đông khách, ông đã cho mời ban tài tử của ông Tư Triều đến trình diễn trên sân khấu trước giờ chiếu phim vào các tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần. Hình thức diễn trên sân khấu này được công chúng nhiệt liệt ủng hộ và hoan nghênh. Ban nhạc trình diễn xuất sắc nhiều bản nhạc, bài ca. Bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt được cô Ba Đắc ca rất hay. Đây là bài ca có đối thoại của ba vai Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga đều do cô Ba Đắc thủ diễn. Lúc này người ta ngồi trên bộ ván cùng với ban nhạc chứ không đứng và không ra bộ điệu.

Trong đám công chúng tới thưởng thức lúc bấy giờ có ông Phó Mười Hai Tống Hữu Định, người đất Vĩnh Long, khi xem cô Ba Đắc ca bài Bùi Kiệm thi rớt, về nhà ông cho người ca đứng trên ván gõ ca, khi ca thì ra bộ điệu cho vai hát thêm sinh động – Ca ra bộ ra đời từ đây (khoảng năm 1915-1916). Nó là Ca “ra” thêm bộ điệu (diễn).

Hình thức Ca ra bộ lập tức chiếm được ưu thế trình diễn. Tại các nhà hàng ở Sài Gòn vào các tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần, đều có trình diễn Ca ra bộ để cho quan khách nghe. Các đoàn xiếc cũng sử dụng hình thức này xen vào giữa các tiết mục xiếc để thêm đông khán giả (đoàn xiếc của ông André – Thận).

Đến năm 1918, lối Ca ra bộ thịnh hành khắp các tỉnh thành và nó đã được phát triển thêm một bước mới, từ một lối diễn với những động tác tay đưa lên, hạ xuống, đưa ra, đưa vào, đứng im một chỗ hết sức đơn giản và đơn điệu, sân khấu thay vì chỉ là bộ ván tư, bốn tấm thì nay đã được bài trí thêm phông, cảnh, người ta sắm trang phục và soạn tuồng cho các vai diễn. Lối đờn ca cũng được thay đổi không còn giống như khuôn mẫu của Đờn ca tài tử hay Ca ra bộ nữa. Bước phát triển của Ca ra bộ này lấy diễn xuất để diễn tả tâm tư, tình cảm của nhân vật chính, còn âm nhạc chỉ được sử dụng với tính chất như làm nhạc nền, nhạc đệm. Vì vậy các bản nhạc được sử dụng với lối đánh nhanh hơn, nhiều chữ nhạc hơn, còn các chữ nhạc có nhấn nhá thì hạn chế sử dụng và đàn thì luôn vào sau ca… Hình thức phát triển mới này (lấy từ các bài bản tài tử làm cơ sở) của Ca ra bộ chính là hình thức sân khấu Cải lương Tài tử.

Gọi là Cải lương Tài tử bởi sân khấu Cải lương được hình thành và phát triển do nhiều yếu tố kết hợp. Ngoài Cải lương Tài tử do được phát triển từ nhạc Tài tử thì còn có các dòng:

– Cải lương Tuồng cổ (còn gọi là Cải lương Tuồng Tàu – do khai thác các tích tuồng của hát Bội với các tích truyện của Trung Quốc): Trước khi sân khấu Cải lương hình thành và phát triển thì các tỉnh, thành Nam Bộ đã có sân khấu hát Bội rất phát triển. Đến những năm thập niên đầu thế kỷ XX, một phần do tác động của xã hội lúc bấy giờ, một phần do nghe quá nhiều nên dẫn đến tình trạng nhàm chán nên người ta đã đặt thêm lời mới để giỡn cợt, châm biếm thói hư, tật xấu trong xã hội…; thay đổi cách ca lớn tiếng không rõ lời bằng tiếng ca êm ái dễ nghe; thay vì hát Nam, hát Khách người ta lại nói Lối…; thay cách diễn tượng trưng của hát Bội bằng cách diễn tả thực dễ hiểu… Nói cách khác, sự phát triển dựa trên yếu tố hát Bội, đưa thêm lời mới, cách hát mới, phông, cảnh trí mới, âm nhạc mới (nhạc Tài tử), diễn xuất mới… là sự cách tân sân khấu hát Bội thành sân khấu Cải lương.

– Cải lương Xã hội: khác với Cải lương tài tử và Cải lương Tuồng Tàu, Cải lương Xã hội không khai thác các đề tài lịch sử hay truyện thơ cổ mà thường là nói về các nhân vật trong xã hội đương thời ở thành thị hay nông thôn Nam Bộ và ngoài ra còn khai thác các đề tài từ sân khấu kịch hay từ phim, truyện của phương Tây. Âm nhạc của dòng cải lương này cũng cách tân hơn, người ta sử dụng các “bài hát ta theo điệu tây” để sử dụng trong các vở có kịch bản sáng tác.

