Archives pour la catégorie HỒI KÝ

Hồi ký Trần Văn Khê 1: kỳ 1 Thơ ấu vào đời

24/06/2015 15:14 GMT+7

TTO – Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc của Việt Nam vừa qua đời sáng nay (24-6). Tuổi Trẻ online mời bạn đọc cùng nhìn lại cuộc đời của ông – một cuộc đời mà ông đã cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc cổ truyền của dân tộc – qua những trích đoạn Hồi ký Trần Văn Khê:

Gia đình giáo sư Trần Văn Khê năm 1976 - Ảnh tư liệu
Gia đình giáo sư Trần Văn Khê năm 1976 – Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Thời Thơ ấu

Gia đình bên nội

>> Nghe audio Gia đình nội ngoại

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại đều trong giới nhạc truyền thống.

Cố nội của tôi là ông Trần Quang Thọ, trước kia ở trong ban nhạc cung đình Huế, vào Nam lập gia đình sanh ra bảy người con mà nối nghiệp cầm ca chỉ duy nhất có ông nội tôi tên Trần Quang Diệm. Theo truyền thống trong Nam, người con đầu lòng được gọi thứ hai, vì vậy ông nội tôi tuy là con thứ tư nhưng trong làng gọi là ông Năm Diệm.

Ông nội tôi có sáu người con: hai nam, bốn nữ. Trong số các con gái có cô thứ ba của tôi tên Trần Ngọc Viện, thường gọi là cô Ba Viện, ngoài tài may vá thêu thùa rất khéo, cô còn đờn tranh, đờn tỳ rất hay. Cô Ba nuôi cả gia đình bằng nghề may.

Cô tôi lấy chồng được hơn một năm, sanh người con đầu lòng nhưng chỉ nuôi được ba tháng thì mất. Sau đó không lâu dượng Ba tôi cũng từ giã cõi đời. Cô tôi còn trẻ, đẹp, có tài mà đã sớm trở thành quả phụ, gia đình bên chồng cho cô trở về quê, nhưng cô tôi lên Sài Gòn để dạy nữ công gia chánh trong trường Áo tím Nữ học đường. Sau lần đi dự đám tang cụ Phan Châu Trinh, cô bị sa thải nên trở về làng sanh sống.

Cha tôi tên Trần Văn Chiều, thường gọi là Bảy Triều, biết đờn cò, đờn độc huyền (đờn bầu), đặc biệt rất thiện nghệ về đờn kìm và đã chế ra cách lên dây Tố Lan mà cả giới nhạc sĩ tài tử trong Nam đều biết.

Mỗi khi ba tôi đờn Tứ đại oán cho cô Sáu Ngọc ở Rạch Gầm ca thì bà con trong làng tụ tập rất đông phía trước sân và bên vách nhà tôi để nghe. Có lần, người nghe chen chúc nhau làm sập cả vách tre. Tôi tuy mới lên năm sáu tuổi mà đã thích nghe hòa nhạc, nhưng phải núp phía trong buồng ngủ, dựa tai vào vách để nghe vì theo kỷ luật trong gia đình con nít phải đi ngủ sớm.

Ba tôi từ nhỏ đã rất thông minh, học giỏi và thích tập thôi miên. Thời đó ở Sài Gòn có trường lớn nhất là Trung học Chasseloup Laubat chỉ dành cho người Pháp và con của công chức chánh quyền thuộc địa. Nhờ sự gởi gắm của vài người quen có uy tín mà ba tôi được vào học ở trường này.

Ba tôi ưa đờn ca nên nhiều lần dùng thuật thôi miên làm cho giám thị ngủ mê để đờn chơi với các bạn cùng ở nội trú trong trường. Ba tôi lại thường thôi miên chữa bệnh cho bạn bè bị nhức đầu, nóng lạnh hoặc mất ngủ. Vì cho nhân điện ra nhiều mà không kịp phục hồi đầy đủ nên mất quân bình, có khi cả tuần lễ ba tôi không ngủ được. Lúc đi thi bằng Brevet (bằng Thành Chung thời Pháp thuộc), thay vì viết bài luận theo đề thi, ba tôi lại chọn một đề khác thích hợp với mình để viết. Thông thường khi thí sinh làm bài lạc đề phải bị đánh rớt, nhưng giám khảo thấy cách hành văn của ba tôi chững chạc, câu văn trôi chảy nên đề nghị cho đậu. Vậy mà ba tôi từ chối, nói rằng đã không làm bài theo thể lệ trường thi thì không nhận bằng. Từ đó ba tôi về nhà, không thích đi làm thư ký như mọi người đồng lứa, mà ngày ngày chỉ đờn và đọc sách báo.

Ba tôi tuy học giỏi, đờn hay nhưng không lo kiếm sống nên khó lập gia đình. Điều này làm ông nội tôi rất lo. May sao làng Bình Hòa Đông bên cạnh – còn gọi là làng Đông Hòa – có gia đình ông Nguyễn Tri Túc, cũng thuộc về hàng hào hoa phong nhã, trong nhà có người con trai biết đờn, thường hòa với ông nội và ba tôi, lại có người con gái nết na đằm thắm, nên ông nội tôi có ý định cầu hôn cho ba tôi.

Gia đình bên ngoại

Thuở nhỏ, tôi không bao giờ nghe nói cố ngoại tôi là ai, mà hình như các cậu, các dì tôi cũng không rõ. Mãi đến sau này, vào năm 1990 tôi mới biết cố ngoại tôi là cụ Nguyễn Tri Phương. Hậu duệ của cụ khi xem lại gia phả, thấy cụ có một người con trai thứ sanh trong Nam tên là Nguyễn Tri Túc, tức ông ngoại của tôi.

Ông ngoại tôi là một điền chủ trong làng Đông Hòa, một người hào hoa phong nhã, thích âm nhạc đến nỗi nuôi nhạc sĩ trong nhà để dạy cho các cậu tôi học đờn.

Ông ngoại tôi thích ba trò chơi: ra câu thai, bắn giàn và đánh hồ.

Ông ra một câu thai – một loại câu đố – bằng một hay nhiều câu thơ lục bát đem treo ngay trước nhà, bên cạnh đặt cái trống nhỏ. Chẳng hạn như câu thai:

Số tôi xa mẹ xa cha, Quanh năm suốt tháng ở nhà người dưng. Xuất quả.

Chữ xuất quả ngụ ý là đố về trái cây. Người nào đi ngang qua đoán được câu trả lời thì đánh ba hồi trống rồi gọi to: “Bớ ông thầy thai”. Ông ngoại tôi trả lời: “Có tôi đây”. Nếu người đó đoán sai, ông gõ ba hồi trên tang trống: “cắc, cắc, cắc”. Nếu họ trả lời đúng: “Đó là trái dâu” (Cô dâu rời nhà cha mẹ đi sống với gia đình chồng là người dưng chứ không phải họ hàng ruột thịt), ông ngoại tôi bèn đánh ba hồi trống rồi mời vô nhà đãi ăn và tặng một món quà hay một quan tiền.

Bắn giàn cũng là thú tiêu khiển rất đặc biệt. Hồng tâm được vẽ trên vách ván, lỗ hồng tâm tròn bằng viên đạn. Sau lưng hồng tâm có một tấm vách đất, ngay bên dưới đặt một cái trống nhỏ. Người bắn giương cung lắp đạn – làm bằng vỏ ốc hay xương voi – nhắm hồng tâm buông cung nghe tiếng “vù”, đạn bay ra kêu “xạch”, lọt qua hồng tâm đụng vách đất rơi trên mặt trống nghe “tùng, tùng, tùng”. Chỉ cần nghe liên tục ba tiếng “vù, xạch, tùng tùng tùng” thì biết ngay có người đã bắn trúng hồng tâm. Nếu chỉ nghe “vù, xạch, xạch” là biết bắn trật, đạn đụng vào vách ván rồi rơi xuống đất. Ai bắn trúng hồng tâm được thưởng một ly rượu trong khi nhạc trỗi bản Kim Tiền.

Đánh hồ cũng vô cùng thú vị. Đó là một trò chơi xưa, nay đã thất truyền. Thân hồ làm bằng gỗ, miệng hồ tròn chỉ bằng cái chén nhỏ, bụng hồ hơi to mà đáy không bịt lại, được đặt trên một cái giá bằng gỗ, bên dưới có để một cái trống nhỏ. Người đánh đứng cách hồ độ hai ba thước, tay cầm “thẻ” để đánh hồ làm bằng gỗ trắc, dài độ 8 tấc, chuốt dẹp như một cây roi, đầu thẻ hình hoa sen búp có đường kính độ một phân.

Giữa người đánh hồ và miệng hồ là một cái mõ dẹp bằng gỗ trắc. Người đánh vung tay điều khiển cho thẻ gõ vào mõ nghe tiếng “cốc”, đầu thẻ dội tung lên cao, quay tít một vòng rồi rơi đúng vào miệng hồ, xuyên thẳng qua cổ hồ lọt xuống dưới dội vào mặt trống, tung lên hạ xuống mấy lần phát thành tiếng “tùng, tùng, tùng”.

Giống như chơi bắn giàn, nếu đánh hồ đúng cách sẽ nghe tiếng “cốc, tùng, tùng, tùng”. Còn nếu đánh không đúng vào miệng hồ, chỉ nghe “cốc, xẹt” thì biết thẻ lọt ra ngoài, chạm vào thân hồ, vậy là thua. Mỗi người đánh 10 thẻ, nếu vào miệng hồ được 5 thẻ là giỏi lắm rồi. Người đánh trúng cũng được ông ngoại tôi thưởng rượu và nghe trỗi nhạc. Không trúng thì chỉ được mời uống nước trà. Trong cuộc chơi, ông ngoại tôi thường đánh trúng cả mười thẻ.

Nhờ có nhiều ruộng đất, hàng ngày giải trí theo cách hào hoa phong nhã ấy mà ông ngoại tôi được cử làm Hội đồng địa hạt và người trong làng thường gọi là ông Hội đồng.

Hai cậu tôi không chơi trò ra thai như ông ngoại mà chỉ chơi bắn giàn và đánh hồ. Cậu Năm tôi tuy là em nhưng về võ nghệ và trong các cuộc chơi đều tỏ ra xuất sắc hơn cậu Tư. Còn về cúng tế, lễ bái thì cậu Tư nghiêm trang, chững chạc hơn. Cả hai đều giỏi về âm nhạc.

Cậu Tư tôi, cụ Nguyễn Tri Lạc chuyên đờn cò, đờn tranh và đánh trống nhạc lễ. Sau này thích đờn violon theo phong cách riêng.

Cậu Năm tôi, cụ Nguyễn Tri Khương, là người có năng khiếu âm nhạc nhứt trong gia đình bên ngoại, biết đờn tranh, đờn kìm, hay nhứt là đờn cò và thổi sáo, thổi tiêu. Cậu cũng rành về trống phách nhạc lễ và trống hát bội miền Nam. Dạy học trường làng ít năm, cậu từ chức về lo làm ruộng.

Cậu Mười tôi tên Nguyễn Tri Ân, chuyên đờn kìm và thổi ống tiêu.

Má tôi cũng như dì Hai, dì Ba tôi đều không được học đờn. Có lẽ ông ngoại tôi, cũng như những người đồng thời, thường sợ rằng “Nam đa kỳ tắc suy, nữ đa cầm tắc dâm”, con trai mê đánh cờ không học hành được, con gái mê đờn sợ e dễ bị con trai cám dỗ.

Má tôi học trường Nhà Trắng của các Bà Phước, nhưng không theo đạo Thiên Chúa. Má tôi rất thích đọc những sách thời ấy cho là “quốc cấm” và có tư tưởng cấp tiến, do đó rất hạp với cô Ba tôi. Khi cậu Năm cho biết ông nội tôi muốn kết nghĩa thông gia với ông ngoại thì má tôi không nói gì nhưng trong lòng đã ưng thuận.

Điều đáng nói là ngày ông nội tôi đem sính lễ đến nhà ông ngoại để cầu hôn cho ba tôi thì cũng có một gia đình khác không hẹn mà cùng tới một lúc. Gia đình ấy tuy ở xa nhưng nghe tiếng tăm gia đình ông ngoại tôi nên đã chọn ngày lành tháng tốt đến ra mắt gọi là để làm quen. Khi ông ngoại tôi cho biết đúng giờ đó có gia đình ông nội tôi đến cầu hôn, thì họ mới nói thật là cũng đến để “coi mắt” má tôi và cũng có ý cầu hôn.

Ông ngoại tôi tuy theo nho học nhưng là người tiến bộ, cho rằng việc hôn nhân cũng nên hỏi ý kiến của các con trong nhà. Cậu Năm mới bàn với má tôi tìm cách nào trả lời cho êm đẹp để đừng làm mất lòng ai. Má tôi bèn đề nghị ghi tên hai người rắp ranh bắn sẻ vào giấy rồi bắt thăm, rút được tên người nào là người ấy có thể đi tới hôn nhân. Mọi người đều đồng ý, vui vẻ chấp thuận. Khi rút thăm ra thì có tên của ba tôi, nhờ vậy mà cuộc hôn nhân của ba má tôi được quyết định. Sau này, má tôi mới tiết lộ bí mật là trong hai lá thăm đều ghi tên ba tôi cả!

Năng khiếu âm nhạc từ thời thơ ấu

>> Nghe Giáo thai và hồn nhạc lúc ấu thơ

Sau lễ thôi nôi, ông nội tôi đến gặp cậu Năm đề nghị đưa mẹ con tôi về ở bên nội: “Giáo Năm còn trẻ, còn nhiều thời giờ để cưng và lo cho cháu. Bác lớn tuổi rồi, không chắc còn sống bao lâu, cho bác hưởng cháu ít năm, chơi với nó trước khi bác theo ông bà”. Cậu Năm không thể nào từ chối nên ép bụng để mẹ con tôi về Chợ Giữa.

Về đây, tôi được cưng chiều không thua lúc ở nhà cậu. Thiếu tiếng sáo của cậu Năm, bù lại tôi được nghe ông nội đờn tỳ mỗi ngày, còn ba tôi khi nào nổi hứng thì đờn kìm, đờn độc huyền. Tôi lại tiếp tục được giáo dục âm nhạc không ngừng. Vừa đứng chựng được, tôi đã nhảy theo nhịp đờn tỳ của ông nội. Đờn mau tôi nhảy mau, đờn chậm tôi nhảy chậm. Khách đến nhà chơi, ông nội tôi thường cho tôi “biểu diễn” nhảy cà tưng theo nhịp đờn.

Vừa được ba tuổi, tôi đã thuộc mặt chữ của 24 mẫu tự. Má tôi lấy bài tây cắt từ chữ A, B, C đến chữ Z để dạy tôi đọc. Đó là trò thứ hai mà mỗi lần khách đến thăm nhà đều bị bắt buộc “thưởng thức” màn biểu diễn của tôi: tay trái tôi cầm một xấp chữ, tay mặt lựa ra một tấm thảy lên mặt bàn, chữ đứng hay nằm nghiêng, tôi đều đọc được cả.

Năm tôi lên bốn – tính theo tuổi ta – má tôi lại đến nhà cậu Năm ở cữ và sanh em kế tôi cũng là con trai. Ông nội tôi đặt tên là Trần Quang Trạch, nhưng người giữ sổ bộ trong làng Đông Hòa bỏ quên chữ G, nên thay vì chữ Quang là sáng lại bị biến thành Quan là ông quan. Cậu Năm tôi có được đứa cháu cưng mới là em Trạch nên từ đó ít ra chợ thăm tôi. Ông nội hưởng trọn tôi được một năm trời.

Vào những năm 1924, 1925, ở nước ta mới có máy hát quay dĩa 78 vòng, đầu máy có kim bằng sa-fia (saphir) dùng để nghe dĩa hát của hãng Pathé bên Pháp. Trong làng tôi có thầy Năm Tú cùng vợ là chị Tám Hảo lập gánh cải lương, hát những tuồng rất ăn khách như Kim Vân Kiều, Xử tội Bàng Quí Phi. Tuồng Kim Vân Kiều do thầy Bảy Thông đóng vai Thúc Sinh và cô Năm Thoàn giữ vai Thúy Kiều.

Hãng Pathé ghi âm làm dĩa hát và đầu dĩa lúc nào cũng có câu: “Ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”, tiếp theo đó là trích đoạn một hồi của vở hát, mỗi mặt chỉ được hơn ba phút.

Ông nội tôi chế cho tôi một máy hát, đó là đồ chơi tôi rất thích vì trông giống như máy hát thật. Mỗi khi có khách đến chơi tôi lại biểu diễn bằng cách lấy tay quay bánh xe của máy, trên đó có một dĩa hát làm bằng bìa cứng, miệng tôi nhái lại lời giới thiệu: “Gánh hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Rồi tôi nói lối và ca y hệt các tài tử Bảy Thông và Năm Thoàn.

Khách đến chơi nhà ông nội tôi lúc nào cũng được nghe một màn ca cải lương theo dĩa hát, màn đọc mặt chữ theo lá bài cào liệng trên bàn và mọi người đều trầm trồ khen thằng bé có trí nhớ tốt.

Nhà nội tôi ở sát vách nhà thầy Ba Nhạc là nhạc công của một dàn nhạc lễ lại vừa là thầy cúng nên tôi thường được nghe thầy tụng tán. Tôi rất thích, xin ông nội sắm cho áo tràng và cái đẩu như thầy Ba để tán tụng chơi nhưng má tôi tỏ ý không bằng lòng.

Ông nội tôi nể con dâu mà lại muốn chiều cháu nên lén mua cho tôi một áo tràng nhỏ và một cái đẩu. Mỗi sáng đợi má tôi xách giỏ đi chợ thì nội mặc áo cho tôi và cho phép tha hồ tán tụng. Ông ra canh ở cửa nhà, khi thấy dạng má tôi trên đường về thì báo động cho hay. Tôi cởi áo tràng, dẹp đẩu vào trong rương của ông nội rồi ngồi đọc cửu chương bằng tiếng Pháp theo cách má tôi đã dạy.

Nhưng ở đời không có chuyện gì mà giấu được hoài. Một hôm có người quen đến chơi nhà, khi má tôi đem nước mời thì nghe khách nói với ông nội tôi: “Cháu bé này giỏi lắm, còn nhỏ mà thuộc kinh rất nhiều, tụng tán như thầy làm đám”. Má tôi hỏi: “Thưa chú có nghe cháu nó tụng chưa?” Ông khách trả lời gọn bâng: “Ngày nào đi ngang qua đây tôi cũng nghe cháu tụng tán om sòm. Giỏi thiệt!”. Khách khen khiến ông nội tôi thích chí, má tôi không nói gì nhưng không vui, còn tôi thì phập phồng lo sợ. Mà sợ mấy cũng không khỏi cơn bão tố. Ông khách vừa về, má tôi gọi tôi ra nhà sau hỏi:

“Má không thích con tụng kinh, sao con lại cãi lời má dặn?” Tôi trả lời: “Thưa má ông nội cho phép con tụng”.

Má tôi không rầy thêm vì nể ông nội, nhưng đưa ngón tay xỉ nhẹ trên trán tôi: “Đó là vì con đòi nên ông nội chiều con. Con làm như vậy là không nghe lời má. Má buồn vì con cãi lời má, con khó dạy lắm”.

Tôi không dám trả lời nhưng khi ông nội hỏi tôi có bị rầy không, tôi thuật tự sự, ông nói với tôi: “Thôi con nên nghe lời má con, đừng tụng kinh nữa. Nhưng lần sau má con có xỉ trên đầu thì con nói với má: Má ơi! Má đừng xỉ trên đầu con, lớn lên con u mê hết trí, rồi má đừng than, đừng khóc, đừng buồn, ăn năn không kịp.”

Tôi nghe câu đó hay quá nên học thuộc lòng. Một bữa nọ biết má tôi đang ở trong nhà, tôi đứng ngoài hàng ba tụng tán to lên. Má tôi kêu tôi vô nhà rầy rồi xỉ nhẹ vào trán tôi, đúng cơ hội chờ đợi tôi tuôn ra câu “thần chú” ông nội tôi dạy. Má tôi hỏi: “Ai dạy con nói như vậy?” – “Dạ thưa ông nội dạy con”. Má tôi ôm tôi vào lòng và nói: “Má sẽ không xỉ trên đầu nhưng con cũng đừng cãi má mà tụng kinh nữa”.

Năm đó má tôi lên Sài Gòn sanh em gái tôi là Ngọc Sương, lúc này má tôi bị đau tim nên phải nhờ bác Châu là thầy thuốc trong nhà thương Chợ Rẫy trông nom. Bác Châu rất thân với nhà tôi vì bác học đờn tỳ với cô Ba. Gia đình có thêm một cháu gái, nhưng lại mất một người mà tôi rất thương rất quí, đó là ông nội tôi.

Ông cháu chơi với nhau suốt ngày nên khi ông nội qua đời tôi buồn vô cùng, suốt ngày cứ ngồi cạnh bàn thờ nhìn ảnh ông, không hát không cười, không nói gì cả. Cậu Năm thấy vậy bèn đưa tôi về bên ngoại cho đỡ nhớ ông nội. Cô Ba tôi lúc đó dạy nữ công tại trường Nữ học đường cũng đưa tôi lên Sài Gòn, khi để ở chơi nhà cô Ba, khi thì đến nhà cô Sáu, ở đó có người chị họ là Thu Cúc rất thương tôi. Mỗi lần tôi đến nhà chị Cúc đem hết các món đồ chơi cho tôi mượn và có khi cho luôn.

Cô Ba đi dạy học thường dẫn tôi theo vì sợ tôi ở nhà một mình buồn rồi chạy ra đường xe cộ nhiều dễ bị tai nạn. Nhờ vậy mà tôi được mấy chị nữ sinh trường Áo Tím thay phiên nhau ẵm và chọc cho tôi “nói lẽ”. Trước đây ông nội tôi dạy hễ ai hỏi: “Em đi học sau này lớn lên làm gì?” thì tôi trả lời: “Em học để lớn lên giúp nhơn quần xã hội”. Các chị cười to thích thú và tôi cứ tiếp tục trả lời như con két. Nhưng có lẽ những lời nói ấy cũng phần nào thấm vào tiềm thức, nên đến khi khôn lớn, trong việc chọn môn học hay công việc làm, tôi luôn nghĩ đến lợi ích chung hơn là lợi ích cho riêng mình.

GS Trần Văn Khê trong giờ dạy nhạc năm 1972 - Ảnh tư liệu
GS Trần Văn Khê trong giờ dạy nhạc năm 1972 – Ảnh tư liệu

Sáu tuổi đã biết đờn kìm và đờn cò

Sau khi ông nội tôi qua đời, má tôi cho tôi vào trường làng, năm đầu học lớp của thầy Năm Lự. Anh Ba Thuận, con thứ của cậu Năm là trưởng lớp này, anh đã biết đọc biết viết nên thầy Năm Lự cho anh dạy vỡ lòng mấy đứa trẻ mới vô trường. Tôi biết đọc rất mau và cuối năm được lên lớp, có năm còn được “nhảy lớp”.

Các thầy giáo như thầy Tư Muôn, thầy Ba Tân, thầy Nhì Bộ và thầy Nhứt Dều đều khen và cưng tôi vì ngoan ngoãn, không nói chuyện trong lớp, lúc nào cũng ngồi nghe chăm chỉ. Mỗi ngày về nhà, sau khi làm bài xong tôi thường hay lấy mấy cây đờn ra khảy nhẹ, tự mò mẫm từng phím đờn kìm, chú ý các âm cao thấp khác nhau và chẳng bao lâu đã đờn được câu đầu bản Bình bán vắn theo câu “Vui mừng vui khoái vui”.

Má tôi sợ con sau này mê đờn bỏ học nên treo mấy cây đờn lên cao. Tôi không chịu thua, mỗi khi người lớn vắng nhà, tôi bắt ghế nhón chân lấy đờn rồi chui dưới sàn bộ ván ngựa để đờn lén. Má tôi rất lo ngại, nhưng mỗi lần thấy tôi đờn, má tôi bắt trả bài học ở trường thì tôi đều thuộc cả. Tôi lại có được đồng minh là cô Ba, chẳng những không cấm mà cô còn mua từ Sài Gòn về cho tôi một cây đờn kìm nhỏ rất vừa tay.

Anh Ba Thuận cũng thích đờn kìm và anh Năm Bá, người bà con của tôi làm thợ hớt tóc cũng vậy, tôi thường ngồi nghe rồi bắt chước, các anh lại “gà” cho tôi đờn những câu gút mắc, đờn càng khá tôi càng thích “ăn cắp ngón”, nên chẳng bao lâu đã đờn được nhiều bài vắn. Trong làng ai cũng khen thằng nhỏ mới sáu tuổi mà đờn rất lanh.

Lúc bấy giờ báo chí trên Sài Gòn đăng tin có một em bé thần đồng sáu tuổi đờn kìm rất hay tên là Nguyễn Văn Sấu, biểu diễn tại Hội chợ Sài Gòn, mọi người đến nghe rất ngạc nhiên thích thú. Trong làng tôi nhiều người nói: “Làng mình cũng có thần đồng sao không giới thiệu đờn ở hội chợ?”. Chẳng biết ai làm trung gian mà một hôm, có mấy người trên Sài Gòn đến nhà xin gặp ba má tôi để bàn việc giới thiệu tôi trong hội chợ.

Họ đề nghị cho cậu Nguyễn Văn Sấu và tôi thi tài, như cho hai con gà đá nhau để người ta coi chơi. Ba má tôi đều từ chối. Mấy ông xoay ra ý khác là tổ chức cho hai “thần đồng” mới lên sáu hòa đờn, Nguyễn Văn Sấu đờn kìm, Trần Văn Khê đờn cò. Nhưng mọi người trong gia đình tôi đều không đồng ý: đó là cái may mắn rất lớn trong đời tôi. Trái chưa chín mà đem rao bán là điều không hay.

Vừa thoát nạn làm thần đồng, tôi lại thoát một nạn khác tại nhà ông bà Diệp Văn Kỳ. Lúc ấy ông Kỳ làm chủ nhiệm báo Thần Chung, còn ông Nguyễn Văn Bá – chồng của cô thứ Sáu tôi – làm chủ bút nên hai gia đình rất thân với nhau. Một hôm tôi đi với cô Ba đến thăm hai ông bà. Sau bữa cơm tình cờ nhìn thấy cây piano của bà Diệp Văn Kỳ, tôi thích quá vì từ trước đến giờ chưa thấy cây đờn nào to mà đẹp và bóng láng như vậy.

Thấy tôi nhìn đờn với vẻ thèm thuồng, bà Diệp Văn Kỳ mở đờn đánh cho tôi nghe một bản ngắn. Tôi xin phép rờ thử cây đờn. Tôi rà mười ngón tay nhỏ bé trên các phím ngà, lắng nghe các âm thanh phát ra khi nhấn từng phím và mau chóng nhận ra ngay những giọng hò xự xang xê cống. Sau mười phút tôi đã đánh được trên piano – chỉ bằng hai ngón tay – khúc đầu bài Tây Thi.

Bà Diệp Văn Kỳ thích quá nói với cô tôi: “Chị Ba làm sao nói với gia đình cho tôi nuôi cháu và gởi cháu đi học đờn piano bên Tây”. Cô tôi cám ơn bà và nói để về bàn lại với má tôi. Cũng may là sau đó má tôi cũng như cô Ba đều không muốn cho tôi sang Pháp lúc còn nhỏ, sợ sẽ bị mất gốc. Và tôi nghĩ mà hú hồn. Nếu cha mẹ, cô bác tôi không sáng suốt thì có thể tôi đã trở thành một nhạc công đờn piano giỏi (nhưng giỏi sao bằng người) mà sẽ quên mất nhạc dân tộc, biết đâu tôi sẽ lớn lên là người Việt Nam mà không nói cũng không viết được tiếng Việt. Và nhất là ngày nay tôi đâu có cái vui được góp sức vào việc bảo tồn, phát huy, phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Sống trong gánh hát cải lương

Sau khi đi dự đám táng cụ Phan Châu Trinh, cô Ba tôi bị mất việc làm trong trường Áo Tím. Thời gian đó cô và má tôi đã tham gia hoạt động cách mạng với Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Sau này, tôi mới biết là cô Ba được giao nhiệm vụ lập gánh hát nhằm tuyên truyền lòng yêu nước, đồng thời nếu có tiền thâu vào được thì trợ giúp tài chánh cho những người làm cách mạng.

Cô Ba sống ở Vĩnh Kim nhưng được cậu Năm tôi nhường cho một khu vườn trong làng Đông Hòa để cất căn nhà lá rộng rãi gần nhà cậu. Cô tuyển đào kép trong những gia đình nông dân trong làng và vùng lân cận. Tuy nói là đào kép chớ thật ra gồm toàn nữ và đặt tên là gánh hát Đồng Nữ Ban. Cô Ba vừa là bầu gánh vừa đạo diễn, lại tự thiết kế và may tất cả xiêm y. Một người tên là thầy Hai vừa đặt tuồng, vừa dạy võ cho các chị. Gánh hát có chị Năm Trần Thị Ới coi về kỷ luật, chị Tư Cầm và chị Ba Nhàn lo về quần áo và ăn uống cho cả gánh, anh Ba Trần Văn Hòe lo việc bảo vệ và trật tự.

Năm 1927, cậu Năm Nguyễn Tri Khương viết tuồng Giọt lệ chung tình, phỏng theo tiểu thuyết Giọt máu chung tình của của tác giả Nguyễn Hữu Ngỡi (Nghĩa) cho gánh cải lương Đồng Nữ Ban. Cậu đặt nhiều bài ca mới nhưng vẫn theo phong cách cổ truyền, như bài Yến tước tranh ngôn (Chim én và chim sẻ cãi nhau), Đăng lâu thưởng nguyệt (Lên lầu ngắm trăng) theo điệu Bắc vui tươi, Thất trỉ bi hùng (Mất chim mái buồn lòng chim trống) theo điệu Ai Oán buồn thảm, Phong xuy trịch liễu (Gió thổi làm cong cây liễu) theo hơi Xuân nữ nhưng nhịp dồn dập như Nam tẩu của hát bội, hai bài Lục y phổ niệm và Bạch hạc minh bi phổ nhạc bài kinh “Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh”. Tuồng viết theo văn biền ngẫu, có đủ các bản nhạc theo các điệu, các hơi Bắc, Quảng, Hạ, Xuân, Ai Đảo, Tứ đại oán, Hành vân, Văn Thiên Tường.

Tôi lúc ấy mới được bảy tuổi nhưng ca rất đúng giọng, cô Ba giao cho tôi tập các chị diễn viên ca bản Madelon để mở màn, ngoài ra tôi còn thuộc nhiều bản khác. Mấy thầy đờn và mấy nhạc công đều thích chọc tôi, họ thường rủ: “Em ơi vô hòa đờn chơi. Em đờn cây nào, đờn kìm, đờn cò hay đờn đoản?”. Cây nào tôi cũng đờn được nên luôn trả lời: “Mấy chú thích đờn cây nào cứ lựa đi, còn dư lại để em đờn”. Thế là họ chừa lại cây đờn cò và đề nghị đờn lớp đầu bài hạ. Cậu Năm có dạy cho tôi biết dây thuận, dây nghịch, dây chẩn, nên khi tôi lên dây mấy chú cười khen: “Thằng nhỏ đờn nghe hơi Hạ dữ quá!”.

Đến kỳ bãi trường tôi được theo gánh hát đi từ Vĩnh Kim ra ngoài “vàm” tức là Rạch Gầm. Tất cả mấy chị đào kép và cô Ba tôi đi trên ghe chài, một loại ghe lớn dùng để chở lúa, còn thầy đờn, thầy võ ở trong một ghe con. Cậu mợ Năm tôi đi trong một chiếc ghe nhỏ khác. Tôi được cô Ba cho ở chung với mấy chị, mọi người thừa dịp này nhờ tôi tập ca cho trúng giọng và trúng nhịp. Nhiều chị chọc tôi cứ cố tình ca trật để tôi sửa cho vui.

Trong hai năm liền tôi được sống trong không khí của một gánh hát cải lương. Và cứ đến Rằm tháng Bảy, anh Ba Thuận làm cỗ để tôi tụng kinh, làm chay, xô giàn. Hai anh em thường hòa đờn trong những đêm trăng, anh cũng dạy tôi đờn kìm bài Vọng cổ nhịp 8 lúc đó mới thịnh hành.

Gánh hát lưu diễn khoảng hơn một năm từ làng đến tỉnh, từ tỉnh đến Sài Gòn, được khán giả rất ưa thích. Nhưng mật thám cũng luôn luôn theo dõi và đến năm 1929, chánh quyền thuộc địa ra lệnh cấm gánh Đồng Nữ Ban không được diễn nữa. Gánh hát rã, cô Ba tôi chia xiêm y, dụng cụ cho diễn viên và về trú tại nhà ba má tôi ở Vĩnh Kim.

Mồ côi

>> Nghe chương Mồ côi

Má tôi hoạt động cách mạng nên phải thường xuyên đi họp xa, mỗi lần như vậy, má cho tôi tiền bánh nhiều hơn thường lệ để an ủi con khi mẹ vắng nhà. Lần cuối cùng, má tôi dự tính đi xa đến bốn bữa, nhưng tôi như có linh tánh nên cứ khóc, má tôi dỗ đủ cách mà tôi một mực không muốn cho má đi. Tiền bánh tăng lần lên đến một đồng bạc mà tôi cũng vẫn khóc. Thuở ấy một đồng bạc rất lớn, mua được 200 gói xôi hay bắp, 50 bánh bao thứ lớn gọi là bánh bao “tiền xu”. Má tôi lại cho thêm một bộ đồ vải trắng viền đen để mặc tập thể thao mà tôi rất thích và đoan chắc sẽ trở về sớm, hứa mua thêm quà cho tôi.

Tôi tạm yên lòng, nhưng hôm sau lại khóc: “Con trả má đồng bạc, con cũng không cần quần áo thể thao, con chỉ muốn má ở nhà với con.” Má tôi túng quá phải hứa: “Thôi con đừng khóc nữa, má không đi đâu.”

Tuy vậy đến ngày má tôi cũng phải đi. Sáng sớm má mặc cho tôi bộ đồ thể thao mới may rồi đưa tới trường. Đang học, có linh tánh là má tôi ra đi, tôi bèn chạy một mạch về nhà thì thấy má đã ngồi trên xe ngựa và bắt đầu rời nhà. Tôi lao theo xe, vừa chạy vừa khóc: “Má ơi đừng đi, đừng bỏ con ở nhà!” Nhưng chân trẻ con làm sao chạy kịp chân ngựa, tôi nhào trong vũng bùn trên đường, la lớn: “Con trả má đồng bạc đây”.

Tôi quăng đồng bạc dưới đường, anh Bá hớt tóc cạnh nhà chạy lại đỡ tôi dậy và dỗ dành nhưng tôi vẫn khóc nức nở. Má tôi quay lại nhìn con, nét mặt rất đau khổ. Nhưng nhiệm vụ phải để trên tình riêng, chiếc xe ngựa chạy khuất chợ cá, đi thẳng về phía ngả ba đường. Sau này tôi mới biết lần đó má tôi được lịnh đi biểu tình tại quận Cao Lãnh để chống chánh phủ thuộc địa Pháp.

Tôi bỏ cơm suốt mấy ngày, cả nhà dỗ dành nhưng tôi chỉ chịu húp chút cháo. Ba ngày trôi qua, vẫn không thấy má tôi về. Năm ngày sau đó, có người từ Sài Gòn xuống cho cô Ba hay má tôi đang nằm nhà thương Chợ Rẫy và bác Châu y sĩ nhắn cô lên Sài Gòn gấp. Cô Ba dẫn tôi đi theo. Đến nhà thương, nhìn thấy má tôi mặt xanh xao nằm trên gường bệnh, tôi ôm má khóc òa. Má cố trấn tĩnh và dỗ tôi: “Bác Châu nói chỉ nằm dưỡng bệnh một vài tuần má sẽ mạnh rồi về nhà”.

Sau này, tôi biết rằng khi đi biểu tình bị cảnh sát đàn áp, má tôi phải chui trong đống rơm. Cảnh sát lấy lưỡi lê đâm loạn xạ vào đống rơm, má tôi bị hai vết vào người, phải lấy rơm vuốt lưỡi lê chùi vết máu để bọn chúng không phát hiện. Lúc đó má tôi đã có mang được hơn ba tháng, khi chạy trốn bị té nên sẩy thai. Má tôi lại đau tim nên ngất đi mấy lần, sau đó được đưa vào Chợ Rẫy vì ở đây có y sĩ Châu vốn rất thương gia đình tôi lại có quyền thế trong nhà thương. Tuy được chăm sóc chu đáo nhưng má tôi sức yếu nên bệnh trở nặng. Hai tuần sau, cô Ba chở má tôi về làng.

Má tôi nằm dưỡng bệnh tại nhà cậu Năm vì nơi này rộng rãi lại ở trong vườn, ít người dòm ngó, hàng ngày tôi đều đến thăm. Bệnh ngày mỗi nặng thêm, một hôm khi cô Ba dẫn cả ba anh em vào thăm, má tôi nói với cô: “Con đứa lớn đứa nhỏ, chưa đứa nào đủ khôn để lo cho em. Em lạy chị Ba, em gởi các con cho chị thay em nuôi chúng nên người”. Má tôi chấp hai tay xá, gương mặt đau khổ mà không còn nước mắt để khóc. Cô Ba tôi khuyên: “Em yên lòng, ít lâu sẽ lại sức. Có bề gì chị Ba hứa sẽ thay em mà nuôi cháu.”

Má tôi yếu lắm và đã mấy lần hấp hối. Anh Ba Thuận báo tin cho cậu Năm tôi lúc đó đang làm ruộng ở Đồng Phèn hay để kịp về cho má tôi nhìn mặt. Ngày 25 tháng 6 âm lịch cậu Năm về tới nhà, chạy đến bên giường của má tôi. Má mở to mắt nhìn, thều thào “Anh Năm”. Cậu tôi khóc và kêu lên: “Em Tám ơi! Anh Năm về đây”. Má tôi nấc lên mấy lần rồi trút hơi thở cuối cùng.

Thế là mới chín tuổi tôi đã mồ côi mẹ

Cậu Năm tôi cho quàn ba ngày và lo tống táng theo nghi thức Phật giáo. Tôi là con trai trưởng nên dầu mới chín tuổi vẫn phải “dây rơm mũ bạc” quì một bên linh cữu để lạy trả những người đến viếng tang. Ai cũng miễn lễ cho tôi, nhưng tôi vẫn lạy trả theo đúng phong tục để báo hiếu. Ngày đưa linh cữu ra phần mộ, tôi ngồi “giá triệu” rồi chống gậy đưa má tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Cô Ba tôi dọn về Chợ Giữa và một mình xoay xở nuôi cả nhà: ba tôi, ba anh em chúng tôi và chị Sáu Nhuận. Trước kia trong gánh hát Đồng Nữ Ban, chị Sáu đóng vai Võ Đông Sơ, làm kép chánh, nay cô Ba coi chị như con nuôi, chị cũng giúp đỡ cô trong việc coi sóc nhà cửa, đi chợ nấu ăn.

Tôi đã lên lớp nhứt trường làng và cuối năm đi thi bằng Tiểu học. Trường Vĩnh Kim là trường làng không tổ chức cuộc thi. Cô Ba phải đưa tôi xuống Mỹ Tho, ở đậu nhà bà Phán, má cô Năm Thưởng cũng là má chồng của cô Ba.

Chưa có ai chu đáo bằng cô tôi. Trước hôm vào trường thi, cô trao cho tôi một ống xà phòng cạo râu đã dùng hết, được rửa sạch và để trong đó hai cây viết chì nhỏ chuốt sẵn hai đầu, một cục gôm, ba ngòi viết lá tre, có thêm cục phấn để rủi mất giấy chậm mực còn có phấn mà chậm thay. Lần đó tôi thi đậu bằng Tiểu học có cả phần Pháp văn, gọi là mention Français.

Chị Thu Cúc con cô Sáu trên Sài Gòn cùng một tuổi với tôi cũng thi tiểu học nhưng chưa biết đậu rớt thế nào. Cậu Năm nghe tin tôi đậu tiểu học rất vui và “gà” cho tôi viết một bức thơ gởi chị Thu Cúc như sau:

Thưa chị,

Kỳ tiểu thí này em đã được ‘đăng khoa cập đệ’. Mà trong đăng khoa cập đệ em cũng được cả mention Français. Em xin hỏi chị chớ ‘cung trăng đà bẻ quế’ hay chưa?

Chị Thu Cúc cũng thi đậu nên cô Sáu tôi rất vui và dự định hè năm đó sẽ đưa tôi lên chơi trên Sài Gòn.

Hè năm này là tròn giáp năm ngày mất của má tôi, hôm đó ba tôi buồn lấy đờn kìm ra đờn, tôi ngồi nghe. Ba đờn mấy khúc rồi chảy nước mắt, buông đờn bỏ lại ngồi võng và nói: “Nhớ má thằng Khê quá”. Kể từ hôm đó ba tôi nhuốm bệnh. Khi cô Sáu về Chợ Giữa đón tôi lên Sài Gòn, thấy ba tôi bệnh có hỏi: “Chị Sáu rước thằng Khê lên Sài Gòn chơi, em có buồn nhớ nó không?”. Ba tôi trả lời: “Nó thi đậu, nên cho đi chơi để thưởng”. Không ngờ lúc tôi ở Sài Gòn bệnh của ba tôi trở nặng và nửa tháng sau thì từ giã cõi đời, vào ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch.

Tôi mới lên 10, em Trạch 7 tuổi và Ngọc Sương 6 tuổi, cả ba chúng tôi đã mồ côi cha mẹ. Người ta thường nói “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Chúng tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng vẫn được ăn cơm với cá, vẫn được ngủ giường có chiếu có mùng, và nhứt là khỏi bị chia lìa mỗi đứa một nơi. Anh em tôi cùng được sống chung một nhà, có cô Ba thay cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ nên người.

Chim non xa tổ ấm

>> Nghe chương Chim non xa tổ ấm

Trường Tiểu học Vĩnh Kim chỉ có đến lớp ba (Cours Elémentaire), muốn học thêm để thi bằng Sơ học thì phải xuống tỉnh lỵ Mỹ Tho. Tại đây cô tôi chỉ quen một người là bà Phán, nhưng lại ngại gởi tôi nơi đó. Nếu phải trả tiền cơm tháng thì không biết phải tốn kém bao nhiêu, đó là chưa kể nhà nghèo không biết có chịu nổi tiền ăn học trong ba năm của tôi hay không.

May quá, cô thứ Năm của tôi có chồng là một điền chủ giàu có tại quận Tam Bình, theo đạo Cao Đài. Dượng Năm tôi là Nguyễn Văn Dương nhưng tên thường gọi là ông Mười Tòng. Cô dượng tôi có người con trai tên Nguyễn Văn Trước. “Trước” là trúc, cũng như cây tòng, cây bá là những cây tượng trưng cho người quân tử. Cô Năm đề nghị cô Ba cho tôi sang Tam Bình học và hứa sẽ nuôi tôi cho đến khi đậu bằng Sơ học, sau đó sẽ thi vào Trung học và có thể xin được học bổng.

Khi nghe cô Ba tôi nói đến việc đi học xa, tôi chết điếng cả người. Như vậy là tôi phải xa cô, xa hai em, xa mái nhà thân yêu, đến một nơi không biết ăn ở ra sao và cô Năm dượng Năm liệu có thương tôi như cô Ba hay không? Anh Hai Trước sẽ đối với tôi ra sao? Buồn nhứt là phải xa hai đứa em, nhứt là xa Trạch, mà cả làng đều gọi là “Khê em” vì khi em tôi sanh ra, bên nhà láng giềng có một bà cụ cũng tên Trạch, sợ kêu tên Trạch mích lòng bà cụ nên cậu Năm tôi đề nghị gọi là Khê em.

Cậu Năm tôi còn nói kêu tên như vậy để nhớ lại tích xưa có hai anh em đều thi đậu Trạng, người ta thường gọi là Đại Tống và Tiểu Tống. Hai anh em tôi cùng đi ngủ và thức dậy một giờ. Đi chơi, đi chợ, kể cả khi đi vệ sinh cũng cùng một lúc không rời nhau một bước, không xa nhau một giây. Anh em gắn bó nhau như vậy nhưng rồi đành chấp nhận xa nhau vì thân phận mồ côi, nhà lại nghèo, cô Ba tôi không đủ sức nuôi hết cả ba anh em ăn học nếu không có sự giúp đỡ của bà con.

Thế là cuối năm 1931 tôi phải thu xếp hành lý để đi Tam Bình. Dượng Năm tôi có hai chiếc tàu Vĩnh Thuận và Vĩnh Bảo, chạy đường thủy từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu ngang qua Tam Bình. Cô tôi và hai em tôi cùng đi theo đến Mỹ Tho để tiễn tôi.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải xa nhà trong mấy tháng. Xuống tàu cô tôi tìm ông Cò tàu, ông vui vẻ nói: “Bà Mười (tức cô Năm tôi) có dặn, hôm nay có cháu của bà đi Tam Bình. Tôi sắp đặt cho cháu ăn cơm với tôi và ngủ trong phòng Cò tàu, không sợ gió máy. Bà yên lòng, sáng mai tàu tới Tam Bình sẽ có người đưa cháu về nhà”.

Đi tàu lần đầu như vậy đã là quá sướng. Cô Ba tôi yên lòng, ôm đầu tôi nói: “Con nhớ viết thơ cho cô biết con tới nơi bình yên. Ráng học, ba tháng sẽ qua mau, đến kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè con lại về Chợ Giữa với cô và hai em.”

Tôi dạ rất nhỏ, cố kìm lòng không khóc sợ hai em tôi khóc theo, miệng mỉm cười mà ruột héo gan xào. Tôi ôm Trạch và Ngọc Sương vào lòng, hôn hai em và dỗ dành: “Anh Hai đi học, bãi trường về sẽ mua bánh cho hai em ăn. Nhớ ngoan, nghe lời cô dạy bảo. Anh Hai thương hai em lắm!”

Tàu “xúp lê” ba hồi báo hiệu sắp rời bến. Cô Ba và hai em tôi đứng trên cầu tàu nhìn xuống, tôi đứng cạnh thầy Cò nhìn lên bờ. Các thủy thủ kéo neo, dây cột tàu và cột cầu được tháo ra là lúc tàu lần lần xa bến.

Tôi đưa tay vẫy cô tôi và hai em mà lòng thấy se thắt, nước mắt chảy dài trên má. Tàu ra sông lớn, tôi đứng lặng ngắm nhìn thành phố Mỹ Tho có nhà Cercle của người Pháp nóc ngói đỏ cho đến khi cả Châu Thành mờ trong sương chiều, tôi mới vào phòng thầy Cò tàu mà chín chiều ruột thắt. Bảy giờ sáng hôm sau tàu tới Tam Bình.

Cô Năm tôi có ba người con nuôi: anh Ba Liễu, con trai lớn lo việc góp lúa ruộng, anh Tư Mạnh lo công việc trong nhà và chạy vặt, còn cậu bé Hưng mới hơn sáu tuổi cô tôi nuôi để sau này lớn lên giúp cho mấy anh trong công việc nhà và đồng bái. Anh Hai Trước là con ruột, rất được cô cưng chiều. Tôi là em lại mồ côi, ăn nhờ ở đậu, nên rất sợ làm phiền anh Hai. Ở chung trong một phòng mà hễ anh đi ngủ tôi mới được ngủ, anh thức dậy, tôi phải thức dậy theo.