– Cải lương kiếm hiệp (Cải lương Mộng Vân; Cải lương cà chía): Đây là loại Cải lương thường dùng các đề tài tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc, các truyện dân gian, huyền sử các nước như: Ai Cập, La Mã, ấn Độ… làm chủ đề xây dựng kịch bản, phần lớn kịch bản và âm nhạc đều do soạn giả Mộng Vân sáng tác, rất ít sử dụng các bản nhạc tài tử, các bản nhạc sáng tác thường mang âm hưởng nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Nhật và một số bản chuyên dùng cho các nhân vật trang phục quái đản.

– Cải lương Hồ Quảng: Ra đời muộn hơn, khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ XX. Sau khi chiến tranh thế giới lần I chấm dứt, các đoàn hý khúc Trung Quốc (đa phần là các đoàn của các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây) thường sang Việt Nam lưu diễn và được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Trước sự say mê, yêu thích của công chúng đối với hý khúc Trung Quốc, các nghệ sĩ Cải lương tài tử đã nhanh chóng tiếp thu một số những điệu nhỏ (tiểu điệu), lồng lời Việt vào và cải biên đôi chút âm điệu gốc để dễ dàng hòa vào cùng với các làn điệu của nhạc tài tử…

Ở đây, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào tìm hiểu tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử, cũng như sân khấu Cải lương, mà chỉ điểm qua vài nét về nguồn gốc hình thành để từ đó tìm hiểu xem Ca ra bộ thuộc về hình thức diễn xướng nào.

Cải lương là một loại hình sân khấu với đầy đủ các yếu tố cơ bản: kịch bản, đạo diễn, trang trí sân khấu, diễn viên phải diễn xuất theo tâm lý nhân vật. Âm nhạc (nhạc Tài tử) được sử dụng với tính chất nhạc nền, nhạc đệm phụ cho diễn xuất của diễn viên, nên có thể tùy tiện ngắt câu giữa chừng, không cần phải đánh cho hết câu, hết lớp theo một khuôn mẫu nhất định của lối chơi nhạc Tài tử truyền thống. Với tính chất chỉ là đệm cho diễn nên bao giờ cũng ca trước rồi đàn mới hòa vào, đây là nét khác cơ bản giữa lối “chơi” của Đờn ca tài tử và lối “đệm” đàn của sân khấu Cải lương.

Còn Ca ra bộ, ngoài lối diễn xuất hết sức đơn giản bằng các động tác tay và đứng một chỗ trên sân khấu thì không mang một yếu tố cơ bản nào của sân khấu, mặc dù ngày nay Ca ra bộ đã cách tân hơn, người ca đã có đôi chút diễn xuất tâm lý nhân vật và khi ca không còn đứng im một chỗ. Điều đáng nói ở đây là Ca ra bộ tuân thủ lối trình diễn của Đờn ca tài tử, có nghĩa, các đề tài được soạn gọn trong một bản đàn, đủ câu, đủ lớp, hoặc liên khúc các bản đàn, không bao giờ tùy tiện đứng ở giữa câu nhạc để chêm các đoạn nói thơ, nói lối.v.v… Âm nhạc được coi là yếu tố chính, cơ bản của buổi diễn và bao giờ ca cũng vào sau đàn.

Như vậy, ta có thể nhận thấy: Hình thức Ca ra bộ thuộc về thể loại nhạc tài tử, nó là bước phát triển cuối cùng của nghệ thuật trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Hoàng Hương (Theo Tạp chí Văn hoá nghệ thuật)

http://yume.vn/trvson/article/ca-ra-bo-35B92288.htm

http://www.cailuongtheatre.vn/news/121/64/d,detail-traodoi.tpl/

Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản văn hóa của nhân loại (phần 3) , 2.12.2013

Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản văn hóa của nhân loại (phần 3)

Ajoutée le 23 déc. 2013

Ngày 02/12/2013 tại nước Cộng hòa Azerbaijan, Chủ tịch hội đồng UNESCO công bố, Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được ghi vào danh sách văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản văn hóa của nhân loại (phần 2), 2.12.2013

Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản văn hóa của nhân loại (phần 2)

Ajoutée le 23 déc. 2013

Ngày 02/12/2013, tại Thủ đô Baku của Azerbaijan, Chủ tịch hội đồng UNESCO công bố, Đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được ghi vào danh sách văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái dẫn đầu.