Mỗi ngày anh Tư Mạnh chở xe đạp đưa anh đi học trước, rồi bận thứ nhì mới tới tôi. Mỗi ngày anh Hai Trước được năm xu ăn hàng còn tôi được ba xu. Nhưng ba xu lúc ấy rất lớn, một xu mua được hai gói xôi hoặc hai đòn bánh tét chuối. Tôi chỉ tiêu mỗi ngày hai xu và để dành một xu.

Sau ba tháng rưỡi, đến khi nghỉ Tết tôi về Chợ Giữa thì đã cắc ca cắc củm để dành được 100 xu, tức là một đồng bạc. Số tiền đó rất lớn đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi dẫn hai em đi chợ Tết, mua cho mỗi đứa một bánh bao “tiền xu”, loại bánh có nhưn gồm hột vịt luộc, lạp xưởng và đậu “petits pois” xanh.

Ba anh em vừa ăn vừa đếm coi đứa nào có đậu xanh nhiều là thắng, chỉ thắng cho vui vậy chớ không có ăn thua gì cả. Tôi còn mua cho Trạch một phong pháo con rít hai xu và suốt kỳ nghỉ Tết, trưa nào cũng cho em ăn tàu hủ hay bánh lọt, buổi sáng thì ăn bánh giá, bánh khọt, chà quảy. Đối với anh em tôi, con nhà nghèo lại mồ côi, được như vậy đã là sang lắm.

Đến ngày nhập học, anh em lại bịn rịn chia tay nhau. Vì là anh hai nên tôi phải luôn tỏ ra cứng rắn, dỗ hai em: “Hai em đừng buồn. Ba tháng nữa nghỉ hè anh Hai về, lại có tiền dẫn hai em đi ăn hàng”.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 2: Lập gia đình – Câu chuyện hôn nhân của giáo sư Trần Văn Khê

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150624/thoi-tho-au-cua-tran-van-khe/766212.html

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 2 – Lập gia đình

25/06/2015 12:34 GMT+7

TTO – Năm 1942 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời tôi. Nghe đồn các cô gái Hà Thành rất xinh đẹp, lâu lâu lại thấy báo chí đăng bài khen ngợi thằng cháu cưng nay đã là một chỉ huy dàn nhạc trường Đại học, cô Ba rất e ngại nên quyết định xúc tiến sớm việc hôn nhân cho tôi.

Gia đình GS Trần Văn Khê năm 1976 - Ảnh: Tư liệu
Gia đình GS Trần Văn Khê năm 1976 – Ảnh: Tư liệu

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu

Chuyện mai mối

Vì thương đứa cháu mồ côi nên mọi người trong đại gia đình xúm lại lo việc này. Một buổi chiều tôi đang nằm nhà thì anh Hai Tịnh – anh họ của tôi trong Nam – thình lình bước vô. Tôi ngạc nhiên hỏi anh ra Hà Nội hồi nào, sao không cho biết trước để tôi đi đón. Anh trả lời muốn đến bất ngờ để kiểm tra, khi biết tôi ở chung với một người bạn trai thì anh tỏ vẻ hài lòng và kêu tôi cùng đi ăn tối. Trong bữa ăn anh Hai Tịnh giới thiệu tôi với hai vợ chồng ông quan huyện là người quen cùng đi với anh từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Qua ngày hôm sau, anh Hai Tịnh đến gặp tôi:

– Ông bà huyện nghe nói em học trường Thuốc, ra tận đây gặp mặt và khen em nghiêm trang, nói năng đàng hoàng nên ngỏ ý muốn gả con gái cho em.

– Nhưng em chưa biết cô đó mà.

– Thì em đã gặp rồi!

– Gặp hồi nào?

– Tối hôm qua vừa đi ăn với nhau, đó là bé gái 11 tuổi mà em vò đầu nó đó.

– Trời đất, không được đâu anh Hai, con người ta mới có 11 tuổi mà cưới xin gì.

– Em nên nhớ học Thuốc phải mất bảy năm, chừng ra trường cưới cô vợ 18 tuổi là vừa. Ông bà huyện có hứa sẽ cho tiền mở phòng mạch, em khỏi lo gì hết. Anh Hai nghe vậy cũng mừng cho em.

– Thôi anh Hai ơi, hiện nay cổ còn quá nhỏ, sau này lớn lên còn thay đổi nhiều làm sao tính trước được. Hơn nữa cô Ba muốn em cưới vợ liền chứ không chịu để đến khi ra trường đâu.

– À nếu vậy thì em cứ về bàn với cô Ba xem sao.

Đến dịp hè, khi tôi vừa về đến nhà, cậu Tư kêu đến gặp:

– Cậu muốn nói với con một chuyện. Ông ngoại con ngày xưa là đại điền chủ, vốn hào hoa phong nhã, quanh năm suốt tháng tổ chức trò chơi nên phải bán ruộng lần lần để chi tiêu. Gần nhà ông ngoại có gia đình chú Hai Xiểu là người giàu có, bao nhiêu ruộng vườn ông ngoại bán đi, chú đều mua hết. Bây giờ chú có đứa con gái mới lớn, nghe nói con học trường Thuốc ở Hà Nội đang về đây nghỉ hè nên ngỏ ý với cậu Tư. Nếu con chịu cưới thì họ sẽ lo hết chi phí ăn học cho con, ra trường sẽ cho tiền mở phòng mạch và còn cấp thêm một số ruộng đất. Đây là dịp may để ruộng đất của ông ngoại sẽ trở về với gia đình mình. Con nghĩ sao?

– Thưa cậu Tư, ý cô Ba muốn con lập gia đình liền để có con trai nối dõi chớ không chịu chờ đến khi con ra trường đâu.

– Cô Ba con nghĩ vậy cũng đúng, thôi thì cô cháu bàn với nhau đi.

Trong khi đó cô Ba cũng giới thiệu với tôi:

– Trong làng mình có con Năm giỏi lắm, việc nhà việc cửa một tay nó lo: xắt chuối cho heo ăn, trồng cây, lại thùy mị nết na.

– Không được đâu cô ơi, chị Năm lớn hơn con hai tuổi, từ xưa đến giờ quen kêu bằng chị, làm sao con cưới làm vợ được!

– Không sao đâu, con không nghe ông bà mình nói: Nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một hay sao?

– Thưa cô, cô muốn con lập gia đình thì con xin nghe theo, nhưng xin cô cho phép con được chọn lựa người bạn đời theo ý mình.

– Con nói vậy thì cô bằng lòng nhưng với điều kiện phải được sự chấp thuận của cô cũng như mọi người trong gia đình.

Thế là cô cháu thỏa thuận được với nhau.

Tôi bèn kiểm điểm lại trong trí những người bạn gái trước đây xem ai có thể phù hợp làm người bạn đời của mình. Thời gian học ban Tú tài tôi có ba cô bạn gái thân và có cảm tình đặc biệt với nhau.

Trước tiên tôi đến gặp chị Hàn và ướm hỏi:

– Nếu một người cần cưới vợ để có con nối dõi gia đình, nhưng cưới xong người vợ phải ở lại nhà để làm dâu, còn người chồng phải đi học xa, năm sáu năm sau mới trở về, theo chị liệu có người con gái nào chấp nhận như vậy không?

Chị Hàn trả lời:

– Ai mà chấp nhận như vậy được. Chồng đâu vợ đó, chớ còn cưới xong bỏ vợ lại nhà, biết đâu chừng khi đi học xa lại quen cô khác thì sao? Thời buổi này mà anh làm như hồi thời xưa vậy!

Tôi rút lui lập tức, đến gặp chị Tường Vân. Tôi đặt câu hỏi như trên và cũng nhận được câu trả lời tương tự:

– Thời đại mới bây giờ, con gái cũng có quyền quyết định chuyện hôn nhân của mình chớ đâu phải cha mẹ đặt đâu con ngồi đó rồi cam phận về làm dâu nhà chồng như trước nữa.

Thế là tôi đến gặp Sương, người cuối cùng trong ba cô bạn gái. Trước đây tuy ít thơ từ liên lạc với nhau, nhưng trong thời gian học tại trường Trương Vĩnh Ký, Sương vẫn thường nhờ tôi mượn sách vì tôi giữ thư viện, nên giữa chúng tôi cũng có chút cảm tình. Sương đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình nên trả lời:

– Nếu sống trong gia đình người chồng tương lai mà vui hơn trong gia đình mình thì cũng có thể chấp nhận được, vì mình tránh được một nơi buồn để đến sống ở chỗ vui hơn. Hơn nữa nếu đã thương nhau thật sự thì chuyện sống gần hay xa nhau cũng không ảnh hưởng gì, nếu có phải chờ đợi nhau mấy năm cũng chẳng sao.

Được lời như cởi tấc lòng, tôi nói luôn:

– Thưa chị, người con trai đó chính là tôi và tôi muốn đặt vấn đề xin lập gia đình với chị.

– Chuyện đó thì anh phải hỏi ý kiến ba tôi chớ đâu hỏi tôi được.

Tôi lập tức tìm xin gặp ông thân sinh của Sương. Ông cụ là người theo Tây học, ưa nói tiếng Pháp, đã biết tôi và có lòng thương cậu học trò giỏi trường Trương Vĩnh Ký trước đây. Sau vài câu chuyện, tôi thưa với ông:

– Cháu muốn xin được kết duyên với con gái của bác, nếu bác không phản đối thì cháu sẽ nhờ gia đình đến để người lớn gặp nhau bàn việc xin làm lễ hỏi.

Ông hỏi tôi bằng tiếng Pháp: “Tại sao cậu muốn cưới con gái tôi?”

Tôi thành thật trả lời về việc gia đình muốn tôi lấy vợ để có con nối dõi dòng họ. Người vợ phải ở lại Sài Gòn làm dâu trong nhà cô tôi, còn tôi sẽ tiếp tục đi học thêm sáu năm ở Hà Nội. Đặt vấn đề như vậy quả thật là có phần đường đột, nhưng không ngờ ông lại trả lời: “Tôi rất thích sự thẳng thắn”, và hỏi thêm “Vậy đây không phải là một cuộc hôn nhân vì tình à?”. Tôi thưa: “Quả thật đây là một cuộc hôn nhân vì lý trí chớ không phải vì tình, mặc dầu hai đứa con cũng vốn có cảm tình với nhau từ trước.”

Ông dang tay ra ôm lấy tôi, lặp lại một lần nữa: “Bác rất thích sự thẳng thắn, con cứ về nói với gia đình là bác đồng ý gả con gái”.

Được tin này cô Ba rất mừng, mọi người trong đại gia đình họp mặt lại tại nhà cô tôi để bàn định công việc. Năm đó Sương vừa đậu Tú tài, tốt nghiệp sau tôi một năm. Thời kỳ này con gái học lên cao rất hiếm, nên nghe nói vợ tương lai của tôi là một cô Tú thì mọi người cũng có phần dè dặt. Nhưng đến hôm coi mắt, khi Sương ra chào bên đàng trai, gương mặt để tự nhiên, đi chân không bước ra nhẹ nhàng êm ái khiến cô Ba rất ưng ý. Sương rót nước mời rồi ngồi cạnh quạt cho cô, vậy là hoàn toàn chinh phục được tình cảm của cô tôi. Cả gia đình đều hài lòng và chỉ trong hai tháng bãi trường đã hoàn tất việc lễ hỏi cho chúng tôi.

Sau hơn mười năm mồ côi cha mẹ, tôi lại có được người để gọi bằng ba má. Lần đầu tiên thốt lên tiếng gọi thân thương ấy tôi xúc động không thể tả. Nhạc mẫu tôi cưng con rể vô cùng, việc đầu tiên là sắm ngay một chiếc xe đạp hiệu Alcyon là loại rất sang lúc bấy giờ, để thay cho chiếc xe đã quá cũ tôi đang đi ngoài Hà Nội. Tôi cảm động vì món quà quí giá này và còn cảm động hơn vì tình thương và sự lo lắng của má vợ dành cho mình. Cha vợ thì tìm mua một mớ sách y khoa cho tôi đem theo ra Hà Nội.

Hết hè, khi tôi từ giã gia đình để ra Hà Nội, cô Ba ân cần dặn dò: “Cô nhắc lại lời dặn con năm xưa, phải nhớ không được để tiếng đờn gợi tình của con làm ảnh hưởng đến cuộc đời mình cũng như đến người khác. Năm nay cô càng phải nhắc nhở con kỹ hơn nữa. Ngày trước con tự do muốn đi đâu làm gì cũng được, giờ đây con đã đính hôn nên không có quyền đi chơi với ai khác. Đối với bạn gái phải phân định mối quan hệ cho rõ ràng.”

Trở ra Hà Nội, năm 1942 anh Trương Canh Thân sau khi đậu PCB đã chuyển qua trường Canh Nông, tôi tìm được người bạn khác thay chỗ anh để chia tiền nhà là anh Huỳnh Văn Tiểng. Anh Tiểng học Luật nhưng cũng thích văn nghệ và muốn đẩy mạnh các hoạt động âm nhạc như tôi.

Lúc này Mai Văn Bộ phụ trách tờ báo sinh viên, Lưu Hữu Phước sáng tác bài hát, Huỳnh Văn Tiểng viết kịch và thỉnh thoảng viết bài cho tờ báo sinh viên. Nhóm chúng tôi một mặt lo học, mặt khác chuyên tâm vào các hoạt động xã hội, cũng là một cách tập sự đi vào cuộc đời.

Niên học 1942 – 1943, tôi bắt đầu học chương trình Y năm thứ nhứt, buổi sáng thực tập ở nhà thương còn buổi chiều đến giảng đường để học lý thuyết. Thông thường sinh viên phải đến nhà thương lúc 8 giờ sáng, riêng tôi 7 giờ đã có mặt. Các sinh viên ngoại trú chịu trách nhiệm từng phòng bệnh cũng có mặt từ 7 giờ sáng để soạn sẵn các loại thuốc theo toa của bác sĩ hay giáo sư đã kê cho từng bịnh nhân.

Tôi làm thân với một anh sinh viên ngoại trú người Lào tên là Oudom, anh thấy tôi siêng năng đi sớm nên cho tôi thực tập, phụ anh chích thuốc cho bịnh nhân, ban đầu là tập chích thịt, sau đó chích gân. Tôi luôn chú ý chọn những bịnh nhân có da có thịt để chích cho họ không đau, nhờ vậy mà thường được bịnh nhân khen: “Quan mát tay tiêm không đau” (lúc bấy giờ bịnh nhân vẫn gọi thầy thuốc là “quan”).

Mai Văn Bộ không được học bổng nên buổi sáng phải đi dạy thêm kiếm tiền. Do đó anh thường chọn chăm sóc bịnh nhân nằm giường gần những bịnh nhân tôi phụ trách, nhờ tôi coi giúp anh, ghi chép mọi chi tiết cần thiết, đến trưa anh vào tôi báo lại ngay cho anh nắm vững để trả lời khi giáo sư kiểm tra.

Một hôm anh Oudom bận việc, biết Mai Văn Bộ và tôi có khả năng nên giao cho chúng tôi thực hiện phần đầu một ca giải phẫu pháp y và anh sẽ đến sau. Chúng tôi rất thích thú vì công việc này chỉ có các sinh viên ngoại trú mới được quyền làm. Chúng tôi đã được xem mổ pháp y nhiều lần nên biết cách làm, không có gì phải e ngại.

Nhưng khi xuống trình giấy và nhận thi hài người chết từ nhà xác ra, chúng tôi lặng người: đó là một cô gái trẻ xinh đẹp chết vì uống phosphore tự tử. Làn da cô trắng mịn, thân hình đầy đặn, da thịt vẫn săn chắc hồng hào, suối tóc xõa dài, gương mặt thanh thản như đang nằm ngủ. Cả Bộ lẫn tôi đều chùn tay, không nỡ cầm dao rạch một đường dài trên ngực từ cổ đi xuống, mở rộng vùng bụng ra để cắt những bộ phận bên trong.

Chúng tôi bàng hoàng nhìn nhau, nghĩ rằng cô gái này lúc còn sống hẳn phải được biết bao nhiêu người thầm yêu trộm nhớ. Thế mà không hiểu vì lý do gì lại quyết định kết thúc cuộc đời, bước qua một thế giới khác, để rồi giờ này nằm tại đây chịu đựng một sự xem xét tò mò của khoa học và pháp luật. Một tạo vật đẹp đẽ của thiên nhiên như thế này, ai là người có can đảm ra tay hủy hoại đi?

Nhưng dầu thế nào đi nữa cũng vẫn phải làm vì đã lỡ nhận nhiệm vụ. Mai Văn Bộ vẫn còn đứng ngẩn ngơ nên cuối cùng tôi phải làm cái công việc đau đớn ấy. Khi đưa tay rạch đường mổ đầu tiên, tôi có cảm giác như chính mình bị xẻ ra, rồi phải đưa tay banh bộ ngực đẹp đẽ, tiếng kéo cắt chiếc xương sườn nghe nhói tận tim gan!

Xong việc ra về, hai chúng tôi bâng khuâng nghĩ đến cái mong manh của cuộc đời, cái phù du của kiếp người, đến số phận của một người đẹp mà bất hạnh, đến độ khi chết rồi vẫn không được toàn thân. Đó là những ấn tượng day dứt đầu tiên trong nghề nghiệp.

Lần khác tôi thực tập ở một bịnh viện do giáo sư Tôn Thất Tùng hướng dẫn. Tôi báo cáo với giáo sư trường hợp bịnh nhân của tôi theo dõi có tất cả các triệu chứng của bệnh gan: da vàng, mắt vàng, phân vàng, ấn vào bụng chỗ lá gan thì đau.

Thầy Tùng không cần coi qua bản ghi chép của tôi mà chỉ nhìn phim X Quang rồi kết luận: “Bao tử bị ung thư, sưng to, không phải bệnh gan”. Thông thường sinh viên không dám cãi lời thầy, nhưng tôi vẫn nói:

– Thưa thầy, em đã xem kỹ và tin chắc bịnh nhân có triệu chứng đau gan.

Thầy Tùng khẳng định: “Phim chụp cho thấy bịnh nhân đau bao tử, sao anh cứ cãi cho là đau gan?”

– Thưa thầy, nếu vậy những điều thầy dạy về các triệu chứng của bệnh gan là sai hay sao?

– Không phải sai, nhưng chủ yếu bịnh nhân này bị đau bao tử cần phải mổ ngay. Nếu muốn thì ngày mai anh có thể lên xem ca mổ.

Khi giải phẫu thì đúng là ung thư bao tử. Bao tử của bịnh nhân bị sưng rất lớn nên đè lên gan khiến mật không điều tiết được. Thầy Tùng khen tôi: “Báo cáo của anh đúng đó, tuy chưa thật chính xác. Kinh nghiệm cho thấy là luôn phải phối hợp cả xét nghiệm qua X quang lẫn khám lâm sàng mới đi đến kết luận đúng được”.

Đó là chuyện học. Trong sinh hoạt âm nhạc, năm 1943 đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng, đó là việc ra đời của vở ca kịch Tục lụy, một loại nhạc kịch lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ca nhạc của Việt Nam, với lời thơ mượt mà của Thế Lữ và nét nhạc tuyệt vời của Lưu Hữu Phước.

Số là các nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội muốn dựng kịch Tục lụy của Khái Hưng do nhà thơ Thế Lữ chuyển thể thành kịch thơ. Theo lời đề nghị của Thế Lữ, ngại rằng nếu ngâm thơ suốt cả giờ đồng hồ sẽ khiến khán giả nhàm chán, đoàn kịch phái cô Minh Nguyệt đại diện đến tìm Lưu Hữu Phước để nhờ phổ nhạc các bài thơ trong vở kịch. Đầu tiên Lưu Hữu Phước từ chối:

– Tôi chỉ sáng tác nhạc chứ chưa bao giờ phổ thơ cả.

Minh Nguyệt vẫn tươi cười khẩn khoản:

– Tuy chưa phổ nhạc bao giờ, nhưng xin ông cố một tí giúp chị em tôi ông nhé!

Lời nói nhẹ nhàng của một thiếu nữ xinh đẹp khiến Phước xiêu lòng và chỉ trong vài tuần lễ đã hoàn thành cả vở ca kịch, trong đó đa số các bài đều mang đậm tính chất nhạc tài tử cải lương miền Nam.

Vở kịch do nhà thơ Thế Lữ đạo diễn, về phía múa có nhạc sĩ Văn Chung góp ý kiến. Các cô nữ sinh Đồng Khánh chia vai để học lời thơ. Về các bài hát thì Lưu Hữu Phước, Quách Vĩnh Chương và tôi mỗi ngày phải vào trường nội trú để dạy cho các cô. Khi đó muốn vào trường nội trú Đồng Khánh phải có giấy phép đặc biệt do “Bà Chánh” cấp (thuở ấy bà Hiệu trưởng được gọi là bà Chánh).

Buổi biểu diễn Thi ca kịch Tục lụy của các nữ sinh Đồng Khánh rất thành công. Hôm đó chỉ có ba người phái nam được vào hậu trường là anh Thế Lữ, Lưu Hữu Phước và tôi. Phước rất vui vì lần đầu tiên đã đưa một thể ca kịch mới lên sân khấu.

Nhiều năm sau, khi về già hai anh Thế Lữ và Lưu Hữu Phước sửa lại vở kịch này, đặt tên mới là Trần duyên, thêm lời thơ ý nhạc và những tình tiết lạc quan để làm nhẹ đi cái kết thúc buồn của vở kịch ngày xưa. Khi các bạn đưa cho coi kịch bản tôi không tán thành. Dưới mắt tôi vở Tục lụy vẫn giữ nguyên giá trị đẹp đẽ ngày xưa mà bất cứ sự thêm thắt nào nhằm biến đổi nó cũng sẽ thành gượng gạo và không phù hợp.

Ban nhạc trường Đại học Hà Nội của chúng tôi lúc đó nổi danh đến độ được mời vô biểu diễn tại hội chợ ở Sài Gòn vào dịp lễ Phục sinh. Trong khi bạn bè nghỉ lễ phải nằm nhà thì chúng tôi được đi Sài Gòn không tốn tiền, nhân đó có dịp thăm gia đình. Riêng tôi thêm cái háo hức được gặp lại vị hôn thê của mình.

Anh em trong ban nhạc vẫn giữ truyền thống biểu diễn xen kẽ vừa nhạc cổ điển nước ngoài vừa nhạc Việt, đặc biệt là hai bài Bạch Đằng Giang và Ải Chi Lăng. Chúng tôi đến đài phát thanh Sài Gòn – lúc bấy giờ gọi là đài Pháp Á – gặp nhà thơ Nguyễn Văn Cổn là người phụ trách đài, trình bày với anh ban nhạc trường Đại học chúng tôi có những ca khúc Việt Nam mới rất hay, nhờ anh cho thu thanh để phát ra cho cả nước thưởng thức. Không thể tả hết nỗi vui mừng của chúng tôi khi được anh Cổn đồng ý. Chúng tôi gọi điện thoại báo tin ngay ra Hà Nội, dặn các bạn đón nghe các bài Người xưa đâu tá và Ải Chi Lăng lần đầu tiên được phát trên đài phát thanh.

Các bạn ở Hà Nội khi nghe nhạc phát trên đài cũng xúc động không thể tưởng tượng được, vì thấy rằng việc làm của chúng tôi ban đầu những tưởng chỉ gói gọn trong phạm vi trường đại học, lần lần đi vào phía Nam, và bây giờ lên đến tận Đài phát thanh, vang dội vào từng gia đình trong cả nước.

Trong kỳ về Nam lần này tôi không có dịp đi chơi riêng với vị hôn thê, vì cô Ba nghe tin tôi vào Sài Gòn mừng quá vội lên thăm cháu. Suốt mấy ngày liền đi đâu cũng có cô kề bên nên hai chúng tôi không hề được phút nào ngồi riêng với nhau. Lòng tôi thương cô đã đành, nhưng đồng thời cũng có nhu cầu muốn được gặp riêng vị hôn thê nên đành phải nghĩ cách nói dối. Được ở Sài Gòn sáu ngày nhưng đến ngày thứ tư tôi báo với cô là phải trở về Hà Nội. Buổi chiều đó cả gia đình tiễn tôi ra ga xe lửa, tôi xách hành lý từ giã mọi người rồi lên xe, chừng xe lửa chạy ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ, canh lúc xe chạy chậm lại tôi nhảy xuống trở về nhà nhạc gia.

Nhạc gia tôi lấy làm thú vị về chuyện này, ông sẵn sàng cho phép tôi ở trong nhà và tối đó hai chúng tôi tha hồ sánh vai đi chơi hội chợ. Một buổi đi chơi vô cùng thú vị, hai đứa nắm tay nhau như một cặp uyên ương dạo chơi thỏa thích. Buổi tối trở về nhà, tôi ngủ tại phòng khách. Nhạc gia tôi dặn dò:

– Sáng mai thế nào cô Ba cũng đến thăm ba. Con nhớ ngủ dậy thì ra nhà sau, đừng để cô Ba gặp con.

Tôi nghe lời, cả buổi sáng chỉ loanh quanh trong nhà bếp. Không ngờ khi cô Ba tôi tới chơi, gõ cửa nhà trước không ai nghe nên đi vòng ra cửa sau, gặp lúc người giúp việc vừa đi ra để cửa mở, cô bước thẳng vào trong nhà. Nhìn thấy tôi, cô buông rơi cây dù đang cầm trên tay, tôi thì ngỡ ngàng đứng chết trân, còn vị hôn thê của tôi vội vàng sụp xuống chân cô quì lạy:

– Tụi con muốn đi chơi riêng với nhau một ngày nên anh Khê ở nán lại, chiều nay sẽ ra ga về Hà Nội.

Cô tôi buông người ngồi phịch xuống ghế, chảy nước mắt:

– Cô nuôi con mười mấy năm trời, vậy mà tình cô cháu không nặng bằng tình con đối với vợ sắp cưới. Đằng nào cũng chỉ vài ba tháng nữa là cưới rồi, gấp gáp gì đến nỗi con phải tránh cô mà đi chơi riêng như vậy?

Tôi ý thức được lỗi của mình nên không biết nói gì, chỉ biết lặp đi lặp lại:

– Con xin lỗi cô, chiều nay con sẽ đi Hà Nội.

– Chiều nay hay mai mốt gì, đối với cô cũng vậy thôi. Bây giờ cô đã biết được tình con đối với cô như thế nào rồi.

Vị hôn thê của tôi vẫn quì một bên, tôi ngồi sụp xuống chân cô phía bên kia, cả ba không nói thêm được lời nào. Sau cùng cô Ba buồn bã đứng dậy ra về. Tôi rất buồn nhưng đến chiều vẫn phải xách va li ra ga, lần này cô Ba tôi không tiễn mà chỉ có mấy người bà con đưa đi. Xe lửa khởi hành một đoạn tôi lại nhảy xuống, không dám ở nhà nhạc phụ mà phải về tá túc tại nhà ông nội của vị hôn thê. Đến ngày thứ sáu tôi mới thật sự lên đường về Hà Nội theo đúng vé tàu đã mua trước.

Tôi trở về Hà Nội tiếp tục việc học cho đến hè 1943. Trong sinh hoạt văn nghệ, tôi bước thêm qua lãnh vực kịch nghệ, đóng một vai trong vở kịch Lương Kha của anh Huỳnh Văn Tiểng. Lương Kha là một họa sĩ say mê hội họa, sống với một người bác là nông dân, không biết nghệ thuật là gì, nên ông rất bực mình khi thấy đứa cháu suốt ngày chỉ mải mê vẽ tranh mà không chịu lo làm việc thiết thực hơn như đi góp lúa hay làm ruộng. Tôi đóng vai ông bác, Văn Vĩ đóng vai Lương Kha, có thêm anh Khương Mễ – sau này là đạo diễn – đi theo trợ giúp. Hè năm này trường Áo Tím trong Sài Gòn cũng nhờ chúng tôi vào dựng giúp vở Tục lụy.

Lễ cưới

Cuối hè, vào tháng 7 năm 1943 tôi làm lễ cưới. Nhạc gia tôi theo Tây học, bất chấp chuyện kiêng cữ theo xưa mà tổ chức đám cưới cho hai cô con gái tại đình Tân An vùng Đa Kao trong cùng một ngày. Sau đám cưới, cô Ba đưa cho tôi danh sách bà con hai bên mà cặp vợ chồng mới phải đi thăm, kèm theo bản lịch trình đi từng nơi trong 16 ngày. Cô nói với tôi:

– Cô để trong hộp 16 cây diêm quẹt, mỗi buổi chiều cô đốt ngọn đèn lên là con đã đi được một ngày. Cây diêm cuối cùng cô xài hết cũng là ngày con trở về đây.

Tôi hiểu lòng cô, dạy tôi đi chào họ hàng cho đúng theo phép tắc lễ nghĩa, mặc dầu cô buồn tiếc từng ngày phải xa đứa cháu cưng. Tôi làm theo lời cô dặn, đi theo lịch trình đã ghi và về đúng ngày đã định.

Như đã giao ước, vợ tôi về làm dâu cô tôi, hàng ngày quán xuyến công việc nhà cửa, được cả làng tôi quí mến. Ai cũng trầm trồ khen cô Tú người Sài Gòn về quê chồng làm dâu, ngày ngày quét sân, đi chợ, nấu ăn không thua gì gái quê.

Ngày tôi lên đường trở ra Hà Nội cũng là lúc vợ tôi đã mang thai đứa con đầu lòng. Lần này tôi đi mà lòng buồn vương vấn hình ảnh người bạn đời với đứa con trong bụng, chưa biết sẽ là trai hay gái.

Cuối năm 1943, mặc dầu hăng say hoạt động xã hội, tôi vẫn thi đậu hạng nhứt và chuẩn bị thi vào ngoại trú. Năm này tôi sẽ phải vào thực tập ở bịnh viện lao, nên phải chuẩn bị chích ngừa BCG. Đúng lúc đó thì tôi bị sốt rét, lá lách sưng to. Tôi được khuyên khoan đi thực tập vì sẽ dễ bị nhiễm bệnh trong tình trạng này. Trong khi đó thơ nhà gởi ra báo tin vợ tôi có thai bị hành dữ dội khiến tôi rất băn khoăn.

Hà Nội thì đang có phong trào “Xếp bút nghiên”. Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng sáng tác bài Xếp bút nghiên kêu gọi học sinh sinh viên “dứt làn tơ vương, giã trường lên yên”.

Miền Bắc bắt đầu bị nạn đói, hàng ngày đi từ nhà đến trường đại học, tôi thấy xác người chết vì đói nằm rải rác bên lề đường. Các bạn tôi như Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước đều lên đường, hô hào phong trào đi xe đạp về Nam.

Các bạn đi rồi tôi cũng không còn lòng dạ nào để học tiếp nữa. Tôi làm đơn xin phép tạm nghỉ học một năm và được nhà trường báo sẽ cắt học bổng. Tôi chấp nhận để có thể trở về miền Nam. Cuối năm 1943 tôi về đến Sài Gòn, sau khi chữa lành bệnh sốt rét, tôi cùng với các bạn như anh Hồ Thông Minh, anh Chức, Huỳnh Văn Tiểng lập một gánh hát nhỏ đi các tỉnh miền Nam trình diễn để lấy tiền mua gạo gởi ra miền Bắc cứu đói.

Tôi tham gia hoạt động văn nghệ cùng các bạn, nhưng một mặt cũng phải kiếm cách sanh sống. Đầu năm 1944 vợ chồng tôi được cô Ba cho phép ở trong căn nhà tại Sài Gòn do cha vợ tôi nhường lại. Tôi bắt đầu đi dạy học tại các trường tư. Tôi dạy tiếng Anh tại trường Huỳnh Cẩm Chương, dạy Hóa học và Nhạc lý ở trường Lê Bá Cang, còn trường Nguyễn Văn Khuê thì tôi dạy năm thứ ba là lớp sắp thi Thành Chung, nhận dạy nhiều môn gồm Đạo đức, Pháp văn, Hóa học, Thể thao và cả Âm nhạc.

Con trai đầu lòng

Tháng 5 năm 1944 vợ chồng tôi có đứa con trai đầu lòng đặt tên là Trần Quang Hải. Sáng ngày 13 – 5, tôi đưa vợ đến nhà bảo sanh Thủ Đức. Ngay trong buổi sáng vợ tôi đã bể bọc nước ối, điều này sẽ nguy hiểm khi sanh nếu không có bác sĩ đỡ đẻ. Nhưng đang thời kỳ chiến tranh, buổi chiều các bác sĩ và y sĩ đều về nhà ở Sài Gòn, buổi tối lại bị giới nghiêm nên tại nhà bảo sanh của quận chỉ có cô mụ thôi.

Đến gần 7 giờ tối vợ tôi bắt đầu chuyển bụng, cố sức rặn hồi lâu mà đứa con vẫn không ra nên đuối sức muốn thiếp đi. Lúc đó đầu của thai nhi đã bắt đầu ló ra, nếu người mẹ không cố tiếp tục rặn thì đứa nhỏ sẽ bị ngộp có thể dẫn đến tử vong.

Không có sự trợ giúp của y bác sĩ, tôi phải vừa dỗ dành vừa tiếp sức cho vợ lấy hơi rặn mạnh, thời may đầu đứa nhỏ vọt ra ngoài. Nhưng đứa bé mới sanh ra xanh tím, không khóc vì bị ngộp. Tôi thất kinh, nhờ có ít kiến thức y khoa và đã từng xem bác sĩ đỡ đẻ, nên vội kêu cô mụ đem tới một thau nước nóng và một thau nước lạnh. Tôi nắm hai chân đứa bé đưa cao cho đầu chúi xuống để nước trong mũi chảy ra, kê miệng làm hô hấp nhân tạo cho con, kế đó nhúng lần lượt vào nước nóng rồi sang nước lạnh để cho cơ thể phản ứng. Quả nhiên đứa nhỏ vụt cất tiếng khóc oa oa, người lần lần đỏ hồng trở lại. Vậy là yên tâm, đã qua được cơn hiểm nghèo.

Tôi ôm con vào lòng, đem đến trao cho vợ, tuy kiệt sức nhưng rất vui sướng nhẹ nhàng đưa tay bồng con. Mẹ vợ tôi có chuẩn bị sẵn một chai champagne để ăn mừng sự kiện trọng đại của gia đình. Ngày hôm đó, trong thời kỳ mà mọi thứ đều khan hiếm, chúng tôi lại có được rượu champagne để uống mừng đứa con trai đầu lòng.

Tôi xin nghỉ dạy ba tuần lễ để ở nhà chăm sóc vợ con. Suốt mấy tuần lễ đầu tôi tự tay chăm sóc vợ con như một điều dưỡng lành nghề, tự hào chính tay mình dọn những lọn cứt su đầu tiên của đứa con, điều tưởng như nhỏ nhoi ấy lại là sợi dây vô hình thắt chặt tình cảm cha con mỗi khi nhớ lại.

Khi hay tin tôi có con trai, cô Ba mừng không thể tưởng tượng nổi. Cô nhắn lên khi nào con tôi cứng cáp một chút thì đem về quê, cô trông từng ngày được gặp mặt đứa cháu nối dõi dòng họ Trần.

Nhưng thình lình cô tôi trở bệnh nặng, khi đi thử đàm thì khám phá có vi trùng lao.

Tôi bối rối đến gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chuyên khoa về bệnh lao hỏi ý kiến. Tôi trình bày hoàn cảnh mình, cô Ba đã thay cha mẹ nuôi tôi từ nhỏ đến lớn. Nay cô có điều mong mỏi thiết tha nhứt là gặp được mặt con trai tôi và lòng tôi cũng luôn mong muốn đem vợ con về thăm cô. Anh Thạch giật mình khi nghe cô tôi bị bệnh lao đến thời kỳ thứ ba, có lần ho ra máu, nếu tôi đem con về, tất nhiên do tình thương sẽ không cản được việc cô ẵm cháu, điều đó sẽ nguy hiểm cho đứa nhỏ, còn nếu cô không kiềm chế được mà hun cháu thì khả năng lây bệnh còn lớn hơn. Anh Thạch kết luận: “Tùy anh, nếu muốn tròn bổn phận làm con thì cứ đem cháu về, còn nếu nghĩ đến trách nhiệm làm cha thì không nên. Bởi vì cô của anh sẽ không còn sống bao lâu mà con anh thì còn cả cuộc đời trước mặt”.

Tôi rất khó nghĩ, cân nhắc suy tính suốt mấy đêm, cuối cùng đành lòng mang tội bất hiếu để bảo vệ con mình. Thế là tôi cứ thoái thác, nói với cô thằng bé còn yếu, chờ khi nó mạnh sẽ đem về quê cho cô được gặp mặt.

Tháng 6 năm 1944 tôi về thăm cô Ba. Gặp tôi, cô rất mừng và nói rằng: “Cô thèm được nghe con hòa đờn với cậu Năm một lần, coi như để tế sống cô!”.

Lần đó, hai cậu cháu tôi cùng hòa đờn để chiều lòng cô Ba, đờn tài tử những điệu như Nam Xuân thanh thản, Nam Ai u buồn. Nhưng khi qua điệu Bắc là điệu vui để kết thúc, nhìn cô đau ốm tiều tụy nằm trên chiếc ghế dài, hai cậu cháu đau lòng không thể tả, nước mắt đầm đìa. Cô tôi cười: “Điệu Bắc vui mà lòng con buồn như vậy thì làm sao đờn cho hay được. Cậu Năm và con đờn cho cô nghe, cô thưởng thức từng tiếng đờn của hai cậu cháu, vậy thì phải vui chớ sao lại khóc?”

Hai cậu cháu nghẹn ngào không trả lời được. Lần hòa đờn này để lại ấn tượng suốt đời tôi, giây phút ngồi lên dây đờn, tôi đau lòng nghĩ rằng đây có lẽ là lần cuối cùng tôi còn được đờn cho người mà mình thương quí nhứt đời nghe.

Sau đó tôi trở về Sài Gòn, tháng 8 năm 1944, khi Hải được ba tháng, tôi chụp ảnh con để gởi về cho cô tôi. Tiếc thay, cô Ba chưa kịp nhận hình đã vĩnh viễn ra đi! Nhận được hung tin, nhạc gia tôi và tôi không kịp chờ xe lửa, vội vàng đi xe đạp từ Sài Gòn về Chợ Giữa để lo tang ma.

Trước đây, gia đình chồng của cô Ba theo đạo Thiên Chúa nên buộc cô phải vô đạo để có thể cử hành lễ hôn phối ở nhà thờ. Cô không bằng lòng, nhưng ông nội tôi khuyên cô nên chấp thuận cho đúng nghi thức, còn tin hay không là do lòng mình, nên cô đồng ý.

Sau khi dượng tôi mất thì cô cũng thôi không còn đi lễ nhà thờ nữa. Nhưng lúc cuối đời, khi cô lâm bệnh nặng, em Trạch ở lại quê chăm sóc, cô ngỏ ý muốn được gặp ông cha. Trạch bèn rước ông cha ở Mỹ Tho lên, cô nói với linh mục: “Tôi có cảm giác sắp đến lúc về cõi vĩnh hằng. Tâm tưởng tôi bây giờ lại quay về với Chúa, hướng tới con người đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc của nhân loại”. Do đó lúc cô mất được làm lễ rửa tội và an táng theo nghi thức của đạo Thiên Chúa.

Có thêm đứa con tôi lại lãnh dạy nhiều hơn để kiếm tiền, nhận dạy thêm tiếng Anh cho hai lớp ở trường Ngô Quang Vinh. Tuy bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp thời giờ để hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong, tham gia trong nhóm bảy người đầu tiên lập ra nhóm Hoàng Mai Lưu (lấy theo họ của Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) cùng với các anh Mỹ Ca, Phan Huỳnh Tấn, Quách Vĩnh Chương. Sau đó lập ra Nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu, chuyên in và phát hành những ca khúc mới hay những bài viết về âm nhạc dân tộc, chẳng hạn như bản Tuyên ngôn về âm nhạc do Lưu Hữu Phước và tôi soạn thảo.

Đó cũng là một kỷ niệm vui của buổi ban đầu hoạt động trong lãnh vực âm nhạc, mặc dầu bây giờ đọc lại bản “Tuyên ngôn” này tôi rất mắc cỡ vì có rất nhiều quan điểm sai lầm, bởi lúc bấy giờ tôi vẫn còn ngưỡng mộ nhạc phương Tây và cho rằng đó là căn bản để phát triển âm nhạc nước nhà.

Cuối năm 1944 đầu năm 1945 Nhựt đảo chánh, ở Sài Gòn, Pháp bỏ bom thường xuyên nên hầu hết các trường đều đóng cửa và dời xuống các tỉnh miền Nam.

Anh Ba Trứ – anh họ của tôi – đang làm Hiệu trưởng trường Trương Vĩnh Ký ngỏ lời mời tôi dạy cho nhà trường lúc này vừa dời về Bến Tre. Thế là tôi đem vợ con và cả em gái Ngọc Sương về Bến Tre. Trong khi chờ đợi trường Trương Vĩnh Ký ổn định xong trường lớp mới khai giảng, tôi may mắn gặp được bác sĩ Trần Văn Còn là hiệu trưởng một trường tư thục mời dạy tiếng Anh và tiếng Pháp, đồng thời cấp cho một căn nhà để ở.

Tôi vừa dạy học vừa tham gia trong Ban Tuyên truyền do anh Đặng Ngọc Tốt làm trưởng đoàn. Mục đích của ban này là hô hào tinh thần dân tộc trong quần chúng ở các vùng chung quanh như Sa Đéc, Mỏ Cày…. Anh Tốt nói chuyện với đồng bào về lịch sử còn tôi thì hát những bài của Lưu Hữu Phước như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Người xưa đâu tá hoặc dân ca.

Năm 1945, khi Nhựt bàn giao chính quyền cho phía Việt Nam, lúc đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Bến Tre là anh Phạm Văn Bạch cấp cho tôi một giấy phép được đi khắp vùng Nam bộ. Anh Huỳnh Văn Tiểng gặp tôi bàn việc đưa tôi vào tham gia kháng chiến. Tôi bèn thu xếp đưa vợ con về Vĩnh Long tá túc trong nhà ông ngoại của vợ tôi. Riêng em gái tôi thì về quê nhà ở Vĩnh Kim.

Dịp đó tôi được gặp gỡ Phạm Duy lần đầu tiên khi anh đi theo gánh hát của Charlot Miều về trình diễn tại đây. Chúng tôi chỉ biết tiếng nhau chứ chưa được diện kiến. Phạm Duy nghe tin tôi đưa gia đình về Vĩnh Long nên hỏi thăm tìm đến nhà và rủ tôi đi nghe anh hát tân nhạc trên sân khấu cải lương.

Gặp được nhau chúng tôi rất mừng, Phạm Duy kể cho tôi nghe về công việc và những sáng tác của anh cũng như cách thức anh truyền bá tân nhạc như thế nào. Đêm đó tại Cầu Lộ ở Vĩnh Long, Phạm Duy hát cho tôi nghe bài Cô hái mơ mà anh đã phổ nhạc theo thơ của Nguyễn Bính.

Tôi đi xem Phạm Duy biểu diễn trong suốt mấy đêm, nghe anh hát những bản nhạc nổi tiếng của Văn Cao như Buồn tàn thu, Suối mơ trên sân khấu Vĩnh Long. Khi gánh hát dời đi, hai chúng tôi chia tay nhau rất bịn rịn.

Chúng tôi kết thân và giữ tình bạn thân thiết mãi đến bây giờ, mặc dầu đã trải qua nhiều thử thách, bao cuộc bể dâu. Không ít lần tôi cự nự Phạm Duy về những việc anh làm khiến tôi bất bình, nhưng khi gặp nhau thì giận thì giận mà thương thì thương, như câu hát của người Nghệ Tĩnh. Phạm Duy hay cười bảo tôi: “Cậu sống theo lý trí nhưng cho tớ sống theo tình cảm nhé, đừng bắt tớ phải giống cậu, tớ không làm được đâu.”

Chia tay với Phạm Duy, tôi thu xếp cho vợ con nơi ăn chốn ở yên ổn tại nhà người cậu vợ tại Sóc Trăng, rồi trở lên chợ Thiên Hộ, đi theo kháng chiến.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 3: Đất khách quê người

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150625/hoi-ky-tran-van-khe-ky-2-lap-gia-dinh/766299.html

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 3- Đất khách quê người

25/06/2015 17:11 GMT+7

TTO – Từ đầu năm 1947 tôi đưa vợ con về sống tại Sài Gòn. Tại đây tôi gặp được người quen là anh Nguyễn Chí Mai, một người hoạt động tích cực trong phong trào kháng chiến, vợ anh là người cùng xứ sở với tôi.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu >> Kỳ 2: Lập gia đình

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Giáo sư Trần Văn Khê tại bệnh viện Centre Universitaire de cure a Airesurl' Adour (Pháp) năm 1953 - Ảnh tư liệu
Giáo sư Trần Văn Khê tại bệnh viện Centre Universitaire de cure a Airesurl’ Adour (Pháp) năm 1953 – Ảnh tư liệu

Anh Mai có một biệt thự lớn ở số 80 đường Monceau nên gia đình tôi ở chung với anh, chia nhau mỗi bên ở một nửa. Tôi vừa đi dạy học ở nhiều trường, vừa viết cho các tờ Việt Báo và Thần Chung là nhóm làm báo có cảm tình với kháng chiến đồng thời ủng hộ lập trường thống nhứt đất nước. Dạy học kiếm sống cũng vừa đủ, làm thêm nghề viết báo rất vui vì nhờ đó mà tôi bắt liên lạc lại với một số anh em cùng đi kháng chiến trước đây.

Cuộc sống của tôi thời gian này rất ổn định, cho tới một hôm, anh Nguyễn Chí Mai bị điềm chỉ, mật thám đến xét nhà và bắt anh, tôi ở chung nhà nên cũng bị bắt giam ở bót Catinat. Anh Mai bị đày đi Bà Rá còn tôi bị giam hai tuần lễ sau đó được thả ra vì không có chứng cớ, nhưng từ đó tôi bị mật thám theo dõi.

Anh em bạn bè khuyên tôi nên xin đi Pháp một thời gian để lánh mặt. Nhân dịp này tôi có thể học hỏi thêm mà cũng là cơ hội được đi đây đi đó, thỏa mãn mộng ham thích viễn du. Vậy là tôi dự định đi Pháp trong hai năm sẽ trở về. Vợ chồng tôi đã có ba đứa con, hai trai, một gái và vợ tôi đang có thai đứa con thứ tư. Chuẩn bị cho cuộc sống ở Pháp, tòa soạn Thần Chung và Việt Báo cấp cho tôi một thẻ phóng viên làm việc tại nước ngoài. Khi đến Pháp tôi sẽ ở nhờ nhà anh Francois Lebouteiller, một người bạn mà tôi quen khi anh ở Việt Nam, cha mẹ anh là người đứng tên bảo lãnh cho tôi qua Pháp.

Rời Sài Gòn

Tháng 5 năm 1949 tôi rời Sài Gòn bằng đường thủy. Như bạn đọc đã biết, nhờ anh Năm Châu và ông chủ nhà hàng Phong cảnh khách lầu giới thiệu tôi cho ông quan ba tàu Champollion nên tuy mua vé hạng tư nhưng tôi được phép lên boong tàu hạng nhứt; nhờ bác sĩ Tại mà tôi được ăn chung với những ông sếp lò bánh mì, sếp kho lương thực và sếp nhà bếp trên tàu.

Hàng ngày ngoài những lúc nghỉ ngơi, tôi lên khoang hạng nhứt chơi. Trong chuyến đi này có vua nước Lào đang trên đường qua Pháp công du. Một hôm tôi tới ngồi gần ông và bắt chuyện bằng tiếng Pháp, tự giới thiệu mình là ký giả của hai tờ báo tại Sài Gòn rồi xin phép được phỏng vấn ông. Vua Lào đồng ý, chỉ yêu cầu không nói đến chuyện chính trị. Như vậy là ngay những ngày đầu tiên trong chuyến đi, tôi đã gởi bài phỏng vấn vua Lào về đăng trên trang nhứt tờ báo Thần Chung với hàng tựa: “Đặc phái viên bổn báo đã gặp được vua Lào trên tàu Champollion”, một sự kiện độc đáo không báo nào có được.

Tôi có dịp làm quen một phụ nữ Trung Hoa đi cùng cô con gái và được biết bà trong tương lai sẽ là Tổng lãnh sự Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đang trên đường đi Ý, khi đến Marseille sẽ chuyển sang tàu khác hay đi xe lửa đến Roma. Hai mẹ con bà chỉ biết tiếng Anh chớ không nói được tiếng Pháp. Tôi đờn piano cho cô gái nghe, dạy cô một bài hát Việt Nam còn cô dạy tôi một bài tình ca Trung Hoa. Bài hát rất hay nhưng cô không chịu dịch lời nên tôi chỉ biết phát âm đúng theo cô dạy mà không hiểu ý nghĩa.

Mãi sau này, trong chuyến đi Bắc Kinh, khi cô thông dịch hỏi tôi có biết bài hát nào bằng tiếng Trung Quốc không, tôi hát lại bài ca đó. Nghe xong cô cười hỏi tôi muốn dùng bài hát nhắn gởi với cô hay sao? Tôi ngạc nhiên vì không hiểu nội dung bài này nói gì, cô bèn dịch lời cho tôi biết:

Tôi chẳng biết tôi yêu cô từ lúc nào Muốn nói ra lại sợ cô giận Nhưng nếu không nói thì làm sao cô biết rằng tôi yêu cô Sau khi suy nghĩ rất lâu

Có lẽ tôi sẽ giữ bí mật này suốt đời Không bao giờ thổ lộ với cô.

Ai ngờ bài hát có nội dung trữ tình như vậy?

Trong chuyến đi có tổ chức khiêu vũ, ông quan ba thuyền trưởng gởi thiệp mời tôi tham dự. Lúc đó tàu đang đi trong vùng Ấn Độ Dương, khí hậu nóng nên không bắt buộc mặc lễ phục mà chỉ cần mặc “com lê” thắt cà vạt là đủ. Tôi chỉ có một bộ đồ “vía” bạn bè may cho nên diện vô để đi nhảy đầm. Bà Tổng lãnh sự mấy ngày qua quan sát con gái bà và tôi trò chuyện với nhau nên yên lòng cho phép cô con gái làm bạn nhảy với tôi. Chúng tôi trải qua một đêm khiêu vũ hết sức vui vẻ.

Mấy người bạn đồng hành ở khoang hạng tư tối nào cũng chờ tôi về buồng rồi xúm lại háo hức nghe tôi kể chuyện sanh hoạt ở khoang hạng nhứt, họ cũng tò mò hỏi han về cô bạn gái mới quen người Trung Hoa. Đến nay tôi vẫn giữ ấn tượng về một tình bạn đẹp đẽ ngắn ngủi thoáng qua trong gần một tháng trên chuyến tàu này.

Mỗi lần tàu cập bến, tại Colombo hay Porsaid, tôi đều xuống ngắm phong cảnh địa phương, chụp ảnh viết bài gởi về nước đăng trong loạt “Phóng sự của đặc phái viên bổn báo trên đường từ Việt Nam qua Pháp”. Anh em bên nhà rất thích và hoan nghinh.

Tôi đã viết thơ trước báo tin ngày giờ đến tại Gare de Lyon cho anh François Lebouteiller, nhưng khi đến nơi không thấy ai ra đón. Tôi mới chân ướt chân ráo qua Tây lần đầu, bơ vơ ở ga không biết xoay trở ra sao nên có phần lo lắng. Bỗng nhiên có một người Việt Nam tới hỏi thăm, cho biết anh đi đón mấy người Việt Nam vừa mới tới, thấy tôi không có ai đón nên đề nghị tôi cùng đi về với anh.

Tôi vui mừng xách cái vali nhỏ với hai cây đờn cò và đờn tranh theo anh về “nhà hội” ở quận 16 của Paris. Đây là nơi tiếp nhận những người Việt Nam mới qua Pháp, cho tá túc tạm thời một tuần lễ trước khi có nơi ở ổn định. Ngay chiều hôm đó anh đưa tôi đi tìm nơi François ở tại một chung cư rất lớn của quận 1. Mọi người trong nhà gặp tôi mừng rỡ, cho biết vì họ ra ga trễ mười phút nên chúng tôi không gặp được nhau.

Tôi được dẫn lên một căn phòng nhỏ bỏ trống dành cho người giúp việc trên từng lầu thứ sáu. Bên Việt Nam tôi ở chung với anh Nguyễn Chí Mai trong căn biệt thự lớn, có sân vườn, phòng tắm tiện nghi, nên khi mới bước vào nơi đây tôi bỡ ngỡ vì căn phòng nhỏ xíu, chỉ vỏn vẹn bốn thước vuông, mỗi bề hai thước, có cái giường kê sát tường và một tủ áo nhỏ trong góc. Cũng may đồ đạc của tôi chỉ có một bộ đồ tây, hai sơ-mi và một bộ đồ ngủ nên cũng vừa với cái tủ. Đầu giường có một miếng ván nhỏ gắn vô tường, khi cần thì mở lên dùng cây chống thành một cái bàn tạm bợ vừa làm bàn viết vừa làm bàn ăn.

Hàng ngày tôi ăn chung với gia đình François, bữa ăn có rượu chát, hàng tháng đóng tiền ăn rất rẻ. Nhà có máy giặt, đồ dơ bỏ ra nhờ hai cô em gái của François giặt giùm, lại có sẵn điện thoại, mỗi lần gọi ghi sổ rồi cuối tháng trả tiền. Vậy là cũng giống như hồi đi tàu, tôi mua vé hạng chót mà được lên khoang hạng nhứt chơi.

Chỗ ăn ở tạm ổn định, tôi vô trường Thuốc hỏi thăm thì được biết trường hợp tôi mới qua không được cấp học bổng. Chỉ có cách nếu tôi làm đơn khai là nạn nhân chiến tranh ở đất thuộc địa sẽ được giải quyết cho học chương trình năm thứ ba và thứ tư dồn lại, chương trình này thi cử không khó.

Tôi không đồng ý làm đơn, vì tôi hưởng ứng cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc chớ tôi không phải là “nạn nhân chiến tranh”. Hơn nữa tôi muốn học để có kiến thức chớ không phải để lấy bằng cấp nên không thích học theo kiểu dồn hai năm nhập một. Vả lại học Thuốc phải bận suốt ngày, sớm mai đi thực tập ở bịnh viện, chiều vào trường học lý thuyết, không có thời giờ đi làm thêm kiếm sống. Vậy là tôi bỏ ý định học trường Thuốc.

Tôi tiếp tục viết bài gởi về nước đăng báo để sinh sống. Tôi xin cấp coupe-file là loại thẻ cho phép nhà báo vô các công sở như Quốc hội hoặc đến xem các cuộc triển lãm khỏi phải trả tiền. Lúc đầu hàng ngày tôi tới Trung tâm báo chí đọc báo để biết tin tức, về sau tòa soạn ở Sài Gòn gởi tiền qua cho tôi mua báo để cắt bài gởi về khi có tin tức liên quan đến Việt Nam.

Thời kỳ làm báo ở Sài Gòn trước đây tôi có quen một anh bạn người Mỹ làm việc tại Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Cảm kích việc tôi thường cung cấp những tin tức xác thực về kháng chiến nên anh hứa sẽ xin cho tôi một học bổng đi học ở Mỹ. Tôi đến Pháp ít lâu thì nhận được tin anh báo cho biết đã xin được cho tôi học bổng tại Khoa báo chí của Trường Michigan. Tôi rất mừng, chờ giấy tờ gởi qua để làm thủ tục xin đi Mỹ cho kịp nhập học vào đầu niên học tới.

Trong khi chờ đợi, vào tháng 8-1949, anh Nguyễn Ngọc Hà, một người hoạt động tích cực trong phong trào sinh viên Việt Nam ở Pháp, rủ tôi đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên tổ chức hai năm một lần tại các nước Đông Âu.

Năm đó liên hoan được tổ chức tại Budapest, thủ đô của Hungary. Vài người bạn lưu ý tôi nếu đi chuyến này có thể ảnh hưởng đến việc xin đi Mỹ, nhưng tôi chấp nhận, vì sang Budapest không phải cốt đi du lịch mà để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Quả nhiên sau khi đi Budapest về thì việc đi học ở Mỹ của tôi không thành.

Liên hoan này là cuộc gặp gỡ của thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa hoặc các tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản ở những nước tư bản, thanh niên thuộc Đảng Cộng sản Pháp cũng có tham dự. Mỗi đoàn đại biểu phải chuẩn bị hai chương trình văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình để tham gia liên hoan. Ngoài ra còn cử đại diện dự thi đơn ca, hợp xướng, múa, biểu diễn nhạc…

Tôi mới chân ướt chân ráo qua châu Âu, chưa hiểu rõ cách thức tham dự các cuộc thi như thế nào. Các bạn cho biết đây là lần đầu tiên phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mời dự Liên hoan Thanh niên. Trong nước đang có chiến tranh nên chỉ cử một đại diện từ Miến Điện sang Hungary, mang theo một lá cờ thi đua để tặng thưởng cho người nào có công làm cho mọi người biết đến đất nước Việt Nam nhiều hơn hết. Đoàn thanh niên Việt Nam tại Pháp gồm 17 người đi Hungary dự liên hoan, hầu hết đều rất trẻ, toàn là học sinh sinh viên, không ai biết đờn hát, trừ anh Nguyễn Ngọc Hà đờn được lục huyền cầm Hạ uy di.

Anh Hà đề nghị tôi đi theo để cùng anh tổ chức chương trình văn nghệ. Khi qua đến nơi, thấy đoàn đại biểu các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô đem theo lực lượng hùng hậu, chuẩn bị chương trình biểu diễn công phu, chúng tôi rất lo lắng.

Anh Nguyễn Ngọc Hà bàn với tôi chỉ còn cách làm một chương trình giới thiệu những khía cạnh độc đáo của âm nhạc dân gian từ hát ru, điệu hò, đến nhạc thính phòng và tân nhạc. Tôi trình bày bằng tiếng Pháp được thông dịch ra tiếng Hungary và tiếng Nga, tự tôi minh họa. Đến phần giới thiệu ca khúc mới thì anh Hà đờn guitare, tôi đệm piano và kết thúc bằng bản nhạc Bóng hoàng hôn của Võ Đức Thu.

Đêm văn nghệ của đoàn đại biểu Việt Nam có đại diện cả các nước đến tham dự. Chúng tôi dựng chương trình này vào giờ chót để chữa cháy, không ngờ được đại biểu các nước hoan nghinh nhiệt liệt. Khi kết thúc mọi người đứng dậy hô “Việt Nam muôn năm” bằng tiếng Hungary và kéo cờ Việt Nam lên.

Sau đó các đoàn trao đổi huy hiệu có giá trị khác nhau tùy theo mức độ được ưa chuộng. Một huy hiệu Komxômôl của Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô đổi được tới 5 huy hiệu khác. Riêng huy hiệu cờ đỏ sao vàng khắc chữ Việt Nam tuy nhỏ nhưng lại có giá trị gấp đôi huy hiệu Komxômôl vì số lượng bên nhà đem qua quá ít. Đúng theo luật cung cầu phải không các bạn?

Xong được chương trình đầu tiên anh em trong đoàn đều vui mừng, nhưng Ban tổ chức cho biết mười ngày sau đó đoàn Việt Nam sẽ phải biểu diễn chương trình thứ nhì.

Anh Nguyễn Ngọc Hà nghĩ ra đề tài “Thanh niên Việt Nam qua các thời đại”. Mở đầu là tiết mục ngâm thơ theo điệu sa mạc, giới thiệu thời kỳ sĩ tử còn mặc áo dài khăn đóng lên kinh thành ứng thí. Đến thời Tây học, thanh niên bận âu phục hát một bản nhạc tiếng Pháp. Thời kỳ sau đó thanh niên bắt đầu học đòi ăn chơi, hát bài Tình kỹ nữ của Phạm Duy. Tiếp theo là bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước đánh dấu thời kỳ thanh niên ý thức được nhiệm vụ đối với đất nước.

Chương trình kết thúc bằng hoạt cảnh Hội nghị Diên Hồng, dựng lại sự kiện lịch sử đời nhà Trần khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, vua cho mời các bô lão để hỏi ý kiến và tất cả đều đồng tâm hiệp lực quyết chiến chống ngoại xâm.

Tôi lãnh phần cố vấn nghệ thuật và đạo diễn. Chúng tôi đề nghị Ban tổ chức dựng trên sân khấu khung cảnh hoàng thành Việt Nam, nhưng chẳng biết nhóm trang trí sân khấu nghe thế nào mà lại dựng cảnh điện… Kremlin của Liên Xô! Chúng tôi phải vẽ cung điện Việt Nam với các cột có biểu tượng rồng quấn xung quanh cho họ coi để theo đó mà làm. Chương trình này cũng được hoan nghinh vì tạo dựng được hào khí làm khán giả say mê.

Đến phần thi biểu diễn nhạc. Khi ở Pháp anh em dự định các sinh viên trong đoàn sẽ thi đơn ca hay hợp xướng, nhưng qua đây thấy thí sinh của các nước đều là những người đã tốt nghiệp thanh nhạc ở các nhạc viện, anh em đều sợ không dám ghi tên đua tài.

Anh Nguyễn Ngọc Hà đề nghị tôi dự thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tôi nhận lời mặc dầu rất e ngại. Dàn nhạc dân tộc Liên Xô gồm hơn hai mươi người biểu diễn đờn balalaika đủ cỡ từ nhỏ đến lớn. Hungary đưa cả dàn nhạc phụ họa cho màn độc tấu đờn cymbalom. Mông Cổ có Mã đầu cầm, thùng đờn hình thang có hai dây do cung kéo, đầu cây đờn chạm hình con ngựa, tiếng kêu trầm ấm chớ không nỉ non như đờn cò của Việt Nam. Ba Lan có dàn violon biểu diễn theo phong cách dân tộc. Bungary giới thiệu một tiết mục độc đáo, nhạc sĩ cầm chiếc lá thổi một bản nhạc có cả dàn nhạc phụ họa. Nước nào cũng phô trương lực lượng hùng hậu, trong khi tôi đơn thương độc mã với cây đờn cò và đờn tranh vô cùng khiêm tốn.

Tôi vừa biểu diễn vừa cắt nghĩa cách sử dụng các cây đờn, đờn cò “đổ hột” thế nào, nhấn, vuốt, rung ra sao; giới thiệu đờn tranh có thể nhấn từ nửa bậc đến một bậc, hai bậc, hai bậc rưỡi trên một dây, có nhấn rung, nhấn vuốt, nhấn mổ…

Tôi hồi hộp vì đơn độc trên sân khấu, lại không biết qua lời của thông dịch Ban giám khảo có thể hiểu được hay không? Không ngờ khi tuyên bố kết quả, đoàn Liên Xô được hạng nhứt, đồng hạng nhì là hai đoàn Mông Cổ và Việt Nam, Hungary hạng ba, Bungary hạng tư.

Khi Ban giám khảo xướng tên đoàn nào được giải thưởng thì cờ nước đó được kéo lên, đoàn Việt Nam cũng được vinh dự này và chúng tôi hết sức xúc động. Tôi nhận được một giấy khen thưởng cùng với một bình cắm hoa bằng đất nung của Liên Xô và chiếc cà vạt dệt tại Hungary có thêu hình ba gương mặt người da trắng, da đen, da vàng tượng trưng cho các dân tộc trên thế giới. Sau đó các tiết mục đoạt giải được mời đi biểu diễn nhiều nơi tại Hungary.

Chuyến đi này của đoàn sinh viên Việt Nam được báo chí cả hai miền Nam và Bắc đưa tin. Báo Thần Chung và Việt Báo tại Sài Gòn đăng tin tôi được giải nhì đờn dân tộc tại Budapest, còn người đại diện Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng tôi lá cờ thi đua vì cho rằng tôi có công tạo được tiếng vang cho đất nước.

Khi trở về Pháp tôi bị ghi tên vào sổ bìa đen của chánh quyền sở tại vì lý do có quan hệ với phía Chánh phủ Cộng sản ở Việt Nam. Khi tôi viết thơ cho người bạn Mỹ hỏi thăm học bổng tại Michigan thì anh bạn cho hay vì tôi dự liên hoan thanh niên tại một nước Cộng sản nên sẽ không được cấp chiếu khán vào nước Mỹ. Tôi đã dự trù trước tình huống này và không hề hối tiếc về việc không được du học ở Mỹ.

Tôi tiếp tục viết báo kiếm sống, nhưng thấy trình độ nhận thức của mình còn kém cỏi, bài viết không được sâu sắc nên xin vô trường Chánh trị Paris (Sciences Politiques de Paris). Trước đây trường này chỉ dành riêng cho con nhà quí tộc, đến khi chánh phủ De Gaulle nắm quyền mới mở rộng cho những người có cử nhơn Luật và Văn chương được vào học. Còn nếu không có hai bằng cấp đó thì phải học một năm dự bị rồi thi vô năm thứ nhứt. Tôi đã học qua hai năm đại học tại Việt Nam nên chỉ phải qua cuộc thi gồm một bài luận văn và một bài về lịch sử bằng tiếng Pháp. Tôi thi đậu và được nhận vào trường mà khỏi học năm dự bị.

Ngay trong năm đầu tôi đã lấy được tám tín chỉ nên năm sau chỉ cần lấy thêm bốn tín chỉ và thi các môn chánh như Lịch sử ngoại giao, Luật quốc tế và một môn thi đặc biệt là thuyết trình trong đúng 10 phút, không được nhiều hay ít hơn, về một đề tài bắt thăm trong số nhiều đề tài về “Giao dịch quốc tế”.

Một anh bạn tên Trương Lê thấy tôi học giỏi nên có ý thưởng tôi một điều gì mà tôi thích. Tôi liền đề nghị anh cho tiền để ghi danh học khóa Luật Quốc tế tại Hà Lan. Khóa học này kéo dài một tháng và chỉ dành cho những người có cử nhơn Luật hoặc đã học xong năm thứ hai trường Chánh trị, được thực tập ngay tại Tòa án Quốc tế La Haye, tham dự những phiên xử tại đây.

Tôi được học chung với anh Lê Thành Khôi lúc đó sắp tốt nghiệp tiến sĩ Luật. Anh là con của giáo sư Lê Thành Ý, giám khảo môn Việt văn là sinh ngữ thứ nhì khi tôi thi Tú tài ở trường Pétrus Ký. Chúng tôi là hai sinh viên Việt Nam duy nhứt trong số bảy tám trăm sinh viên của khóa này. Từ đó về sau hai chúng tôi vẫn thường liên lạc trao đổi những vấn đề về sử học và thân thiết với nhau cho tới bây giờ.

Thời gian học tại đây tôi ở tại một nhà trọ gồm sáu sinh viên mang quốc tịch khác nhau: Pakistan, Miến Điện, Thụy Sĩ, Pháp, Cameroun và Việt Nam. Ông bà chủ nhà thường nói đùa nhà họ giống một cơ quan của Liên Hiệp Quốc với đại biểu nhiều quốc tịch tụ họp lại.

Xong khóa học này tôi trở về Pháp, còn ít tiền thưởng của anh Trương Lê vừa đủ để qua Ý tham dự Năm Thánh (Année Sainte), cùng đi với sinh viên các trường Chánh trị và Văn khoa được nhà trường tổ chức đi Roma bằng vé xe lửa và ăn ở tại nhà của sinh viên Ý với giá rẻ. Dịp này Đức Giáo hoàng có một buổi gặp gỡ đặc biệt dành cho sinh viên bên Pháp qua. Tôi tuy không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng biết rằng được diện kiến Đức Giáo hoàng là một dịp may hiếm có trong cuộc đời. Một sự trùng hợp, nhạc gia tôi cũng đang ở Roma với tư cách nhà báo nên hai cha con cùng đi viếng Roma và sau 10 ngày ở Ý, nhạc gia tôi sang Pháp thăm Paris trong một tuần lễ.

Hết hè, tôi vẫn vừa đi học vừa viết báo để kiếm sống. Có lần báo bị đóng cửa hai tháng, không còn nhuận bút bên nhà gởi qua, tôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Một hôm đang đi trên đại lộ Saint Michel, tôi gặp mấy sinh viên Việt Nam bên nhà mới qua.

Biết tôi đang cần việc làm, một anh giới thiệu tôi với chú của anh là ông Từ Bá Hòa, chủ tiệm ăn La Paillote (Túp lều tranh) ở quận 5. Ông Hòa nhận tôi vào đờn nhạc dân tộc mỗi tuần hai lần vào chiều thứ năm và thứ bảy, từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 tối, trả lương 1.000 quan cũ (tương đương 10 quan mới hiện nay), ngoài ra tôi còn được ăn bữa cơm rất ngon trước giờ làm việc. Số tiền này không nhiều nhưng cũng giúp tôi qua lúc khó khăn.

Tuy vậy, mỗi lần ngồi đờn tôi cảm thấy rất tủi thân vì ít ai chú ý nghe. Lâu lâu có người khách nước ngoài tò mò hỏi thăm về cây đờn tranh, sau khi nghe tôi giải thích họ thường cho tiền “boa”. Tôi mắc cỡ không nhận, anh Hòa thấy vậy bèn để một cái dĩa cạnh chỗ tôi ngồi để khách muốn cho thì bỏ tiền vô. Anh nói theo thông lệ khách cho tiền thì phải nhận, chưa kể khoản này có khi còn nhiều hơn cả tiền lương của nhà hàng.

Thỉnh thoảng các anh em sinh viên học sinh tổ chức cho tôi nói chuyện về âm nhạc tại nhà Société Savante, khách tham dự không phải mua vé mà chỉ đóng góp tùy hỷ. Số tiền thâu được sau khi trừ chi phí tổ chức thì tôi được hưởng.

Làm việc tại La Paillote khoảng sáu tháng, tôi được anh Bùi Văn Tuyền mời về làm tại nhà hàng Bồng Lai của anh, một tiệm ăn lớn ở gần đại lộ Champs Elysées đẹp nhứt của Paris. Tôi làm việc trong hai đêm cuối tuần, giới thiệu đờn tranh, đờn cò rồi hát một bản nhạc dân tộc và một bài hát tiếng Pháp trong vòng mười lăm phút. Anh Tuyền trả tôi 3.000 quan (cũ) mỗi đêm, lương gấp ba lần chỗ cũ mà công việc lại vui hơn. Tôi làm tại đây cho đến năm 1951, được quen biết và kết bạn thêm với rất nhiều người.

Ngoài đi hát, tôi còn làm thêm một nghề nữa là dịch văn kiện chánh thức từ tiếng Pháp ra tiếng Việt và ngược lại. Các cơ sở dịch vụ pháp lý mướn tôi dịch hôn thơ hôn thú, khai sanh, các giấy tờ cá nhân từ tiếng Việt qua tiếng Pháp cho những người Việt định cư tại đây. Ngoài ra, tôi cũng dịch các thơ tình của lính viễn chinh Pháp đã hồi hương liên lạc với người yêu còn ở Việt Nam.

Tôi cũng thâu âm cho Hãng dĩa Oria do anh Lê Văn Tư – vốn là dân Sài Gòn sang Pháp sanh sống đã nhiều năm – làm chủ. Lúc này tân nhạc bắt đầu thịnh hành trong nước, nhưng ca sĩ hát chỉ có một vài cây đờn phụ họa. Anh Tư muốn làm đĩa tân nhạc với cả một dàn nhạc đệm phối khí theo phương Tây.

Thời gian đó tôi vẫn còn tư tưởng vọng ngoại, nghĩ rằng muốn phát triển nhạc Việt Nam phải dựa vào phương pháp của phương Tây. Tôi phối khí các bản nhạc sao cho phù hợp với phong cách Việt Nam và nhờ ông Georges Ghestem soạn tổng phổ. Ông này là chỉ huy dàn nhạc của nhà hát La Gaêté Lyrque.

Cho đến nay tôi vẫn còn giữ những dĩa hát 78 vòng này, tôi lấy nghệ danh Hải Minh là tên hai đứa con trai. Tổng cộng chúng tôi thâu đĩa được hơn 20 bài của những nhạc sĩ danh tiếng thời đó.

Mỗi bài nhạc ghi xong tôi lãnh được 5.000 quan là tiền tham gia phối khí và biểu diễn. Mỗi buổi sáng thâu được nhiều nhứt là năm bài, trung bình hai ba tháng làm một lần. Nhưng có khi bốn năm tháng không thâu bài nào nên cũng không thể trông cậy vào đó để sống. Công việc này tôi làm lai rai từ cuối năm 1949 kéo dài đến năm 1953.

Tháng 2/1950, trong dịp Tết âm lịch tôi được mời sang trường Exeter là một trong những trường đại học lớn ở miền Nam nước Anh trong hai tuần lễ. Tôi quen một anh tên Thân đang học khoa Kinh Tế tại đại học này, biết tôi được giải thưởng đờn dân tộc ở Budapest nên anh vận động trường đài thọ chi phí mời tôi qua nói chuyện về nhạc Việt Nam truyền thống và tân nhạc cho sinh viên nghe. Tôi nói chuyện trong ba buổi, một buổi nói cho toàn trường và hai buổi còn lại nói trong các học xá.

Tôi có một kỷ niệm rất vui trong chuyến đi này. Khi đến Học xá Lopes của nữ sinh viên, tôi được mời ăn chiều trước khi nói chuyện. Trong phòng ăn có tới mấy trăm nữ sinh viên, tôi vừa bước vô họ đồng loạt đứng dậy chào. Mấy trăm cặp mắt phụ nữ đổ dồn quan sát tôi là thanh niên duy nhứt có mặt lúc đó lại là người châu Á khiến tôi thấy ớn xương sống!

Bà hiệu trưởng giới thiệu tôi, mọi người vỗ tay chào mừng. Tôi được mời ngồi vào một bàn đặc biệt cùng với bà hiệu trưởng, bà phó giám đốc và một đại diện phụ huynh học sinh. Ăn xong mọi người qua giảng đường, tôi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam truyền thống và kết thúc bằng bài Bóng hoàng hôn, một sáng tác cho đờn piano của nhạc sĩ Võ Đức Thu.

Sau đó các sinh viên đặt câu hỏi, nhưng vì đông người tôi nghe không rõ, bà hiệu trưởng đề nghị ai muốn đặt câu hỏi thì bước đến gần chỗ tôi ngồi. Bà vừa dứt lời tôi nghe một tiếng ào như giặc châu chấu, ngước lên đã thấy các cô xúm quanh tôi đông nghẹt, thay nhau hỏi han đủ chuyện.

Nhân cơ hội này tôi tự giới thiệu với bà hiệu trưởng mình là ký giả của hai tờ báo tại Sài Gòn, xin phép được viết bài về sanh hoạt và cuộc sống của nữ sinh viên tại đây. Bà hiệu trưởng đồng ý và cho phép tôi đến thăm phòng ngủ của các cô. Các nữ sinh viên dọn dẹp phòng cho ngăn nắp rồi đứng tại giường chờ đón tôi đến thăm.

Tôi thú vị thấy mình may mắn vì ai đến trường cũng chỉ được vào phòng khách hay phòng hòa nhạc là cùng. Đằng này chẳng những được vào phòng ăn, tôi lại còn được lên tận phòng ngủ của các cô, hỏi han quan sát rồi viết bài gởi về cho báo tại Sài Gòn.

Tôi vừa học vừa làm việc lặt vặt trong 2 năm cho đến khi tốt nghiệp trường Chánh trị vào tháng sáu năm 1951. Trong kỳ thi tốt nghiệp, những sinh viên có điều kiện thì làm một bài luận văn về đề tài nào đó để lấy điểm cộng thêm vào điểm thi và như vậy sẽ được sắp hạng cao hơn. Tôi phải lo mưu sống, không có thời giờ rảnh nên chỉ thi hết các môn học. Mặc dầu vậy tôi cũng đậu hạng 5 trong số 32 sinh viên tốt nghiệp.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 4 – Giới thiệu nhạc truyền thống

27/06/2015 10:02 GMT+7

TTO – Năm 1959, nhân dịp đoàn Nghệ thuật Dân tộc Việt Nam sang biểu diễn tại Praha, thủ đô nước Tiệp, anh Nguyễn Khắc Viện hỏi tôi có thể sang Tiệp để tiếp xúc với nghệ sĩ bên nhà không.

Năm 1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn - Ảnh tư liệu
Năm 1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn – Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu>> Kỳ 2: Lập gia đình>> Kỳ 3: Đất khách quê người

Tôi vui vẻ đồng ý và anh Viện xin thị thực nhập cảnh cho tôi trên giấy rời để khỏi lưu lại dấu vết chuyến đi này. Các anh dặn tôi không cho ai biết nên ngày tôi lên đường chỉ có một người bạn là chị Mai Thị Trình tiễn tôi ra ga. Qua Tiệp tôi được sắp ở chung phòng với trưởng đoàn là nhà thơ danh tiếng Lưu Trọng Lư.

Tôi cũng gặp được anh Nguyễn Văn Thương, tác giả bài Đêm đông; gặp em Đinh Thìn lúc đó chưa nổi danh với tiếng sáo nhưng rất thông hiểu về hát chèo và đã ký âm cho tôi nhiều làn điệu chèo để nghiên cứu.

Tôi nói chuyện có minh họa cho các anh chị em trong đoàn nghe về nhạc tài tử miền Nam. Khi các anh em khen tôi là một nhạc sĩ cổ truyền, anh Nguyễn Văn Thương đính chánh:

– Anh Khê đâu phải là một “nghệ sĩ”. Anh là “nghệ nhân” về nhạc tài tử.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến danh từ “nghệ nhân” mà anh Nguyễn Văn Thương dùng một cách trang trọng, cũng là lần đầu được gặp gỡ các nghệ sĩ miền Bắc và nghe qua những làn điệu chèo, những bài ca quan họ.

Bước qua năm 1960, tôi được mời qua thành phố Bath bên Anh dự một buổi sinh hoạt âm nhạc có biểu diễn minh họa cho nghệ thuật ứng tác ứng tấu trong âm nhạc trên thế giới. Người mời tôi là nhạc sĩ tài danh Yehudi Menuhin, một thần đồng về đờn violon, năm này (1960) ông đã quá lục tuần.

Tại đây tôi được gặp ông Paul Roberson, một ca sĩ nhạc jazz có khả năng ứng tác ứng tấu tuyệt vời, gặp tiến sĩ Narayana Menon, người Ấn Độ, nói chuyện có minh họa về ứng tác ứng tấu khi đờn Saraswati Veena theo truyền thống nhạc “Carnatic” của miền Nam Ấn Độ. Phần tôi nói về ứng tấu, cách rao mở đầu và đờn tùy hứng theo phong cách đờn tài tử miền Nam Việt Nam.

Tôi mới vừa đậu tiến sĩ, nghề nghiệp chưa ổn định mà được dự nhiều buổi gặp gỡ quốc tế, sánh vai với những danh tài, họ nói chuyện của họ thì mình cũng trình bày chuyện của mình. Đây là buổi biểu diễn âm nhạc có tánh cách quốc tế lần thứ nhì tôi được tham dự.

Tôi cũng tham dự hội nghị do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO tổ chức với đề tài “Tâm trạng người nhạc sĩ trước, trong và sau khi biểu diễn”. Tôi có bài tham luận về tâm trạng người nhạc sĩ Việt Nam.

Năm này tôi được cử vô Ban Chấp hành của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc, thay thế cho giáo sư Tapales người Phi Luật Tân vừa mãn nhiệm kỳ. Ban chấp hành có 9 người mang quốc tịch khác nhau, tôi đại diện cho châu Á với nhiệm kỳ 6 năm, việc đi lại tại các nước do UNESCO đài thọ.

Năm 1961 đánh dấu những chuyến đi quan trọng đối với tôi. Làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc mới được 2 năm mới cấp bực thấp nhứt là Tùy viên nghiên cứu (Attaché de recherche), lâu lâu được thầy cho đi theo tập sự nói chuyện về âm nhạc tại Đại học Sorbonne, vậy mà bỗng nhiên tôi được mời đi dự hội nghị tại nhiều nơi.

Trước hết là hội nghị “Bảo vệ và phát triển âm nhạc truyền thống của các nước trên thế giới” tổ chức tại Téhéran (Ba Tư), tôi tham luận về đề tài: Những nguyên tắc cơ bản của truyền thống âm nhạc châu Á.

Đồng thời tôi được mời tham dự hội nghị quốc tế âm nhạc mang tên “Cuộc gặp gỡ Đông – Tây” (Rencontres Est-Ouest) tổ chức tại Tokyo vào cuối tháng tư, qui tụ 1.400 người, do Nhựt và Mỹ tài trợ.

Mùa thu năm 1961, Hội Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc tổ chức tại Nữu Ước hội thảo về đề tài “Tô điểm chữ nhạc và nét nhạc”. Bà bá tước De Chambure – Giám đốc Viện Bảo tàng nhạc khí của Nhạc viện Paris – là thành viên của chi nhánh hội này tại Pháp đề nghị mời tôi đi dự để nói về cách tô điểm chữ nhạc và nét nhạc trong nhạc truyền thống Việt Nam.

Nhưng một vấn đề khó khăn đặt ra là lúc đó tôi bỗng nhiên bị rơi vào hoàn cảnh một người “không có quốc tịch hợp pháp” (apatride). Số là khi đi Pháp tôi mang giấy thông hành Đông Dương do Pháp cấp. Sau khi Đại tướng De Gaulle thành lập Liên hiệp Pháp, tôi được cấp thẻ căn cước và giấy thông hành công dân Liên hiệp Pháp.

Sau Hiệp định Genève, chánh phủ Pháp qui định bỏ giấy thông hành này, ai muốn nhập quốc tịch Pháp phải làm đơn xin để họ xét, còn không thì đương nhiên trở thành công dân Việt Nam.

Tôi không vô dân Pháp nên làm đơn xin giấy thông hành tại sứ quán của chánh phủ miền Nam Việt Nam. Năm 1960, họa sĩ Võ Lăng – em của anh Võ Hải là bạn học của tôi ở trường Chánh trị Paris, đang có liên hệ với ông Ngô Đình Luyện – báo cho tôi biết theo ý kiến của ông Ngô Đình Nhu, Bộ Văn hóa chánh phủ miền Nam muốn mời tôi về Sài Gòn nói chuyện về âm nhạc, đồng thời cũng đánh tiếng đề nghị tôi cùng đi với ông Bửu Hội làm Đại sứ lưu động tại các nước châu Phi vì biết tôi đã tốt nghiệp Đại học Chánh trị. Tôi từ chối, viện lẽ đang làm công việc nghiên cứu âm nhạc tại Pháp. Có lẽ vì việc đó nên Tòa đại sứ miền Nam được lịnh thâu giấy thông hành cũ mà lại không cấp giấy mới cho tôi.

Không còn giấy tờ tùy thân nên tôi không thể đi dự các hội nghị nói trên, bèn phải cầu cứu bà bá tước De Chambure. Bà bày tôi thủ tục xin chánh phủ Pháp cấp cho “Titre de voyage” tức là một loại giấy thông hành đặc biệt dành cho những người không còn quốc tịch, có giá trị đi khắp nơi thế giới trừ nước của mình.

Không may cho tôi, hôm đi nộp đơn thì có bốn người Việt Nam khác hoạt động chánh trị cũng xin giấy thông hành nên nhân viên phòng này gộp chung hết năm lá đơn lại. Khi bốn người kia bị bác đơn tôi cũng chịu chung số phận.

Tôi lại phải nhờ tới bà Bá tước. Cũng may con rể của bà làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Pháp, sau khi kiểm tra lại mới biết có sự hiểu lầm nên ra lệnh giải quyết hồ sơ của tôi. Vài ngày sau tôi có giấy thông hành đặc biệt được đi tới tất cả các nước trên thế giới trừ Việt Nam.

Thời gian quá gấp rút, ngày khai mạc hội nghị đã gần kề mà tôi còn phải xin chiếu khán nhập cảnh vào ba nước: Ba Tư, Nhựt Bổn và Hoa Kỳ. Tòa đại sứ Nhựt cấp visa ngay, sáng ngày thứ Năm tôi cấp tốc tới sứ quán Ba Tư để xin nhập cảnh vì 3 giờ chiều thứ Hai tuần sau đã phải lên máy bay.

Đại sứ Ba Tư là bạn rất thân của tôi nhưng ông bối rối cho biết ông chỉ được quyền cấp chiếu khán nhập cảnh miễn phí cho những người tham dự hội nghị có giấy thông hành bình thường. Giấy thông hành của tôi thuộc loại đặc biệt nên phải chờ xin ý kiến của Chính phủ Ba Tư.

Hai giờ trưa thứ Năm ông điện khẩn về nước nhưng lúc đó đã 5 giờ chiều bên Ba Tư, hết giờ làm việc, hôm sau thứ Sáu lại là ngày nghỉ của các nước Hồi giáo. Phải chờ tới sáng thứ Bảy, Hoàng đế Ba Tư chủ tọa buổi họp của Hội đồng Chánh phủ ra lệnh đánh điện khẩn yêu cầu sứ quán của họ bên Pháp cấp chiếu khán nhập cảnh cho tôi.

Nhưng điện tới Paris vào chiều thứ Bảy, bên này không ai làm việc! Sáng sớm thứ Hai tôi tới ngồi chờ ông đại sứ vì điện đánh theo mật mã gởi riêng cho ông. Mãi đến mười giờ ông đại sứ mới tới làm việc, năm phút sau ông đi ra mừng rỡ báo tin tôi được phép nhập cảnh vào Ba Tư và ra lệnh nhân viên cấp tốc làm thủ tục. Mười một giờ rưỡi giấy tờ xong xuôi, ông đại sứ bắt tay chúc tôi đi mạnh giỏi, tôi vội vàng về nhà thu xếp mọi thứ vừa kịp ra phi trường, lên máy bay vào giờ chót!

Trong chuyến đi này còn có một chuyện bất ngờ khác. Trước đó một người bạn Mỹ cho tôi biết Rockefeller Foundation ở Mỹ hàng năm cấp ba học bổng nghiên cứu cho bất kỳ ai trên thế giới có công trình nghiên cứu mà họ cho là đáng tài trợ.

Tôi bèn làm đơn xin, tự giới thiệu là tiến sĩ âm nhạc người Việt Nam, thành viên Ban Chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc, nói rõ thêm gia đình tôi có truyền thống mấy đời là nhạc sĩ, tôi biết đờn tranh và sắp đi Nhựt Bổn dự hội nghị nên muốn ở lại đó hai tháng để thực hiện công trình nghiên cứu so sánh đờn tranh của Việt Nam với đờn koto của Nhựt.

Thật bất ngờ, Hội này báo cho biết đề tài của tôi rất hay và gởi hỗ trợ một ngân phiếu 3.000 đô la. Nếu lãnh tiền này tại Pháp thì ngân hàng sẽ đổi ra quan Pháp trong khi tôi cần đô la Mỹ để tiêu xài tại Nhựt, do đó thay vì đi thẳng qua Téhéran, tôi đổi chuyến bay ghé Thụy Sĩ vì ngân hàng ở đây có thể trả bằng đô la.

Tới Thụy Sĩ đã gần 4 giờ chiều, một người bạn là anh Khiêm, chủ nhà hàng tại Genève, đón ở phi trường đưa tôi cấp tốc tới ngân hàng. Lại thêm một rắc rối nữa là ngân hàng tại đây chỉ chuyển tiền vào trương mục ngân hàng chớ không trả trực tiếp. Nếu không có trương mục thì phải có người bảo lãnh, đề phòng trường hợp nơi phát hành ngân phiếu không có tiền người bảo lãnh sẽ phải trả. Bạn tôi bèn đứng ra bảo lãnh, làm thủ tục nhận tiền xong là vừa tới giờ đóng cửa ngân hàng!

Sáng hôm sau tôi lên đường qua Ba Tư. Bài tham luận của tôi lần này chủ yếu kêu gọi sự bảo vệ và phát huy nhạc truyền thống của châu Á, gây được xúc động trong toàn hội nghị. Hội nghị tại Ba Tư vừa kết thúc thì phần lớn đại biểu đều đi ngay qua Tokyo để dự một hội nghị khác được tổ chức hai ngày sau đó.

Tôi có bổng Rockefeller sẽ ở lại Nhựt hai tháng nên không có gì vội vàng, tôi lưu lại Ba Tư thêm hai ngày để viếng thành phố Persepolis, một đô thị cổ xưa có nhiều đền đài mà nay đã điêu tàn cũng như Đế Thiên, Đế Thích vậy.

Chuyến bay Air France đưa những người tham dự hội nghị Tokyo khi rời Bangkok thì bị trục trặc kỹ thuật nên bắt buộc phải đáp xuống Sài Gòn để sửa chữa. Hành khách ngủ lại một đêm tại Tân Sơn Nhứt bị nhà chức trách giữ toàn bộ giấy thông hành tới hôm sau khi lên máy bay mới trả lại. Tôi không có mặt trong chuyến bay, đó là một sự may mắn, nếu tôi vô Sài Gòn không chừng sẽ bị rắc rối vì giấy thông hành của tôi cho phép đi khắp nơi, trừ Việt Nam. Hú hồn!

Hai ngày sau tôi qua Tokyo bằng máy bay của Hãng Pan American, tại phi trường đã có Ban tổ chức chờ đón. Tôi chuẩn bị đi theo họ thì một người Nhựt tự xưng là người của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây tới đón tôi. Tôi không biết ông đại sứ này là ai, hỏi ra mới biết đó là ông Bùi Văn Thinh một người bạn cũ. Vào năm 1945 khi ông làm việc ở một tỉnh miền Tây thì gặp tôi đi cùng đoàn sinh viên xuống lục tỉnh hát lấy tiền mua gạo giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói, vợ chồng ông quí tôi từ dạo đó. Nghe tin tôi qua dự hội nghị tại Tokyo, ông cho người bí thơ của ông ra đón.

Viên bí thơ hỏi giấy thông hành của tôi để làm thủ tục nhập cảnh và khai hải quan. Khi thấy tôi sử dụng giấy thông hành “vô quốc tịch” (apatride) thì ông rất bối rối vì đã báo với Công an phi trường tôi là bạn thân của ông đại sứ Việt Nam.

Ông yêu cầu tôi chờ một chút, lát sau ông trở ra cho biết Công an nói rằng tôi vừa là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế vừa là bạn của đại sứ Việt Nam nên họ vẫn để cho đi qua cửa thượng khách. Mọi việc đều êm xuôi. Khi ra xe viên bí thơ cẩn thận xin phép tôi cho ông cất lá cờ Việt Nam Cộng hòa gắn phía trước xe ngoại giao đoàn rồi đưa tôi về khách sạn.

Sáng sớm hôm sau, ông Bùi Văn Thinh điện thoại cho tôi. Ông cho biết đã được báo lại về tình trạng giấy thông hành của tôi và nói rằng trong hoàn cảnh hiện tại ông biết tôi sẽ không thích tới Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa, mà ông cũng không thể đến thăm tôi tại khách sạn một cách chánh thức. Ông đề nghị tôi đến một tiệm ăn nằm giữa Đại sứ quán và khách sạn. Ông nói:

– Anh đi nửa đường, tôi đi nửa đường để anh em mình được gặp nhau.

Vậy là chúng tôi cùng đổ đường đến nơi hẹn, hàn huyên với nhau suốt cả ngày. Ông tỏ ý tiếc về chuyện tôi bị tịch thâu giấy tờ, biết tôi sẽ lưu lại Nhựt hai tháng, ông phái một tùy viên văn hóa luôn luôn ở bên cạnh tôi. Hai vợ chồng người tùy viên này rất tốt, hết lòng giúp đỡ trong thời gian tôi ở tại Nhựt.

Tại hội nghị, trong số 1.400 đại biểu tham dự, chỉ có 50 người được mời vô nghe nhã nhạc trong hoàng cung trong đó có tôi. Đây là một vinh dự cho tôi vì khách được mời gồm toàn những giáo sư kỳ cựu hoạt động gần 20 năm trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc trong khi tôi chỉ mới có 3 năm trong ngành. Về sau, tôi mới biết sở dĩ mình được mời vì hai điểm: tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO đại diện cho châu Á và điểm thứ hai là vì Ban tổ chức biết việc tôi được học bổng của Rockefeller Foundation, nghĩa là một trong 3 nhà nghiên cứu được cơ quan này cho là xứng đáng được tài trợ.

Sang Nhựt mà gặp mùa hoa anh đào nở là dịp may hiếm có. Chỉ trong vòng mấy ngày, hoa nở rộ, sau đó tàn rất mau. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoa anh đào nở đẹp rực rỡ khi cùng đi với người bạn mới quen là giáo sư Koizumi Fumio. Ông là người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu đờn koto. Đến năm 1995 tôi được giải thưởng quốc tế mang tên ông về nhạc học dân tộc của Nhựt, giải thưởng được đặt ra sau khi ông qua đời.

Tôi cũng thú vị khi được gặp giáo sư Kishibe, người bạn đồng chí hướng quen nhau từ 3 năm này. Dịp này ông Kishibe mời tôi về nhà ăn tối, thưởng thức đặc sản Nhựt Bổn như món cá sống sushi và uống rượu sa kê.

Tại hội nghị tôi cũng gặp lại ông Yuize Shinichi, nhạc sĩ đờn koto mà tôi được gặp lần đầu tiên ở hội nghị của UNESCO tại Paris năm 1958. Lần này ông và phu nhân, nhũ danh Nakashima, nhận dạy tôi đờn koto đồng thời giới thiệu tôi với những người trong trường phái Ikuta, còn bà Kishibe thì giới thiệu tôi với trường phái Yamada. Đây là hai trường phái lớn của đờn koto, mỗi trường phái có một số nhạc sư nổi tiếng và không liên hệ giao hảo với nhau, một nhạc sinh nhập môn trường phái này không thể học với trường phái kia.

Khi vừa tới Tokyo, tôi viết thơ tự giới thiệu và xin phép đến chào cả hai phái. Tôi đến gặp ông Nakashima, trưởng phái Ikuta trước vì ông lớn tuổi hơn, rồi xin gặp giáo sư Nakanoshima Kinichi, trưởng phái của Yamada sau. Hai bên đều chấp nhận tiếp tôi và sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi muốn tìm hiểu. Đây cũng là một trường hợp hi hữu.

Cả hai phái đều ngỏ ý muốn nghe tôi nói chuyện về đờn tranh và âm nhạc Việt Nam. Tôi trình bày với đại diện hai phái rằng tôi có thể lần lượt tới hai nơi để nói chuyện, nhưng nếu tôi lỡ bỏ sót một vài vấn đề nào đó trong một buổi, có thể bị ngộ nhận là có sự thiên vị, trong khi tôi thật tình quí trọng cả hai bên. Vì vậy tôi đề nghị chọn một địa điểm trung lập để tổ chức buổi nói chuyện. Một điều bất ngờ là cả hai phái đều chấp nhận.

Chưa khi nào tôi đờn mà trong lòng lo lắng bằng bữa đó. Tôi có cảm giác đây là một cuộc hội ngộ anh hùng trong giới nhạc trên đất Phù Tang. Tôi “đơn đao phó hội” trước các sư tổ, sư bá, sư phụ, sư huynh, sư đệ của hai trường phái đờn koto đến xem đường quyền, đường thương của một võ sĩ Việt Nam.

Tôi thưa cùng các trưởng phái:

– Tôi không phải là người xứng đáng đờn cho quí vị nghe. Trong nước tôi có nhiều nhạc sĩ đờn rất hay nhưng họ không có dịp qua đây, còn tôi biết đờn là do truyền thống gia đình, nhưng lại chuyên về nghiên cứu nên tiếng đờn của tôi chưa đạt được trình độ cao nhứt của đờn tranh. Do đó xin quí vị đừng đánh giá đờn tranh Việt Nam qua tiếng đàn chân phương mộc mạc của tôi.

Tôi đã quan sát thấy đờn koto của Nhựt Bổn sở trường về biểu diễn tay mặt nhưng sử dụng tay trái yếu hơn đờn tranh. Vì vậy trong khi trình bày các thủ pháp, tôi chú trọng đề cập đến điểm mạnh của đờn tranh:

– Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay mặt cho cái xác còn bàn tay trái cho cái hồn. Vì vậy, bàn tay trái đối với chúng tôi vô cùng quan trọng. Quí vị nhấn nửa bậc và một bậc còn chúng tôi có thể nhấn từ nửa bậc, một bậc cho đến hai bậc rưỡi. Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn – vuốt, nhấn – rung, nhấn – mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kiềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn.

Tôi nói đến đâu minh họa đến đó, những người nghe rất thú vị và hoan nghinh nồng nhiệt. Sau bữa đó, vào cuối tháng 5 năm 1961, Đài truyền hình Nhựt Bổn NHK mời tôi nói chuyện trong chương trình giới thiệu và so sánh đờn tranh với đờn koto. Tôi nói về đờn tranh được ông Koizumi thông dịch ra tiếng Nhựt, khi đối chiếu với đờn koto thì bà nhạc sư Hirai Sumiko minh họa. Băng ghi hình này được giữ tại Phòng lưu trữ băng từ của đài.

Bảy năm sau, năm 1968, Đài NHK của Nhựt Bổn chọn chương trình đó dự thi tại Vienne, kinh đô của nước Áo, trong chương trình “Áp dụng phương pháp thính thị trong giáo dục âm nhạc”. Đài truyền hình Pháp cũng gởi dự thi một chương trình do nhạc sư Daniel Lesur và tôi thực hiện, trong đó tôi giới thiệu bốn nhạc khí dân tộc gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và trống. Tuy Việt Nam không dự hội nghị này nhưng mọi người vẫn được nghe âm nhạc Việt Nam tới 2 lần qua các đoạn phim của Nhựt Bổn và Pháp. Đó là một niềm vui lớn của tôi trong sứ mạng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

Trở lại chuyện ở Tokyo, hôm tôi thâu hình tại Đài NHK cũng là ngày ông Đại sứ Bùi Văn Thinh mời ăn bữa cơm tiễn tôi rời nước Nhựt. Ông phải dời bữa tiệc tới 9 giờ rưỡi tối để chờ tôi ghi hình xong tại đài. Phần tôi vừa ghi hình xong vội vàng xách cây đờn mặc nguyên áo dài khăn đóng ra xe đưa tôi về tư gia của ông đại sứ. Bữa tiệc có nhiều người, ai cũng vui vẻ thân mật chào hỏi tôi. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, nói chuyện về âm nhạc mà không hề đề cập tới vấn đề chánh trị.

Đến tuần rượu tiễn hành, Đại sứ Thinh mời tất cả mọi người cùng nâng ly chúc sức khỏe tôi và nói lời cuối:

– Mong có ngày gặp lại anh. Nhìn anh châu du khắp nơi tôi tự hỏi “hành nhân hà thời qui”, mỗi lần nhớ anh tôi lại thầm hỏi: anh “cư hà phương, hành hà sự?”

Tôi đáp lời:

– Tôi không dám tự sánh mình với người xưa, nhưng anh đã hỏi thì tôi xin đáp. Tôi luôn “cư thiên hạ chi quảng cư, hành thiên hạ chi đại đạo, lập thiên hạ chi chánh vị” Và “phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai võ bất năng khuất”.

Anh Thinh cạn ly với tôi. Ngồi giữa quan khách đông vầy trong một khung cảnh ngày nay, nhưng qua những câu đối thoại vừa rồi tôi cảm giác chỉ có hai chúng tôi cùng thưởng thức cái phong vị của ngày xưa. Tôi cám ơn anh Thinh đã cho tôi hưởng được những giờ phút vui vẻ gặp người đồng hương nơi xứ lạ, cùng nhau hàn huyên vui vẻ trong tình người.

Cũng trong hội nghị ở Tokyo, tôi gặp lại giáo sư đờn cổ tranh người Đài Loan tên Liang Tsai Ping (Lương Tại Bình), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ truyền thống Đài Loan. Tôi quen với ông khi ông sang Pháp giới thiệu âm nhạc Trung Quốc tại Bảo tàng viện Guimet trước đó mấy năm. Ông mời tôi trên đường về ghé Đài Loan chơi và sẽ là khách mời của Hội nhạc sĩ Đài Loan. Tôi cảm thấy thú vị nên nhận lời, vậy là sau 2 tháng ở Tokyo, thay vì về thẳng bên Pháp tôi ghé qua Đài Loan.

Khi tới phi trường Đài Bắc đã có phóng viên đợi sẵn, biết tôi là khách mời đặc biệt của Hội nhạc sĩ Đài Loan nên họ thay nhau phỏng vấn, chụp ảnh. Giáo sư Liang Tsai Ping cùng vài nhạc sư đến bắt tay tôi chào hỏi và đưa tôi về khách sạn sang trọng ở vùng “Bắc đầu”. Đặc biệt phòng ngủ nơi đây có buồng tắm rất lớn được thiết kế dẫn nước từ nguồn suối nước nóng vào tận nơi.

Tại đây tôi gặp được ông Chuang Pen Li (Trương Bổn Lập), người có công trình nghiên cứu rất sâu sắc về “hoàng chung”, âm thanh cơ bản trong nhạc truyền thống của Trung Quốc. Tôi gặp gỡ thêm nhiều nhạc sư chuyên dạy cổ cầm, cổ tranh; được đi xem Kinh kịch, tinh hoa của nền sân khấu cổ truyền Trung Quốc và viếng trường đào tạo diễn viên.

Ông Liang Tsai Ping mời tôi về nhà ăn cơm do tự tay phu nhân của ông nấu, hái trái cây trong vườn nhà đãi tôi. Ông cũng mời tôi nói chuyện trên Đài phát thanh Đài Bắc về đờn tranh và ca một bài Bắc cung ai. Vì muốn giới thiệu đờn tranh Việt Nam cũng tương tựa đờn cổ tranh của Trung Quốc nên ông cho thâu luôn bài “Bắc cung ai” vô đĩa hát giới thiệu đờn Gu zheng (cổ tranh) của ông.

Một cậu trẻ tuổi tên là Cheng De Yuan (Trịnh Đức Uyên) rất thích đờn tranh, khi nghe tôi ca cậu tìm tới xin học. Tôi không dạy được mà chỉ đờn cho cậu nghe. Cậu ghi âm, chép lời theo cách phát âm Trung Quốc rồi nghe theo băng tập ca được bài Bắc cung ai. Sau này khi tôi dự hội nghị tại Đài Loan cậu là người thông dịch cho tôi, rồi tôi cũng gặp lại cậu đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Maryland (Baltimore Country bên Mỹ). Mấy năm sau cậu trở thành một giáo sư âm nhạc danh tiếng của Đài Loan.

Trong thời gian tham dự hội nghị ở Tokyo, tiến sĩ Narayana Menon, người tôi đã gặp ở Hội nghị Ứng tác ứng tấu tại Bath bên Anh, cũng mời tôi ghé qua New Delhi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam, vì ông là Tổng Giám đốc Đài phát thanh All India Radio của Ấn Độ. Vậy là sau khi rời Đài Loan, tôi lại ghé qua Ấn Độ lần đầu tiên trong đời để nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam có minh họa đờn tranh trên Đài phát thanh Ấn Độ trong chương trình tiếng Pháp và tiếng Anh.

Ông Menon sắp đặt cho tôi nghe vài buổi ghi âm nhạc truyền thống Ấn Độ và tôi nói chuyện một buổi về âm nhạc Việt Nam tại Sangeet Natak Akademy (Hàn lâm viện Ca vũ nhạc kịch). Tôi ở lại Ấn Độ 5 ngày. Ngoài hai buổi ghi âm bài nói chuyện tại Đài phát thanh, tôi được dự một buổi hòa nhạc Ấn Độ và gặp gỡ vài nhạc sĩ tên tuổi tại đây, nhờ đó mà tôi có cơ hội học hỏi thêm nhiều.

Trở về Pháp, đến tháng 7 tôi đi New York, hết sức vui mừng được gặp lại thầy tôi là Giáo sư Chailley cũng dự hội nghị quốc tế âm nhạc này. Bài thuyết trình của tôi tại đây đề cập về “Cách tô điểm chữ nhạc và nét nhạc truyền thống Việt Nam”. Hai thầy trò tôi được sắp xếp ở chung trong học xá sinh viên tại Đại học Columbia, cùng đi thăm nhiều nơi như Đại học Harvard, Yale, Princeton, viếng tượng Nữ thần Tự do, tòa nhà Empire State cao 102 từng và khu nhà mang tên Rockefeller.

Gần Đại học Columbia, trong một buổi chiều đi dạo, tôi nhìn thấy một tiệm ăn mang bảng hiệu Việt Nam. Đang ăn cơm Mỹ không hạp khẩu vị, gặp được chỗ bán món ăn quê nhà khác nào buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi liền ghé vào.

Ông chủ tiệm người miền Bắc khi biết tôi là Trần Văn Khê đang dự hội nghị âm nhạc tại New York bèn vào bên trong báo tin. Lát sau một người phụ nữ mang kiếng trắng đi ra hỏi thăm tôi bằng giọng Huế nhẹ nhàng. Biết tôi là bạn của Lưu Hữu Phước, chị ân cần mời tôi nhiều thức ăn Huế rất ngon mà nhứt định không chịu lấy tiền, lại còn đề nghị tôi mỗi ngày ghé ăn cơm chiều.

Một ngày trước khi tôi trở về Paris, anh chị chủ quán mời tất cả bạn bè người Việt đang sống tại New York, lúc đó mới chỉ độ vài ba chục người, tới để nghe nói chuyện về âm nhạc Việt Nam. Nghe một câu hò miền Nam thì người Nam lau nước mắt, câu hò mái nhì làm người Trung ứa lệ, một khúc ngâm theo hơi sa mạc làm cho người miền Bắc sụt sùi.

Sau buổi nói chuyện, chị chủ quán bỗng hỏi tôi:

– Anh có biết bài Hương Giang dạ khúc không?

– Thưa tôi có biết. Nhưng tác giả bài hát có dặn tôi là không được tiết lộ tên người sáng tác.

– Không cần thiết phải giới thiệu tên tác giả, nhưng anh có thể hát cho tôi nghe được không?

– Nếu chị yêu cầu, tôi xin hát cho chị nghe bài Hương Giang dạ khúc của nhạc sĩ không tên.

Khi tôi hát đến câu “Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều”, người thiếu phụ bỗng ôm mặt khóc. Thấy tôi ngạc nhiên, chị nói:

– Đây là bài hát của Lưu Hữu Phước. Anh có biết bài này anh Phước viết cho ai không?

Tôi trả lời:

– Phước làm tặng cho một người con gái Huế tên là Thu Hương.

– Anh có biết Thu Hương không?

– Không.

– Thu Hương là tôi đây.

Trong cuộc sống có những cuộc gặp gỡ tình cờ đến lạ lùng, tôi không ngờ lại gặp được Thu Hương tại New York này. Anh Lưu Hữu Phước trao cho tôi bài Hương Giang dạ khúc vào năm 1941 trước khi đi kháng chiến, dặn tôi đừng hát cho ai nghe, còn nếu có hát thì không được nói tên người sáng tác. Tôi hát bài này hai lần trong đời, một lần ở Vị Thanh trong thời kỳ tham gia kháng chiến ở Nam bộ và đây là lần thứ hai. Chị Thu Hương nhờ tôi chuyển lời tới Lưu Hữu Phước:

– Thu Hương đã hai lần lập gia đình nhưng không bao giờ quên người đã tặng bài Hương Giang dạ khúc cho Thu Hương.

Nói xong, lệ chị tuôn lai láng. Người chồng lấy khăn lau nước mắt cho vợ, tuy rằng biết vợ khóc cho một kỷ niệm sâu đậm của thời son trẻ chớ nước mắt đó không phải vì mình. Tôi chứng kiến cảnh này mà cảm phục sự cao thượng của tình người.

Năm 1961 đối với tôi như một giấc chiêm bao. Tôi thực hiện được ước mơ thầm kín của mình hồi nhỏ là được đi nhiều nước, gặp nhiều người bạn trong giới nhạc, có dịp giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam cho ấm lòng những đứa con Việt Nam xa xứ, làm cho người nước ngoài, ngang qua lời ca tiếng nhạc, hiểu và thương thêm dân tộc Việt Nam. Nghĩ đến điều này tôi luôn chắp tay tạ ơn Trời Phật đã cho tôi may mắn thực hiện được những mơ ước của mình và có cơ hội gặp gỡ học hỏi những bậc thầy, nhờ đó mà kiến thức ngày càng được mở rộng.

Năm 1962 tôi qua Roma (Ý) dự đại hội của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc với tư cách thành viên của Ban chấp hành và được tiếp đãi như thượng khách. Các thành viên của Ban chấp hành được Đức Giáo hoàng Jean XXIII tiếp và ban phép lành. Tôi thưa rằng tuy không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng biết đây là một đặc ân nên xin phép Đức Thánh Cha được chuyển phép lành này về cho nhạc mẫu tôi là một người rất sùng đạo. Đức Thánh Cha đồng ý.

Các bạn cùng đoàn nghe vậy bấm nhau cười, vì phần đông đàn ông phương Tây không thuận thảo với mẹ vợ, họ tưởng tôi không muốn nhận phép lành nên nói vậy để thoái thác. Các bạn ấy không ngờ rằng sau đó tôi gởi liền một bưu thiếp có hình Đức Giáo hoàng Jean XXIII về Việt Nam cho nhạc mẫu tôi: “Thưa má, con mới nhận được phép lành của Đức Thánh Cha và được Ngài chấp thuận cho con chuyển phép lành về cho má”. Nhạc mẫu tôi đang bệnh, nhận được tấm bưu ảnh này mừng đến hết bệnh và đem khoe cùng khắp xóm.

Trong năm 1962 tôi có niềm vui lớn là con trai đầu lòng Trần Quang Hải được qua Pháp. Vợ tôi xin phép cho con sang Pháp vừa để thăm cha vừa trị bệnh và chỉ được nhà cầm quyền cho phép đi 3 tháng. Qua tới Pháp, tôi đưa con đi kiểm tra sức khỏe tổng quát và nhờ có giấy bác sĩ chứng nhận cháu Hải đang trong thời kỳ đợi kết quả thử máu, rọi kiếng… để “dục hưỡn cầu mưu”, kéo dài thời gian ở đây.

Tuy nhà chật, Mộng Trung vẫn thu xếp cho Hải ở chung phòng với con trai lớn của em là cháu Thanh. Tôi ghi tên cho Hải học thêm tiếng Pháp tại Alliance Française và học đờn violon tại Nhạc viện quốc tế (Conservatoire International de la Musique). Thuở nhỏ Hải rất đeo theo ba, nay cha con gặp lại, đêm nào sau bữa cơm tối cũng trò chuyện với nhau tới khuya.

Cùng thời gian này tôi được trường Đại học Rabat tại Maroc mời qua thuyết trình về nhạc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn âm nhạc Việt Nam cho dân tộc Á Rập tại một nước vùng Bắc Phi thưởng thức. Đài phát thanh Rabat phát thanh lại buổi nói chuyện của tôi. Một thính giả gởi thơ cho đài phát thanh nói rằng tiếng đờn cò của Việt Nam nghe giống như tiếng đờn Keman, một loại đờn kéo dây của các nước Á Rập. Ngoài ra, nhiều thính giả khác cũng gởi thơ đến đài nói rằng tuy lần đầu tiên được nghe nhạc dân tộc Việt Nam nhưng họ thấy rất quen thuộc, có điều gì đó rất gần gũi với người dân ở đây.

Sau này tôi còn đi đến nhiều nước thuộc khối Á Rập như Algerie, Tunisie để giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đến đâu thính giả cũng thích nghe điệu Sa mạc và cho rằng Sa mạc nghe tương tự như điệu Si Kâh của nhạc Á Rập.

Năm 1962 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp tinh thần của tôi, đó là Nhà xuất bản Đại học Pháp (Presses universitaires de France) khởi công in cuốn luận án tiến sĩ tôi viết về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khi bảo vệ luận án vào năm 1958, do tôi gặp khó khăn về tài chánh nên nhà trường cho phép sử dụng bản thảo đánh máy chớ không bắt buộc phải in thành sách. Luận án của tôi có nhiều chữ Hán, nhiều bảng kẻ để ghi các bài bản ký âm theo phương pháp phương Tây và nhiều hình ảnh. Không nhà xuất bản nào dám bỏ tiền ra in vì nặng vốn lại khó bán bởi luận án là loại sách chuyên môn.

Tôi làm đơn xin tài trợ, không ngờ được tới 2 cơ quan đồng ý. Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tài trợ một số tiền, sách nào do cơ quan này hỗ trợ thì được ghi ngoài bìa: Với sự tài trợ của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học và được đánh giá là có giá trị. Cơ quan thứ nhì không kém quan trọng là Bảo tàng viện Guimet cũng tài trợ để đưa vào bộ sách loại nghiên cứu của nơi này.

Thủ tục kéo dài từ năm 1958 tới 4 năm sau mới hoàn tất. Nhưng nhà xuất bản và hai nơi tài trợ chỉ ký kết hợp đồng in ra 1.000 cuốn chia cho hai cơ quan này mà không để ý đến qui định của Đại học Sorbonne là khi xuất bản luận án, tác giả phải nộp 140 quyển cho tất cả các trường đại học ở Pháp. Do vậy sau khi in xong mới nhớ ra còn thiếu 140 quyển, lúc đó không thể đòi hai cơ quan này tài trợ thêm nữa, nghĩa là chính tôi phải chịu khoản chi phí trên. Nhưng thông cảm hoàn cảnh tôi là một bần sĩ nên nhà xuất bản chỉ yêu cầu tôi ký tên theo đúng thủ tục và cho nợ rồi trừ lần vào tiền tác quyền.

Vì vậy thông thường khi có sách được in, ai cũng có chút ít tiền quyền tác giả, trong khi đó sách của tôi in ra vừa dày vừa đẹp với nhiều hình ảnh, nhưng chẳng những tôi không được tiền nhuận bút mà còn phải mắc nợ tới 6 năm sau mới trả dứt. Sau đó thỉnh thoảng khi bán thêm được sách thì nhà xuất bản gởi trả tiền nhưng không được bao nhiêu vì đây là sách chuyên môn ít người mua.

Tuy mang nợ nhưng tôi rất vui vì có được một đứa con tinh thần. Tôi viết thơ báo tin cho cậu Năm là người thầy dạy nhạc đầu tiên của tôi. Cậu tôi nhờ người nhắn lại: “Cậu rất mừng và nhắc con nhớ trước khi con ra đi, cậu có chúc con sẽ được lưỡng quốc trạng nguyên như Mạc Đĩnh Chi hồi xưa”.

Tôi đọc thơ cậu mà giựt mình, nghĩ bụng được một bằng tiến sĩ đã là may, thời giờ đâu mà làm thêm bằng thứ hai. Không ngờ tới năm 1975 tôi được cấp bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Ottawa đúng theo lời chúc của cậu.

Chỉ tiếc là cậu Năm không còn để chung vui với tôi vì cậu từ trần ngày mùng 6 tháng 10 âm lịch năm 1962. Cậu Nguyễn Tri Khương không chỉ là người thầy mà còn là người đã lo việc giáo thai từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Khi tôi được mười mấy tuổi thì cậu dạy tôi đánh trống. Tôi qua Pháp cậu lại viết thơ cắt nghĩa nhiều chuyện về âm nhạc. Cậu cũng là một nhân vật, nhân chứng trong lịch sử âm nhạc tài tử cải lương miền Nam.

Sau cái chết của cha mẹ tôi, kế đến là cái chết của cô Ba, người thay cha mẹ nuôi dưỡng tôi nên người, thì đây là cái chết làm tôi đau buồn nhứt. Tôi cũng để ý cứ mỗi lần tôi bị xúc động mạnh về tình cảm thì cơ thể tôi cũng yếu lần đi và sau đó thường lâm bệnh nặng.

Tháng 8 năm 1963 tôi đi Jérusalem dự một hội nghị về âm nhạc. Tôi đờn cò và đờn tranh trong một tiết mục của buổi hòa nhạc chung với nhiều nhạc sĩ khác. Trong số thính giả có nhạc sư người Hungary tên Kodaly tham dự, sau đó ông đến gặp tôi và chúng tôi trao đổi quanh vấn đề thang âm ngũ cung là đề tài ông đang nghiên cứu. Ông đã vào độ tuổi bát tuần, tóc bạc phơ mà đôi mắt vẫn sáng, tinh thần hết sức minh mẫn. Được gặp ông tôi có cảm giác như sống trong huyền thoại vì đã nghe tiếng tăm ông từ lâu, thấy tên ông trong sách lịch sử âm nhạc. Tôi không ngờ có ngày được hân hạnh trực diện với ông và tay tôi được nắm tay ông.

Tôi đang chuẩn bị chuyến du ngoạn tới vùng hồ lớn Tibériade thì bị bệnh nặng. Bệnh trĩ lại tái phát, lần này bị vi trùng lao tấn công khiến vết thương cũ sưng lên bể ra làm chảy máu rất nhiều. Ban tổ chức hội nghị cấp tốc cho một người y tá đưa tôi đi máy bay từ Jérusalem về Paris, đưa thẳng vô bịnh viện của sinh viên. Nơi này chỉ chữa trị những bệnh nhẹ, trường hợp của tôi phải điều trị tại bịnh viện chuyên khoa về lao, do đó tôi được chuyển về bịnh viện ở Bouffémont.

Hồi năm 1954 khi rời bịnh viện lao tôi tưởng tình hình sức khỏe đã hoàn toàn yên ổn, không ngờ nay bệnh lại tái phát. Lại thêm nỗi buồn cha con mới gặp lại nhau, chưa chăm sóc được nhiều cho con thì tôi phải vào bịnh viện. Mỗi cuối tuần Hải và Mộng Trung mới tới thăm tôi được một lần.

Tôi đi đến đâu là có nhạc kịch Việt Nam đi đến đó. Hôm nào thấy khỏe trong người, tôi nói chuyện về âm nhạc và kịch nghệ Việt Nam cho các bác sĩ và bệnh nhân tại đây nghe.

Bệnh tôi gần như hết thuốc chữa, rất khó trị vì đã bị lờn thuốc. Bác sĩ nói rằng chỉ còn một cách là thử dùng loại thuốc mới tên Trécator. Nhưng thuốc này rất nguy hiểm, nhiều người uống vào đã phát điên. Muốn được điều trị bằng thuốc này phải ký tên cam đoan không khiếu nại trong trường hợp bị phản ứng thuốc. Ngoài ra tôi phải nằm trong một phòng riêng, vì trước đây có vài trường hợp bệnh nhân bị thuốc hành nên lên cơn bóp cổ y tá, đập bể cửa kiếng. Nghe vậy tôi cũng ngại nhưng đành phải chấp nhận, không còn cách lựa chọn nào khác.

Trong hai tháng điều trị bằng thuốc Trécator, quả nhiên tôi thấy trong người rất bực bội, dễ nổi giận, y tá tới trễ một chút là muốn la rầy. Mỗi lần như vậy tôi lại tự nhủ bản chất mình luôn vui vẻ hòa nhã với mọi người, bỗng nhiên lại thấy muốn bạt tai, rầy la y tá, đó chắc chắn là do tác động của thuốc. Vậy thì tôi phải tự kiểm soát, hết sức kiềm chế không để cho tác động bên ngoài làm thay đổi bản chất của mình. Nghĩ như vậy nên mỗi lần muốn lên cơn tôi tự khắc phục bằng cách bỏ ra ngoài tập điều hòa hơi thở, uống thật nhiều nước lạnh cho qua cơn giận. Tôi uống thuốc này trong 6 tháng mà không bị nổi điên như phần đông những bệnh nhân khác, bác sĩ rất vui lòng và khen ngợi. Thuốc rất có hiệu quả, bệnh lành mau hơn dự kiến. Tháng 2 năm 1964 tôi ra khỏi bịnh viện.

Liền đó tôi được mời qua Ấn Độ để dự hội nghị. Tôi rất thèm được đi bởi lúc này đang nghiên cứu đề tài “Những ảnh hưởng âm nhạc của vài nước châu Á đối với âm nhạc Việt Nam” trong đó có âm nhạc Ấn Độ. Nhưng vì tôi mới khỏi bệnh nên bác sĩ không cho phép đi xa. Chưa bao giờ tôi thấm thía câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” như lần này, việc thực hiện được điều mong ước đôi khi lại không tùy thuộc vào mình. Tôi đành chỉ gởi bài tham luận qua Ấn Độ.

Khi mới vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học CNRS hồi năm 1959, tôi chỉ làm việc bán thời gian để có thời giờ lo cho Trung tâm Nhạc học phương Đông. Tới cuối năm 1962 sau khi mọi việc đã đi vào nề nếp, nghe theo lời khuyên của thầy Chailley, tôi xin làm toàn thời gian để vừa có thể nghiên cứu nhạc Việt Nam tại CNRS vừa đem áp dụng vào thực tiễn tại CEMO.

Năm 1964, ông Alain Daniélou, người đã cùng tôi thành lập Trung tâm nhạc học phương Đông năm 1959 ở Pháp, trong một bức thơ viết từ Berlin cho biết ông vừa được tổ chức Ford Foundation của Mỹ tài trợ một số tiền lớn để thành lập Viện Quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu trụ sở đặt tại Berlin (Tây Đức). Lúc đó chiến tranh đang diễn ra giữa hai phe tư bản và xã hội chủ nghĩa. Tây Bá Linh còn một lõm nằm trong lãnh thổ Đông Đức do ba nước Anh, Mỹ, Pháp kiểm soát, phía Mỹ muốn đặt trụ sở này tại Tây Bá Linh coi như là một tiền đồn văn hóa.

Ông Alain Daniélou mời tôi sang cộng tác với ông trong Viện này với mức lương gấp 2 lần ở Pháp. Ông còn hứa lập một Khoa âm nhạc Việt Nam do tôi làm giám đốc, điều kiện đi lại và làm việc cũng dễ dàng như ở CNRS. Đây là một cơ hội mới đưa tới. Tôi suy nghĩ, bàn bạc với thầy và bạn bè đồng nghiệp, mọi người không muốn cho tôi đi nhưng không ai dám khuyên tôi ở lại, vì điều kiện bên Đức đưa ra thuận lợi hơn ở Pháp nhiều.

Tổ chức Ford Foundation dự kiến tài trợ cho Viện nghiên cứu âm nhạc ở Berlin trong 4 năm, sau mỗi đợt sẽ cứu xét để quyết định có tiếp tục tài trợ hay không. Tôi cân nhắc thấy rằng vì có chiến tranh lạnh mới khai sanh ra viện này, vậy thì khi chiến tranh lạnh chấm dứt liệu nó còn tồn tại hay không? Mặt khác con trai tôi vừa mới qua Pháp, hai cha con đang ở nhờ nhà cô em họ Mộng Trung, nay qua Đức làm việc phải bỏ con một mình ở Pháp thiệt tình tôi không yên lòng. Đó là chưa kể nếu qua Berlin phải học thêm tiếng Đức rất vất vả.

Dầu vậy khi có thơ mời tôi sang thuyết trình về âm nhạc Việt Nam tại viện mới thành lập tôi cũng đi thử qua Berlin một chuyến xem sao. Chuyến đi này rắc rối vô cùng!

Trước đây vào năm 1961 tôi sử dụng giấy thông hành của Pháp cấp cho người không có quốc tịch, giấy này đôi khi gây rắc rối cho tôi khi xin nhập cảnh vì có nước e ngại, như lần đi Ba Tư chẳng hạn. Đến năm 1962, anh của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm làm Đại sứ của Chánh phủ miền Nam tại Pháp ngỏ ý cấp hộ chiếu cho tôi để có thể đi đây đi đó dễ dàng hơn. Vì vậy từ cuối năm 1962 tôi sử dụng giấy thông hành của Việt Nam Cộng hòa.

Đầu tháng 2 năm 1964 tôi lấy vé máy bay đi Berlin vào ngày thứ Ba cho kịp chiều thứ Năm nói chuyện về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Viện nghiên cứu âm nhạc Tây Bá Linh. Nhưng ngày hôm đó nhiều sương mù nên các chuyến bay đều bị hoãn, sáng hôm sau tôi buộc phải chuyển qua đi xe lửa từ Gare du Nord ở Pháp, xuyên nước Bỉ, ngang qua thành phố Cologne của Tây Đức rồi mới tới Berlin.

Tôi quên mất một điều là mình mang giấy thông hành Việt Nam, hễ ngang qua nước nào cũng phải xin thị thực quá cảnh mặc dầu chỉ ngồi trên xe lửa. Do đó khi tới Bỉ, cảnh sát biên phòng yêu cầu tôi phải tới Tòa lãnh sự Bỉ xin thị thực quá cảnh. Có một chiếc taxi túc trực sẵn tại nhà ga để đưa những người gặp cảnh ngộ như tôi.

Từ nơi này đến văn phòng lãnh sự Bỉ vừa đi vừa về mất nửa tiếng đồng hồ. Nhưng xe lửa chỉ ngừng tại đây có 10 phút, nên khi tôi trở lại thì xe lửa đã rời ga Bruxelles từ lâu. Tôi đành mua vé chuyến xe tốc hành loại TEE (Train Europe Express) hy vọng đi kịp đến Cologne đón đầu chuyến xe lửa vừa rồi để lấy hành lý và tư liệu đã gởi. Ngồi trên xe lửa tôi mới khám phá ra quầy vé đã bán lộn cho tôi vé đi Dusseldorlf! Một lần nữa tôi phải đổi xe đi Cologne.

Chiều tối tới nơi, tôi cẩn thận nhờ nhà ga coi kỹ xem giấy tờ tôi có đầy đủ để ngày mai đi Berlin hay không và được trả lời là hoàn toàn hợp lệ. Sáng hôm sau tôi lên xe lửa đi Tây Bá Linh, tới biên giới thì cảnh sát Đông Đức lên xét giấy tờ đòi phải có thị thực của Đông Đức. Nhưng may lần này chỉ phải đóng tiền 10 mark Tây Đức để được đóng dấu quá cảnh, mặc dầu tôi cũng hơi lo không biết sau này Tòa Đại sứ miền Nam thấy tôi có đi qua Đông Đức liệu có làm khó dễ hay không.

Nhưng vẫn chưa hết rắc rối. Khi xe lửa phải qua trạm kiểm soát trước khi vô Tây Bá Linh, người soát vé cho biết vé xe lửa của tôi ghi đi đến Đông Đức mà giấy thông hành của Chánh phủ miền Nam cấp lại không có hiệu lực tại nơi này. Hóa ra là do người bán vé đã ghi sai: tôi mua vé đi Tây Bá Linh, tiếng Pháp là Berlin Ouest, người đó lại ghi lầm là Ost Berlin, mà tiếng Đức thì Ost Berlin là Đông Đức!

Tôi vào Đông Bá Linh như vậy là bất hợp pháp nên bị buộc phải xuống xe và bị giữ trong một căn nhà nhỏ để đợi lịnh của Bộ Nội vụ Đông Đức. Trời lạnh nên họ đốt lò sưởi lên, tôi thấy vậy rầu trong bụng, nghĩ chắc phải ở đây suốt đêm rồi. Lúc đó là 2 giờ chiều, mà 5 giờ tôi đã phải có mặt để nói chuyện.

Viên cảnh sát biên phòng cho biết nếu tôi có quen ai tại Đông Bá Linh thì người đó có thể bảo lãnh cho tôi được. Tôi nói rằng có quen một giáo sư ở tại Leipzig nhưng viên chức này không chấp nhận vì cơ quan công an biên phòng ở Bá Linh khó liên lạc với Leipzig. Tôi nhớ đến một người quen ở Paris trước đây, nghe nói đang làm đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức là ông Phạm Ngọc Thuần. Họ đi kiểm tra lát sau trở lại cho biết ông Thuần đã mãn nhiệm từ hai năm nay! Nhưng may mắn là người đại sứ mới có biết tôi nên xác nhận tôi chỉ là người nghiên cứu âm nhạc, nhờ đó tôi được quyền đi tiếp sang Tây Bá Linh.

Trong thành phố Bá Linh có đường xe ngầm gọi là U Bahn và xe chạy trên cầu là S Bahn. Thường những xe đi tới vùng Tây Bá Linh thì không chạy qua biên giới Đông Bá Linh, ngược lại xe từ Đông Bá Linh khi ngang qua trạm Tây Bá Linh không được dừng lại. Lần này đặc biệt xe S Bahn phải ngừng cho tôi xuống Tây Bá Linh nên tôi phải ngồi trong một toa riêng cùng với người lính đi kèm, tới nhà ga họ tháo toa xe này để lại đây.

Vừa bước xuống xe tôi thấy mọi người xếp hàng dài, hỏi thăm thì được biết họ chờ xin đóng thị thực nhập cảnh. Lúc đó là 4 giờ chiều, nếu phải chờ đợi tới phiên sẽ trễ giờ, tôi đi thẳng tới hàng đầu trình bày tôi là một nhà nhạc học, cần phải có mặt lúc 5 giờ rưỡi để thuyết trình về âm nhạc nên xin được giải quyết ưu tiên. Họ cho biết đây chỉ là nơi thị thực cho người từ Tây Bá Linh trở về Đông Bá Linh!

Vậy là tôi chỉ cần lên từng lầu trên làm thủ tục đổi tiền, tôi ba chân bốn cẳng chạy lên lầu, đổi tiền xong vội vàng kêu điện thoại cho Viện nghiên cứu Âm nhạc nhưng điện thoại bị bận liên tục. Sau này tôi mới biết vì đã gần 5 giờ chiều mà tôi chưa tới nên Viện đành phải gọi điện khắp nơi xin hồi buổi nói chuyện, lấy lí do vì thời tiết xấu nên diễn giả không tới kịp. Khi tôi bắt được liên lạc, Ban tổ chức mừng rỡ hướng dẫn tôi cách đi taxi tới Viện, một mặt điện thoại thông báo lại cho các nơi mời khách tới dự.

Tôi tới Viện âm nhạc vào lúc 5 giờ 25 phút! Trải qua một cuộc hành trình bão táp, tôi chỉ kịp rửa mặt qua loa rồi bước lên diễn đàn đúng 5 giờ 30 như dự định. Tôi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam có đờn minh họa. Khi đờn tới bản Nam Xuân là một bài đòi hỏi tâm hồn phải hết sức thanh thản, tôi cười thầm trong bụng nghĩ rằng nếu có người tri âm ngồi đây sẽ nhận ra tâm hồn tôi lúc này quả thật không thanh thản chút nào!

Bữa sau tôi lại xin giấy trở qua Đông Đức để lấy hành lý còn gởi trên xe lửa, phải làm đủ thứ giấy tờ cực khổ mới lấy được va li về Tây Đức.

Chuyến đi này mang lại điều lợi là tuy tôi không qua Đức làm việc theo yêu cầu của ông Alain Dniélou nhưng ông vẫn lập một khoa Âm nhạc Việt Nam, trực thuộc Viện nghiên cứu Âm nhạc tại Berlin do tôi phụ trách, có một thư ký riêng làm việc 3 ngày trong tuần giúp tôi tìm tư liệu trong sách báo hoặc trong các viện bảo tàng. Ngoài ra ông còn cho tôi một ngân quỹ để làm dĩa hát.

Nhân dịp bà Bá tước De Chambure qua thăm Việt Nam, tôi nhờ bà tìm gặp giáo sư Nguyễn Hữu Ba nhờ anh ghi âm hai loại nhạc truyền thống ở Huế và ở miền Nam. Bà De Chambure là người giàu có, thích mua sắm nhiều loại nhạc cụ nhạc khí của châu Á hình thành một bảo tàng viện riêng sau đó hiến cho Nhạc viện Paris. Bà cũng có đồn điền cao su ở Việt Nam nên thường xuyên về đây.

Về tới Sài Gòn, bà De Chambure đưa chương trình ghi âm do tôi soạn trước cho anh Nguyễn Hữu Ba. Anh sốt sắng nhận lời, ra Huế ghi âm các loại nhạc cung đình, nhã nhạc, về miền Nam thâu băng nhạc lễ, trống lạy do Tư Huyện chỉ đạo, và ca nhạc tài tử do nhạc sĩ Sáu Tửng đờn, ca sĩ Bạch Huệ ca, nghĩa là thực hiện đầy đủ tất cả những mong ước của tôi. Khi đánh giá được tầm quan trọng của công việc này, chính quyền địa phương miền Nam ngỏ ý cho một số tiền để thực hiện dĩa hát. Giáo sư Nguyễn Hữu Ba liên lạc hỏi ý kiến nhưng tôi không đồng ý và đề nghị chỉ làm trong vòng số tiền của Viện nghiên cứu Âm nhạc Tây Bá Linh tài trợ mà thôi.

Với các loại nhạc do anh Nguyễn Hữu Ba ghi âm tại Việt Nam, tôi thực hiện hai dĩa hát mang tên Việt Nam I và Việt Nam II tại Tây Đức, phát hành vào năm 1967. Cả hai dĩa nhạc này ghi rõ do Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba chỉ đạo nghệ thuật.

Dĩa Việt Nam I sau đó được hai giải thưởng: “Deutscher Schallplatten Preis”, một giải thưởng lớn về dĩa hát của Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1969; đồng thời được Hàn lâm viện Dĩa hát Pháp tặng: “Giải thưởng lớn về dân tộc nhạc học” (Grand Prix: Prix d’ethnomusicologie) vào năm 1970. Các giải thưởng nói trên là phần thưởng “danh dự”, được cấp bằng ban khen chớ không có hiện vật kèm theo. Nhưng điều quan trọng là được ghi ngoài bìa “Phần thưởng lớn cho dĩa hát” (Grand prix du disque) nhờ vậy mà bán chạy hơn.

Khi tôi gởi cho anh Nguyễn Hữu Ba dĩa hát có dán nhãn giải thưởng của Đức và Pháp, anh rất vui mừng và đặt trang trọng trong tủ kiếng tại nhà.

Nhờ ông Daniélou giúp đỡ cho tôi có một cơ sở để nghiên cứu cũng như có thơ ký lo đánh máy các văn bản nên tôi hoàn tất được một bản thảo về Âm nhạc truyền thống Việt Nam vào năm 1965. Đến năm 1967 quyển sách này được xuất bản bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch ra tiếng Đức.

Cả hai dĩa hát và cuốn sách đều do Viện nghiên cứu Âm nhạc với phương pháp đối chiếu tại Tây Bá Linh tài trợ, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc đứng tên chủ trì công trình nghiên cứu và hai dĩa hát được mang nhãn hiệu của UNESCO.

Sau khi hoàn thành cuốn sách thứ nhì và phát hành hai dĩa hát, tôi rút ra một bài học kinh nghiệm là đừng sợ không có phương tiện, chỉ cần quyết tâm thì sẽ tìm ra được cách thức thực hiện được điều mình mong muốn. Tôi rất vui mừng khi những ý tưởng trừu tượng hằng ôm ấp trong lòng nay đã hình thành ra những công trình cụ thể.

Trong năm 1964 tôi được lên chức trong Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc, từ Tùy viên nghiên cứu (Attaché de recherche) lên Ủy viên đặc nhiệm (Chargé de recherche), nghĩa là được làm việc vĩnh viễn trong Trung tâm với điều kiện mỗi năm phải hoàn tất ít nhứt một vài đề tài nghiên cứu mới.

Năm này tôi cũng đi dự một hội nghị quốc tế âm nhạc được tổ chức tại Hamburg với tư cách thành viên của Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc. Tôi lại được mời thuyết trình trong một buổi thảo luận quan trọng về đề tài “Đại ca kịch của các nước trên thế giới”.

Dịp này tôi trình bày về những nghệ thuật ca kịch của Việt Nam như hát tuồng, chèo và cải lương. Ban đầu tôi dự định chỉ để băng nhạc minh họa cho bài tham luận, nhưng rất may lúc đó cô Bảy Phùng Há và nghệ sĩ Kim Cương đang có mặt tại Pháp nên tôi mời hai người cộng tác.

Thời gian này Cô Bảy và Kim Cương được mời biểu diễn trích đoạn Lữ Bố hí Điêu Thuyền tại nhà hàng La Table du Mandarin. Tôi thấy trích đoạn này rất hay bèn đề nghị giới thiệu tại hội nghị bên Đức. Muốn vậy cả hai người phải nghỉ hát ở nhà hàng mà còn phải bỏ tiền túi để đi. Còn đang phân vân thì anh Mười chủ tiệm ăn nghe nói vậy bèn đồng ý cho phép cả hai người nghỉ diễn vài bữa tại nhà hàng đồng thời đài thọ luôn tiền vé máy bay.

Nhưng còn một trở ngại là phần nhạc đệm. Tôi nhờ anh Danh – một người giúp việc trong tiệm La table du Mandarin – đờn kìm và đánh trống, còn tôi đờn tranh và đánh chập chỏa. Cô Bảy Phùng Há phải diễn trước cho chúng tôi coi để canh cho nhạc ăn khớp với phần biểu diễn.

Đến khi ra diễn, tôi giới thiệu cô Bảy Phùng Há trong vai Lữ Bố đi qua chiếc cầu gặp Điêu Thuyền rồi ẵm vào lòng. Trong lúc đó Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền làm màu mè khóc lóc rất điêu luyện, khán giả vỗ tay khen ngợi từng hồi khiến Kim Cương thích chí gạt nước mắt khóc tiếp. Vậy là phần biểu diễn không còn ăn khớp với nhạc trong cuộn băng thâu sẵn. Đến khi nhạc chuyển sang bài Khốc Hoàng thiên, thấy đã bị lố mấy câu, cô Bảy Phùng Há ứng phó bằng cách giậm chân nhảy phốc qua sông ẵm Điêu Thuyền vào lòng. Khán giả không chú ý nên vẫn vỗ tay khen ngợi như thường.

Nhưng sau buổi diễn có ông Régamey là người rất sành về tuồng Tàu nhận xét rằng ông không thấy Lữ Bố đi qua cầu như lời giới thiệu mà chỉ thấy nhân vật này nhảy qua sông. Trời đang lạnh mà cô Bảy Phùng Há xuất hạn mồ hôi. Cô nói rằng một người am tường chỉ trích mình còn đáng sợ hơn là một trăm người không biết mà khen ngợi mình. Cũng may sau đó ông Régamey trấn an cô Bảy:

– Bà đừng lo, chỉ mình tôi nhận biết điều này mà thôi.

Lữ Bố hí Điêu Thuyền là một lớp cải lương diễn theo phong cách của tuồng cổ nên tôi phải giới thiệu sự cách điệu hóa trong phần biểu diễn, từ câu hát đến điệu bộ. Khi cô Bảy Phùng Há xuất hiện, sân khấu như sáng rực lên, trang phục của cô đẹp đẽ mà nghệ thuật biểu diễn hết sức nhuần nhuyễn. Buổi nói chuyện với phần minh họa rất thành công, tất cả đại biểu say mê thưởng thức, sau khi diễn xong mọi người đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghinh. Tiết mục này được xem là cái đinh của hội nghị, rất nhiều kịch sĩ đến xin chữ ký của hai nữ nghệ sĩ Việt Nam và mời đi ăn tiệc trên sông Hamburg.

Cả ba người chúng tôi đều vui mừng trước sự thành công này. Mười giờ đêm hôm đó, sau khi tan bữa tiệc trở về cô Bảy Phùng Há vẫn còn thú vị rủ tôi cùng đi bách bộ để tận hưởng cảm giác sung sướng vì đã thành công trong việc giới thiệu kịch nghệ Việt Nam ra trường quốc tế.

Sau khi về Pháp, anh Khiêm, bạn tôi ở Thụy Sĩ, mời chúng tôi sang Genève để diễn tại CERN là một cơ quan nghiên cứu về nguyên tử lực. Chuyến đi Thụy Sĩ rất vui, có cả cô Bảy Nam, thân mẫu của Kim Cương, và Mộng Trung cùng đi. “Ông bầu” Khiêm lo đãi ăn trưa và chiều, để cả cháo gà, hủ tiếu cho bữa khuya sau đêm biểu diễn.

Đáng nhớ nhất trong năm 1965 là việc tôi thực hiện một phim về nhạc Ấn Độ, nhân dịp gặp gỡ hai anh em nhạc sĩ vốn sanh trưởng trong một dòng họ mấy đời có truyền thống chuyên hát nhạc cổ điển rất đặc sắc của Ấn Độ là ông Mohinuddin Dagar và ông Aminuddin Dagar.

Tôi đứng ra tổ chức cho hai ông vừa giảng dạy vừa nói chuyện về âm nhạc truyền thống Ấn Độ tại Trung tâm Nhạc học phương Đông và Đại học Sorbonne, đồng thời biểu diễn nghệ thuật hát theo phong cách Dhrupad trong một buổi hòa nhạc do UNESCO tổ chức tại Paris. Kết quả ngoài sự chờ đợi, thính giả đứng dậy vỗ tay rất lâu.

Nhận thấy truyền thống hát Dhrupad quá đặc biệt về mặt âm nhạc cũng như trong nghệ thuật biểu diễn, trong khi đó Viện Nghiên cứu Tây Bá Linh chỉ có duy nhứt một dĩa ghi âm của hai nghệ sĩ thượng thặng này nên tôi nảy ra ý tưởng làm một cuộn phim. Nhưng công việc chính của tôi tại CNRS là nghiên cứu nhạc Việt Nam nên không có quyền nghiên cứu nhạc Ấn Độ. Muốn thực hiện một phim về kỹ thuật hát Dhrupad, tôi phải xin nghỉ việc 3 tháng không ăn lương và tìm cách gây quỹ để thuê phim trường, mướn người quay phim.

Tôi đến gặp ông Pierre Schaffer, Giám đốc “Nhóm nghiên cứu âm nhạc” (Groupe de recherche musicale) của Đài phát thanh Pháp trình bày việc tôi định làm và xin tài trợ. Ông Pierre Schaffer là một nhạc sĩ rất nổi tiếng, cha đẻ của một loại nhạc gọi là “Nhạc cụ thể” (musique concrète): ông khám phá ra những nét nhạc trong từng giọt mưa rơi, tiếng con vụ quay, tiếng xe chạy… và lập ra trường phái này. Khi nghe tôi trình bày về nhạc truyền thống Ấn Độ Dhrupad, ông đồng ý cấp cho tôi 30 ngàn quan và được sử dụng phim trường Cơ quan nghiên cứu của ông để quay phim.

Cuốn phim này là một tư liệu về dân tộc học rất quí đối với những người nghiên cứu khoa học, được ông Gilbert Rouget viết bài khen ngợi trong Bách khoa tự điển La Pléiade về Dân tộc học.

Sau khi phim hoàn tất, tôi làm báo cáo và giới thiệu cuộn phim. Ông Schaffer rất thích thú nên đề nghị để cho ông đứng tên và đọc lời giới thiệu, vì theo ông, tôi chưa có tên tuổi sẽ không gây được sự chú ý. Tôi thấy ông nói có lý nên đồng ý, không ngờ sau đó ông để tên GRM (Group de Recherche Musicale) thực hiện phim, còn tôi chỉ được ghi là cố vấn về âm nhạc. GRM là nhóm nghiên cứu âm nhạc do ông Schaffer làm giám đốc.

Nghiệp đoàn trong CNRS rất bất bình cho rằng ông Schaffer cướp công của tôi nên đề nghị tôi kiện nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã thực hiện được mong ước của mình, khi làm xong rồi thì ai đứng tên đối với tôi không quan trọng. Tôi làm việc này không phải vì danh hay vì lợi mà vì tấm lòng đối với những giá trị truyền thống đẹp đẽ cần được lưu giữ. Hơn nữa, trước đó tôi vận động khắp nơi nhưng không ai chịu cho tiền, cũng nhờ ông Schaffer bỏ tiền ra mới có phim này nên coi như tôi chịu ơn ông. Ông lại là người có tên tuổi, tôi không muốn vì một chuyện nhỏ mà đi kiện cáo làm mất uy tín của ông. Hơn nữa trên thực tế mọi người đều biết chính tôi là người thực hiện phim đó. Nghiệp đoàn rất bất bình khi tôi không chịu ký tên vào đơn kiện ông Schaffer và nhóm nghiên cứu GRM.

Không ngờ hai năm sau, ông Schaffer được Chánh phủ Pháp bổ nhậm vô Ủy ban xét duyệt tất cả những đề án và báo cáo nghiên cứu về âm nhạc của nhân viên Phân bộ “Nghiên cứu văn học và âm nhạc” mà tôi trực thuộc. Ông biết chuyện tôi không kiện ông theo ý kiến của nghiệp đoàn và có lẽ cảm kích về điều này nên từ đó trở đi đã hết lòng giúp đỡ và dành cho tôi nhiều ưu tiên. Chẳng hạn nhóm nghiên cứu của ông mời tôi nói chuyện 10 buổi trên Đài phát thanh về âm nhạc truyền thống châu Á, khi tôi xin 10 ngàn quan để mua băng từ, phim ảnh, thì ông duyệt cho 15 ngàn quan. Tôi xin việc gì hay cần đi đâu đều được ông giải quyết. Ông luôn sẵn sàng ủng hộ tôi, những năm sau đó tôi được lên chức trước thời hạn đều do ông đề nghị.

Những điều tôi nhận lại nhiều hơn cả chục lần so với việc tôi đã chịu thiệt thòi khi thực hiện phim về nhạc Ấn Độ. Đó cũng là một bài học trong đời cho tôi: xử sự với tình người thường được trả lại bằng tình người.

Việc thực hiện cuốn phim này là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nghiên cứu của tôi. Mặc dầu không phải là nhà làm phim, nhưng với tầm nhìn của người nghiên cứu tôi đã lưu giữ được hình ảnh về việc biểu diễn theo phong cách Dhrupad của hai bậc kỳ tài về âm nhạc truyền thống Ấn Độ.

Sau khi ông Mohinuddin qua đời, chánh phủ Ấn Độ xin chép lại phim tư liệu này để lưu trữ vì chính Ấn Độ cũng không có phim nào đầy đủ về cách hát theo truyền thống Dhrupad như vậy.

TríchHồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 5: Chuyện gia đình

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

Hồi ký Trần Văn Khê – Kỳ 5: Chuyện gia đình

26/06/2015 15:46 GMT+7

TTO – Trở về Pháp, tháng 10-1968 tôi nhận được giấy của Tòa án Sài Gòn báo tin đã chấp thuận cho vợ chồng tôi được ly dị.

Jpeg
Jpeg

GS Trần Văn Khê cùng 2 em Văn Trạch và Ngọc Sương tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: tư liệu
GS Trần Văn Khê cùng 2 em Văn Trạch và Ngọc Sương tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu
>> Kỳ 2: Lập gia đình
>> Kỳ 3: Đất khách quê người
>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống

Khi rời đất nước tôi dự định chỉ đi hai năm, nhưng rồi có nhiều chuyện xảy ra khiến mọi việc không theo đúng sắp xếp ban đầu. Một mặt tôi bị bệnh phải nằm bịnh viện mất ba năm, tôi nhân dịp đó mà ghi tên làm luận án tiến sĩ.

Tôi ra khỏi bịnh viện vào năm 1954 thì luận án chưa xong. Đến năm 1958 sau khi hoàn thành luận án, Hiệp định Genève đã được ký kết, miền Nam có chánh phủ mới khiến tôi lo ngại không muốn về vì thời gian sống tại Pháp tôi kết thân với các anh em thuộc phe kháng chiến, nhưng cũng không muốn về Hà Nội vì gia đình tôi sống tại Sài Gòn.

Trong lúc còn đắn đo, tôi tiếp tục học thêm và làm việc kiếm sống. Năm 1959 tôi được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, được chánh phủ Pháp trả tiền để tôi có thời giờ và điều kiện thuận tiện nghiên cứu nên tôi không thể bỏ qua cơ hội này.

Quả thật là tôi đã không làm tròn phận sự người chủ gia đình, để gánh nặng cơm áo trút lên vai vợ tôi. Nhưng trong thâm tâm cũng như trên thực tế không lúc nào tôi quên trách nhiệm người chồng, người cha. Mỗi dịp lễ Tết, tựu trường, mỗi khi nghe tin các con đau ốm tôi đều tìm cách gởi tiền, gởi quà về cho vợ con trong khả năng của mình.

Nhưng vì thời gian xa nhau quá lâu, vợ tôi có một số lý do riêng để xin ly dị. Khi vợ tôi cương quyết đưa đơn lần thứ ba, tôi đã chấp nhận. Đây là một cuộc ly dị vì hoàn cảnh, chúng tôi không oán hận gì nhau và cho đến nay vẫn đối xử với nhau như hai người bạn tốt.

Về phần các con tôi, sau khi Hải qua sống với tôi từ năm 1962, tôi dự định đem con gái lớn là Thủy Tiên qua Pháp sau khi cháu học xong tú tài. Nhưng Thủy Tiên có tình cảm với một người bạn trai nên không thiết tha chuyện này và đến năm 1967 thì lập gia đình. Năm 1968 Thủy Tiên sanh con gái đầu lòng đặt tên là Diễm Tiên, đây là đứa cháu đầu tiên và từ năm đó tôi được lên chức ông ngoại. Ba năm sau Thủy Tiên có thêm đứa con nữa là Đào Tiên.

Con trai thứ của tôi là Trần Quang Minh lúc đó đang học Đại học Kiến trúc. Minh rất thương yêu mẹ, muốn ở kề bên chăm sóc nên cũng không thích đi Pháp. Năm 1971 Minh lập gia đình theo sự chọn lựa của mẹ. Trần Thị Cẩm Vân, vợ Minh, là một người vợ hiền dâu thảo, khéo léo đảm đang. Biết vậy tôi hết sức mừng cho con. Còn lại đứa con gái út, tôi tìm cách đưa Thủy Ngọc sang Pháp sống với tôi.

Qua năm 1969 lần đầu tiên tôi tới Madrid nói chuyện trong một trường đại học. Mấy năm trước nơi này đã từng nhiều lần mời tôi sang nhưng vì lúc đó Tướng Franco, một nhà độc tài khét tiếng, đang cai trị Tây Ban Nha với chế độ khắc nghiệt nên tôi thoái thác không đi. Năm 1969 Franco bị lật đổ, tình hình nước này đã thay đổi nên tôi nhận lời qua nói chuyện âm nhạc Việt Nam tại Đại học Madrid.

Tôi cũng qua Berlin dự hội nghị với tư cách là thành viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu âm nhạc. Tôi nói chuyện về “Cách dạy âm nhạc tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam”. Lúc đó tuy chưa về Việt Nam nhưng tôi có liên hệ với nhiều người bạn dạy trong trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn như anh Nguyễn Hữu Ba, anh Vĩnh Bảo và Thúy Hoan, ở miền Bắc thì bạn Lưu Hữu Phước có cho tôi biết về chương trình dạy nhạc qua thơ từ.

Trung tâm nhạc học phương Đông của tôi thành lập từ năm 1959 đến khi đó được tròn 10 năm. Lớp đờn tranh của tôi có những học trò như nữ ký giả Minh Đức Hoài Trinh, có Thúy Dung là con dâu của bà De Chambure, cháu An là con nuôi của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Đó là ba học trò siêng học nhứt. Ngoài ra còn nhiều người Pháp, người Mỹ và một số sinh viên của tôi tại Đại học Sorbonne cũng theo học lớp đờn tranh.

Một trong những học trò giỏi nhứt là Trần Quang Hải, con trai tôi. Ngoài đờn tranh, Hải còn học đờn nhị Trung Quốc với Cheng Shui Cheng, học đánh trống Ba Tư với ông Chémirani, học đờn vina của Ấn Độ với ông Nageswara Rao, môn nào cũng giỏi nên trong trường ai cũng khen.

Hàng tuần vào chiều thứ bảy tôi dạy một buổi lý thuyết về ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á, từ Ba Tư, Ấn Độ đến Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Mông Cổ, những lần làm bài trắc nghiệm thì Hải đều được điểm cao hơn mọi người nhờ có trí nhớ tốt.

Trước khi sang Pháp, Hải đã học đờn violon ở Sài Gòn với một người bạn của tôi là anh Đỗ Thế Phiệt. Khi Hải mới qua, tôi cho con tiếp tục học đờn violon ở Nhạc viện Quốc tế. Một bữa tôi có hẹn với người bạn là ông Yehudi Menuhin, một nhạc sư đờn violon lừng danh thế giới. Hải vẫn ngưỡng mộ ông Menuhin từ lâu và ước ao được dịp đờn cho ông nghe để ông đánh giá về tiếng đờn violon của mình.

Khi được ông Menuhin bằng lòng tiếp, Hải theo tôi đến gặp ông mà trong lòng rất hồi hộp. Nghe Hải đờn xong ông thẳng thắn nhận xét rằng trình độ của Hải ở mức trung bình, chỉ có thể đi dạy đờn thôi chớ không thể thành một tài năng biểu diễn được.

Con tôi về nhà buồn vô hạn, sau đó mấy ngày Hải dẹp đờn violon và xin tôi cho học đờn tranh. Thấy con tự ý quyết định như vậy tôi rất mừng. Hải tiếp thu rất mau nhờ tai nghe thính và trí nhớ tốt, trong vòng 5 năm đã có bằng tốt nghiệp của Trung tâm Nhạc học phương Đông.

Đây là một phần thưởng cho tôi, mặc dầu khi thành lập trung tâm này tôi luôn hết lòng dạy dỗ học trò mà không hề nghĩ có ngày con mình sẽ vào đây học. Vậy mà cuối cùng thì hai đứa con của tôi được hưởng thành quả cao nhứt, một phần nhờ chúng ở sát bên nên luôn được tôi chú ý chỉ dẫn từng chút một.

Tôi cũng cho Hải học tại trường Lý luận nghệ thuật (Ecole du Louvre) để có thêm kiến thức về kiến trúc, hội họa. Tôi muốn đào tạo cho con có một vốn hiểu biết về mọi lãnh vực của nghệ thuật chớ không chỉ dừng lại ở âm nhạc.

Ngoài ra, mùa hè tôi cho Hải qua Anh quốc học ở trường Cambridge để trau dồi tiếng Anh và học thêm môn thảo thơ từ về thương mại. Tôi cho con tiền học phí, vé máy bay, tiền xe đi học mỗi ngày và tiền tiêu xài vừa đủ, một phần vì khả năng tôi có hạn, phần khác tôi cũng muốn tập cho con tánh tiết kiệm trong việc chi tiêu.

May mắn là con tôi không những rất ngoan mà lại khéo tính toán, biết dùng số tiền đi xe buýt mua một xe đạp cũ để không tốn tiền di chuyển. Đến lúc trở về Pháp, Hải bán lại chiếc xe mà không bị lỗ bao nhiêu. Chiều tối Hải đi rửa chén ở mấy tiệm ăn để có tiền học thêm và mua quà gởi về cho mẹ cũng như các em. Chỉ trong vòng tám năm, con trai tôi đã lãnh hội khá nhiều kiến thức về ngôn ngữ, âm nhạc và cuộc đời.

Trong cuộc sống riêng thì năm 1969 có nhiều việc vô cùng quan trọng đối với tôi. Suốt 10 năm qua tôi ở nhờ nhà của Mộng Trung. Hàng ngày em lo cơm nước cho tôi còn tôi giúp em trong việc dạy dỗ mấy đứa cháu. Mỗi năm hai anh em đều làm thơ chúc mừng nhau trong dịp sinh nhựt. Mộng Trung giúp tôi trong những chuyến đi nói chuyện về âm nhạc tại Bỉ, Thụy Sĩ. Hễ nơi nào gần nước Pháp em đi cùng với tôi rồi sau đó trở về, còn tôi tiếp tục đi thêm một số nơi xa hơn.

Trong suốt 10 năm đó chúng tôi làm được khá nhiều việc như thâu thanh chương trình âm nhạc Việt Nam và nhiều vở kịch lấy từ văn học dân gian như Trương Chi Mỵ Nương, Nguyễn Kỵ và người đào nương, giới thiệu kịch Tục lụy của Lưu Hữu Phước trên đài BBC. Mộng Trung tập vai rất mau, tình nguyện làm không công chớ không nhận thù lao vì em có cơ sở làm ăn đủ sống.

Chính em cũng là người chạy tiền, lo giấy tờ cho con gái tôi là Thủy Ngọc qua Pháp. Thủy Ngọc nhiều lần xin đi Pháp nhưng không được nên Mộng Trung tìm cách nhờ người quen tại Việt Nam lo giấy tờ cho đi theo một đoàn hành hương đến Fatima (Bồ Đào Nha), cùng đi với chồng của Mộng Trung mà Thủy Ngọc gọi là dượng Sáu. Chồng Mộng Trung qua tới Fatima rồi tìm đường sang Pháp để gặp vợ con, còn tôi đón Thủy Ngọc tại phi trường Thụy Sĩ khi chuyến bay quá cảnh tại đây.

Bạn tôi là anh Cao Mạnh Khiêm, chủ tiệm ăn tại Thụy Sĩ, đưa tôi đến phi trường Genève đón Thủy Ngọc. Trong khi đứng chờ, tôi xúc động không thể tưởng tượng được. Khi tôi rời đất nước ra đi, con tôi còn nằm trong bụng mẹ, đến nay đã là một thiếu nữ 19 tuổi.

Tại sân bay Genève, vì chờ tìm hành lý nên Thủy Ngọc đi ra rất trễ, tôi chờ đợi lâu có cảm giác không thể chịu đựng nổi nữa. Khi nhìn thấy một thiếu nữ đội chiếc nón lá bước ra, tôi mừng rỡ chạy lại ôm con, nhưng Thủy Ngọc chỉ kêu một tiếng “ba” rất nhỏ rồi lặng thinh. Sau này con tôi kể lại lúc đó suýt buột miệng gọi tôi bằng “ông”, phải ráng hết sức mới thốt lên được tiếng ba vì chưa quen cách xưng hô mới mẻ này, mặc dầu từ nhỏ Thủy Ngọc vẫn khao khát được gọi tiếng ba đến độ khi đi lễ nhà thờ, thay vì gọi các linh mục “thưa cha” thì con tôi lại nói nhỏ “thưa ba”.

Anh Khiêm dành hai phòng ngủ trên lầu tiệm ăn của anh cho cha con tôi, còn gia đình anh buổi tối sau khi đóng cửa tiệm thì về nghỉ ở ngôi nhà vùng ngoại ô. Thủy Ngọc không có thị thực nhập cảnh vô nước Pháp, may nhờ một anh bạn là giáo sư tại Genève tên Vĩnh Bang cho mượn giấy thông hành của con gái anh cùng một tuổi và cũng mang kiếng cận thị như Thủy Ngọc để phòng hờ. Anh tự mình lái xe mang bảng số Thụy Sĩ đưa Thủy Ngọc vượt qua biên giới tới đất Pháp nên không bị xét hỏi giấy tờ.

Hai cha con tôi đi xe lửa đêm về Gare de Lyon ở Paris. Hải đón cha con tôi tại đây, gặp Thủy Ngọc hai anh em ôm nhau khóc òa. Nhà Mộng Trung lúc đó đã quá chật chội, Hải phải ở chung phòng với con trai lớn của Mộng Trung, hai con gái Mộng Trung ở trong phòng của mẹ, ba đứa con trai ở trong phòng khách. Tôi có được một phòng riêng vừa đủ đặt cái giường, một bàn viết và tủ sách. Thời gian này Mộng Trung đau nặng nằm luôn trong bịnh viện vì căn bệnh ung thư từ năm 1967, phải trải qua nhiều lần giải phẫu trong suốt hai năm trước đó.

Đối diện nhà Mộng Trung là nhà của vợ chồng bà Roch người gốc Do Thái, hai gia đình vẫn qua lại thân mật, bà vợ dành cho Thủy Ngọc một phòng để ở tạm. Bà rất thương Thủy Ngọc mà con tôi cũng coi bà như người mẹ thứ hai, các con của họ quí mến Thủy Ngọc như em gái trong nhà. Ban ngày Thủy Ngọc qua chơi và ăn cơm với tôi, buổi tối về nhà bà Roch ngủ.

Thời gian đầu mới qua, có lẽ mang nhiều mặc cảm nên Thủy Ngọc không cởi mở, hai cha con tuy ở gần nhau nhưng dường như có một khoảng cách. Hai tháng sau đó khi tôi đi dự hội nghị bên Đức, Thủy Ngọc viết một bức thơ cho tôi bày tỏ sự thương nhớ, đó là lần đầu tiên con gái tôi thể hiện tình cảm đối với cha.

Cha con ở riêng quá bất tiện nên tôi phải tính chuyện mua nhà. Một đồng nghiệp trong CNRS bán cho tôi một căn nhà ở vùng Villejuif với giá không cao lại cho nợ, khi nào có tiền sẽ trả sau. Thủy Ngọc rất mừng vì không còn phải ở đậu nhà người khác nên hăng hái lo dọn nhà.

Tôi thu xếp cho hai con về nhà mới trước còn tôi chưa dọn khỏi nhà Mộng Trung vì em vừa mới qua đời. Nếu tôi đi ngay thì tội nghiệp cho các cháu, mới vừa mất mẹ nay lại thiếu cậu, trong nhà không có người lớn sẽ thấy bơ vơ. Vì vậy ban ngày tôi ở với hai con, tối về với hai cháu, các con tôi cũng thông cảm mà không buồn. Hàng ngày ba cha con ăn cơm chung, chuyện trò về những phương pháp giống như tôi dạy đờn, nghĩa là chỉ dạy các nguyên tắc cơ bản từ cách đi chợ tới cách chọn mua thức ăn rồi con tôi theo đó mà chế biến. Thời gian đầu tôi nấu ăn cho các con, về sau Thủy Ngọc tập lần rồi tự nấu còn ngon hơn tôi.

Ngay khi Thủy Ngọc tới Pháp, ngày hôm sau tôi lên Sở Cảnh sát Paris gặp người chuyên phụ trách về người Việt Nam. Ông này rất khó tánh nhưng riêng đối với tôi ông có cảm tình vì thường coi tôi biểu diễn hoặc nói chuyện tại các dạ hội của người Việt. Tôi nói thật hoàn cảnh mình với ông, tôi có ý định lập nghiệp luôn ở đây nên xin đem con qua mà không được nên đành phải tìm cách đưa sang bất hợp pháp. Tôi xin chịu nộp tiền phạt để có thể giữ con ở lại đây. Ông thông cảm nên cấp cho Thủy Ngọc giấy tạm trú, đến khi bắt đầu đi học sẽ được cấp giấy hàng năm theo tiêu chuẩn của sinh viên. Tôi rất vui mừng vì chỉ trong một ngày đã giải quyết được giấy tờ hợp pháp cho con.

Thời gian đầu ở Pháp, thấy các học trò của tôi đờn tranh giỏi Thủy Ngọc rất khâm phục, nhưng không ngờ chỉ ba năm sau con gái tôi đã có thể chỉ dẫn lại cho một vài người trong số đó. Thời gian đầu tôi để cho Hải dạy, thấy em gái học chậm thì Hải rầy la làm Thủy Ngọc thối chí đem đờn trả cho tôi và nói: “Anh Hai nói con ngu quá, chắc con học đờn tranh không được”. Tôi phải an ủi và lãnh phần dạy con cho vừa với sức học của nó.

Tuy không xuất sắc như anh nhưng Ngọc rất siêng năng, cuối cùng tính ra số bài bản Thủy Ngọc biết còn nhiều hơn cả Hải và lại đờn rất chững chạc. Hải có óc sáng tạo còn Thủy Ngọc thì theo đúng lề lối. Hai tháng sau ngày đầu tiên làm quen với cây đờn tranh, nhân có một kỳ thi tại Pháp, tôi giới thiệu con gái với Ban giám khảo nhờ đánh giá tiếng đờn mặc dầu Thủy Ngọc chưa học đủ bài bản để thi cuối năm. Không ngờ mọi người lại khen, lần đó Thủy Ngọc được giải khuyến khích “Lời khen đặc biệt của Ban giám khảo”. Liên tiếp mấy năm Thủy Ngọc đều được điểm cao nhứt trong các kỳ thi.

Các con tôi ở với cha nhưng lại xa mẹ cũng là một thiệt thòi, nên tôi cố gắng vừa nghiêm như cha mà dịu dàng như mẹ, cố làm tròn bổn phận với con, chú ý việc học hành để chuẩn bị nghề nghiệp cho các con sau này.

Khi mua nhà vào tháng 8 tôi hơi e ngại, vì suốt 10 năm qua tôi sống êm ấm với mấy mẹ con Mộng Trung, sợ rằng khi em lành bệnh trở về nhà chắc chắn sẽ buồn thấy tôi đã dọn ra riêng. Nhưng tới đêm 3/9/1969 thì Mộng Trung qua đời. Đây là một mất mát lớn lao vì tôi không chỉ mất một đứa em mà còn mất một người tri âm tri kỷ.

Khi hay tin dữ, tôi xúc động viết mấy câu thơ:

Dây đờn sớm đứt tắt âm thanh
Hoa héo lá rơi vội tách cành
Gián đoạn nguồn thơ nay đã cạn
Đau lòng tử biệt thấu trời xanh.

Khi Mộng Trung sắp từ trần có ngỏ ý xin được các thầy Nhất Hạnh và thầy Thiện Châu là những tu sĩ Phật giáo có uy tín tại Pháp làm lễ cầu siêu cho em. Vì vậy trong đám tang của Mộng Trung tôi vinh hạnh mời được hai thầy đến tụng niệm. Tôi ý thức được rằng tình cảm của các thầy đối với tôi rất sâu đậm mới chấp nhận cùng có mặt trong một dịp như vậy. Đến nay tôi vẫn còn giữ cuộn băng hai thầy tụng kinh cầu siêu cho Mộng Trung. Một lần nữa trong đời tôi lại có cái may được thấy vì cảm tình đối với mình mà mọi người có thể xóa đi những điểm bất đồng để đến với nhau.

Mộng Trung không còn, kể từ đó tôi mất đi một người cộng sự trong công việc, một người góp ý sáng suốt trong cuộc sống, nhắc nhở cho tôi tránh những sai lầm. Tôi làm một bài thơ nói lên nỗi niềm của mình:

Nghẹn ngào vĩnh biệt bạn tri âm
Chia khổ chung vui được mấy năm
Cảnh khó vượt qua nhờ nhứt trí
Đường dài đi suốt bởi đồng tâm
Nhạc thơ có bạn thêm phong phú
Chánh trị nhờ em đỡ lạc lầm
Cõi thế từ nay em vắng bóng
Bao giờ đáp được nghĩa tình thâm

Tôi dồn hết tình cảm vào việc lo lắng dạy dỗ các con nhờ đó mà vượt qua được cảnh khổ. Mộng Trung vừa qua đời thì vào cuối tháng đó tôi ngã bệnh. Tôi bị sạn thận, viên sạn này di chuyển liên tục nên rất khó khăn cho việc giải phẫu, vết mổ dài phải may tới 27 mũi. Đây là một cơn bệnh “thập tử nhất sanh” nhưng tinh thần tôi vẫn vững vàng, tin tưởng vào sức đề kháng của cơ thể cộng với quyết tâm muốn sống để còn có thể làm được nhiều chuyện.

Tôi được tiêu chuẩn nằm một mình một phòng tại “Trung tâm nội ngoại khoa” ở vùng Porte de Choisy, một trong những bịnh viện tối tân nhờ được tài trợ đặc biệt của Hội Tương trợ của Bộ Quốc gia Giáo dục. Trong khi còn đang nằm trị bệnh tôi có khách đặc biệt tới thăm.

Đó là hai nghệ sĩ dân ca Phương Oanh và Ngọc Dung thuộc nhóm Hoa Sim từ Việt Nam qua Pháp biểu diễn. Bác sĩ nghe ồn ào, vô phòng thấy hai cô đang hòa nhạc nên không cho vì tôi còn đang sốt. Tôi nói với bác sĩ rằng đối với tôi việc nghe nhạc cũng hiệu nghiệm không thua gì uống thuốc, tôi đang bị sốt vậy mà chỉ mới nghe mấy khúc dạo đầu đã thấy trong người khỏe khoắn và vui vẻ. Theo lệ thường bịnh viện cấm không được gây ồn ào làm ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân, nhưng nhờ tôi ở phòng riêng nên bác sĩ vui vẻ cho phép và bắt tay chúc tôi mau khỏe.

Hết nạn nọ đến nạn kia, tháng 2 năm 1970 tôi đi dự buổi họp mặt nhân dịp Tết của Việt kiều, khi xuống thang lầu tôi bị trật chân đau đến độ không đi tiếp được nữa, bạn bè phải đưa tới bịnh viện. Máu tụ làm chân tôi sưng lên nên bác sĩ phải dùng kéo cắt đôi giày ra, chụp phim X quang thì thấy đây là trường hợp rất lạ thường: các sợi dây chằng bên cổ chân mặt bị đứt hết! Ngày hôm sau một giáo sư bác sĩ khác vô thăm bệnh cũng ngạc nhiên, ông đề nghị được đưa học trò tới coi một trường hợp hiếm hoi vì thường người khác chỉ đứt một vài sợi dây chằng mà thôi. Nhưng như vậy thì tôi phải ráng chịu đau, cử động chân cho học trò có thể so sánh cả hai chân ngang qua hình chiếu bằng X quang.

Tôi nhớ ngày xưa học trường Thuốc cũng có khi đã làm cho người bệnh vừa mệt vừa khổ để học hỏi. Nay thì có vay có trả, mình từng được học trên người bệnh thì giờ đây mình làm người bệnh để người khác học. Mặt khác tôi cũng hiếu kỳ muốn biết coi chân mình bị thương lạ thường ra sao. Các bác sĩ đặt một máy truyền hình lớn trên cao, bên dưới đặt máy X quang, ông thầy chỉ cho sinh viên thấy rõ chân phải bị đứt hết các sợi dây chằng trong khi chân bên trái còn đủ. Tôi đau không thể tưởng tượng nổi nhưng cắn răng chịu đựng. Khi xong rồi ông giáo sư nắm tay tôi cảm ơn, nhận xét rằng dân Việt Nam cũng như người châu Á chịu đau giỏi hơn người Âu rất nhiều. Sau đó đích thân ông mổ cho tôi, băng bột cẩn thận và nói rằng rất mong một ngày nào đó nghe tôi báo cho biết là đã khiêu vũ được rồi thì coi như ông thành công.

Ba tháng đầu tôi phải nằm yên một chỗ, sau đó có thể ngồi nhưng không được đứng. May mắn lúc đó tôi được hai con Hải và Ngọc hết lòng chăm sóc. Nằm nhà suốt ba tháng rất buồn nên tôi xin bác sĩ cho phép đi dạy học một tuần hai lần, tôi hứa chỉ ngồi dạy chớ không đứng.

Học trò rất mừng khi gặp lại tôi. Những lúc giảng bài say sưa tôi quên bẵng nên đứng phắt dậy thì học trò phải la to: “Thầy ơi! Ngồi xuống!” Buổi dạy nào học trò cũng phải nhắc nhở hai ba lần khiến lớp học thêm vui.

Vừa bỏ được gậy, đi đứng hơi vững vàng thì tháng 8 năm 1972 tôi được mời dự Nhạc hội Shiraz lần thứ ba. Lần này có Hải cùng đi, hai cha con tôi hòa đờn Việt Nam trong một tiếng đồng hồ. Tôi giới thiệu ngắn gọn các tiết mục bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, được dịch ra tiếng Ba Tư.

Tôi nhớ lại trong năm đầu tiên chỉ đờn trong 15 phút, cho đến năm nay thì Ban tổ chức dành cho được một giờ, chứng tỏ thính giả chịu nghe nhạc Việt Nam vì nhận thức được giá trị nghệ thuật của nó. Tôi cũng vui vì được đi với đứa con trai đầu lòng mà tôi mong ước sẽ là người tiếp sức với mình trong việc giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

Ngoài việc tham dự buổi hòa nhạc, tôi còn được mời tham luận hội thảo quốc tế về kịch nghệ sân khấu của châu Á. Dịp này tôi giới thiệu sơ bộ những điểm khác nhau và nét đặc biệt của sân khấu tuồng, chèo và cải lương Việt Nam.

Đi đứng chưa thật vững, vậy mà từ Shiraz trở về tôi đã phải tiếp tục khăn gói lên đường đi Stuttgart (Tây Đức) gặp gỡ với các giáo sư dạy âm nhạc cho học sinh trung học. Cũng như ở Pháp, các giáo sư Đức chỉ rành về âm nhạc châu Âu mà không am tường nhạc châu Á. Trong bài giới thiệu về âm nhạc châu Á, tôi phân tách những điểm tương đồng lẫn dị biệt giữa âm nhạc các nước châu Á.

Tôi chia châu này thành những “khu vực văn hóa” trong đó khu vực Đông Á có Trung Quốc, Nhựt Bổn, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam, các khu vực khác như Đông Nam Á lục địa gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và Miến Điện; Đông Nam Á ngoài biển khơi như Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, lấy ba yếu tố làm tiêu chuẩn: nhạc khí, thang âm và cách biểu diễn.

Bài nói chuyện được các bạn ở Đức rất hoan nghinh. Sau này tôi thêm nhiều chi tiết cho bài thuyết trình và được Ban biên tập của chương trình “Viết lại lịch sử âm nhạc thế giới” do UNESCO đề xướng chọn làm tư liệu để các nước khác tham khảo.

Trich Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150626/hoi-ky-tran-van-khe-ky-5-chuyen-gia-dinh/766362.html

>> Kỳ 6: Bôn ba bốn biển năm châu
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 3- Đất khách quê người 1
Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 2 – Lập gia đình 4
Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1
Giáo sư Trần Văn Khê qua đời: ​Một cuộc đời viên mãn… 2

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 6 – Bôn ba bốn biển năm châu

27/06/2015 11:07 GMT+7

TTO – Năm 1971, Diễn đàn Âm nhạc châu Á được tổ chức lần thứ nhì. Diễn đàn này được tổ chức lần thứ nhất vào năm 1969 do sáng kiến của ông Jack Bornoff, thư ký ban chấp hành Hội đồng Quốc tế âm nhạc và ông Alain Daniélou, cố vấn Hội đồng Quốc tế âm nhạc.

Jpeg
Jpeg

Tại viện âm nhạc của Đại học Sorbonne, GS Trần Văn Khê và con gái Thủy Ngọc giới thiệu nhạc Việt Nam vào năm 1968 – Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu>> Kỳ 2: Lập gia đình>> Kỳ 3: Đất khách quê người>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống>> Kỳ 5: Chuyện gia đình

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Trước đó UNESCO đã có Diễn đàn Âm nhạc châu Âu, hằng năm các đài phát thanh châu Âu đem những chương trình phát thanh nhạc cổ điển hay cận đại của mình đến Paris để tham dự. Một ủy ban gồm các chuyên gia âm nhạc và đại diện các đài phát thanh sau khi nghe xong sẽ bỏ thăm cho điểm, tuyển lựa tiết mục xuất sắc nhất để tuyên dương. Tuy không có tặng thưởng hiện vật nhưng chương trình nào được tuyển lựa sẽ được rất nhiều đài phát thanh trên thế giới xin phát thanh, nhờ vậy chương trình đó được phổ biến rộng rãi.

Hai ông hỏi ý kiến tôi, nếu dựa theo mô hình này mà tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á liệu có thành công hay không. Tôi nghe vậy rất mừng, cho rằng dầu chưa biết thành công hay không nhưng được cái lợi là các nước châu Á sẽ thấy UNESCO cũng quan tâm đến âm nhạc châu Á.

Diễn đàn tổ chức lần đầu chỉ có bốn đoàn tham dự gồm Nhựt Bổn, Đài Loan, Ấn Độ, Ba Tư và Nhựt Bổn được giải nhứt. Lần này diễn đàn được mở rộng, tuy là thành viên của Ủy ban tuyển lựa từ hai năm trước, nhưng tôi không thể đề nghị Đài phát thanh Việt Nam tham dự vì trong nước còn đang chiến tranh. Cậu học trò người Đài Loan của tôi là Cheng Shui Cheng giới thiệu một chương trình độc tấu pipa (tì bà Trung Quốc) do người thầy của cậu biểu diễn. Tiết mục đó được tuyển chọn cùng chung với nhạc Ấn Độ.

Bắt đầu từ thời gian này công việc của tôi rất nhiều. Năm 1968 tôi được thăng chức nghiên cứu sư (Maitre de recherche au CBRS), nên ngoài công việc của mình, tôi phải chỉ đạo cho những người tùy viên nghiên cứu. Tôi lại được quyền tham gia chỉ đạo và hướng dẫn các thí sinh thi tiến sĩ nhạc học. Trong số các “Thành viên với tính cách cá nhân” chỉ có tôi sống tại Paris nên mỗi khi có vấn đề gì liên quan đến âm nhạc Á, Phi là Hội đồng Quốc tế âm nhạc lại mời tôi đến họp để hỏi ý kiến.

Tôi cũng giúp cho Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc Đông phương mời những nhà nghiên cứu hay các nhạc sĩ có tên tuổi biểu diễn.

Tôi rất hài lòng vì không chỉ giới thiệu âm nhạc Việt Nam mà còn cả âm nhạc truyền thống của các nước khác để giúp người phương Tây hiểu thêm về nhạc châu Á, nhờ đó mà các mối quan hệ quốc tế của tôi ngày càng mở rộng.

Cũng vào năm 1971 tôi được mời đi dự hội nghị của Hội đồng Quốc tế âm nhạc tổ chức tại Moscow với tư cách là “Thành viên có tính cách cá nhân”. Đó là lần đầu tiên tôi đến một nước xã hội chủ nghĩa và được tiếp đãi khá trọng hậu.

Trưởng phái đoàn của Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa là anh Đỗ Nhuận, tổng thơ ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tôi nghe tên anh từ lâu và rất vui khi được diện kiến.

Tại hội nghị tôi được quen với các giáo sư của Cộng hòa dân chủ Đức, Hungary, Ba Lan, có thêm những người bạn trong lãnh vực âm nhạc và sau đó tôi được mời sang các nước xã hội chủ nghĩa nhiều lần.

Điểm đặc biệt là sau 10 ngày ở Moscow thì tôi được mời sang nói chuyện tại Trường đại học Carbondale của tiểu bang Illinois ở miền Nam nước Mỹ.

Đây là cuộc gặp gỡ về âm nhạc Việt Nam do giáo sư Nguyễn Đình Hòa dạy ngôn ngữ Việt Nam tại đại học này tổ chức. Tại đây tôi nói chuyện về lịch sử âm nhạc Việt Nam và các vấn đề liên quan đến nhạc ngữ như thang âm, điệu thức, tiết tấu… Ngoài ra còn có hai người ở Sài Gòn được mời tham dự là nhạc sư Vĩnh Bảo – cựu giáo sư Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, cũng là một nghệ nhân đóng đờn danh tiếng – giảng về cách đờn, cách đóng đờn và nhạc sĩ Phạm Duy nói về dân ca Việt Nam cùng những ca khúc mới. Ba anh em chúng tôi được anh chị Nguyễn Đình Hòa và các con của anh chị tiếp đãi rất nồng hậu.

Đã từ lâu tôi chưa được đờn chung với nhạc sĩ nào từ Việt Nam qua, cho nên cách đờn của tôi còn giữ nguyên chất ngây ngô, mộc mạc và quê mùa của thời còn đi học. Lần đó tôi được nghe tiếng đờn điêu luyện và sâu sắc của anh Vĩnh Bảo, vừa bay bướm vừa mượt mà, mang đầy sức sống mãnh liệt trẻ trung của dân tộc. Nhờ gặp anh mà cách đờn của tôi thay đổi rất nhiều.

Thân phụ anh Vĩnh Bảo vốn là học trò của ông nội tôi về đờn dân tộc, còn anh Vĩnh Bảo thì chơi thân với cậu Năm tôi. Tôi ngưỡng mộ anh qua tiếng đờn trong những cuộn băng của bác sĩ Phạm Kim Tương ghi âm từ bên nhà gởi qua. Vì vậy tuy chưa gặp nhau mà có cảm giác như đã quen từ lâu, nên lần này vừa gặp mặt chúng tôi đã trở thành thân thiết.

Ban tổ chức sắp đặt mỗi người ở một biệt thự riêng, hai chúng tôi ở hai nơi xa nhau, mỗi lần cần nói chuyện phải trao đổi qua điện thoại. Anh Vĩnh Bảo đề nghị tôi dọn qua ở chung, tôi đồng ý và ngày nào hai anh em cũng nói chuyện rồi đờn tới khuya. Anh tặng tôi một cây đờn mà tôi còn giữ cho đến nay, mặt đờn đóng bằng gỗ ngô đồng, tiếng đờn trong và đẹp vô cùng. Khi gặp anh, tôi vẫn còn đờn bài vọng cổ 16 nhịp, chính anh hướng dẫn cho tôi đờn bài vọng cổ 32 nhịp.

Gặp lại Phạm Duy lần này chúng tôi nói chuyện về sáng tác mới. Tuy không theo dõi sát nhạc mới nhưng tôi cũng rất thích nên thường trao đổi thơ từ với Phạm Duy ở Sài Gòn và anh Lưu Hữu Phước ở miền Bắc.

Khi ở Pháp tôi chỉ lo việc nghiên cứu, không có dịp gặp được các nhạc sĩ cổ nhạc hay tân nhạc. Do đó cuộc gặp gỡ ở Carbondale đem lại cho tôi nhiều bổ ích, đó là tiếng đờn dân tộc đương thời và những bài hát sáng tác theo phong trào mới. Trong một thời gian rất ngắn, tôi thâu thập được nhiều kiến thức từ những bậc thầy thượng thặng, học được những nét đặc biệt của mỗi người, đó cũng là một cơ duyên của tôi.

Ba tuần ở Carbondale qua mau như chớp mắt. Tôi trở về Pháp trước, anh Vĩnh Bảo ở lại thêm vài tháng để dạy một khóa đóng đờn, sử dụng loại gỗ có sẵn bên Mỹ chớ không phải bằng cây tung hay ngô đồng như ở Việt Nam. Đầu năm 1972, trên đường về nước anh Vĩnh Bảo ghé Paris ở chơi với tôi một tháng.

Dịp này anh dạy cho con gái tôi thêm những ngón đờn, nhận dạy một số học trò tại nhà tôi, đồng thời nói thêm về lịch sử âm nhạc dân tộc Việt Nam thời kỳ cận đại cho tôi nghe. Anh nhắc lại từng nhạc sĩ thời đó như Sáu Tửng, Năm Vinh, Mười Phú, Hai Thơm. Tôi thâu âm tất cả vào băng, đây là tư liệu rất quý do một nhân chứng sống ngay trong thời kỳ cận đại kể lại.

Mặc dầu rất bận rộn tôi vẫn luôn chú ý đến chuyện học của con, nhưng cũng không bao giờ ép con phải học theo đúng ý mình. Anh Vĩnh Bảo dạy đờn rất kỹ, Thủy Ngọc nhấn một chữ “xang” theo hơi Ai cả tiếng đồng hồ mà anh vẫn chưa vừa ý. Thủy Ngọc tiếp thu chậm mà lại dễ thối chí nên tôi phải tìm cách can thiệp. Tôi để micro ở phòng khách chuyền dây vào phòng làm việc của mình, mỗi khi anh Vĩnh Bảo dạy đến hồi căng thẳng, đoán biết Thủy Ngọc sắp sửa òa khóc tôi bèn lên tiếng sai con làm một việc gì đó để giải tỏa, nhờ vậy mà sau đó Ngọc mới tiếp tục học được.

Khi Thủy Ngọc thối chí không muốn học nữa, tôi cắt nghĩa cho con hiểu được học với bác Vĩnh Bảo ngay tại nhà là một điều may mắn vì những học trò khác thường phải năn nỉ bác mới nhận dạy và phải đổ đường từ xa tới để học. Khi Thủy Ngọc học khá hơn, anh Vĩnh Bảo đóng cho một cây đờn mà con tôi rất thích.

Một bữa anh Vĩnh Bảo và tôi cùng hòa đờn rất hào hứng ở một trường đại học. Trong số thính giả có ông Charles Duvelle, giám đốc Hãng OCORA, một cơ sở rất có uy tín trực thuộc đài phát thanh, chuyên cộng tác nhiều nơi để làm chương trình phát thanh, trong đó có việc in dĩa hát. Ông mời hai chúng tôi thâu thanh một dĩa hát nhạc tài tử lấy tên Nhạc truyền thống miền Nam Việt Nam để phát hành trong loạt dĩa âm nhạc truyền thống thế giới của OCORA.

Anh Vĩnh Bảo là một người rất giàu nghệ sĩ tính và làm việc tùy hứng, hễ không hứng thì không đờn. Buổi sáng hôm ghi âm, chương trình định sẵn gồm anh Vĩnh Bảo đờn tranh, tôi đờn tì bà bản Lưu thủy, Bình bán, Kim tiền; kế đó anh Vĩnh Bảo đờn xến, tôi đờn gáo bản Tây Thi Quảng; tiếp theo anh Vĩnh Bảo đờn tranh, tôi đờn kìm bản Phú lục. Cuối cùng là hai đoạn anh Vĩnh Bảo rao tùy hứng với đờn kìm và đờn tranh độc tấu. Ông Charles Duvelle rất thích nên đích thân tới nghe. Mọi người đã sẵn sàng để ghi âm, bỗng nhiên anh Vĩnh Bảo nói nhỏ với tôi:

– Tôi không có hứng mà lại thèm cà phê nữa, bây giờ mà đờn sẽ không hay đâu. Anh nói với ông Charles Duvelle cho mình một tiếng đồng hồ để đi uống cà phê.

Tôi đành phải nói với ông Charles Duvelle rằng bạn tôi là người rất giàu nghệ sĩ tính, khi không có hứng đờn sẽ không hay vì tiếng đờn không có hồn. Thật là may mắn, ông Duvelle hết sức thông cảm và đồng ý. Ông ra lịnh cho kỹ sư thâu thanh chờ khi nào nhạc sĩ Vĩnh Bảo sẵn sàng thì mới thâu.

Phòng thâu có sẵn máy pha cà phê, chỉ việc bấm nút là có nhưng anh Vĩnh Bảo không thích uống cà phê bột mà đòi uống cà phê phin.

Được người chủ tỏ ra thông cảm, được bạn chiều theo ý thích, anh Vĩnh Bảo cảm kích nên khi uống cà phê xong trở vô thâu thanh, anh hứng thú đờn xuất thần khiến tôi cũng hào hứng lây. Thâu thanh xong ông Charles Duvelle thú vị đến nỗi ngoài tiền thù lao còn ký một ngân phiếu tặng riêng nhạc sĩ đã cho ông hưởng được những giờ phút say sưa với âm nhạc.

Anh Vĩnh Bảo rất cảm động khi nhận tấm ngân phiếu, coi đó là lời khen bằng hiện vật của một người tri âm tri kỷ. Ông Charles Duvelle cũng chụp hình anh Vĩnh Bảo để in lên trên bìa dĩa hát.

Dĩa hát này bán rất chạy trong năm 1973 và khi in lại thành dĩa CD vào năm 1994 đã được tạp chí phê bình nhạc Diapason tặng danh hiệu Dĩa hát Diapason vàng vì là dĩa hát bán chạy nhứt trong năm. Hễ dĩa hát nào được dán huy hiệu đó ở ngoài bìa thì rất có uy tín. Riêng tôi lần nào nghe lại cũng thấy xúc động.

Có một sự tình cờ trùng hợp khi nghệ sĩ đờn tranh trẻ tuổi Hải Phượng qua Pháp hòa đờn với tôi vào năm 1994, người phụ trách Hãng dĩa OCORA lúc đó là ông Claude Samuel cũng muốn thâu thanh một dĩa hát.

Năm 1972 tôi hòa đờn cùng với anh Vĩnh Bảo, người bạn cùng thế hệ với mình. Hơn 20 năm sau, tôi lại cùng với Hải Phượng, tuổi bằng cháu ngoại tôi, thâu thanh một dĩa hát CD nhạc tài tử có tên “Đờn tranh Việt Nam xưa và nay”. Lần này tôi đề nghị ghi tên cháu trước vì tôi muốn đề cao lớp trẻ. Việc tôi là một người thầy mà tình nguyện đứng sau tên học trò làm cho mọi người ngạc nhiên. Nhứt là đối với Hãng OCORA, xưa nay họ chỉ toàn mời các bậc cao tuổi, nên học trò có đờn cũng chỉ để phụ họa, mà nói theo tiếng nghề nghiệp là ông thầy cứ đứng án bàn thờ tổ nghiệp nên lớp trẻ khó mà phát huy được tài năng.

Dĩa hát sau khi phát hành nhận được hai giải thưởng, một giải thưởng “Dĩa hát hay nhứt trong năm 1994” ở Đức và một giải hạng nhứt “Choc” của Tạp chí Thế giới âm nhạc ở Pháp. (Choc trong tiếng Pháp nghĩa là chấn động, ý muốn nói người nghe dĩa này sẽ có cảm giác như bị chấn động). Ông Laurent Aubert, nhà phê bình nhạc, đã nói rằng ông bị “chấn động” sau khi nghe dĩa hát này.

Trong cuộc đời nghiên cứu và hoạt động âm nhạc, tôi được hưởng những niềm vui mà dầu có tiền nhiều đến đâu cũng không mua được. Niềm vui này không phải do tôi được lợi lộc gì mà là vì tôi nhận rõ một điều bước đường đem nhạc dân tộc ra nước ngoài của mình ngày càng tiến xa hơn.

Vừa trở về Pháp, tôi phải lên đường sang Liên Xô tham dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á do Liên Xô và UNESCO tổ chức tại Alma Ata, thủ đô nước Cộng hòa xã hội Xô viết Kazakhstan, một vùng có truyền thống âm nhạc đặc biệt, rất gần với châu Á.

Ủy ban tuyển lựa của diễn đàn gồm bảy thành viên do ông Narayana Menon người Ấn Độ làm chủ tịch, còn tôi là phó chủ tịch. Hai chúng tôi được tiếp đãi đặc biệt hơn năm thành viên kia, có xe hơi và thông dịch riêng, phòng ở rộng rãi và đủ tiện nghi. Ngoài việc tuyển lựa các tiết mục xuất sắc của những đài phát thanh châu Á như thường lệ, diễn đàn lần này còn tổ chức hội thảo về “Ngôn ngữ âm nhạc châu Á”.

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Âm nhạc châu Á được tổ chức tại một nước thuộc châu Á, có nhiều chương trình âm nhạc châu Á cho đại biểu tham dự diễn đàn và công chúng thưởng thức. Lại có một hội thảo quy tụ nhiều nhà nhạc học danh tiếng về nhạc châu Á. Đây là một tiền lệ rất hay để từ đó về sau các Diễn đàn Âm nhạc châu Á đều làm theo cách này.

Tôi đã viếng thăm Moscow, nay lại tới một vùng thuộc châu Á của Liên Xô, biết được thêm một phong cách khác. Đặc biệt có lần vào buổi sáng tôi được nghe đài phát thanh phát bài hát quan họ Yêu nhau cởi áo cho nhau do một ca sĩ Liên Xô hát bằng tiếng Việt. Tôi vô cùng xúc động khi thấy bài ca quan họ đã vượt ra biên giới của 49 làng quan họ tỉnh Bắc Ninh, đi khắp nước Việt Nam rồi ra thế giới. Khi ở Pháp tôi đã được nghe bài quan họ này một lần, nay lại nghe tận một nước cộng hòa xa xôi của Liên Xô.

Tại Alma Ata, tôi được nghe nhiều điệu nhạc vừa lạ vừa hay. Đặc biệt nhứt của vùng này là cây đờn dombra truyền thống, có thùng hình bầu dục, cần rất dài, phím không phải bằng tre hay kim loại mà bằng gân con trừu, có thể xê dịch được tạo thành những quãng không cố định, hoặc thấp hơn hoặc cao hơn các quãng thông thường một chút, nhờ vậy màu sắc thang âm hết sức phong phú.

Tôi đã được nghe tiếng đờn dombra trong một dĩa hát nên khi qua Kazakhstan tôi háo hức chờ nghe chính người dân tộc địa phương đờn. Nhưng khi quan sát cây đờn tôi bất ngờ thấy nó đã bị chỉnh lại, phím gân trước kia xê dịch được cho nghe những quãng không cố định, nay bị cột chặt lại. Tôi rất thất vọng bởi giờ đây khi đánh lên âm thanh nghe như tiếng đờn mandoline, với thang âm bình quân như đờn piano chớ không còn đầy màu sắc như ngày trước.

Trong hội nghị này đoàn Kazakhstan giới thiệu chương trình đại quy mô với dàn nhạc dân tộc gồm hàng trăm cây đờn dombra, bảy tám chục người hợp xướng, tất cả đều mặc trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ. Sau đó tôi được tặng cây đờn dombra đổi mới mà tôi còn giữ cho đến nay.

Các bạn Liên Xô trong ban tổ chức biết tôi là người nghiên cứu âm nhạc châu Á nên mời dự tiệc trà để thăm dò ý kiến, hỏi cảm tưởng của tôi sau buổi trình diễn hôm qua. Tôi nói:

– Thưa các bạn, các bạn là những người am tường cũng như hiểu rõ thị hiếu và khuynh hướng thẩm mỹ của dân tộc mình, đã suy tư nghiền ngẫm rất lâu để tìm cách thể hiện cho hay. Tôi không biết gì về truyền thống Kazakhstan trong khi đó chỉ được nghe qua vài ba giờ đồng hồ thì làm sao dám phê bình.

Họ hỏi tôi có thích hay không, tôi trả lời:

– Điều này lại càng khó nói, bởi thích hay không là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân, tùy thuộc sự hiểu biết của tôi, nếu không thích có khi là do tôi không hiểu. Tôi chỉ có thể nói là tôi nghe với sự tò mò nhiều hơn, tôi nghe bằng lý trí để tìm hiểu chớ chưa có được sự rung cảm của con tim. Xin các bạn cho một dịp khác, khi đã hiểu biết nhiều hơn sẽ trả lời với các bạn tôi thích hay không.

Theo phép tắc xã giao, khi người khách được mời tới nhà ăn cơm thì dù thức ăn nấu không ngon cũng không dám chê dở, nhưng nếu ngon sẽ khen liền. Có lẽ hiểu như vậy nên sau buổi biểu diễn ban tổ chức nhờ anh Zagorski thăm dò ý kiến của tôi. Anh là người bạn cùng làm việc chung trong Hội đồng Quốc tế âm nhạc, hai chúng tôi thường trao đổi thân mật vui vẻ với nhau. Buổi tối Zagorski ăn cơm với tôi, sau hai ba tuần rượu Vodka, anh nói:

– Các bạn tôi muốn biết ý kiến của anh nhưng anh thoái thác, nhưng nếu tôi hỏi liệu anh có chịu trả lời hay không?

– Tôi sẵn sàng trả lời vì anh là bạn của tôi.

– Anh cho biết nhận xét của mình về buổi biểu diễn của đoàn Kazakhstan?

– Tôi có hai điều muốn nói về cả hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, tôi hết sức buồn bởi cả trăm nhạc sĩ mặc quần áo dân tộc đẹp đẽ vô cùng ngồi đàn dưới sự chỉ huy của một người mặc lễ phục theo phương Tây. Dàn hợp xướng bảy tám chục người mặc trang phục dân tộc rất rực rỡ nhưng người lĩnh xướng lại mặc áo đuôi tôm. Hình ảnh đó gây cho tôi cảm giác phương Đông chịu sự chỉ huy của phương Tây nên tôi không chấp nhận được.

Theo tôi thì trang phục biểu diễn phải đồng bộ từ người chỉ huy đến cả người hát. Việc để người ăn mặc theo phương Tây đứng chỉ huy người mặc theo phương Đông cho thấy các anh trong tinh thần còn lệ thuộc phương Tây. Còn về nội dung, tôi nhớ trước đây âm thanh tiếng đờn dombra nghe đầy màu sắc còn bây giờ thì không còn được như vậy nữa.

– Dàn nhạc có cả trăm cây đờn, nếu để như cũ thì mỗi đờn âm thanh mỗi khác sẽ không hòa được với nhau.

– Tại sao phải cần đến cả trăm cây để cho mất hết màu sắc, trong khi bản chất của cây đờn này chỉ cần một hai cây hòa với nhau đã đầy màu sắc và gây xúc cảm trong lòng người nghe. Số lượng nếu không đi đôi với chất lượng thì không còn giá trị, mà nếu lỡ sai một chỗ thì sai lầm đó lại bị nhân lên gấp trăm. Các anh sửa nhạc khí và cách đờn như vậy có hơn được cái cũ không?

– Có chớ, điểm hay là đờn hòa với nhau không lạc giọng, lại có cái lợi là khi đờn thiệt mau không bị lạc phím.

– Tuy hòa đờn không bị lạc phím nhưng lại thành đơn điệu. Thang âm của nhạc dân tộc Kazakh rất độc đáo, muốn đờn mau như khi dùng thang âm bình quân của piano thì không còn bản sắc dân tộc nữa. Đối với nghệ thuật không nên chú trọng tới chuyện nhanh hay chậm mà quan trọng là có đi vào lòng người hay không. Âm nhạc là tiếng nói. Đâu phải nói mau là hay. Về nội dung tôi thấy rằng đưa ra cây đờn như vậy chỉ làm cho nó xuống cấp. Tôi cũng mong mỏi được nghe lại tiếng đờn dombra truyền thống để có thể thưởng thức nét độc đáo của âm nhạc dân tộc Kazakh.

Nghe xong anh Zagorski nói:

– Anh nói nhiều điều tôi nghe cũng có lý. Nếu tôi lặp lại những lời của anh cho ban tổ chức buổi biểu diễn, anh có giận tôi không?

– Không, tôi nói điều này xuất phát từ lòng quý mến một người bạn. Tôi đã nói cho anh nghe rồi thì chuyện của tôi đã thành chuyện của anh và anh trọn quyền sử dụng theo ý mình. Nếu anh nói với các bạn không khéo hay lặp lại không thật đúng để họ giận tôi thì đó là lỗi của anh.

Hôm sau anh Zagorski nói lại với các bạn và có lẽ nhờ nói khéo nên ban tổ chức chẳng những không giận mà còn nhờ anh mời tôi ở lại thêm một tuần lễ. Tôi có việc bên Pháp nên không nhận lời mời.

Hai bữa sau ban tổ chức mời năm người nhạc sĩ truyền thống Kazakh tới đờn dombra “nguyên xi” và trình bày nhạc dân tộc chính cống. Tôi xúc động không thể nói được, còn tất cả những người tham dự đều khen ngợi. Sau bữa này tôi phân tích với anh Zagorski:

– Tính ra lần này về mặt kinh tế thì các anh lỗ, còn về mặt nghệ thuật thì thất bại. Các anh tốn công sửa đờn, bỏ tiền may quần áo cho cả trăm người, cơm ghe bè bạn tập dượt hàng tháng, vậy mà khi ra biểu diễn không làm mọi người xúc động. Trong khi đó chỉ với năm người vừa đờn vừa hát và đánh trống theo điệu dân gian, không tốn kém bao nhiêu mà chúng tôi hết sức thích thú. Các anh muốn làm đại quy mô nhưng rốt cuộc không đạt được kết quả về mặt nghệ thuật, bất quá chỉ có thể làm người ta nể phục vì sự đồ sộ. Nhưng âm nhạc không cần làm cho người ta kính nể mà phải làm rung động lòng người.

Anh Zagorski vỗ vai tôi:

– Anh thiệt lạ, mới qua không lâu đã thấy được nhiều điều mà chúng tôi chứng kiến hằng ngày lại không để ý.

Sự việc này càng củng cố thêm quan điểm của tôi là trong nghệ thuật số lượng phải đi đôi với chất lượng. Trong khi luyện tập, cần phải nắm bắt được kỹ thuật để phục vụ cho nghệ thuật, nhưng nếu dùng kỹ thuật để phô trương kỹ thuật thì chỉ mới đứng ở ngưỡng cửa của nghệ thuật mà thôi.

Trong giới nghiên cứu, kể cả những bạn trong khoa dân tộc học là những người thường đi điền dã tại các nước xa xôi, nhưng cũng hiếm người được đi nhiều như tôi. Đặc biệt ít có năm nào mà tôi lại đi nhiều, đi xa và thú vị bằng năm 1974.

Đầu mùa xuân tôi đến Rennes, một thành phố vùng Bretagne của Pháp để dự hội nghị về đề tài nhạc dân tộc truyền thống. Ba cha con tôi cùng tham dự để giới thiệu âm nhạc Việt Nam.

Tiếp theo tôi tham dự liên hoan quốc tế của Hội Thanh niên yêu nhạc quốc tế tổ chức tại Zagreb, thủ đô của Nam Tư. Hải bận công việc nên chỉ có tôi với Thủy Ngọc đi dự. Các con tôi ngoài việc góp sức cùng cha giới thiệu nhạc Việt Nam cũng là dịp học hỏi trên thực địa rất quý giá.

Liên hoan quy tụ nhiều ban nhạc của các nước, kỳ này đặc biệt có dàn nhạc cung đình và dàn nhạc dân gian của Triều Tiên tham dự. Viện Nhạc học Seoul dưới sự điều khiển của giáo sư Lee Hye Gu (Lý Huệ Cầu) đã dựng lại hai loại nhạc cung đình tang ak (đường nhạc) và hyang ak (hương nhạc) đã thất truyền từ lâu.

Nhạc công mặc áo thụng đỏ, đội mão đen, biểu diễn những bản nhạc tấu trong cung đình ngày xưa với những nhạc khí truyền thống đã được hoan nghinh nhiệt liệt. Báo chí phỏng vấn, các đài truyền thanh truyền hình đua nhau ghi âm, ghi hình và phát trong những chương trình đặc biệt.

Điều này làm tôi nhớ lại năm 1963 bà bá tước De Chambure có ghi âm chương trình nhạc cung đình Huế in trong dĩa của UNESCO được hai giải thưởng lớn dành cho dĩa hát bên Đức và bên Pháp. Nhưng chẳng biết giờ đây nhạc cung đình có còn được biểu diễn tại quê nhà không hay đã bị chìm trong quên lãng rồi! Nhìn thấy kết quả của nhạc Triều Tiên mà vui cho âm nhạc truyền thống châu Á đồng thời lo cho truyền thống của nước nhà.

Đến mùa hè, vào tháng 7 tôi lại có một chuyến viễn du rất thú vị đến châu Mỹ La tin dự hội nghị về âm nhạc truyền thống tổ chức tại hai nơi, thành phố Rio de Janeiro xinh đẹp ở cạnh bờ biển cát trắng, và thành phố Sau Paulo trù phú, dân cư đông đúc, ở phía trong lục địa của nước Brésil. Đây là lần đầu tôi đến một quốc gia nằm tại bán cầu phương Nam, được viếng hai thành phố đẹp nhứt của Brésil.

Đêm nhạc châu Á và châu Phi do tôi và bạn tôi, giáo sư nhạc sĩ Salah el Mahdi người Tunisie, giới thiệu. Hai chúng tôi rất vui mừng vì quen nhau đã lâu mà chưa bao giờ cùng đờn chung trong một chương trình nhạc hội quốc tế. Nhạc sư Salah el Mahdi chuyên đờn Ud, một nhạc khí giống như đờn tì bà. Ông cũng là tác giả bài quốc ca của nước Tunisie.

Dịp này đúng vào ngày sinh nhật thứ 53 của tôi. Trải qua quá nửa đời người, tôi xúc động được có một vài bạn tri âm tri kỷ từ các nơi xa xôi cùng dự hội nghị, thể theo lời mời của ông tổng thơ ký ban chấp hành Hội đồng Quốc tế am nhạc, đã đến uống với tôi một ly rượu chúc mừng. Tại đây tôi được tiếp đón một cách trang trọng để nói chuyện về âm nhạc Việt Nam, được viếng thăm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước xinh đẹp này.

Năm đó tôi có duyên với bán cầu phương Nam, mới đi Brésil về lại chuẩn bị đi Úc. Chỉ trong vòng mấy tháng, tôi từ châu Âu qua châu Mỹ La tin rồi đi tới châu Úc, tiếp xúc với nhiều dân tộc mà mỗi nơi có một phong cách hoàn toàn khác nhau.

Hội Quốc tế về giáo dục âm nhạc tổ chức tại thành phố Perth, thủ phủ của miền tây Úc châu, một hội nghị rất lớn về đề tài “Giáo dục âm nhạc tại châu Á”. Giáo sư người Úc tên Frank Calaway làm trưởng ban tổ chức rất muốn tôi có mặt trong hội nghị này. Nhưng vé máy bay từ Paris qua Úc rất mắc, đó là chưa kể chi phí ăn ở mười mấy bữa tại đây. Ông phải gởi thơ tới nhiều nơi, kể cả UNESCO vận động xin tài trợ, nhưng cuối cùng ngân quỹ không đủ để đài thọ chi phí cho tôi. Ông rất tiếc và viết thơ đề nghị tôi gởi bài tham luận để ban tổ chức đọc trong hội nghị. Tôi nhận lời và không nghĩ tới chuyến đi Úc châu nữa mặc dầu đó là điều tôi vẫn ao ước.

Không ngờ sau đó tôi lại được thơ ông Callaway đề nghị một phương án khác. Ông sẽ tổ chức cho tôi hòa nhạc vào buổi trưa (lunch concert), nghĩa là sau khi ăn trưa tất cả đại biểu đều ở lại để nghe tôi biểu diễn đờn tranh. Ông hỏi tôi có bằng lòng đờn vào giờ đó hay không, có lẽ ông sợ tôi mệt vì buổi sáng phải đọc tham luận, trưa lại đờn. Tôi gởi điện tín trả lời rất thú vị được dịp đờn để giới thiệu nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Ông Callaway vui mừng gởi ngay điện tín báo cho biết Đài phát thanh tại Perth sẽ ghi âm buổi hòa nhạc của tôi. Đổi lại họ đài thọ cho tôi một vé máy bay hạng nhứt của Hãng hàng không Qantas, không chỉ đi từ Paris qua Úc mà có giá trị đi tới bất cứ nước nào ở châu Á trong vòng hai tháng. Điều này nằm ngoài sự tưởng tượng của ban tổ chức, riêng tôi thì ngoài niềm vui được đi Úc còn tính xa hơn, bởi nước châu Á mà tôi ước ao đi tới nhứt chính là Việt Nam.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 7: Quy cố hương
Trần Văn Khê

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150627/hoi-ky-tran-van-khe-ky-6-bon-ba-bon-bien-nam-chau/766791.html

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 2 – Lập gia đình 4
Vĩnh biệt thầy GS.TS Trần Văn Khê – người truyền lửa 4
Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1
Hồi ký Trần Văn Khê 1: kỳ 1 Thơ ấu vào đời 3

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 7 – Quy cố hương

28/06/2015 11:03 GMT+7

TTO – Năm 1976 đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng trong đời tôi: lần đầu tiên sau hơn một phần tư thế kỷ lìa xa đất nước tôi được “về” quê hương chớ không phải “ghé” như hồi năm 1974.

Jpeg
Jpeg

GS Trần Văn Khê thăm trường Vĩnh Kim vào năm 1976 – Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu>> Kỳ 2: Lập gia đình>> Kỳ 3: Đất khách quê người>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống>> Kỳ 5: Chuyện gia đình>> Kỳ 6 – Bôn ba bốn biển năm châu

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Năm 1974 tôi về nước bằng giấy thông hành của Chánh phủ miền Nam nhưng chỉ được phép “quá cảnh”. Sau ngày 30/4/1975 giấy này không còn giá trị. Cơ quan thẩm quyền ở Pháp kêu tôi lên hỏi có muốn xin gia nhập quốc tịch Pháp hay không, nhưng tôi xin đổi qua hộ chiếu của nước Việt Nam.

Biết rằng chuyến về nước lần này phải làm nhiều việc nên trước khi đi tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Việc đầu tiên là lãnh nhiệm vụ mà UNESCO giao phó, trước đó rất lâu một viên chức cao cấp mời tôi lên nói rằng:

– Gần 25 năm nay trong chương trình của UNESCO chưa hề có ghi âm được một bản nhạc truyền thống miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi không rõ ở miền Bắc có những loại nhạc truyền thống nào và hiện nay có thể còn ghi lại được không?

Tôi trả lời trong dân gian có quan họ, trên sân khấu có hát chèo còn nhạc thính phòng có ca trù. UNESCO đề nghị nếu tôi ghi âm được thì họ sẽ xuất bản vài dĩa hát đặc biệt về âm nhạc Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh.

Tiếp đó ông Alain Daniélou cũng bàn với tôi:

– Nếu anh có thể ghi âm được những loại nhạc truyền thống chánh cống của miền Bắc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng đài thọ tiền chuyến đi và cho anh mượn băng từ, kể cả máy thu âm, nhưng anh phải mang về cho chúng tôi hai bản gốc để làm dĩa hát.

Số tiền tài trợ chẳng phải là nhiều, chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi và tiền ăn ở tối thiểu, nhưng được vậy đã là may. Tôi nhận lời và hứa sẽ cố gắng thực hiện.

Cùng lúc đó Trung tâm CNRS nơi tôi đang làm việc cũng cho biết:

– Đất nước anh mới thống nhứt, tuy chúng tôi chưa liên hệ được để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nhưng trong tương lai sẽ có một chương trình lớn gọi là “Trao đổi của hai nước Pháp và Việt Nam giữa những nhà nghiên cứu và những giáo sư nhạc học”. Nay anh về nước, coi như người đi tiên phong để tìm hiểu xem một cuộc trao đổi như vậy có thể thực hiện được hay không? Sau đó chúng tôi sẽ gởi văn bản chính thức. Trong thời gian này, Trung tâm cho phép anh vắng mặt hai tháng được hưởng lương.

Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi, vì thông thường trước mỗi chuyến đi tôi phải làm đơn xin phép, nói rõ mình đi đâu, làm gì, việc làm đó mang lại lợi ích nào cho chương trình nghiên cứu âm nhạc của tôi, rồi phải chờ có khi mấy tuần sau mới được trả lời.

Nay bỗng nhiên tôi được một lúc ba điều kiện thuận lợi: UNESCO bằng lòng làm dĩa hát, Viện nghiên cứu Tây Bá Linh đài thọ tiền, CNRS cho phép dễ dàng.

Nhưng đó chỉ mới là phần bên Pháp, còn xin về nước được hay không lại là chuyện khác. Tôi gởi thơ về Hà Nội cho anh Đỗ Nhuận, Tổng thơ ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhờ anh thăm dò thử trong nước có bằng lòng cho tôi về hay không? Sau đó tôi nhận được thơ của anh trả lời: “Rất may là tôi nói ra thì ai cũng đồng ý, nhưng bên này nghèo, anh muốn về phải tự lo chớ chánh phủ không đài thọ tiền máy bay được.”

Điều đó tôi đã dự trù rồi. Anh Đỗ Nhuận hỏi tôi có những yêu cầu gì, tôi cho biết muốn được gặp các nhạc sĩ trong nước, tìm hiểu sanh hoạt âm nhạc từ trước tới nay và xin được ghi âm quan họ, hát chèo, ca trù để làm một loạt dĩa cho UNESCO giới thiệu với các nước trên thế giới.

Phía Hội nhạc sĩ đề nghị tôi nói chuyện về việc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam bên phương Tây, đồng thời nhắc nhở tôi phải mang theo thuốc men, phim ảnh màu và máy móc cần dùng chớ trong nước lúc đó còn thiếu thốn nhiều phương tiện.

Vậy là tháng 3 năm 1976, tôi chánh thức trở về nước với tư cách là khách mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Lúc bấy giờ từ Paris muốn về Việt Nam phải đi máy bay của Ba Lan qua Đông Bá Linh, đợi vài ngày có chuyến bay từ Đông Đức qua Moscow, ở lại đây một đêm rồi mới đáp máy bay của Hãng hàng không Liên Xô về Việt Nam.

Ngồi trên máy bay lòng tôi bồi hồi không thể tả. Thắm thoát mà đã hơn 30 năm tôi mới trở về Hà Nội, kể từ ngày tôi nghỉ học trường Thuốc để trở về miền Nam năm 1944.

Máy bay vừa đáp xuống, cô tiếp viên hàng không người Nga thông báo:

– Yêu cầu hành khách ngồi yên cho tới khi nào công an cho phép mới được xuống máy bay.

Nghe vậy tôi hơi hồi hộp vì từ nhiều năm nay vẫn thường xuyên đi máy bay mà không hề gặp cảnh này. Mấy người công an bước lên nhìn khắp lượt hành khách với vẻ mặt vừa quan sát vừa soi mói chớ không phải là cái nhìn chào hỏi thân thiện. Sau đó họ đem một giỏ mây lớn để giữa khoang hành khách và nói dõng dạc:

– Thu hồi hộ chiếu!

Tôi lo lắng thật sự, nghĩ rằng nếu hộ chiếu bị thu hồi thì mình không còn giấy tờ gì hết, rồi phải xoay xở ra sao? Lần lượt mỗi hành khách tự cầm hộ chiếu của mình bỏ vô giỏ, tôi cũng làm như mọi người, liệng tấm hộ chiếu mà có cảm giác lý lịch của mình bây giờ tiêu hết rồi, lỡ có bị bắt cũng chẳng ai biết tôi là ai!

Bước xuống máy bay tôi báo “hung tin” với anh Đỗ Nhuận và anh Hoán:

– Hộ chiếu của tôi bị thu hồi rồi!

Anh Đỗ Nhuận trấn an:

– Công an chỉ thu hồi hộ chiếu của người Việt Nam đi ra nước ngoài trở về, còn anh ở nước ngoài tới đây thì sẽ được trả lại.

May thời họ trả lại hộ chiếu cho tôi ngay. Tới hải quan lại thêm một chuyện bất ngờ: tôi phải khai rõ đem về bao nhiêu tiền và lấy tiền ra trình cho họ kiểm từng tờ. Tôi được cho biết trong thời gian lưu lại Việt Nam bất cứ chi tiêu gì cũng phải có hóa đơn và phải giữ đầy đủ để khai báo khi rời khỏi đây, sao cho khớp với số tiền khi đem vô mới được. Việc này tôi cũng mới gặp lần đầu nên cảm thấy hơi hoang mang!

Máy bay đáp xuống phi trường quân sự Vĩnh Phú (Đa Phúc) cách Hà Nội hơn 40 cây số, vì phi trường Gia Lâm đang được trùng tu. Nhờ vậy mà trên đường từ Vĩnh Phú về Hà Nội tôi được dịp đi ngang qua vùng nông thôn, nhìn thấy tận mắt những hố bom to tướng, những chiến hào dọc theo đường lộ. Qua cầu sông Đuống thấy một bên cầu nổi, một bên cầu treo, dọc hai bên đường là những bức tường nhà bị đổ nát. Tôi vô cùng xúc động khi nhìn thấy những căn nhà nhỏ, quán cóc cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của đồng bào sơ tán trong thời kỳ chiến tranh trước đây.

Tôi giống như đứa con đi xa, nghe tin mẹ ốm đau, nhà bị cướp bóc, lòng buồn nhưng không hình dung được cái đau đớn của mẹ, cái tang thương trong gia đình. Đến khi trở về tận mắt nhìn thấy những vết thẹo trên mình mẹ, chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát thì không sao dằn được nỗi đau trong lòng.

Trong suốt một tiếng đồng hồ, tôi giương mắt ra để “chụp” lại những lũy tre xanh vẫn còn đó như ngày xưa, vài con trâu nhơi cỏ bên bờ ruộng, những nông dân đang cấy lúa trên đồng. Tôi nhận thấy máy bơm nước thay cho chiếc gàu sòng, tà áo tơi của chị nông dân nay là tấm ni lông màu xanh da trời chớ không phải bằng lá màu nâu như ngày trước: vài nét hiện đại trên cảnh cũ muôn đời. Vẫn còn cảnh chợ chiều chen chúc kẻ bán người mua, cảnh bà lão quạt lửa đun trà trong quán cóc vách tre nóc lá, anh thợ sửa xe đạp lom khom vá ruột bánh xe (miền Bắc gọi là “săm”). Cảnh thanh bình ấy không xóa được dấu vết chiến tranh như nhiều nhịp cầu bắc ngang sông Hồng đã bị mất cả nóc.

Tiếp tôi tại Hội Nhạc sĩ, anh Đỗ Nhuận đưa ra tờ lịch làm việc với thời gian đã được sắp xếp tỉ mỉ từng ngày, chẳng hạn như:

– 2/3: đón tại sân bay; 3/3: nghỉ ngơi; 4/3: gặp Ban thường vụ Hội nhạc sĩ; …; 14/3: đi chùa Hương; 15/3: đi Hạ Long; 16/3: đi Hải Phòng; …; 18-26/3: đi Sài Gòn; …; 1/4: nghỉ ngơi; 2/4: tiễn về nước.

Tôi coi kỹ chương trình thấy chỉ được nghe quan họ, hát chèo và ca trù mỗi bộ môn 1 ngày, trong khi đó lại đi rừng Cúc Phương 2 ngày, vịnh Hạ Long 3 ngày. Tôi ngần ngại xin anh Đỗ Nhuận thay đổi chương trình, vì Hạ Long tôi đã đi nhiều lần, còn rừng Cúc Phương tuy biết là đẹp lắm nhưng vì thời gian về đây quá ngắn ngủi nên tôi thích làm việc hơn đi chơi.

Tôi đề nghị được gặp quan họ 3 ngày, đoàn chèo ít nhứt 2 ngày, riêng ca trù tôi mong muốn gặp nhiều lần vì còn biết rất ít về bộ môn này nên cần tìm hiểu kỹ trước khi ghi âm. Điều làm tôi rất mừng là anh Đỗ Nhuận chấp nhận sửa chương trình theo ý tôi.

Về nước mới được 3 ngày tôi lại bị công an mời về đồn! Hôm đó tôi cầm máy ảnh đi một vòng thăm phố phường Hà Nội. Anh Đỗ Nhuận đã dặn dò kỹ lưỡng không được chụp hình phi trường, cơ quan nhà nước, trại lính.

Tôi cũng ghi nhớ lời anh dặn, nhưng trên đường đi tình cờ nhìn thấy căn nhà có gắn bảng tên Đông Viên, tôi mừng quá liền chụp hình vì đây là nhà ông cụ thân sinh của anh Phạm Gia Huỳnh bạn tôi. Trước khi tôi về nước cụ đã ân cần dặn dò nếu gặp được căn nhà xưa thì nhớ chụp hình đem về để ông được nhìn lại ngôi nhà cũ của mình. Tôi vừa chụp xong thì một người công an tới đòi tịch thâu máy ảnh. Anh nghiêm giọng hỏi tôi:

– Anh có giấy phép chụp ảnh không?

– Tôi là khách mời của Hội nhạc sĩ. Tôi chỉ chụp hình một căn nhà thường sao lại phải cần giấy phép?

– Đây là nhà tập thể, anh chụp để làm gì? Mời anh về cơ quan làm việc.

Thế là tôi phải ngoan ngoãn theo anh công an về đồn. Tại đây họ lại đòi tịch thâu cuộn phim, tôi không đồng ý và yêu cầu được gọi điện thoại liên lạc với Hội nhạc sĩ. Anh Đỗ Nhuận vội vã chạy tới, đứng ra bảo đảm mọi hành vi của tôi. Nhờ vậy mà tôi được tha, lại một phen hết hồn!

Tại Hà Nội lần này tôi được gặp nhiều văn nghệ sĩ như anh Nguyễn Văn Thương, anh Văn Chung, anh Tô Vũ, anh Chế Lan Viên, anh Cù Huy Cận, anh Nguyễn Đình Thi.

Anh Tố Hữu, trong một buổi gặp gỡ có cả các anh Cù Huy Cận, Đỗ Nhuận, Bảo Định Giang, sau khi hỏi han về công việc đã phong cho tôi chức… “đại sứ lưu động” về văn hóa. Anh cười nói:

– Chúng ta phải cung cấp phương tiện cho “đại sứ lưu động” giới thiệu âm nhạc của Việt Nam với người nước ngoài, đồng thời được dịp về nước để nói lại cho chúng ta biết những tiến bộ của nước ngoài về mặt nghiên cứu và sáng tác âm nhạc.

Anh Đỗ Nhuận tổ chức buổi biểu diễn ca trù đặc biệt dành cho tôi. Hôm đó, những nghệ nhân hàng đầu của ca trù lúc bấy giờ như bà Quách Thị Hồ và bà Phúc lúc đầu không thích hát, vì nghĩ rằng tôi bên Pháp về có biết gì về ca trù đâu.

Sau khi gặp mặt, biết tôi đã từng nghe ca trù qua dĩa hát và muốn tìm hiểu thêm để có thể ghi âm làm dĩa hát, hai bà bèn hát rất nhiều bài xưa và nay, đồng thời xúc động nói rằng ít khi được dịp hát những bài như thế này, kể cả bài rất xưa như Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Nhưng khi bàn tới chuyện ghi âm, anh Đỗ Nhuận khuyên tôi nên ghi thêm một bài mới của anh Chu Hà là Xuân Rồng có lời ca nói về chủ nghĩa xã hội.

Thật ra tôi chỉ muốn ghi âm toàn bài ca cổ, nhưng tôi ý thức rõ rằng nếu cứ làm việc theo nguyên tắc cứng nhắc sẽ không thành công, vì vậy tôi đồng ý ghi âm bài hát mới cùng với những bài xưa. Vả lại bài hát của anh Chu Hà viết đủ khổ, lời hay, ý đẹp, được bà Quách Thị Hồ trình bày tuyệt vời, nhả chữ đổ hột rất nhuyễn, tiếng phách giòn tan.

Về việc ghi âm hát chèo lại có một số ý kiến muốn đưa ra những nghệ sĩ trẻ để lên ảnh bìa dĩa cho đẹp. Tôi trình bày:

– Các cô này trẻ tuổi nên còn có dịp ghi âm được. Những người như bác Năm Ngũ, bác Phẩm, bác Minh Lý đều là các cụ cao niên. Tôi ghi âm lần này cũng như chụp một tấm ảnh bằng âm thanh để kỷ niệm, giữ được tiếng hát vừa chân phương vừa đúng theo lề lối, có thể làm khuôn mẫu để lại cho sau này, do đó tôi xin phép chỉ ghi âm giọng hát của các cụ.

Quan điểm của tôi cũng lọt vào tai nhiều người có thẩm quyền nên cuối cùng tôi được làm theo ý mình.

Nhưng anh Đỗ Nhuận cho biết tôi chỉ được phép ghi âm để làm dĩa hát sau khi có sự đồng ý của anh Tố Hữu là người trong Ban Tuyên huấn chịu trách nhiệm về văn hóa. Sở dĩ có khó khăn như vậy vì lúc đó Việt Nam chưa gia nhập UNESCO nên trong nước có thành kiến là UNESCO chỉ quan hệ với các nước tư bản chớ chưa tin tưởng đó là cơ quan có thể liên hệ mật thiết hay ủng hộ cho các nước không phải tư bản. Anh Đỗ Nhuận nói với tôi:

– Chừng nào anh Lành (anh Tố Hữu) bạt đèn xanh mình mới làm được.

Tuy nhiên, tôi hỏi mấy lần về việc này mà anh Tố Hữu vẫn không trả lời, mỗi khi tôi hỏi anh lại tìm cách nói lãng qua chuyện khác. Tôi thắc mắc về thuật lại với anh Đỗ Nhuận:

– Tôi đã hỏi anh Tố Hữu ba lần rồi nhưng lần nào anh cũng nói qua chuyện khác chớ không trả lời. Tôi không hiểu như vậy là cho hay không cho phép?

Anh Đỗ Nhuận trả lời:

– Như thế là “treo” đấy, nhưng vẫn còn hy vọng.

Trong thời gian chờ đợi vào Nam, anh Đỗ Nhuận sắp đặt cho tôi gặp Đoàn Ca múa dân tộc, Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Nhà hát Giao hưởng.

Ngày 18/3 anh Hồ Bông ra tận Hà Nội đón tôi vào Sài Gòn, chương trình trong Nam do anh Lưu Hữu Phước lo liệu và cũng đã được định sẵn từ trước.

Tại Sài Gòn, tôi ở nhà anh bạn thân Huỳnh Văn Tiểng, lúc đó là Giám đốc Đài truyền hình. Anh Hồ Bông có chiếc xe hơi riêng, sau ngày giải phóng anh đem tặng cho Bộ Văn hóa trong miền Nam. Hàng ngày anh đưa tôi đi khắp nơi bằng xe này. Ngồi trên xe tôi thấy có cây súng bèn hỏi: “Có chuyện gì mà phải đem theo súng vậy?”. Anh nói: “Không có chuyện gì cả. Nhưng anh là khách quốc tế nên tôi phải bảo vệ anh”.

Dịp này anh Lưu Hữu Phước đưa tôi về Vĩnh Kim thăm gia đình, gặp lại họ hàng bà con. Tôi được ngủ một đêm tại Vĩnh Kim trong nhà anh Ba Thuận, con trai thứ ba của cậu Năm Khương. Hai anh em thức trắng đêm cùng nhau nhắc lại hết chuyện nọ đến chuyện kia. Trước khi rời Vĩnh Kim anh Ba Thuận đãi tôi món canh chua rất ngon mà anh đặt tên là “canh chua cầu Bà Lung”, tên chiếc cầu sắt gần nhà anh.

Trở về Sài Gòn, các bạn tổ chức cho tôi một buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc và ngâm thơ trên Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được yêu cầu phải đưa bài viết sẵn để duyệt trước khi đọc, nhưng tôi lại không bao giờ đọc trong những buổi nói chuyện như vậy. Tôi cho rằng dẫu đọc hết sức trôi chảy cũng chỉ là việc lặp lại những điều đã ghi nên không còn tự nhiên. Vì vậy tôi đề nghị ghi âm ghi hình buổi tôi ứng khẩu nói chuyện, sau đó Đài sẽ duyệt lại, chỗ nào không được cứ việc cắt bỏ.

Trong buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ, không thấy cô Bảy Phùng Há, tôi ngỏ ý muốn gặp mặt thì được biết cô đang bệnh nhưng Ban tổ chức cũng nhiệt tình đem xe đón cô tới. Khi gặp nhau cô Bảy Phùng Há ôm tôi mà rưng rưng nước mắt.

Dự định lưu lại Sài Gòn 8 ngày, nhưng đến ngày thứ năm tôi nhận được điện tín của anh Đỗ Nhuận:

– Anh trở ra Hà Nội gấp, “đèn xanh đã bạt rồi”.

Đọc câu đó tôi hiểu anh Tố Hữu đã cho phép ghi âm làm dĩa hát. Tôi nói với anh Lưu Hữu Phước chuyện này rất quan trọng nên phải trở ra Hà Nội ngay.

Cuối cùng tôi cũng được phép ghi âm nên vui mừng không thể tưởng tượng được. Không chỉ riêng tôi mà những nghệ nhân hát ca trù cũng vô cùng phấn khởi khi nghe báo tin vui.

Tới đây lại gặp một trở ngại lớn vì cả Hà Nội không có một phòng cách âm nào. Duy nhứt đài truyền hình và đài phát thanh có phòng ghi âm rất tốt, nhưng anh Đỗ Nhuận cho biết hai nơi này không cho thuê mà cũng không cho mượn. Tôi thử ghi âm ở Hội Nhạc sĩ nhưng không ổn vì bị quá nhiều tạp âm. Vậy là đành thúc thủ, tôi bối rối không biết giải quyết ra sao.

Thời may sau đó Đài Tiếng nói Việt Nam mời tôi nói chuyện hai buổi về âm nhạc truyền thống. Sau khi thâu xong các anh nói:

– Theo thông lệ, bất cứ ai thu thanh cho Đài cũng được thù lao, chúng tôi mời anh nói chuyện là có trả tiền. Nhưng vì khoản tiền này qui ra đồng franc không được bao nhiêu nên chúng tôi định dùng để mua một bức tranh sơn mài biếu anh.

Tôi từ chối:

– Tranh sơn mài nặng lắm tôi không mang về được.

– Vậy anh thích món gì?

– Nếu có thể được xin các anh cho tôi ghi âm ba buổi tại Đài, mỗi buổi bốn tiếng đồng hồ.

– Chuyện đó thì có thể được.

Nghe tôi báo tin, anh Đỗ Nhuận cho rằng đây là chuyện hi hữu! Nhưng rồi lại thêm một khó khăn khác, các đoàn hát chèo và quan họ đều ở xa, muốn mời về Hà Nội ghi âm phải đài thọ tiền xe, tiền ăn ở.

Chúng tôi còn đang tính toán bỗng nhiên anh Hà Huy Giáp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ, tới gặp cho biết anh Tố Hữu có yêu cầu Bộ Văn hóa giúp đỡ tôi trong việc ghi âm. Anh Hà Huy Giáp nhiệt tình nói:

– Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ anh, sẽ soạn thảo công văn, liên hệ với các nơi, có lẽ mất khoảng hai tháng.

Tôi thất vọng:

– Chỉ còn mười ngày nữa tôi trở về Pháp rồi!

Thế là anh Hà Huy Giáp cũng không thể giúp gì được. Tôi bèn nhờ anh Đỗ Nhuận tính toán giùm toàn bộ chi phí là bao nhiêu? Lúc bấy giờ một đồng franc chỉ đổi được năm hào tiền miền Bắc, tất cả phí tổn tính ra là khoảng 5.700 franc, một khoản tiền khá lớn. Tôi vét hết tiền của mình cộng với tiền của Viện nghiên cứu tại Tây Bá Linh thì vừa đủ, liền nói với anh Đỗ Nhuận:

– Thôi đừng chờ đợi nữa mà lỡ việc. Tôi bỏ tiền túi ra làm việc này, tôi có sẵn máy móc ghi âm, băng từ cũng của tôi, kể cả phòng cách âm của đài phát thanh vì người ta cho mượn để trả công tôi thâu thanh.

Anh Đỗ Nhuận lại còn lo không biết ngân hàng có giải quyết nhanh chóng cho việc đổi một số tiền lớn như vậy hay không? May mắn tuy ngân hàng không biết tôi là ai nhưng nghe việc tôi làm người ta thích nên sẵn sàng tiến hành thủ tục giấy tờ thiệt mau, ngay hôm sau tôi có đủ tiền trang trải mọi phí tổn.

Anh Đỗ Nhuận mừng lắm và sốt sắng cho xe đi đón các đoàn. Khi trả tiền thù lao cho mọi người anh nói:

– Thù lao này chưa xứng đáng đối với công sức và tài nghệ các cụ, nhưng công việc chúng ta làm đây không phải để kiếm tiền mà chủ yếu ta giới thiệu âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Quả thật việc chúng tôi làm không phải nhắm vào thương mãi và doanh thu mà cốt làm cho chương trình của UNESCO. Tổ chức này bỏ tiền ra mua 400 dĩa gởi đi khắp nơi trên thế giới, do đó hai dĩa hát này có mặt ở các trường đại học bên Mỹ và những nhà văn hóa lớn bên Pháp. Một dĩa gồm một mặt là quan họ, mặt kia là ca trù, dĩa thứ hai là hát chèo.

Đối với tôi đó là những tư liệu rất quý giá, nhứt là dĩa ca trù ghi âm những người như bà Quách Thị Hồ, anh Đinh Khắc Ban, cụ Trúc Hiền… Tất cả nay đã thành người thiên cổ, nhưng chúng ta vẫn còn giữ được một tấm ảnh kỷ niệm bằng âm thanh, ghi lại tiếng hát lề lối, chân phương, mẫu mực.

Thực hiện xong những dĩa ấy, tôi nghĩ lại mới thấy mình đã vô cùng may mắn vì việc làm này đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Thế mà bao nhiêu chuyện tình cờ đã hội đủ cho tôi mọi thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần, mà nhứt là có UNESCO đứng ra yểm trợ. Dĩa hát do UNESCO thực hiện và gởi tới các nơi tất nhiên sẽ được đón nhận trân trọng hơn là do cá nhân tôi đưa vào.

Do dĩa hát có giá trị, nên sau đó UNESCO đã in ra thành dĩa CD để phổ biến, quyền tác giả thuộc về UNESCO vì trước đây khi giao dĩa hát tôi đồng ý nhượng quyền cho UNESCO, chỉ nhận tiền tác quyền một lần là 1.500 đô la. Tôi tự coi là người trung gian giữa UNESCO với Hội nhạc sĩ ở miền Bắc và Viện nghiên cứu âm nhạc trong Nam, số tiền bản quyền tác giả ấy tôi chia đều cho hai hội này, bản thân tôi không nhận đồng nào.

Thế nhưng sau này thỉnh thoảng về nước tôi nghe có người nói:

– Anh Khê cho mình ít trăm đô la chớ ảnh nhận cả triệu đô la.

Tôi nghe vậy vừa buồn cười vừa cảm thấy chua chát nên có lần đã nói với vài người: “Tôi là nhạc sĩ nên rất quí bàn tay của mình. Tôi lấy bàn tay của tôi ra đánh cá: nếu ai ghi âm được những bản đờn, bài hát dân tộc có thể dùng làm một dĩa hát rồi đem ra nước ngoài, đề nghị cho bất cứ hãng dĩa nào thực hiện còn họ chỉ nhận tiền quyền tác giả, đừng ra giá đến 1 triệu mà chỉ đòi 3.000 đôla thôi, tức gấp đôi số tiền tôi đã nhận. Nếu bán được với giá đó thì tôi đồng ý cho chặt bàn tay mình, còn nếu không bán được tôi chỉ xin lại họ một ngón tay thôi. Liệu có ai dám cá với tôi không?”

Tất nhiên là không có ai cả. Anh Tô Vũ và anh Lưu Hữu Phước khuyên tôi đừng giận mấy người nói bậy. Tôi cười trả lời rằng tôi nói chơi vậy thôi chớ không giận, nếu giận tôi đã không trở về nước nữa.

Việc tôi làm không phải cho một cơ quan, một tổ chức, một chánh phủ nào và càng không phải vì bất cứ cá nhân nào, mà chủ yếu tôi làm cho dân tộc và nhạc truyền thống Việt Nam. Tất cả những chuyện không hay đó tôi nghe qua, tôi nói chơi, rồi để ngoài tai.

Chuyến về nước lần này tôi gặp nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn. Buồn là khi gặp lại một số bạn ốm đau yếu đuối, có người lại lâm vào cảnh khó khăn, còn vui nhứt là được gặp gỡ anh em bạn bè trong tất cả các giới.

Đặc biệt lần này tôi được gặp mặt người mà tôi từng nghe danh: anh Nguyễn Xuân Khoát, một nhạc sĩ lão thành đồng thời là nhà chuyên môn nghiên cứu ca trù từ mấy chục năm nay. Trước đây anh Nguyễn Hữu Ba có lần gởi thơ cho tôi viết rằng:

“Về việc nghiên cứu, binh vực và bảo vệ truyền thống âm nhạc Việt Nam thì ở miền Bắc có anh Nguyễn Xuân Khoát, miền Nam và hải ngoại có anh, còn miền Trung có tôi. Ước gì ba chúng ta được hội ngộ một lần để hàn huyên thì vui biết bao nhiêu”.

Nhưng tiếc thay điều đó không bao giờ thực hiện được. Riêng tôi lần này may mắn được gặp cả anh Khoát lẫn anh Nguyễn Hữu Ba. Tôi giống như chiếc cầu kết nối sự cảm thông giữa anh Nguyễn Hữu Ba và anh Nguyễn Xuân Khoát.

Lúc bấy giờ anh Nguyễn Xuân Khoát đã nghiên cứu sâu về ca trù, học đánh phách, học hát với bà Quách Thị Hồ. Nhưng anh lại không được phép giới thiệu ca trù trên đài phát thanh. Tôi rất buồn khi biết được điều này và thường lên tiếng công khai binh vực ca trù trong những buổi nói chuyện của mình khiến vài anh em rất e ngại nói riêng với tôi:

– Trời đất ơi, hiện nay đang cấm hát ca trù mà anh cứ nhắc tới hoài vậy.

Tôi trả lời:

– Việc cấm hay không là tùy theo nhà nước, tôi không có ý phản đối gì hết. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những người hát ca trù bị coi như người bán phấn buôn hương, nhưng thật ra nghệ sĩ ca trù bị những người bán phấn buôn hương lợi dụng. Ít người phân biệt được sự khác nhau giữa “cô đầu rượu” và “cô đầu hát”. Nay tôi chỉ muốn đặt ca trù trở lại đúng vị trí của nó. Trước kia người đi thi hát ca trù mà tánh hạnh không tốt là không được thi chớ không phải chỉ ca hay hát đúng là được.

Tôi mong chúng ta nên thay đổi quan điểm, cũng như bên Nhựt Bổn hiện nay đã không còn xem các geisha là người bán phấn buôn hương mà ngược lại là người có văn hóa cao, từ cử chỉ đến thái độ đều hết sức lịch sự. Mấy hôm nay tôi được tiếp chuyện với các nghệ nhân ca trù, gặp được bà Quách Thị Hồ, bà Phúc, gặp anh Đinh Khắc Ban đờn đáy, cụ Trúc Hiền làm thơ, đánh trống chầu và nhà văn Chu Hà nói chuyện về ca trù. Tôi nhận thấy môn nghệ thuật này hết sức tinh vi, thơ hay, nhạc xuất sắc, tiết tấu tuyệt vời, đờn rất điêu luyện. Vậy mà tiếc thay lại bị cấm.

Sau này tôi được biết hai người ủng hộ quan điểm của tôi nhiều nhứt là Bộ trưởng Xuân Thủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế rồi vào ngày 19/4/1976, một tuần trước khi tôi trở về Pháp, anh Nguyễn Xuân Khoát được mời lên trình bày về ca trù trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều người ngạc nhiên hỏi tại sao bỗng nhiên giờ đây ca trù lại được giới thiệu công khai? Anh Khoát thú vị vô cùng và nói với tôi:

– Tớ vẫn kêu ầm lên chớ, nhưng mà cổ tớ bé lắm nói không ai nghe. Anh về anh kêu ầm lên một tiếng là có người nghe, thôi thế là tôi vui lắm rồi.

Anh cũng viết trong sổ lưu niệm của tôi một câu: “Sự kiện anh về nước động viên tôi rất nhiều”.

Từ đó ca trù được trả lại cuộc sống bình thường của nó và lần lần được đưa ra giới thiệu với khách quốc tế.

Lần về nước này tôi cũng giữ ấn tượng đẹp về chuyến thăm làng quan họ Bắc Ninh. Anh Lê Hồng Dương, Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc, tổ chức đón tôi như đón một “liền anh” quan họ đi xa về. Các “liền chị” Ba Mạnh, Năm Duyên, Sáu Hạ mặc áo tứ thân, yếm thắm hoa đào, chít khăn mỏ quạ, thắt lưng lụa màu, chân đi đôi dép cong, hát bài Con chim thước nội dung báo tin có người quan họ ở xa về. Rồi chị Hai Cải, chị Năm Đán hát bài Mời giầu và tôi phải “xơi giầu” thật sự rồi mới được nghe tiếp những bài khác. Sau bữa cơm quan họ lại được nghe các cụ ở Khả Lễ, Xuân Ổ, Khúc Toại hát.

Tôi được sắp xếp ở tại nhà khách của Tỉnh ủy, có cô gái quan họ mỗi sáng lấy nước giếng lên nấu nước pha trà cho tôi, được thưởng thức món gà chọi “cục tác lá chanh” rất ngon, uống rượu Làng Vân đặc sản của Bắc Ninh, được ăn cam Bố Hạ, sáng sáng được ăn xôi chấm muối vừng.

Đáp lại tôi nói chuyện cho người làng quan họ nghe về đối ca nam nữ trong miền Nam, hò cho họ nghe câu hò Bến Tre, Bạc Liêu, Cần Thơ.

Các cụ cao niên trong làng tổ chức một đêm hát quan họ đặc biệt mà theo lời các cụ từ mấy chục năm nay mới có lại. Đêm hát được tổ chức tại nhà cụ Tình, một liền anh có tên tuổi trước đây trong làng quan họ nay đã qua đời. Con trai của ông là một sĩ quan bộ đội và là đảng viên Đảng Cộng sản. Tôi xúc động khi nhìn thấy anh thành kính thắp ba cây nhang khấn với cha:

– Thưa thầy, đêm nay làng ta có tổ chức một canh hát quan họ mà từ lâu đã không có được. Xin thầy về chứng giám vui với canh hát này cùng chúng con.

Đêm hôm đó tôi ngồi trong nhà thưởng thức các cụ ở hai làng kết nghĩa là Thị Cầu và Đắc Xá hát nhiều bài quan họ, toàn những nghệ nhân cao niên như cụ Tuy 79 tuổi, cụ Nghiễm 67 tuổi, cụ Vuốt 63 tuổi, bà Sáu Tất 58 tuổi, bà Hai Soạn 52 tuổi, bà Tư Hiền 50 tuổi…

Các cụ cũng cho các cô trẻ tuổi như cô Ninh, cô Hoa, cô Bích, cô Nguyệt, cô Lan, cô Trinh, cô Hải, anh Thắng, anh Vượng hát cho vui. Dân làng tụ tập ngồi nghe rất đông ngoài sân. Thỉnh thoảng trong bóng tối loé lên đốm đỏ của điếu thuốc, một làn khói nhẹ bay lên. Tôi ngồi ghi âm mà vô cùng xúc động vì được đắm mình trong bầu không khí thanh bình của một đêm hát ngay giữa lòng quê hương quan họ.

Rồi tôi gặp đoàn hát chèo, ghi lại được những tiếng trống đánh nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, những điều rất mới mẻ đối với tôi. Tôi biết được tiếng đờn đáy ba dây, đờn nguyệt thì dây đài, dây tiếu, nhưng ca trù là dây hàn, dây trung, dây tiếu. Rồi đờn nhấn chùn là thế nào, vê thế nào, vẩy thế nào, đánh phách sòng đầu thế nào, phách khổ giữa thế nào.

Tất cả những điều tôi thu thập được vào năm 1976 làm cho sự hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam của tôi đầy đủ hơn, không chỉ tập trung vào nhạc tài tử trong miền Nam. Những chuyện tôi ước ao đều làm được mặc dầu trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Tôi đã thâu được tổng cộng 50 cuộn băng cassettes loại 90 phút mà tôi còn giữ cho đến nay.

Trong thời gian rất ngắn về nước lần này, tôi đã ghi âm được những điều tôi muốn ghi, chụp lại những hình ảnh tôi muốn chụp, gặp những người bạn mà tôi thèm gặp gỡ. Đối với tôi điều đó thật tuyệt vời.

Điểm lại quãng đời đã qua, hạnh phúc nhứt là tôi đã làm được những điều mình thiết tha mong muốn: có cơ hội sưu tầm vốn cổ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, chắt lọc những cái hay để lưu truyền lại cho thế hệ mai sau, cứu vãn những truyền thống sắp bị chôn vùi trong quên lảng. Rồi đem tiếng nhạc lời ca dân tộc đến mọi nơi để siết chặt tình thân hữu giữa dân tộc Việt Nam với bạn bè bốn biển năm châu, đem được vui tươi nhẹ nhàng cho người nghe, lại có dịp góp sức với đồng nghiệp các nước Á, Phi bảo vệ nền âm nhạc cổ truyền chống lại tệ nạn vọng ngoại, sùng bái nhạc phương Tây.

Đôi khi chợt nhận thấy rằng kết quả việc làm của mình tốt đẹp nhiều lần hơn cả sự mong đợi thì tôi thấy vui sướng và mãn nguyện rồi chắp tay lạy tạ ơn Trời Phật.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150630/hoi-ky-tran-van-khe-ky-7-quy-co-huong/766809.html

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 2 – Lập gia đình 4
Vĩnh biệt thầy GS.TS Trần Văn Khê – người truyền lửa 4
Hồi ký Trần Văn Khê 1: kỳ 1 Thơ ấu vào đời 3

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 8 – Những cuộc tao ngộ thú vị

 28/06/2015 19:05 GMT+7

TTO – Từ sau năm 1976, hàng năm tôi đều về nước ít nhứt một lần. Tháng 3 năm 1977 tôi trở về Việt Nam, vì chưa có đường bay thẳng từ Pháp về Sài Gòn nên tôi phải ghé Hà Nội mặc dầu lần này do trong Nam mời.

Jpeg
Jpeg

GS Trần Văn Khê (phải) với nhạc sĩ Văn Cao năm 1987

Tại Hà Nội tôi được gặp chủ tịch Tôn Đức Thắng, mà tôi vẫn kêu bằng anh Hai vì cụ là chồng của chị Hai Oanh, một người bà con sống cùng làng với gia đình tôi. Đêm biểu diễn giới thiệu ra mắt vở đại ca kịch A Sao tại Nhà hát lớn, bác Tôn có đi dự và tôi cũng được mời. Khi vãn hát, anh Đỗ Nhuận là tác giả vở kịch tới chào rồi nhân đó thưa với bác:

– Báo cáo Chủ tịch, hôm nay có anh Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu âm nhạc về nước.

Tôi giựt mình vì đó là lần đầu tiên nghe chữ “báo cáo”. Bác Tôn quay lại thấy tôi bèn hỏi:

– Ủa, em về hồi nào?

– Thưa được vài bữa rồi.

– Vậy tới chỗ anh Hai đi, gặp lại bà con, có chị Hai, cháu Hạnh (con gái bác Tôn), bây giờ nó có cháu ngoại rồi.

Tôi thưa:

– Dạ tùy theo giờ giấc thuận tiện của Chủ tịch em xin tới thăm.

Bác cười:

– Đừng có kêu vậy, anh Hai thì kêu anh Hai.

Ngay sáng hôm sau có xe đón tôi đến nhà bác. Gặp tôi bác nói:

– Đừng lên nhà trên, anh Hai thích ở nhà dưới hơn, mặc pyjama ăn sáng cho khỏe.

Hàn huyên xong hai anh em chụp một tấm ảnh kỷ niệm mà tôi vẫn còn giữ cho đến nay.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu

>> Kỳ 2: Lập gia đình

>> Kỳ 3: Đất khách quê người

>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống

>> Kỳ 5: Chuyện gia đình

>> Kỳ 6 – Bôn ba bốn biển năm châu

>> Kỳ 7: Quy cố hương

>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Rời Hà Nội vào Nam tôi lại gặp thêm những chuyện thú vị khác. Tại Sài Gòn có tổ chức liên hoan ca nhạc Cải lương tài tử qui tụ những nghệ sĩ kỳ cựu trong Nam. Ngoài ra còn có những diễn viên các đoàn cải lương miền Bắc tham dự và cả những nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc trở về.

Tôi đề nghị Ban tổ chức mời nhạc sư Vĩnh Bảo tham dự liên hoan nhưng anh còn ngần ngại vì cảm thấy chưa hoàn toàn hòa nhập với xã hội mới. Cuối cùng anh Vĩnh Bảo nhận lời với tất cả sự e dè và yêu cầu người giới thiệu anh trong liên hoan phải là tôi. Theo chương trình, khi nhạc hội bế mạc, Ban tổ chức trao tặng giấy chứng nhận ghi lời cám ơn cho những người tham dự để làm kỷ niệm, anh Vĩnh Bảo cũng đề nghị tôi trao cho anh. Anh Lưu Hữu Phước rất cảm thông và đồng ý làm theo những yêu cầu của anh Vĩnh Bảo.

Hôm đó anh Vĩnh Bảo đờn hết sức xuất sắc. Khi kết thúc chương trình, như đã giao ước tôi trao tờ giấy chứng nhận cho anh. Bất ngờ anh Vĩnh Bảo gục vào vai tôi bật khóc nức nở, tôi xúc động ôm anh, anh Lưu Hữu Phước chứng kiến cảnh này cũng thấy mủi lòng.

Một cuộc gặp gỡ thú vị khác là tôi tiếp xúc được với những nhân vật kỳ cựu của hát bội như bà Năm Đồ, cô Ba Út và anh Thành Tôn. Viện Nghiên cứu Âm nhạc mời ba nghệ sĩ này đến trụ sở để cho tôi chụp ảnh và ghi âm những điều cần biết trong nghệ thuật hát bội miền Nam. Anh Thành Tôn cắt nghĩa cho tôi hiểu rõ những nguyên tắc trong vũ điệu: thế nào là “tay trắng tay đen”, phong cách “trụ bộ trống chiến”, “gian quay xỏ néo” đặc trưng của bộ múa, có trên có dưới, có đông có tây, có đầu có đuôi, tay đâu mắt đó… cùng những danh từ chuyên môn trong hát bội.

Rồi anh em hát bội cũng như sân khấu cải lương mời tôi nói chuyện về hát bội và cải lương. Tôi từ chối:

– Làm sao tôi rành những bộ môn kịch nghệ truyền thống bằng các anh chị!

– Nhưng chúng tôi muốn nghe người không phải trong nghề mà hiểu và thưởng thức được rồi nói về nghề nghiệp của chúng tôi, như vậy mới thú vị hơn.

Tôi lâm vô cảnh phải múa rìu qua mắt thợ, cũng giống như việc tôi nói chuyện tụng kinh cho các nhà sư nghe trước đây. Nhưng rõ ràng không phải tự ý tôi muốn làm mà do sự yêu cầu thiết tha của các anh em trong nghề khiến tôi không thể từ chối.

Sau hai tháng lưu lại trong nước, tháng 5 tôi trở về Pháp và nhận được giấy mời dự đại hội của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Dân gian tổ chức tại Honolulu (Mỹ) vào tháng 8. Đồng thời trường Đại học Berkley gần thành phố San Francisco cũng mời tôi tham dự một hội thảo quốc tế về âm nhạc cùng tổ chức trong thời gian này.

Tại Honolulu, tôi nói chuyện về sinh hoạt âm nhạc Việt Nam ngày nay, minh họa bằng băng cassette ghi âm trích đoạn ca trù, chèo, quan họ, đồng thời chiếu hình dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc chèo. Những nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Mỹ rất thú vị nói với tôi:

– Cũng nhờ ông về nước thâu thập những hình ảnh đó mà chúng tôi mới có khái niệm về sinh hoạt âm nhạc của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Tôi cũng đưa ra tập kỷ yếu của những cuộc hội nghị về quan họ tổ chức ở Bắc Ninh trong đó có mấy chục bài tham luận về quan họ. Những nhà nghiên cứu trên thế giới đều tiếc không có những bản dịch bằng tiếng Anh để họ tham khảo.

Từ Honolulu tôi bay qua thành phố San Francisco để dự một hội nghị khác về âm nhạc tại Đại học Berkley. Khi tôi tới Berkley nhiều bạn bè ở khắp các bang tại Mỹ gọi điện thoại hỏi thăm, chẳng hạn như Phạm Duy lúc đó đang ở Florida, hay Nguyễn Thành Nguyên, một người bạn ở Hà Nội trước đây nay làm giáo sư ở San Francisco. Tôi cũng được mời đi dự một buổi hòa nhạc ở Los Angeles, không ngờ được gặp lại rất nhiều người quen tại đây như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Lữ Liên, nghệ sĩ cải lương Việt Hùng.

Đến tháng 10 tôi qua Tiệp Khắc dự hội nghị của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO nhân ngày Quốc tế Âm nhạc. Dịp này có cả anh Lưu Hữu Phước đại diện Việt Nam qua tham dự.

Tôi được mời trình bày âm nhạc Việt Nam, như thường lệ tôi mặc áo dài khăn đóng. Anh Lưu Hữu Phước nói nhỏ với tôi:

– Khê ơi, qua mấy nước tư bản muốn bận sao cũng được chớ ở đây là nước xã hội chủ nghĩa, Khê bận vậy người ta nói mình phong kiến.

Tôi không đồng ý:

– Phong kiến là tại cái đầu của mình chớ không phải tại bộ đồ. Khi ra giới thiệu âm nhạc mà mặc quốc phục thì chưa cần nói người ta đã thấy dân tộc Việt Nam rồi. Còn nếu mặc đồ Tây phải sau một hồi người ta mới nhận ra tôi nói về âm nhạc Việt Nam.

– Bộ mặc đồ Tây đờn không hay bằng áo dài khăn đóng sao?

– Dầu không hay hơn đi nữa thì cái vẻ bên ngoài cũng ủng hộ cho cái bên trong vì thông thường nghệ thuật phải toàn diện. Chẳng hạn như trong nghệ thuật uống trà, tại sao không uống bằng ly giấy, không dùng tô mà phải chọn chén thiệt nhỏ? Tại sao rượu champagne phải uống với đúng loại ly của nó mới thấy ngon? Tiếng đờn cũng vậy, khi nghệ sĩ biểu diễn mặc áo dài khăn đóng trang trọng tự nhiên người nghe cũng cảm nhận tiếng đờn hay hơn. Thành ra dầu ai nói gì thì nói tôi nhứt định bận quốc phục.

Anh Phước có cái lý của anh, xuất phát từ tình cảm của một người bạn nên muốn nhắc nhở tôi. Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm của mình, hễ nơi nào không cho tôi mặc áo dài khăn đóng là tôi không đờn. Rốt cuộc buổi hòa nhạc hôm đó thành công và không ai có ý kiến gì về quốc phục của tôi.

Năm 1978 tôi về nước theo lời mời của Viện Nghiên cứu Âm nhạc, do đó toàn bộ chương trình làm việc và các cuộc tiếp xúc của tôi tại đây đều do Viện Âm nhạc sắp xếp. Tôi có nhiều buổi nói chuyện ở Trường Âm nhạc, các trường trung học phổ thông và trường Đại học Tổng hợp.

Jpeg
Jpeg

GS Trần Văn Khê, GS – nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và GS – nhạc sĩ Tô Vũ (từ trái qua) tại Viện Nghiên cứu âm nhạc năm 1982 – Ảnh: tư liệu

Ngoài ra năm 1978 cũng là năm đầu tiên có cuộc liên hoan để chuẩn bị cho Đại hội âm nhạc của dân tộc ít người tại Buôn Ma Thuột. Anh Lưu Hữu Phước mời tôi tham dự, nhờ đó tôi mới biết Buôn Ma Thuột theo tiếng địa phương có nghĩa là “làng của cha mẹ người tên Thuột”, chớ trước kia tôi vẫn kêu theo cách gọi của người Pháp là Bam Mê Thuột.

Tôi gặp tất cả các đoàn ca múa của dân tộc MNông, Êđê, Gia Rai…, nói chuyện với các anh chị em, chụp hình những nhạc cụ và ghi âm nhiều bài hát trữ tình. Tôi thật ngạc nhiên khi nhận ra âm nhạc Tây Nguyên phong phú và lãng mạn vô cùng. Chẳng hạn anh Kpa Ylang dịch cho tôi nghe nội dung lời chàng trai nói với người yêu trong một bài hát đối ca nam nữ:

Chúng ta yêu thương nhau mà lại ở cách một con sông nhưng con sông này còn có thể qua được khó nhứt là cha mẹ không ưng thuận cho chúng ta cưới nhau Trước bao khó khăn trong cuộc đời này ước gì chúng mình được làm đôi chim bay bổng trên trời cao để không có con sông nào chia cách không có uy lực nào ngăn cản chúng ta đến với nhau

Bài tình ca đẹp làm sao, không phải chỉ vì các âm thanh hòa quyện vào nhau với giọng cao giọng thấp mà ý nhạc lời ca gây xúc động trong tâm hồn. Tôi bàn với Kpa Ylang tìm cách tập trung những bài ca này dịch ra tiếng Việt rồi in thành sách để phổ biến âm nhạc Tây Nguyên. Kpa Ylang gốc người dân tộc Banar có tên Việt Nam là La Mai Chững, một người nghiên cứu rất sâu sắc văn hóa Tây Nguyên.

Thời kỳ này ở Buôn Ma Thuột có phong trào khuyến khích người Thượng thay đổi tập quán ăn mặc giống như người ở đồng bằng, mặc quần áo thay vì quấn khố. Một buổi tối gặp tôi, vài người trong đoàn ca múa nói:

– Biểu bận quần thì tôi đờn không hay, chỉ khi bận khố tôi đờn mới hay.

Tôi đem chuyện này nói với anh Lưu Hữu Phước:

– Theo tôi, khuyến khích họ bận quần áo là một việc các bạn cho là tốt, nhưng riêng người nghệ sĩ nên để cho họ được thoải mái khi biểu diễn chớ không nên bó buộc họ.

Anh Phước thông cảm:

– Phải rồi, khi biểu diễn thì họ cứ ăn mặc tùy theo ý thích của mình.

Vì vậy lần đó các nhạc công đều bận khố trên sân khấu và quả nhiên họ biểu diễn rất hay.

Trong chuyến đi Tây Nguyên tôi được dịp thấy tận mắt, nghe tận tai, chụp rất nhiều ảnh màu các nhạc cụ, xiêm y và cảnh sinh hoạt của các đồng bào miền núi, làm phong phú thêm vốn hiểu biết của tôi về âm nhạc dân tộc.

Trở về Sài Gòn, có ba nơi hết sức đặc biệt, không liên quan gì đến chuyên môn của tôi nhưng lại gởi thơ tới Viện Nghiên cứu Âm nhạc đề nghị tôi đến nói chuyện. Đó là Trường Phục hồi nhân phẩm, nơi tập trung những người trước đây bán phấn buôn hương nay được đưa vào học nghề rồi sẽ được trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Nơi thứ hai là Trung tâm cai nghiện ma túy và cuối cùng là Trại thanh niên phạm pháp ở Xuyên Mộc. Tôi đồng ý nhận lời tới nói chuyện tại cả ba nơi này.

Tám giờ sáng ngày 5/4/1978, xe của Viện Nghiên cứu Âm nhạc đưa tôi lên Thủ Đức, dự kiến tới nhà trường khoảng tám giờ rưỡi để nói chuyện đến 11 giờ. Nhưng dọc đường xe bị hư phải chờ sửa chữa, đến mười giờ rưỡi mới lên tới nơi. Lúc đó đã gần tới giờ cơm trưa, Ban giám hiệu bèn hỏi ý kiến các học viên nên chờ sau giờ cơm hay là nghe tôi nói chuyện ngay, mọi người yêu cầu nghe trước rồi ăn cơm sau.

Tôi nói chuyện về đề tài âm nhạc trong môt tiếng đồng hồ, sau đó một cô tên là Nguyễn Thị Kim thay mặt toàn thể học viên lên nói đôi lời. Cô mở đầu bằng câu:

– Thưa chú, cho phép cháu gọi là “chú” chớ không gọi là “giáo sư”, bởi vì giáo sư thì phải nói chuyện trong trường đại học hay trường âm nhạc, chớ hiếm có giáo sư nào chấp nhận tới những nơi như thế này. Đã đồng ý tới nơi đây nói chuyện phải là người nhân ái, vì vậy xin cho phép cháu được xưng hô như trong chỗ tình thân.

– Khi biết Ban giám hiệu gởi thơ mời chú tới trường, chị em ở đây không tin rằng chú nhận lời, vì vậy nghe tin chú sẽ đến đây chị em rất bất ngờ. Đến sáng nay chờ hoài không thấy chú lên thì cũng không ai ngạc nhiên vì nghĩ rằng mặc dầu chú nhận lời nhưng sau đó có thể viện lý do bận bịu này kia để không tới.

Đó cũng là lẽ thường tình và chị em ở đây cũng không lấy thế mà phật lòng. Do đó khi chú tới thật chị em rất lấy làm lạ. Đến khi nói chuyện thì chú đưa mọi người từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chú không đề cập những chuyện xa xôi mà chỉ nói chuyện ngay trong đất nước Việt Nam, bằng lời lẽ mộc mạc quen thuộc của người dân Nam bộ.

Khi chú cất lên một câu hát ru, xin thưa thật với chú cháu đã nghẹn ngào chảy nước mắt, tưởng chừng như nghe lại tiếng mẹ mình ru con ngày xưa. Khi chú hò thật giống y như bà con anh em chúng cháu ở nhà quê cất giọng hò. Hơn 20 năm nay cháu chưa hề có dịp nghe lại lời ru giọng hò và câu chuyện chú nói nãy giờ đã đưa tụi cháu trở về quê hương nguồn cội.

– Hôm nay sau khi nghe chú nói chuyện, chị em nhờ cháu đại diện để nói lời cám ơn. Thưa chú, lời cám ơn suông không đủ mà phải cám ơn bằng hành động. Vì vậy cháu thay mặt chị em ở đây mà hứa rằng năm sau khi trở về nước chú sẽ không còn gặp chúng cháu tại nơi này nữa. Mỗi người trong chúng cháu sẽ cố gắng học cho được một nghề để rồi trở về sống cuộc đời bình thường trong xã hội: đó là cách mà chúng cháu cám ơn chú.

Tôi ngồi nghe mà chảy nước mắt, lòng xúc động không thể tả. Tôi không tưởng tượng được cô gái này có thể nói một cách suôn sẻ, mạch lạc, tự nhiên và chân tình đến như vậy. Tôi ra về lòng thấy ấm áp, hy vọng biết đâu trong số chị em nơi đây sẽ có nhiều người cùng một suy nghĩ như cô Kim, thực hiện lời đã hứa để khi trở về trong xã hội sẽ làm lại cuộc đời và quên đi một quá khứ không mấy tốt đẹp.

Sau khi ăn cơm tại nhà trường, một giờ trưa tôi đi tiếp đến Trung tâm cai nghiện ma túy. Các bác sĩ vui mừng đón tiếp, hướng dẫn tôi đi thăm bệnh nhân và giải thích cách điều trị đặc biệt theo phương pháp riêng khá hiệu nghiệm của Việt Nam.

Các anh nói vui rằng gọi là “phương pháp đặc biệt” không phải vì mình giỏi hơn người mà chỉ vì nghèo hơn người! Thông thường những nơi cai nghiện áp dụng phương pháp dùng thuốc đặc trị thay thế chất ma túy, giảm lần lần lượng thuốc sử dụng mỗi ngày để bệnh nhân khỏi bị “sốc”.

Nhưng lúc bấy giờ thuốc men rất thiếu thốn, Trung tâm buộc lòng phải cho bệnh nhân cai liền tức thì. Thật không có gì kinh khủng cho bằng khi lên cơn ghiền mà không có thuốc, người bệnh quằn quại, lâu lâu lại giựt bắn người, mồ hôi tuôn đầm đìa trông vô cùng thiểu não. Các bác sĩ nói:

– Chúng tôi chỉ có cách điều trị duy nhứt là châm cứu vào các huyệt để hạn chế bớt cơn ghiền đang hành hạ bệnh nhân. Ngoài ra chúng tôi áp dụng một phương cách mà có lẽ ít nơi nào làm, đó là dùng tình thương để xoa dịu. Chúng tôi ôm người bệnh vô lòng, lấy khăn lau mặt, nói những câu vỗ về: “Cố gắng đi em, rồi nó sẽ qua”. Cách làm này rất hiệu nghiệm, khi nghe những lời nói trìu mến, được sự vỗ về của bác sĩ, người bệnh đang vật vã mau chóng qua cơn.

Tại đây tôi cũng nói chuyện về âm nhạc, sau khi nghe xong các em đặt câu hỏi:

– Giáo sư ở bên Pháp chắc biết được cách người ta áp dụng để cai ma túy, nghe nói họ chỉ toàn sử dụng thuốc tây phải không?

Tôi thừa nhận đúng như vậy thì các em than phiền:

– Vậy mà ở đây trị toàn bằng cam thảo, rễ tranh, hà thủ ô, toàn các thứ lá với rễ cây không thôi, chẳng biết có hiệu nghiệm hay không!

Tôi trả lời:

– Nghe các em nói vậy tôi nhớ tới một chuyện khác. Khi ở bên Tây, có người bạn Pháp hỏi tôi: “Anh sống ở đây đã lâu, anh nhận xét thế nào về cách ăn uống của chúng tôi?”. Tôi trả lời rằng mỗi dân tộc có cách ăn khác nhau, tôi không dám phê bình cách ăn của người Pháp mà chỉ nói về cách ăn của người Việt Nam. Theo tôi người Việt Nam ăn một cách toàn diện, khoa học và dân chủ.

– Chúng tôi ăn trước hết bằng mắt, thức ăn phải bày biện cho đẹp. Thứ nhì là ăn bằng mũi, sử dụng những gia vị rất nồng như nước mắm, rau thơm, cà cuống, cho tỏa mùi thơm ngào ngạt. Thứ ba là chúng tôi ăn bằng xúc giác, thức ăn gắp bỏ vô miệng phải gồm nhiều dạng: dai dai của thịt, mềm mềm của bún, giòn rụm của bánh tráng, hoặc có thêm đậu phộng rang, hành ngò cho thơm. Cuối cùng thì tai phải nghe tiếng nhai giòn rụm, bẻ bánh tráng rốp rốp, húp sùm sụp, có vậy ăn mới thấy khoái. Đó chính là cách ăn toàn diện.

– Kế đến, tôi nói rằng người Việt Nam ăn một cách khoa học, bởi vì thông thường mặn là dương, chua và ngọt là âm, vì vậy nước mắm mặn nên phải pha thêm đường mà nấu chè thì phải dằn chút muối. Kho thịt, kho cá bao giờ cũng có bỏ đường, món nào chua thì chấm với muối.

Ngược lại, ở bên Pháp khi ăn bưởi chua các bạn lại cho thêm đường, tôi ăn không thấy ngon. Đường là âm mà bưởi chua cũng là âm thành ra “âm thịnh dương suy”, các bạn ăn như vậy có thể dễ bị bịnh hơn chúng tôi. (Thỉnh thoảng sau đó vài người bạn Pháp của tôi bắt chước cách ăn món chua bỏ vô chút muối và nói rằng cảm thấy ngon hơn).

Ngoài ra chúng tôi còn phân biệt nhiệt với hàn, cá trê, thịt vịt, cua đinh là món hàn phải ăn với nước mắm gừng là món nhiệt. Người Việt Nam không đưa ra nguyên tắc hay phương pháp nào trong ăn uống, nhưng nếu xem xét kỹ thì thấy rằng rất phù hợp với khoa học.

– Cuối cùng tôi cho là chúng tôi ăn dân chủ vì thức ăn dọn hết trên bàn, ai thích món gì ăn món nấy. Còn người Pháp thì, xin lỗi bạn, tôi không ưa món khoai tây tán mà nhiều khi đến nhà bạn bè dọn cho tôi một dĩa, nếu không ăn là bất lịch sự nên tôi bắt buộc phải ăn chớ không được quyền lựa. Trong khi đó nếu dọn ra hết trên bàn, món nào không ưa tôi không gắp, hạp khẩu vị thì gắp thêm.

Kể xong chuyện này tôi kết luận:

– Tôi nói như vậy để các em thấy rằng không phải cái gì phương Tây cũng hay hơn mình. Họ có cách điều trị của họ, còn mình trị theo điều kiện của mình. Vấn đề là xét xem những vị hà thủ ô, cam thảo mà chúng ta đang sử dụng ở đây có đem lại kết quả hay không? Các em nên so sánh tình trạng của mình lúc mới vào đây với hiện nay, sau một thời gian chữa trị, nếu thấy tiến bộ tức là thuốc có hiệu nghiệm. Không nhứt thiết phải có thuốc của phương Tây điều trị mới là tốt, chúng ta không nên vọng ngoại.

Mọi người cười vui, chấp nhận chữa trị bằng phương pháp dân tộc và nói rằng sẽ không mang nặng mặc cảm nữa. Trong buổi gặp gỡ này tôi chỉ thuật chuyện vui cho các em nghe chơi, kể chuyện ăn mà kỳ thật là nói về việc uống thuốc, đồng thời đề cập cả về con người và văn hóa Việt Nam, mong các em xóa bỏ được tự ti mặc cảm và tinh thần vọng ngoại.

Nơi cuối cùng tôi đến là Xuyên Mộc. Đường đi xa, vô sâu tận trong rừng. Tôi hình dung trại giam giữ thanh niên phạm pháp phải có lính gác phía trước, tường cao kiên cố, có rào kẽm gai, nên khi tới nơi tôi hơi ngỡ ngàng trước một không gian khác hẳn. Không có người gác ở cổng, vừa vô bên trong, thấy một thanh niên đang đi tới trên tay cầm dao mác tôi cũng hơi e ngại, nghĩ rằng hẳn người này đã từng giết người mặc dầu cậu vừa đi vừa hát nghêu ngao. Nhìn quanh tôi không thấy tường cao, hàng rào kẽm gai, chỉ có một sân khấu lộ thiên rất lớn ở chính giữa. Tôi hỏi sân khấu để làm gì thì được trả lời:

– Mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chức văn nghệ, diễn kịch và hát cho nhau nghe tại đây. Thỉnh thoảng cũng mời những đoàn ca nhạc ở thành phố lên diễn cho mọi người xem.

Tôi vừa bất ngờ vừa bồi hồi xúc động. Một hồi chuông reng lên, mọi người tụ họp lại đón chào khách mới đến. Trước tiên, tôi được đưa đi thăm trại ở gồm nhiều gian nhà, mỗi gian dành cho mười người với chỗ ngủ riêng biệt, từng phòng tự cử ra một người chỉ huy. Nam nữ ở hai dãy riêng, bên dãy nữ thấy một cô da đen nhánh, tôi hỏi thăm mới biết cô là người Ấn Độ lai, vì phạm tội giết người nên bị đưa về đây.

Thấy một nhóm các em cầm dao mác đi ngoài sân, tôi thắc mắc và được cho biết các em đi trồng trọt, tự chăm bón đủ các loại rau trái để cung cấp cho bữa ăn hàng ngày, rồi còn đi đốn cây chặt lá trên rừng. Các em nói rằng lúc đầu mới lên đây cũng được canh giữ rất nghiêm ngặt. Sau một thời gian khi Ban quản giáo đã giải thích để các em hiểu việc đưa các em lên đây không phải để trừng phạt mà là cải hóa, rèn luyện cho các em một nếp sống khác, từ đó các em có thay đổi trong suy nghĩ mà kỷ luật trong trại cũng lần lần được nới lỏng. Tôi rất ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa bao giờ thấy một trại giam như vậy. Các em nghe tôi nói chuyện âm nhạc mà vui cười rất thoải mái.

Được dịp tới nói chuyện ở những nơi đó tôi hết sức vui khi nghĩ rằng tiếng nói của mình không chỉ để dạy học trò hay đến với những ai tha thiết muốn học hỏi hoặc những người muốn tìm hiểu vì hiếu kỳ. Ngoài ra còn có những người tuy không quan tâm đến âm nhạc, nhưng khi được nghe lời ca tiếng nhạc cổ truyền êm ái và dịu dàng, tự nhiên tâm hồn họ trở về gắn bó với quê hương, với văn hóa của dân tộc.

Nghĩ lại tôi mới thấy lời nói chơi lâu nay của mình vậy mà thành thiệt. Tôi thường cho rằng mình không chỉ nói chuyện âm nhạc mà là “giảng đạo nhạc”, giúp người khác tìm ra một con đường đi: vì đạo chính là con đường chớ không phải chuyện gì cao xa. Tôi rất tự hào được làm một người giảng đạo nhạc. Nhờ những chuyến đi này mà tôi nghe được lời nói chân tình của cô Kim, giải tỏa được phần nào thắc mắc của các em đang cai nghiện ma túy về phương thuốc điều trị và nhận thức được nơi họ tới không phải là chốn rừng thiêng nước độc mà là nơi họ tìm thấy lẽ sống một cách xứng đáng trong cuộc đời.

Trở về Paris, đầu tháng 8 tôi lại tới thành phố Dresden (Đông Đức) dự cuộc gặp gỡ do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Dân gian tổ chức hội thảo về đề tài “Điệu thức trong âm nhạc”.

Sang tháng 9 tôi đại diện cho UNESCO qua Ấn Độ dự hội nghị tại tỉnh Hyderabad. Chuyến đi này tôi gặp rất nhiều rắc rối!

Trước đó bạn tôi là ông Menon đang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Ca vũ nhạc Ấn Độ tại Bombay, mời tôi sau khi đến Hyderabad sẽ lưu nói chuyện tại Trung tâm của ông, sau đó sẽ giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên Đài Truyền hình Bombay.

Máy bay của Hãng Hàng không Pháp (Air France) từ Paris đến Hyderabad phải ghé qua thủ đô Téhéran của Ba Tư để lấy nhiên liệu, sau đó quá cảnh tại New Delhi rồi tôi phải đổi đường bay, đi máy bay nội địa xuống tỉnh này. Nhưng khi máy bay vừa đáp xuống phi trường Téhéran thì bỗng nhiên phát cháy, tôi ngồi ngay cửa sổ nên nhìn thấy rõ ngọn lửa bùng lên ở chỗ bánh xe chạm đất. Cô tiếp viên hàng không trấn an mọi người:

– Xin quí vị đừng lo sợ, sẽ có xe chữa lửa tới ngay. Trong trường hợp nguy cấp hành khách sẽ được xuống bằng cửa thoát hiểm phía sau.

Tôi bình tĩnh lấy hành lý xách tay đầy đủ và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để rời khỏi máy bay. Xe chữa lửa hú còi inh ỏi ào ào chạy tới và cuối cùng dập tắt được ngọn lửa. Cô tiếp viên hướng dẫn hành khách theo cửa sau rời khỏi phi cơ và yêu cầu mọi người nhận lại hành lý vì máy bay phải nằm lại đây để sửa chữa.

Năm đó ở Ba Tư nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo, ông Khomeini vừa lên cầm quyền nên việc kiểm soát tại phi trường rất chặt chẽ. Vì vậy vừa xuống sân bay tất cả hành khách phải nộp hộ chiếu và mỗi người được phát một con số. Tôi cảm thấy e ngại, một lần nữa lại bị “thu hồi hộ chiếu”. Tôi nghĩ mình giờ đây chỉ còn là một con số, trong lòng hết sức băn khoăn không biết liệu họ có giữ hộ chiếu kỹ lưỡng hay không?

Tới khi lấy hành lý thì thêm chuyện rắc rối: hai va li của tôi bị thất lạc! Tôi báo cho nhân viên tại phi trường Téhéran và được trả lời:

– Theo Luật quốc tế nếu ông đi tới nơi đây là trạm cuối mà hành lý bị thất lạc thì mới khai báo với chúng tôi. Trường hợp của ông máy bay chỉ ghé ngang đây để lấy xăng nên chúng tôi không nhận lời khai này. Tới New Delhi ông sẽ khai báo với hãng Air France tại nơi đó.

Vậy là tôi chỉ còn cái túi xách tay với hai cây đờn cò và đờn tranh. May mắn tôi đã cẩn thận để trong túi xách tay một ít tài liệu, tạm thời có thể sử dụng tuy không đầy đủ gồm bài tham luận tại Hyderabad, vài chục tấm hình màu để minh họa khi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam tại Bombay cùng với một số dây đờn tranh dự phòng. Ngồi chờ hồi lâu thì được thông báo việc sửa chữa máy bay sẽ phải mất hai ba ngày. Ngay lúc đó không có sẵn máy bay khác để đi tiếp nên hành khách được đưa về ở khách sạn do hãng máy bay đài thọ, chỉ có điều không được phép ra ngoài vì tình hình ở Téhéran chưa được ổn định.

Tôi phải lưu lại đây 24 giờ đồng hồ, hết sức nóng ruột vì sợ trễ ngày khai mạc hội nghị. Hôm sau phi trường Téhéran chuyển hành khách sang chuyến bay khác, nhưng vì không đủ chỗ nên họ xét giải quyết ưu tiên cho những người có công chuyện hết sức quan trọng. Tôi báo với nhân viên phi trường tôi cần đi sớm để dự hội nghị của UNESCO nhưng người này trả lời:

– Ông để từ từ chúng tôi xem xét, ai tới đây cũng nói có việc gấp đòi được ưu tiên hết.

Phải đợi tới khi bạn tôi, ông Ghotbi, giám đốc Đài Truyền hình Téhéran, đến can thiệp thì họ mới giải quyết cho tôi đi vào ngày hôm sau. Tôi tới New Delhi trên chuyến bay của Hãng Pan American, sau đó sẽ phải đổi máy bay nội địa để tới Hyderabad. Tới Delhi đã 11 giờ rưỡi khuya, coi lại cũng không có hai va li của mình, tôi yêu cầu Hãng Pan American chứng nhận việc tôi mất hành lý, nhưng nhân viên hãng này không chịu:

– Ông đi vé của Air France nên họ chịu trách nhiệm chớ không phải chúng tôi.

Tôi hỏi:

– Vậy thì văn phòng của Air France ở đâu?

– Bữa nay nhằm ngày nghỉ không có ai làm việc hết.

– Tôi đi trên máy bay của các ông do đó ông phải có phận sự ghi nhận việc này.

– Chúng tôi không gánh trách nhiệm của Air France.

– Nhưng ít nhứt ông phải chứng nhận là tôi đã mất hành lý sau khi xuống chuyến bay này. Có đền bù hay không là chuyện của Air France, phần ông chỉ ghi nhận việc tôi bị mất hành lý.

Nghe vậy họ mới chịu làm giấy. Khi hỏi thăm tôi biết được tới chiều hôm sau mới có máy bay đi Hyderabad. Lúc đó đã gần 12 giờ khuya, tôi yêu cầu Hãng Pan American:

– Tôi không thể ngồi ở phi trường suốt đêm nay, các ông phải giải quyết cho tôi vô ở tại khách sạn trong New Delhi và đài thọ cả tiền taxi cho tôi, đó là Luật quốc tế.

Nhưng hãng này không đồng ý:

– Đó là trách nhiệm của Air France chớ không phải của chúng tôi.

Còn đang cãi lý qua lại, chợt nhìn thấy văn phòng của Air France bật đèn sáng, tôi bèn qua gõ cửa, nhưng ở đó chỉ có người trực văn phòng, nghe tôi thuật chuyện ông ta nói:

– Việc này không thuộc trách nhiệm của tôi.

Tôi bực mình hỏi lại:

– Vậy là không ai chịu trách nhiệm hết phải không? Tôi sẽ viết một bức thơ về việc Hãng Hàng không Pháp không lo chu đáo cho hành khách khi chuyến bay bị trục trặc kỹ thuật.

Thấy tôi phản ứng mạnh người này bèn đồng ý giải quyết cho tôi về ở khách sạn Ashoka tại Delhi đồng thời cho vé đi taxi không tốn tiền. Qua việc này mới thấy may là tôi biết luật lệ quốc tế lại chịu khó đi tới đi lui, cãi qua cãi lại mới được giải quyết, chớ nếu không chắc là phải ngồi tại phi trường cho tới bữa sau.

Nhưng chuyện rắc rối tới đó chưa chấm dứt! Trong phòng ngủ của khách sạn quốc tế Ashoka không có bàn chải đánh răng cũng không có đồ cạo râu. Thường thì các khách sạn quốc tế đều có bán những thứ này nên tôi hỏi thăm để mua thì được trả lời:

– Tại đây sắp có nạn lụt nên toàn bộ đồ đạc của khách sạn được dời đi nơi khác. Khách chỉ ở tạm tại đây, ông phải lưu ý khi nào chúng tôi gọi điện thoại báo động là phải xuống ngay để được đưa đến vùng cao hơn, chỗ này thấp nước lụt tràn vô là chết.

Quả nhiên khi mở cửa sổ nhìn xuống đường tôi thấy mọi người gồng gánh khuân vác đồ đạc dời đi nơi khác. Tôi đành nằm đó chịu trận, ngủ chập chờn suốt đêm, sáng dậy không có bàn chải đánh răng cũng không cạo râu được. Ngoài đường mọi người vẫn ùn ùn kéo nhau chạy lụt, tình cảnh có vẻ nguy hiểm nhưng tôi không lo sợ bởi vì khách sạn đang có một số người lưu lại đây, lúc nguy cấp thế nào cũng có xe đưa mọi người di tản. May mắn không có chuyện gì xảy ra, sau khi ăn trưa, lúc 12 giờ xe đưa tôi trở lại phi trường. Tôi vẫn mặc bộ quần áo đi đường, tay xách hai cây đờn, xuống tới phi trường Hyderabad là gần 4 giờ chiều. Mấy người ra đón tôi rất vui mừng:

– Từ hôm qua tới nay chúng tôi lo quá, chỉ sợ ông không tới kịp thì không có ai đại diện cho UNESCO trong ngày bế mạc. Hiện hội nghị đang tới chương trình thảo luận, bây giờ đã là 4 giờ mà 5 giờ ông phải đọc tham luận nên chúng ta phải đi thẳng tới hội nghị.

– Nhưng hai ngày nay tôi chưa cạo râu cũng không đánh răng, tôi lại đang mặc bộ đồ đi đường chớ không phải quần áo dự hội nghị.

– Không sao, chuyện ông nói quan trọng hơn cách ông ăn mặc.

Không thể làm gì khác hơn, tôi đành đi ngay cho kịp giờ. Sau khi tôi đọc tham luận với đề tài “Ảnh hưởng tốt hay xấu của khoa học trong việc phát triển âm nhạc truyền thống”, nhiều đại biểu đặt câu hỏi và muốn gặp tôi khi hết giờ. Tan hội nghị tôi rất mừng, vội vã xin được trở về khách sạn ăn uống và quan trọng nhứt là đi mua ít đồ dùng cần thiết. Tới khách sạn lúc 7 giờ rưỡi tối, tôi hỏi nhân viên tiếp tân:

– Xin chỉ cho tôi chỗ mua bàn chải đánh răng, đồ cạo râu và áo quần.

– Rất tiếc hiện nay đang là tháng Ramadan, mùa chay của Hồi giáo, nên sau 7 giờ chiều mọi người chỉ đọc kinh thôi chớ không mua bán gì hết.

Vậy là tôi đành phải đi ngủ! Hôm sau dậy thật sớm, trước khi tới hội nghị tôi ghé mua được bàn chải với dao cạo. Còn quần áo thì mấy tiệm ở đây chỉ bán áo quần Ấn Độ, rốt cuộc tôi đành phải mua tạm vài sơ mi màu xanh đỏ vàng đặc trưng của người bổn xứ. Nhưng điều này không hề chi vì người Ấn Độ dự hội nghị rất đông, mọi người chỉ tưởng tôi lập dị không thích bận đồ tây thôi. Tôi lưu lại Hyderabad gần một tuần lễ, mặc đồ Ấn Độ, ăn cơm Ấn Độ và tham dự hội nghị.

Tôi cũng tới sân bay Hyderabad khai mất hành lý nhưng nơi đây không có văn phòng đại diện của hãng Hàng không Pháp nên đành bó tay. Sau khi hội nghị kết thúc tôi bay qua Bombay, việc đầu tiên là tới thẳng văn phòng của Air France. Họ cho biết:

– Theo qui định khi nào mất hành lý phải khai báo trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đến nay đã hơn một tuần lễ rồi, chúng tôi rất khó kiểm tra xem hành lý của ông lạc đi đâu. Thôi bây giờ ông chịu khó làm đơn khiếu nại để chúng tôi chuyển về bên Pháp định liệu. Thơ trả lời cho ông cũng phải đợi hơn 10 ngày.

Không còn cách nào khác hơn, tôi phải làm giấy khiếu nại, khai tỉ mỉ đồ đạc trong hai va li bị lạc.

Tại Bombay tôi nói chuyện ở Trung tâm Ca vũ nhạc và sau đó là một buổi giới thiệu âm nhạc trên Đài truyền hình. Giảng tại Trung tâm, ăn mặc thế nào cũng được, nhưng nan giải nhứt là tôi không có quốc phục để mặc khi giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam trên truyền hình. Ông Menon bàn với tôi:

– Quần chúng thấy anh đờn nhạc cổ truyền Việt Nam mà bận âu phục loại đi đường sẽ không thích đâu. Tôi nghĩ ra cách này: con gái tôi dẫn anh ra chợ mua một áo lụa và cái quần kiểu nhạc sĩ Ấn Độ để anh mặc, rồi tôi có cách nói.

Con gái ông Menon mua cho tôi một áo lụa rất đẹp và một quần trắng kiểu Ấn Độ cùng với đôi dép da. Bữa đó ông Menon giới thiệu hết sức tuyệt vời:

– Tôi xin giới thiệu ông Trần Văn Khê là một giáo sư người Việt Nam sẽ biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam. Ông Trần Văn Khê sinh sống tại Pháp, là người đã từng giới thiệu âm nhạc Ấn Độ trong Bảo tàng viện Guimet ở Paris. Vì vậy khi ông đến đây các nhạc sĩ của chúng ta do quý cái tình của ông đã giới thiệu nhạc Ấn Độ nhiều nơi trên thế giới nên gởi tặng một bộ y phục nhạc sĩ Ấn Độ để làm kỷ niệm. Hôm nay, đáp lại sự ưu ái của các nhạc sĩ Ấn Độ, ông Trần Văn Khê mặc bộ đồ này và đờn nhạc Việt Nam cho các bạn nghe.

Thính giả có mặt tại Đài Truyền hình vỗ tay hoan nghinh. Tôi rất vui vì người bạn giới thiệu mình rất khéo và đã “chuyển bại thành thắng”. Tôi lưu lại đây vài ngày, được các bạn đưa đi xem nhiều cảnh đẹp trong thành phố. Khi họ trả thù lao, tôi nhận thấy Trung tâm Ca vũ nhạc trả cho tôi số tiền 100 roupies (một roupie gần bằng một franc của Pháp) như thường trả cho một giáo sư thỉnh giảng (vì tôi nói chuyện là chính, chỉ đờn minh họa vài bản) còn Đài Truyền hình trả cho tôi số tiền 300 roupies là mức thù lao dành cho nghệ sĩ (tôi biểu diễn đờn truyền thống kèm theo lời giải thích) nghĩa là tại đây thù lao của người nghệ sĩ gấp ba lần tiền lương người giáo sư.

Đó cũng là một chuyện làm tôi suy nghĩ. Bên Pháp thì lương giáo sư lớn hơn người giới thiệu nhạc cổ điển, nhưng lương người giới thiệu nhạc cổ điển thua người giới thiệu nhạc trẻ có khi đến năm sáu lần. Việc đánh giá về công việc làm của một người trong xã hội phần nhiều không định theo giá trị của công việc mà người ta thường đánh giá qua mức thu hút và sức hấp dẫn đối với quần chúng.

Rõ ràng âm nhạc ngày nay không còn là môn nghệ thuật để mọi người toàn tâm toàn ý phụng sự mà đã biến thành mọt món hàng để người ta mua bán. Món hàng nào ăn khách thì giá cao, còn món hàng nào bán không chạy thì giá thấp. Nhận ra điều này tôi cảm thấy hơi buồn, nhưng dĩ nhiên đành phải chấp nhận vì đó là một điều không thể thay đổi được.

Sau chuyến đi Hyderabad trở về Pháp, 6 tháng sau hãng Air France báo cho tôi hay họ đã tìm thấy hành lý của tôi ở… Hongkong. Tôi nhận lại hai chiếc va li còn y nguyên, không mất một món đồ nào, với lời xin lỗi của Air France.

Chuyến đi này quả thật quá rắc rối. Nhưng tôi luôn được cái may là lúc nào cũng “tiền hung hậu kiết”, sau cùng thì mọi việc đâu cũng vào đó.

Trở về Việt Nam năm 1978, tôi ẵm được đứa cháu đích tôn đầu tiên là Trần Tri Hòa, tôi đặt tên này để tưởng nhớ đến cậu Năm Nguyễn Tri Khương. Mỗi năm tôi về nước đám cháu nội ngoại lớn lên lần lần, đứa nào cũng quấn quýt tôi và giành nhau nằm gần ông.

Buổi chiều đi học về đám cháu tập trung tới khách sạn để tối ngủ chung với tôi, Diễm Tiên hồi nhỏ đeo ông ngoại không thể tưởng được nhưng khi lớn biết nhường các em, chịu cho Cẩm Thy và Đào Tiên nằm hai bên tôi, Tri Hòa nằm dưới chân.

Tối tối tôi kể chuyện đời xưa cho mấy cháu nghe, tới đoạn gay cấn hồi hộp nhứt thì ngưng lại hẹn hôm sau kể tiếp. Tụi nhỏ xuýt xoa tiếc rẻ, nôn nóng chờ mau tới ngày mai để nghe đoạn kết. Tôi cưng chiều nhưng cũng nghiêm khắc với các cháu, hễ đứa nào không ngoan thì phạt không cho nghe kể chuyện đời xưa, kể ra đó là một hình phạt hết sức nặng nề đối với chúng nó. Tuy về nước chủ yếu là để nghiên cứu nhưng tôi cũng ấm lòng nhờ sống trong tình thương của các con các cháu.

Sau Việt Nam tôi đi Ba Lan dự nhạc hội với đề tài “Gặp gỡ Đông Tây” tổ chức ở làng Bydgoszcz. Người đón tôi tại phi trường là bà Zeranska, giáo sư phụ tá tại trường Đại học Varsovie do bà đại giáo sư Czcekanoska cử đi. Bà chào tôi và nói:

– Bà Czcekanoska nhờ tôi làm thông dịch cho giáo sư. Tôi cũng nghiên cứu về Shashmakom, một điệu thức vùng Tashkent (Liên Xô) nên nhân dịp này sẽ trao đổi với giáo sư thêm về chuyên môn.

Quả là tôi gặp may, bỗng nhiên có được một người thông dịch vừa đẹp, vừa lo lắng cho tôi chu đáo, nói thông thạo tiếng Pháp, lại có thể bàn chuyện về âm nhạc với nhau. Nhân dịp này bà Czcekanoska mời tôi sau nhạc hội ghé qua Varsovie giảng tại trường đại học của bà một buổi về âm nhạc Việt Nam.

Tiếp đó tôi được Nhạc viện ở Genève (Thuỵ Sĩ) mời qua thuyết trình về nhạc truyền thống Việt Nam có giáo sư Baud Bovy giới thiệu. Ngoài ra còn một buổi nói chuyện trên đài phát thanh của thành phố này. Người tiếp tôi tại đây là Laurent Aubert, về sau chúng tôi còn nhiều dịp liên hệ với nhau. Lần đó tôi rất xúc động khi được ông mời ăn tối và nói rằng:

– Tôi thú vị mời được ông tới nhà chúng tôi ăn cơm. Năm tôi sanh ra đời, cha tôi mua mấy trăm chai rượu cất trong hầm rượu của gia đình, dặn tôi sau này khi nào có khách quý tới nhà thì đem ra đãi. Hôm nay tôi hân hạnh mời ông uống chai rượu cha tôi mua vào đúng năm sanh của tôi.

Đêm đó tôi uống ly rượu thấy rất ngon vì hưởng được cả cái tình của người có lòng quí mến mình.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên
GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150628/hoi-ky-tran-van-khe-ky-8-nhung-cuoc-tao-ngo-thu-vi/767433.html

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 9 – Một chuyến đi Bắc Triều Tiên

29/06/2015 09:31 GMT+7

TTO – Năm 1983 Bắc Triều Tiên đăng cai tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á và yêu cầu UNESCO gởi người qua cố vấn để việc tổ chức được hoàn hảo.

GS Trần Văn Khê (chính giữa) tại Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) dự Diễn đàn Âm nhạc Châu Á năm 1983 - Ảnh: tư liệu
GS Trần Văn Khê (chính giữa) tại Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) dự Diễn đàn Âm nhạc Châu Á năm 1983 – Ảnh: tư liệu

UNESCO chỉ định tôi làm trưởng đoàn sang Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, vào tháng 4 để chuẩn bị cho diễn đàn vào tháng 9. Chuyến đi còn có thêm ông Menon, người Ấn Độ, là Chủ tịch Uỷ ban tuyển lựa trong các Diễn đàn Âm nhạc châu Á từ trước đến nay và giáo sư người Đức Eric Stockmann, Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu>> Kỳ 2: Lập gia đình>> Kỳ 3: Đất khách quê người>> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống>> Kỳ 5: Chuyện gia đình>> Kỳ 6 – Bôn ba bốn biển năm châu>> Kỳ 7: Quy cố hương>> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị>> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1

Ông Menon và giáo sư Stockmann giao cho tôi đứng ra sắp xếp mọi việc, hai ông là những người kỳ cựu chỉ đi theo để yểm trợ khi cần, vì đây là lần đầu tiên một diễn đàn âm nhạc được tổ chức ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một nước còn “kín cổng cao tường” vào thời kỳ này, những người ở phương Tây vào nơi đây được coi là hi hữu.

Chúng tôi được xem nhiều tiết mục âm nhạc tại Bình Nhưỡng đồng thời tôi cũng đưa ra chương trình theo qui định của UNESCO cho nước chủ nhà tham khảo. Tất cả yêu cầu của UNESCO đưa ra Ban tổ chức đều chấp nhận, công việc thuận lợi dễ dàng chớ không khó khăn như chúng tôi e ngại lúc ban đầu. Mọi việc góp ý xong xuôi, chúng tôi trở về Paris.

Cuối tháng 9 tôi trở qua Bình Nhưỡng để dự Diễn đàn. Tại phi trường Bình Nhưỡng phái đoàn đại diện UNESCO được tiếp đón rất trang trọng với đầy đủ nghi thức từ dàn nhạc đến vòng hoa, có cả đại diện sứ quán của các nước tham dự Diễn đàn ra đón và bắt tay chào hỏi nồng nhiệt. Tôi chú ý không thấy người của Sứ quán Việt Nam bèn hỏi thăm Ban tổ chức thì được trả lời rằng họ đã có mời nhưng không thấy ai tới cả. Tôi thắc mắc nghĩ bụng chẳng lẽ nhân viên Sứ quán Việt Nam kỳ thị cá nhân tôi nên không đi?

Tôi được sắp xếp ở một phòng khách sạn hết sức sang trọng gồm phòng ngủ rộng lớn với một phòng làm việc và phòng khách có thể tiếp được ba bốn chục người. Trong tủ lạnh có đầy đủ thức ăn, nước uống và nhiều loại rượu ngon kể cả rượu sâm nhung.

Tôi muốn nói chuyện điện thoại với Sứ quán Việt Nam nhưng người của Ban tổ chức đi theo giúp việc cho tôi gọi hoài mà không liên lạc được. Cảm thấy có điều gì đó bất thường nên hôm sau khi đến Đại sứ quán Liên Xô để xin thị thực quá cảnh cho chuyến về, tôi nhờ nơi đây điện thoại cho Sứ quán Việt Nam thì liên lạc được liền. Hóa ra anh em tại đây không hay biết gì về việc tôi đến Bình Nhưỡng. Ngày hôm sau Sứ quán Việt Nam cử tùy viên văn hóa tới thăm tôi, thấy vậy mấy người trong Ban tổ chức của Bắc Triều Tiên có hơi ngại ngùng.

Chưa nơi nào tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á long trọng và hoàn hảo bằng nơi đây. Nhưng riêng tôi với cương vị trưởng đoàn đã rơi vào nhiều hoàn cảnh phải ứng phó rất gay go.

Mỗi đêm Ban tổ chức sắp xếp cho hội nghị xem một chương trình âm nhạc, sau mỗi chương trình, với cương vị là trưởng đoàn, tôi thường được mời phát biểu cảm tưởng. Không phải chương trình nào cũng hay, cho nên cái khó nhứt của tôi là ở chỗ tôi không thể khen khi không thấy hay, nhưng cũng không thể nói là dở vì nhiều lý do tế nhị, cho nên tôi luôn phải tìm cách nói sao cho xuôi.

Đó là một trong những chuyện khó khăn phải đối phó, nói sao cho chân thật với lòng mình mà phải lựa lời để người khác đừng phật lòng. Đạo Phật có dạy phải dùng “chánh ngữ”: điều mình nói đừng mích lòng ai, không xúc phạm người khác, đem lại hòa khí với nhau. Tôi thấy rằng văn hóa phương Đông đã giúp tôi có được thái độ hòa hoãn với mọi người, không chỉ trích, không tranh luận để chê bai hay làm mất mặt người khác nhưng cũng không vị nể mà khen khi lòng mình không nghĩ vậy.

Trong buổi hội thảo về cải tiến nhạc cụ do tôi chủ tọa, tôi yên tâm là khỏi phải đóng góp ý kiến mà chỉ điều động trao lời cho người này người kia, nhắc nhở những người nói quá thời hạn qui định để cho buổi họp tiến hành đúng theo chương trình.

Theo nguyên tắc có qui định thời gian cho người thuyết trình lẫn người đặt câu hỏi, tôi báo trước sẽ rất chặt chẽ về thời gian để các bạn đừng buồn khi tôi cắt lời bởi vì đó là phận sự của tôi. Mỗi khi một diễn giả thuyết trình xong, tôi hỏi xem ai có ý kiến gì và mời đặt câu hỏi.

Một bạn Triều Tiên trình bày rất hào hứng về việc cải tiến nhạc cụ truyền thống của nước này. Riêng tôi thì không hoàn toàn hoan nghinh. Cây đờn cổ Kayageum của Triều Tiên là đờn dây thuộc về loại đờn tranh ngày xưa rất đẹp, dài một thước sáu, dáng thon thả như cô gái thắt đáy lưng ong. Nay đờn được cải tiến tăng thêm một số dây thành rộng ra, cây đờn trở thành “có da có thịt”, nói theo ngôn ngữ dân gian Việt Nam, nên hình dáng không còn thanh tú. Khi biểu diễn âm thanh cũng không còn giống như tiếng đờn trước đây. Quan điểm của diễn giả là việc cải tiến đờn Kayageum nhằm mục đích không chỉ đờn được nhạc Triều Tiên mà đờn được cả nhạc phương Tây.

Không phải chỉ có đờn Kayageum, ống Piri là loại kèn dăm đôi cũng không còn hình dáng bình thường nữa mà nay to hơn, có gắn khóa chỗ này chỗ kia giống như kèn ôboa bên phương Tây, dụng ý để thổi được thang âm bình quân, do đó tiếng kêu trong hơn, không còn tiếng rè rè đặc trưng như trước.

Bỗng nhiên khi vừa thuyết trình xong diễn giả nhìn tôi và nói:

– Tôi đề nghị giáo sư Trần Văn Khê phát biểu về vấn đề này.

Bị đưa ra chỗ không thể lùi được, tôi nói:

– Thưa các bạn, khi tiến hành cải tiến một nhạc cụ dĩ nhiên là nhằm mục đích để cho được hay hơn. Các bạn hẳn là hiểu rõ người Triều Tiên muốn gì và nghe âm nhạc thế nào, đã suy nghĩ năm này qua năm khác rồi mới bắt tay vô làm. Tôi ngồi nghe trong 15 phút làm sao dám đưa ra nhận xét điều các bạn làm là đúng hay sai. Tôi thích hay không là ý của riêng mình, tôi lại là người bên ngoài. Nếu các bạn cho rằng điều đó đúng thì cứ việc làm, không nên vì người khác không thích mà không làm.

– Nhưng chúng tôi muốn biết ý kiến của giáo sư.

– Tôi chỉ nói ý kiến của tôi về việc cải tiến. Theo qui định tôi có được ba phút nên để cho ngắn gọn xin đưa ra ba nguyên tắc mà tôi cho là phải đạt được khi cải tiến một nhạc cụ: hình dáng phải đẹp hơn, khả năng biểu diễn phải nhiều hơn và cuối cùng phải diễn tả được trung thực và rõ ràng tiếng nói âm nhạc của dân tộc đã tạo ra nhạc cụ đó.

Điểm đầu tiên là hiển nhiên rồi, nếu không làm cho đẹp hơn thì thay đổi để làm gì? Thứ nhì, khi cải tiến là cốt để làm cho khả năng biểu diễn được nhiều thêm. Và cuối cùng điều quan trọng nhứt là vẫn giữ được ngôn ngữ âm nhạc của dân tộc, còn nếu cải tiến chỉ để đờn được nhạc của nước khác mà khi nói tiếng nhạc nước nhà lại đâm ra ngọng nghịu thì tôi cho rằng không ai cần mình phải cải tiến nhạc cụ truyền thống để đờn âm nhạc của họ. Mỗi đất nước cần phải có nhạc cụ riêng phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của dân tộc mình. Tôi xin chấm dứt ở đây vì đã hết 3 phút, nhưng nếu các bạn cho phép nói thêm tôi có thể trình bày một số chuyện nữa.

Mọi người đồng thanh nói:

– Giáo sư cứ tự tiện, chúng tôi rất đồng ý.

Tôi tiếp tục:

– Nếu một nhạc cụ truyền thống mà không diễn tả được tiếng nói của dân tộc tất yếu sẽ bị đào thải, vì dân tộc nào cũng cần tiếng nói trung thực và chính xác chớ không chấp nhận làm tiếng nói của mình nghe như tiếng nói ngoại lai.

Những diễn giả phát biểu sau đó đều hoàn toàn ủng hộ quan điểm của tôi. Mấy ngày kế tiếp, khi bàn tới buổi liên hoan bế mạc diễn đàn, Ban tổ chức nói:

– Chúng tôi cho rằng trong Diễn đàn này giáo sư là người xứng đáng để được cử ra hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch, có dàn nhạc giao hưởng phụ họa. Xin đề nghị giáo sư nhận lời chúng tôi sẽ cử người tới tập cho giáo sư.

Tôi không tiện từ chối chỉ nói:

– Đó là vinh dự rất lớn cho tôi nhưng có mấy trở ngại. Thứ nhứt là vì tôi còn phải chủ tọa cho nhiều buổi hội thảo nữa, ngoài ra hàng ngày phải viết báo cáo gởi về cho UNESCO nên công việc của tôi rất nhiều. Thứ hai là tôi không biết tiếng Triều Tiên lại chưa bao giờ hát nhạc Triều Tiên, vì vậy trong vòng hai ba bữa không thể tập hát rành rẽ một bài được. Xin các bạn vui lòng chọn người khác.

Tôi nói vậy tưởng các bạn đồng ý, không ngờ sáng sớm bữa sau nghe tiếng gõ cửa, một người tới gặp tôi tự giới thiệu:

– Tôi là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ban tổ chức chỉ định tôi tới hướng dẫn giáo sư cách hát, chỗ nào hát lớn chỗ nào hát nhỏ, tôi đem bản tổng phổ tới cho giáo sư coi.

– Nhưng tôi đâu có nhận lời?

– Tôi chỉ biết Ban tổ chức yêu cầu tôi như vậy.

– Nhờ ông về nói lại với Ban tổ chức tôi không thể hát được. Tôi sẽ gặp Ban tổ chức để bàn sau.

Lát sau lại có tiếng gõ cửa:

– Tôi là người lĩnh xướng có nhiệm vụ tập cho giáo sư khi ca phát âm đúng giọng Triều Tiên.

– Nhưng tôi đâu có nhận lời!

– Ban tổ chức nói phải tập cho giáo sư trong vòng ba ngày để kịp ra hát.

Tôi phải tới gặp Ban tổ chức lần nữa:

– Tôi hết sức cảm động trước lòng ưu ái của các bạn nhứt định dành cho tôi vinh dự hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch. Thế nhưng tôi có những điều khó khăn riêng, trước hết là UNESCO có chỉ thị bằng văn bản chánh thức nói rõ: trong tất cả những lời phát biểu của người đại diện cho UNESCO không được ca ngợi cũng như không chỉ trích bất cứ một chánh khách nào. Tôi là một uỷ viên Ban chấp hành nên phải tuân thủ qui định này. Do đó nếu tôi muốn hát bài ca ngợi Kim Chủ tịch thì phải điện về xin ý kiến của UNESCO có cho phép tôi phá lệ hay không, việc này rất phức tạp và không kịp thời gian. Ngoài ra gần 20 năm nay tôi chuyên tâm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam, vì vậy ngay cả nhạc mới của Việt Nam tôi cũng ít hát, nay tôi lại hát một bản nhạc mới nước ngoài, điều đó sẽ làm cho đồng bào của tôi không hiểu và không vui.

Cuối cùng tôi không thể nào học thuộc lời cũng như tập hát cho đúng giọng trong thời gian ngắn như vậy được. Nếu đó là một bài ca bình thường còn tạm chấp nhận được, chớ bài hát ca ngợi một vị lãnh tụ như Kim Chủ tịch mà làm như vậy là vô phép. Tôi không dám làm chuyện thất lễ đối với một vị lãnh đạo lớn như Kim Chủ tịch.

Lý lẽ sau cùng này thuyết phục được Ban tổ chức, vậy là tôi khỏi hát.

Cho đến lúc bế mạc hội nghị tôi vẫn chưa hết gặp chuyện rắc rối: UNESCO chuẩn bị 20 dĩa hát làm quà tặng cho vị lãnh tụ của Triều Tiên, nhưng cuối cùng chỉ gởi giấy tờ còn dĩa hát lại để quên tại Paris. Tôi đành báo với Ban tổ chức:

– Hội đồng Quốc tế Âm nhạc có dự bị 20 dĩa hát châu Á tặng cho Kim Chủ tịch, bây giờ coi lại thì không có đem theo, nếu tôi điện về kêu gởi qua cũng không kịp nữa rồi. Phần tôi có đem theo một dĩa nhạc do tôi đờn và một quyển sách của tôi viết về âm nhạc Việt Nam để tặng Ban tổ chức.

Ông Chủ tịch nhận quà nhưng bỗng nhiên lại nói:

– Cái này dùng để gởi tặng Kim Chủ tịch thì rất hay.

– Quà tặng Kim Chủ tịch là 20 dĩa nhạc của UNESCO, còn đây chỉ là một dĩa nhạc và cuốn sách của cá nhân tôi, tôi không dám đem tặng một người lãnh đạo lớn như Kim Chủ tịch.

– Nếu đó là dĩa nhạc và cuốn sách của phương Tây quả là không nên, nhưng đây chính là dĩa hát và cuốn sách của chính giáo sư thực hiện, viết về âm nhạc Việt Nam kèm theo lời đề tặng của tác giả. Tôi nghĩ rằng Kim Chủ tịch sẽ thích thú khi nhận được quà tặng của một người Việt Nam đến thăm Triều Tiên.

Tôi nói:

– Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, tôi sẽ làm theo ý kiến của các bạn. Xin các bạn cân nhắc sao đừng để cho tôi thất lễ với Kim Chủ tịch.

Ban tổ chức làm cho tôi một bao màu đỏ để đựng quà, đưa tôi tờ giấy thật đẹp để viết lời đề tặng bằng tiếng Việt: “Trân trọng kính tặng Chủ tịch Kim Nhựt Thành chút quà của một nhạc sĩ đồng thời cũng là nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nhân dịp đến Bình Nhưỡng dự Diễn đàn và hội nghị về âm nhạc châu Á. Xin chân thành cám ơn Chủ tịch và Chánh phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã cho phép Ủy ban quốc gia Triều Tiên tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á cho các nước tham dự mà tôi được vinh dự là chủ tịch của Diễn đàn.”

Hai ngày sau Ban tổ chức báo với tôi:

– Năm giờ chiều mai yêu cầu giáo sư có mặt tại khách sạn và mặc lễ phục để tiếp đón người đại diện của Kim Chủ tịch.

Hôm sau toàn bộ thành viên của Ban tổ chức Diễn đàn Âm nhạc châu Á có mặt đầy đủ tại nơi tôi ở. Đến giờ hẹn, người đại diện của Kim Chủ tịch tới phòng tôi, bưng một hộp thiệt lớn trên có ghi dòng chữ: “Kim Chủ tịch cám ơn giáo sư Trần Văn Khê và xin giáo sư nhận một chút quà của Kim Chủ tịch.”

Ông trịnh trọng nói:

– Kim Chủ tịch rất cảm động khi nhận được quà của giáo sư. Đáp lại Kim Chủ tịch gởi chút quà cho giáo sư để khi về Pháp cũng như về Việt Nam giáo sư vẫn nhớ đến dân tộc Triều Tiên.

“Một chút quà” của Kim Chủ tịch gồm một tấm trải giường rất lớn thêu hình hai con phụng, một hộp đựng những chung bằng đá quí dùng để uống rượu sâm nhung, ba lít rượu sâm nhung và hai cuốn sách tựa là “Dân tộc Triều Tiên chúng tôi” còn cuốn kia là “Bình Nhưỡng”.

Tôi nhận quà và nhờ viên chức cao cấp chuyển lời tôi trân trọng cám ơn Kim Chủ Tịch.

Chuyến đi Bình Nhưỡng gay go cho đến những giờ phút cuối cùng. Khi tiễn tôi về Pháp, tại phòng VIP của phi trường, các bạn trong Ban tổ chức thắc mắc:

– Hổm rày chúng tôi nghe giáo sư nói chuyện về nhạc Triều Tiên mà dùng từ rất chính xác, xin hỏi giáo sư đã học nhạc Triều Tiên ở đâu và với ai?

– Ở Nam Triều Tiên tôi có vài người bạn trong giới nhạc tại nơi này.

– Giáo sư đi Nam Triều Tiên bao nhiêu lần?

– Tôi mới đến Seoul một lần vào năm 1981 nhân dịp Đại hội Âm nhạc do Hội đồng Quốc tế Âm nhạc Truyền thống tổ chức mà tôi là Phó chủ tịch.

– Giữa hai bên Nam, Bắc Triều Tiên, nơi nào tiếp rước giáo sư nồng hậu hơn?

– Thưa các bạn, dân tộc Triều Tiên là một, không phải vì việc đất nước Triều Tiên bị chia rẽ bằng một vĩ tuyến mà thay đổi được đặc tính hiếu khách của các bạn. Ở cả hai nơi, tôi đều được tiếp rước hết sức nồng hậu.

– Như vậy đối với giáo sư, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên không có gì khác nhau sao?

Đây là một câu hỏi có dụng ý chánh trị mà với tư cách là người đại diện của UNESCO tôi phải tuyệt đối tránh không đề cập đến, tuy nhiên chủ nhà đã hỏi thì khách phải trả lời:

– Theo tôi có hơi khác nhau một chút: ở Nam Triều Tiên tôi là người mà họ “bắt buộc” phải tiếp, còn ở Bắc Triều Tiên thì tôi là người các bạn “mong đợi” để đón tôi: Trong đại hội ở Nam Triều Tiên, tôi đến với cương vị Phó chủ tịch nên ban tổ chức bắt buộc phải tiếp đón tôi, còn ở đây các bạn cần một người cố vấn để tổ chức diễn đàn cho hoàn hảo, tôi rất vui khi thấy mình được các bạn chờ đón. (There was a slight difference: In South Korea, I was someone they “had” to receive. In North Korea, I am someone you “wish” to reveive).

Một lần nữa tôi “thoát hiểm” mà các bạn trong Ban tổ chức cũng tỏ vẻ hài lòng. Tôi rất vui vì tuy có nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn giữ được tình cảm tốt cho tới ngày về.

Sau này khi tôi đi các nơi thuật chuyện về chuyến đi Bình Nhưỡng được nhiều người rất thích, nhứt là các bạn trong giới ngoại giao. Các bạn cho rằng đây là những kinh nghiệm về cách ứng xử sao cho không trái với lòng mình mà đừng mích lòng người.

Diễn đàn Âm nhạc châu Á còn mang lại một kết quả tốt đẹp khác. Tôi cùng anh Lưu Hữu Phước giới thiệu tiết mục bà Quách Thị Hồ hát bài Tỳ bà hành, được Ban tuyển chọn khen ngợi và xếp vào trong 9 tiết mục xuất sắc nhứt của diễn đàn lần này. Tôi rất mừng khi ca trù được nhìn nhận là một bộ môn âm nhạc có giá trị, tên tuổi bà Quách Thị Hồ được ghi vào danh sách những nghệ sĩ được tuyển lựa của Diễn đàn Âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng và bài Tỳ bà hành được ghi âm trong loạt dĩa hát của Bắc Triều Tiên thực hiện để kỷ niệm Diễn đàn Âm nhạc châu Á năm 1983.

Kết quả này được gởi về nước, may mắn tôi cũng có mặt tại Việt Nam trong buổi lễ trao giải thưởng được tổ chức tại Đài Phát thanh Hà Nội. Anh Trần Lâm lúc đó là chủ tịch Ủy ban phát thanh và truyền hình đã tổ chức buổi nhận giải thưởng rất long trọng. Ông Tổng lãnh sự Triều Tiên đại diện cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trao giấy chứng nhận cho Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị có tiết mục được tuyển lựa tại Diễn đàn Âm nhạc châu Á. Bà Quách Thị Hồ được tặng hoa và hiện vật vì là nghệ sĩ chánh trong tiết mục được tuyên dương. Sau đó bà rút hai bông hoa trong bó hoa đem lại tặng tôi:

– Xin tặng giáo sư, người hôm nay khai sinh lại cho ca trù. Xin báo với giáo sư, khi hay tin tôi được tuyên dương anh chị em giáo phường tại Lỗ Khê đã tụ họp hát ca trù suốt đêm với nhau mà chảy nước mắt vì vui mừng. Vinh dự này không phải cho riêng tôi mà là cho cả truyền thống ca trù. Chúng tôi hết sức vinh hạnh về việc ngày nay bộ môn này đã được thế giới nhìn nhận và tán thưởng cũng như không bao giờ quên công lao đóng góp của giáo sư trong việc khôi phục ca trù.

Đối với tôi, chuyến đi Bình Nhưỡng tuy có bao thấp thỏm lo âu, không ít khó khăn nhưng cũng rất nhiều niềm vui. Tôi giống như người bị lọt vào một mê hồn trận nhưng cuối cùng vẫn thoát ra được bình yên lại còn giữ được nhiều kỷ niệm đẹp.

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

*******

Kỳ 10: Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp

GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ

Hồi ký Trần Văn Khê: Kỳ 10 – Viếng thăm Việt Nam với tổng thống Pháp

29/06/2015 19:51 GMT+7

TTO – Năm 1993 có một sự kiện hết sức quan trọng đối với tôi là được tổng thống Pháp François Mitterrand mời vào phái đoàn Pháp đi cùng ông trong chuyến công du chánh thức sang Việt Nam.


			GS Trần Văn Khê (giữa), NSND Phùng Há (trái) và nhạc sĩ Vĩnh Bảo năm 1989 - Ảnh tư liệu
GS Trần Văn Khê (giữa), NSND Phùng Há (trái) và nhạc sĩ Vĩnh Bảo năm 1989 – Ảnh tư liệu

Khi mới nghe tin tôi vô cùng ngạc nhiên, không biết ai đã đưa tên tôi vào danh sách này? Về sau tôi nghe nói rằng đầu tiên văn phòng Phủ tổng thống chọn lựa tên tuổi của hơn 60 người Việt Nam đang sanh sống tại Pháp và sau khi sàng lọc mới trình lên tổng thống Mitterand danh sách cuối cùng để đích thân ông chọn lựa.

Hôm đó tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại, người đầu dây tự xưng:

– Đây là văn phòng của tổng thống. Chúng tôi xin nói chuyện với giáo sư Trần Văn Khê.

– Dạ tôi đây! Thưa có chuyện chi?

– Xin báo với giáo sư, tổng thống sắp có một chuyến công du đến Việt Nam. Trong lần công du này tổng thống có mời 30 người khách cùng đi, trong đó có giáo sư. Nếu giáo sư đồng ý xin vui lòng trả lời cho chúng tôi biết để ghi tên vào danh sách của phái đoàn.

Tất nhiên tôi nhận lời ngay không chút do dự. Thơ mời chánh thức được một viên sĩ quan của Phủ tổng thống ăn mặc chỉnh tề đem trao tận tay tôi với thái độ hết sức trân trọng và lịch sự.

>> Kỳ 1: Thời thơ ấu >> Kỳ 2: Lập gia đình >> Kỳ 3: Đất khách quê người >> Kỳ 4: Giới thiệu âm nhạc truyền thống >> Kỳ 5: Chuyện gia đình >> Kỳ 6: Bôn ba bốn biển năm châu >> Kỳ 7: Quy cố hương >> Kỳ 8: Những cuộc tao ngộ thú vị >> Kỳ 9: Một chuyến đi Bắc Triều Tiên >> Mời bạn nghe sách nói Hồi ký Trần Văn Khê phần 1 >> Hồi ký Trần Văn Khê phần 2

Hôm sau một sĩ quan khác đem đến cho tôi một bao thơ lớn, trong đó gồm tất cả các thiệp mời dự tiệc chiêu đãi trong suốt thời gian ở Việt Nam, trên mỗi thiệp đều có ghi: “Tổng thống và bà Mitterrand vinh hạnh mời giáo sư tham dự buổi chiêu đãi”. Kèm theo là danh sách những khách mời với chương trình hoạt động và làm việc của chuyến đi. Ngoài ra còn có tài liệu ghi lại những nét khái quát về đất nước Việt Nam, cả địa lý, lịch sử và văn hóa để người đi có một khái niệm tổng quát về nơi mình sắp đến thăm. Nhìn cả một phong thơ dày cộm tôi thấy rõ rằng chuyến đi được chuẩn bị rất công phu.

Tới ngày đi, tôi đón taxi nhưng khi nhìn thấy địa chỉ thì người tài xế cho biết:

– Người thường không được vào vùng này của phi trường Roissy.

– Không sao, anh cứ đi vì tôi có giấy mời tới đó.

Quả nhiên khi xe vừa chạy đến nơi thì thấy lính gác đứng đầy và xua tay ra hiệu phải đi chỗ khác. Tôi nói với người tài xế:

– Anh cứ ngừng lại đây chờ tôi.

Tôi xuống xe đưa giấy mời, lập tức mấy người lính đứng nghiêm chào và cho xe chạy tiếp vô trong. Xe ngừng trước một một dinh thự rộng lớn, bước vào bên trong tôi thấy đã có đông người đứng quanh các bàn tiệc bày biện sẵn, gồm các bộ trưởng, viên chức chánh phủ, những người khách mời cùng với đoàn tùy tùng đi theo tổng thống. Một lát sau Thủ tướng Berégovoy đến. Ông bắt tay chào từng người và nói:

– Trước hết tôi xin thay mặt Chánh phủ Pháp cám ơn quí vị đã nhận lời mời của tổng thống đi chuyến công du này và thay mặt Hội đồng chánh phủ kính chúc quí vị lên đường bình an.

Đến tận lúc đó tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên, nghĩ bụng chuyện này cũng lạ quá, mình là công dân Việt Nam, hiện đang hưu trí, vậy mà bỗng nhiên giờ này tôi đứng đây, được thủ tướng Pháp đích thân tới chúc thượng lộ bình an. Chuyện đó quả là ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi còn đang nghĩ ngợi mông lung thì cửa mở và tiếng một người dõng dạc xướng lên “Tổng thống đến” rồi ông Mitterand xuất hiện, miệng tươi cười, tiến tới thân mật bắt tay từng người:

– Hết sức cám ơn quí vị đã nhận lời mời đi với tôi trong chuyến công du này. Mong rằng chuyến đi không làm quí vị quá mệt mỏi và hy vọng những chuyến gặp gỡ sắp tới sẽ đem lại lợi ích cho quí vị.

Ông mời mọi người cùng nâng ly, lát sau một viên sĩ quan bước vô trịnh trọng chào báo tin:

– Đã tới giờ khởi hành, xin kính mời tổng thống và quí vị chuẩn bị lên máy bay.

Cánh cửa phòng mở ra, phía bên ngoài là chiếc chuyên cơ của tổng thống đậu sẵn, có thảm đỏ trải dài từ cửa phòng đến tận máy bay. Đoàn người theo chân tổng thống tiến đến phi cơ, vừa bước ra bên ngoài thì đoàn quân nhạc trỗi lên bài quốc ca Pháp. Tôi lại tự nhủ: “Lạ thật, một công dân Việt Nam như mình, không địa vị, không chức tước mà giờ đây được tháp tùng tổng thống, được cả đội quân nhạc của Phủ tổng thống đánh bài quốc ca đưa tiễn!”. Sau bài quốc ca, ban nhạc tiếp tục tấu một bản quân nhạc vui tươi cho đến khi cả đoàn lên hết trên máy bay.

Chuyên cơ của tổng thống thường khi là máy bay Concorde, lần này có lẽ vì phái đoàn đông thêm cả đội ngũ báo chí nên Ban tổ chức sắp đặt trang trí một máy bay Airbus thành chuyên cơ với phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ của tổng thống và một phòng riêng của bà Mitterrand. Lần đó không có mặt bà Mitterand, nghe nói vì lý do sức khỏe (nhưng thật ra hình như bà có chuyện không vui) nên giờ chót không đi. Các bộ trưởng ngồi ở một khoang riêng, khách mời ngồi tiếp theo phía sau và dãy sau cùng dành cho báo chí. Ghế ngồi trên chuyên cơ thật đặc biệt, êm ái và rộng lớn hơn cả những ghế hạng nhứt của máy bay dân dụng, trên mỗi ghế có gắn sẵn tên từng vị khách. Mỗi dãy chỉ có bốn ghế và một cô tiếp viên đặc trách lo việc tiếp đãi nước uống, thức ăn. Tất nhiên thức ăn trên chuyến bay toàn là những món sơn hào hải vị để chiêu đãi thượng khách, từ trứng cá hồi đến gan ngỗng cùng đủ thứ rượu.

Trên máy bay tôi hội ngộ hai đồng nghiệp là giáo sư Georges Condominas, một nhà dân tộc học cha Pháp mẹ Việt, đã từng sống trên dãy Trường Sơn rất lâu. Người thứ hai là Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Việt Nam sanh sống bên Mỹ đang dạy ngành vật lý thiên văn tại Đại học Virginia. Đây là một nhân vật tiếng tăm trên thế giới, mặc dầu dạy học bằng tiếng Mỹ nhưng chuyên viết sách bằng tiếng Pháp và rất được người Pháp ưa chuộng vì sách của ông tuy đề cập đến những chuyện cao siêu trên trời dưới đất nhưng văn phong nhẹ nhàng, giản dị và đầy chất thơ.

Trong chuyến đi tuy ngồi cách xa nhau nhưng ba chúng tôi thường gặp nhau chuyện trò. Anh Condominas có nhiều dịp về Việt Nam nghiên cứu về dân tộc học. Anh Trịnh Xuân Thuận thì rời Việt Nam đã mấy chục năm nay mới về nước lần đầu. Anh rất hân hoan và hy vọng có dịp trở về thăm quê nhà tại một tỉnh miền Bắc.

Thỉnh thoảng trong chuyến đi, chúng tôi cũng gặp tổng thống và được ông đứng lại chào, vui vẻ hỏi han. Tôi nghĩ cũng lạ, khi ở bên Pháp muốn gặp ông thật vô cùng khó khăn, bỗng nhiên nay mình gặp dễ dàng, lại còn nói chuyện thân tình như bà con lâu ngày gặp lại.

Chuyến bay khởi hành từ Paris trực chỉ Hà Nội chớ không quá cảnh nơi nào và sau hơn 12 giờ bay đến Hà Nội đúng giờ đã định. Mỗi người được hướng dẫn tới chiếc xe dành cho mình, xuống máy bay thì đi thẳng lên xe ngồi, thủ tục xuất nhập cảnh đã có người lo. Tôi đi trên xe số 6 cùng với đại tướng Tổng tư lệnh quân đội Pháp, ông cũng đồng thời cai quản cả vùng Invalides. Chúng tôi tự giới thiệu với nhau rồi viên đại tướng tâm sự:

– Ngày xưa tôi từng là tù binh tại Điện Biên Phủ. Trở lại Việt Nam lần này tôi rất háo hức vì nghe nói sẽ có đến viếng Điện Biên Phủ. Nhưng ước mong lớn nhứt của tôi khi qua đây là được dịp gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người tuy không cùng chiến tuyến nhưng tôi vô cùng kính trọng và mong mỏi được diện kiến.

– Tôi được biết sẽ có một buổi tiệc do đại sứ quán Pháp thay mặt chánh phủ Pháp chiêu đãi. Nếu có dịp thuận tiện tôi sẽ trình bày với Ban tổ chức sắp xếp cho đại tướng được ngồi gần đại tướng Võ Nguyên Giáp.

– Nếu được vậy thì thật tuyệt vời!

Trong những lần về nước tôi vẫn lui tới đại sứ quán Pháp nên có quen biết vị tùy viên văn hóa. Ngoài ra trong Ban tổ chức tiếp đón đoàn chánh phủ Pháp cũng có người Việt Nam nên tôi đến gặp họ nói sơ qua nguyện vọng của ông đại tướng Pháp. Nhờ vậy tôi biết chắc chắn Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đến dự buổi chiêu đãi và là một trong những thượng khách của chánh phủ Pháp.

Tôi cũng đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1980 trong lần về nước nói chuyện về Nguyễn Trãi, lần đó trong buổi chiêu đãi đại tướng đến gặp tôi nói:

– Nghe anh nói chuyện âm nhạc thời đại của Nguyễn Trãi, biết được nhiều chuyện lý thú quá.

Vì vậy khi gặp đại tướng trong buổi chiêu đãi lần này tôi tới chào ông:

– Xin phép giới thiệu với đại tướng đây là tổng tư lệnh quân đội Pháp muốn được gặp gỡ nói chuyện với đại tướng vì trước đây ông ấy có tham gia trận Điện Biên Phủ.

Đại tướng vui vẻ bắt tay cười nói với viên tổng tư lệnh và cùng nhau nhắc lại chuyện cũ một cách thoải mái. Ban tổ chức sắp xếp cho hai người ngồi cùng bàn, vậy là viên tổng tư lệnh quân đội Pháp vô cùng mãn nguyện.

Tôi ngồi cùng bàn với giáo sư Vũ Khiêu cũng là người nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Bàn nào cũng gồm có thành viên của hai phái đoàn Việt Nam lẫn Pháp và dĩ nhiên tôi thuộc về phái đoàn Pháp. Đây cũng là điều khiến tôi thấy lạ lẫm! Từ nhiều năm nay tôi thường xuyên về nước nghiên cứu làm việc như một công chức chuyên viên của chánh phủ Pháp nhưng là một công dân Việt Nam. Bỗng nhiên hôm nay, trên sân khấu trường đời tôi phải đóng một vai hoàn toàn khác hẳn, phải đi đứng, tiếp xúc, xử sự với cương vị một thành viên trong chuyến công du chánh thức của vị nguyên thủ một quốc gia đến viếng xã giao… tổ quốc mình.

Khi vừa tới Việt Nam, tôi hỏi Ban tổ chức:

– Tôi có thể quay phim chuyến đi để kỷ niệm được không?

– Tại sao ông cần phải quay, chính người ta phải quay phim ông chớ ông quay người khác làm chi?

– Không, người ta quay thì tôi lại không có hình giữ kỷ niệm. Do đó tôi muốn quay mà không biết theo qui chế tổ chức tôi có quyền làm vậy không?

– Qui chế không đề cập đến việc này, do vậy ông cứ làm theo ý mình vì ông là khách.

Lần đó tôi là người độc nhứt trong phái đoàn có đem theo máy quay nhỏ thâu được những thước phim đặc biệt trong chuyến đi đáng ghi nhớ này.

Tại Hà Nội, phái đoàn ở tại khách sạn Tây Hồ. Ban tổ chức Việt Nam đối với tôi cũng có phần ưu ái. Khi tới nơi, bộ ba chúng tôi cùng đi với nhau nhưng rồi anh Condominas và anh Trịnh Xuân Thuận được hướng dẫn lên trước, còn một mình tôi đứng lại. Sau đó tôi lại được đưa lên tầng lầu đối diện, tôi thắc mắc không hiểu tại sao mình không được xếp ở chung với các bạn thì được Ban tổ chức cho biết:

– Phòng bên đây đẹp và lớn hơn nhiều nhưng chỉ có ít phòng, nếu mọi người ở hết thì không đủ. Do đó chúng tôi chỉ mời riêng giáo sư, từ phòng này có thể ngắm được bao quát cả phong cảnh rất đẹp của hồ Tây.

Quả nhiên nơi dành cho tôi hết sức tiện nghi gồm mấy phòng rất rộng rãi, tôi ấm lòng nghĩ rằng đó cũng là tình của người trong nước đối với tôi và cám ơn Ban tổ chức. Tuy tôi là người Việt nhưng cũng vẫn phải có một người thông dịch riêng – một người Pháp biết tiếng Việt – để được hướng dẫn việc đi đứng di chuyển và chương trình làm việc hàng ngày.

Có một chuyện đặc biệt làm tôi rất cảm động trong bữa dự tiệc chiêu đãi tại Phủ chủ tịch Nhà nước Việt Nam. Chờ quan khách tiến vào hết bên trong, tôi và anh Trịnh Xuân Thuận đứng lại trên tấm thảm đỏ trải dài phía bên ngoài và nói với nhau: “Mấy thuở mình được đi vào Phủ chủ tịch trên thảm đỏ, anh chụp tôi một tấm hình, tôi chụp anh một tấm để kỷ niệm”. Vào Phủ chủ tịch rồi thì phái đoàn chia ra hai bên Pháp và Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch nước, từ bên phái đoàn Việt Nam bước qua bên phía phái đoàn Pháp để bắt tay tôi. Tôi cúi chào và đưa chị trở về phía đoàn Việt Nam, chị Bình đưa tôi đến giới thiệu với Chủ tịch Lê Đức Anh:

– Đây là anh Trần Văn Khê, mặc dầu ở trong phái đoàn Pháp nhưng anh mang quốc tịch Việt Nam và đã về nước làm việc nhiều lần.

Ông chủ tịch trả lời:

– Tôi có biết và đã nghe nói nhiều về anh Khê.

Bỗng nhiên tôi đứng trong phái đoàn Pháp mà không ở yên như người ta, đi qua đi lại chào hỏi nhiều người, kể ra cũng trái với qui định vì trong những nghi lễ đón tiếp chánh thức, ai được sắp ở đâu phải ở yên nơi đó chớ không được di chuyển. Nhưng may mắn mọi người đều thông cảm mà không có ý kiến phiền hà gì tôi.

Khi vô Sài Gòn cũng vậy, tôi ngồi phía bên phái đoàn Pháp, rất nhiều bạn bè tôi ngồi đối diện phía phái đoàn Việt Nam. Tại miền Nam phái đoàn được sắp xếp ở tại khách sạn Rex, tất cả các nhân viên tại đây đều mặc quốc phục trong thời gian tiếp phái đoàn.

Đêm đầu tiên Tổng thống Mitterand muốn dùng cơm tại nhà hàng của chị luật sư Nguyễn Phước Đại ở đường Nguyễn Du. Người nào không tháp tùng theo tổng thống thì lên lầu thượng khách sạn Rex dùng bữa tiệc gồm các món ăn truyền thống Việt Nam. Tôi vẫn thường xuyên ghé ăn ở nhà hàng của chị Nguyễn Phước Đại, đi với bạn bè hoặc do chính chị mời riêng nên hôm đó tôi ở lại khách sạn, được ăn tối ngoài trời trên sân thượng với những thức ăn dân tộc đặc sắc như chạo tôm, chả giò, bì cuốn, gỏi cuốn, tất cả đều rất ngon.

Hôm tổng thống Mitterand cùng phái đoàn Pháp đi bộ dọc con đường Nguyễn Huệ, đông đảo người dân thành phố tụ tập niềm nở đón chào. Tôi cũng đi lẫn trong phái đoàn, bỗng nhiên nghe có người kêu: “Chú Hai! Chú Hai!”. Tôi quay lại thì thấy cháu Minh Quyên, con của người anh họ tôi là Đặng Minh Trứ đang đứng bên lề đường nhìn thấy tôi rối rít gọi rồi chạy lại chào. Đi thêm một đoạn lại nghe kêu: “Thầy ơi! Thầy ơi!”, thì ra là Michiko, cô sinh viên Nhựt Bổn làm luận án cao học về ca khúc của Trịnh Công Sơn bên Pháp, chạy tới chào tôi. Chung quanh tôi là vô số những cánh tay đưa ra mong được có dịp một lần bắt tay chào mừng Tổng thống Mittérrand.

Chuyến công du diễn tiến tốt đẹp và vui vẻ trong suốt chuyến đi. Ngày trở về gặp lúc tiết trời Paris lạnh buốt thấu xương. Máy bay cũng hạ cánh ngay bên cạnh tòa nhà riêng như hồi đi. Mặc dầu đã rất khuya nhưng Tổng thống Mitterand vẫn lịch sự đứng ngay tại cửa dinh bắt tay từng người chào từ biệt: “Cám ơn ông đã đi theo chuyến công du của tôi. Xin chúc ông nhiều sức khỏe”, giống như một người chủ nhà nồng hậu ân cần từ giã khách.

Những ngày sau đó tôi được mời lên phủ tổng thống gặp hai người cố vấn đặc biệt của tổng thống. Họ cho biết:

– Chúng tôi mời tất cả khách đi trong chuyến công du vừa qua vui lòng ghi lại cảm tưởng và trả lời một số câu hỏi để góp ý kiến giúp nhà nước hình thành một chánh sách đối với Việt Nam thiết thực và có hiệu quả hơn.

Những câu hỏi dành cho tôi là về lãnh vực văn hóa. Tôi viết một báo cáo ngắn gọn trong đó đưa ra vấn đề cấp học bổng cho người Việt Nam, đề xuất những hoạt động về mặt âm nhạc, về trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Đây quả là một trong những chuyến đi mà tôi không chờ đợi nhưng mang lại nhiều thú vị nhứt. Không hiểu do cơ duyên nào mà tôi được tham dự một chuyến công du đến chính đất nước Việt Nam của mình, thật là một giấc mơ đẹp trong cuộc đời!

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành) **********

Kỳ 11: Nói chuyện trên đất Mỹ

GS TRẦN VĂN KHÊ